Friday, November 8, 2019

Phút nhìn lại mình

Song Lam


Nói về mình đã khó rồi, viết về mình lại khó gấp cả chục lần. Người đời thường khắc nghiệt với người khác, nhưng lại rất bao dung với chính mình. Tôi chắc cũng không ngoại lệ.

Chưa biết phải bắt đầu từ đâu để nói về cá nhân mình, tôi đã thấy rung tay trên keyboard. Từ rất lâu, ngạn ngữ Pháp đã từng nói “Cái tôi rất đáng ghét”. Và cũng từ đất nước ngàn đời hoa lệ này, một danh nhân đã nói “Tôi suy nghĩ, vậy có tôi - (Je pense, donc je suis)”. Vậy tôi là ai, tại sao lại đến chốn này?


Trong tác phẩm nổi tiếng Thềm Hoang của nhà văn Nhật Tiến tôi đã đọc từ thời còn trên ghế nhà trường, nhân vật chính đã thốt lên hai câu làm tan nát hàng triệu trái tim người đọc :

“Ai đưa tôi đến chốn này ?
Ban đêm thì tối, ban ngày thì đen !”

Vì nhân vật này bị mù, nên cuộc đời hoàn toàn đen tối. Tôi may mắn hơn nhân vật này hàng ngàn lần vì tôi vừa sáng mắt, lại vừa lưu trú ở đất nước văn minh, tự do nhất thế giới này. Nước Mỹ đã giữ gìn, và tạo cơ hội tốt nhất cho gia đình tôi, phút chốc đã gần ba mươi năm.

Vậy thì, tôi xin được bắt đầu từ lúc tôi, và gia đình đặt chân lên đất nước Hoa Kỳ bao dung này. “Đoạn đường chiến binh” trước đó, sau 1975, tôi muốn quên đi dù trong giấc ngủ mơ màng, đôi lúc tôi cũng thoáng chốc miên-man nỗi nhớ.

Bây giờ, tôi đã bước qua tuổi bẩy mươi, mọi thứ ước mơ  xin sẵn sàng dừng lại. Tôi là người sung sướng, hạnh phúc hơn hàng triệu người trên thế giới này dù cuộc sống đời thường không giàu có, không địa vị xã hội nào khác. Tôi hơn hẵn người đói rét lầm than, ốm đau bệnh tật ở quê nhà mà. Khi nghĩ đến họ, tôi thấy lòng rưng rưng muốn khóc. Những biệt phủ nguy nga, những buiding chọc trời mọc lên như nấm trong cả nước từ Bắc vào Nam không phải là sự tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, không phải là đời sống dân mình được nâng cao đâu, mà đó là sự dẫm đạp, xô đuổi, cướp giật từ tay kẻ có quyền thế. Sau lưng những thứ sang cả phù phiếm giả tạo đó là nước mắt, là đói khát, là nỗi cơ cực khốn cùng của dân nghèo thấp cổ, bé miệng. Họ đang sống trong nỗi chết, nơi “bùn lầy, nước đọng”, nơi tận cùng của khổ đau !

Tôi là một phụ nữ ít giống ai, từ khi còn trẻ, rất trẻ. Tôi không có nét e ấp, dịu dàng, lượt là của người con gái mới lớn. Trái lại, tôi có vẻ ngổ-ngáo, ngang tang mà bây giờ chúng ta gọi là dáng vẻ Tomboy. Là người Sài Gòn 100%, nhưng tôi không biết nhiều về chốn ăn chơi giải trí cũng như rất giới hạn về sự giao hảo với bạn bè cùng lứa tuổi với mình. Gia đình ba má tôi nghèo đông con, chúng tôi được đi học là may mắn lắm rồi. Được đến trường là bonus của cha mẹ, và việc này cũng là kỳ vọng của họ. Ba tôi là người đàn ông ít học, thủ cựu, nhưng ông có cái nhìn xa về tương lai của bầy con.

Lúc này, khi tôi vừa lớn mười lăm, mười sáu tuổi chiến tranh Nam Bắc bắt đầu nở rộ với sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ. Người lính viễn chinh mang đến cho Sài Gòn bộ mặt mới, và biết bao gia đình người Việt làm giàu mau chóng nhờ vào những dịch vụ có liên quan với lính Mỹ. Người ta đổ xô tìm việc làm ở P.X (nơi bán hàng hóa cho quân đội Hoa Kỳ), làm tiếp viên quán rượu, làm sở Mỹ, v.v...

Ba tôi nghiêm cấm các chị tôi không được léo hánh đến những chốn đó. Con đường Trịnh Minh Thế / Q4 chạy ngang qua Cảng Saigon là nơi tập trung nhiều nhất những snack bar, tức quán rượu bán cho Mỹ về đêm. Cứ sáu, bảy giờ tối hai bên con đường lập lòe ánh đèn mầu xanh, đỏ, tím, vàng... nhức mắt, và đông kìn kịt lính Mỹ, và chiêu đãi viên gái Việt. Vì thế, sau khi miền Nam mất, nạn con lai trùng điệp được mua bán, trao đổi bằng tiền để người giàu có mong có cái ticket đi Mỹ.

Khi rời Sài Gòn theo chồng, mang theo hai đứa con gái sang Mỹ theo diện H.O, tôi bỏ lại sau lưng Saigon tan-tác vì cơm áo gạo tiền, bỏ lại nỗi sợ hãi chưa tan biến hẵn sau gần mười năm lao tù của chồng tôi. Đi. Phải đi. Đi đến một nơi xa lạ, chưa biết cuộc sống thế nào, chỉ có một điều tôi biết rõ đó là sự vượt thoát duy nhất đúng.

Chúng tôi đến New York vào tháng 02/1992 khi đợt tuyết đậm còn in dấu hai bên đường từ phi trường John F. Kennedy về Brooklyn, nhà của người em bạn dì với nhà tôi. Lúc đó những thành phố lớn như New York, Santa Ana, San Diego rất hạn chế nhận người tị nạn như chúng tôi. Nếu không có người bảo trợ (sponsor) chính phủ Mỹ sẽ gửi chúng tôi đến miền xa xôi hẻo lánh hơn, hay những nơi có hội từ thiện của Thiên Chúa Giáo, hay Tin Lành, v.v...

Lúc đó, gia đình chúng tôi như mán về rừng, như chim gãy cánh giữa đất trời mênh mông của thành phố triệu ánh đèn đêm New York City. Những tuần lễ đầu thật buồn, ra công viên ngồi ngắm trời đất bơ-vơ, ngóng về nơi xa xôi có gia đình, có anh chị em, có con cháu liu-chiu, lít chít, và nghĩ rằng chắc không bao giờ sẽ trở lại Việt nam.

Như vậy, New York là homeland đầu tiên của chúng tôi ở Mỹ, vì gia đình tôi “lưu lạc giang hồ” nhiều tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Bây giờ trong tâm trí tôi vẫn còn vang vọng tiếng leng-keng của chiếc xe bán kem những chiều hè rực rỡ nắng ấm. Và, không có nỗi nhớ nào cho bằng nỗi nhớ nhà. Các bạn trẻ sẽ nói với tôi rằng nhớ người mình yêu mới tha thiết, day dứt hơn chăng ? Tôi thường hay chơi chữ : Người yêu, hay yêu người;  người tình, hay tình người, và tôi chọn cách thứ hai.

Bà già hơn bảy mươi tuổi như tôi còn nói chuyện tình yêu trai gái nghe quá kỳ, nhưng “Why not ? (Tại sao không chứ ?). Tôi cũng có một tình yêu tuổi trẻ khi tuổi mười tám, hai mươi như bao người, nhưng đôi mắt tôi rộng mở khi đi vào đường tình-ái đó. Tôi coi sự nghiệp, việc học của tôi nặng hơn, vì tôi muốn đền đáp ước muốn của Ba tôi, người nông dân nghèo khổ nuôi con bằng sức lao động vất vả của mình, muốn các con có một tương lai tươi sáng.

Tiếc là Ba tôi đã qua đời ở tuổi sáu mươi ba (1980) khi Saigon còn chông chênh đói khát, và chúng tôi chưa vượt thoát được sự úp chụp khó vùng vẫy của sự nghèo khó, của cơm áo đời thường, của bất công giữa hai làn ranh chính trị bên này, và bên kia.
Cô em út đã nói với tôi :
- Ba đã giúp chúng ta đổi thay giai cấp !
Và rõ ràng là anh em chúng tôi đã là những trí thức Sài Gòn dù sau 1975, bị “bên thắng cuộc” dìm xuống đáy vực.

Bây giờ, lúc cà phê một mình, hay có lúc uống rượu một mình, tôi thấy được chính mình : Dù ba mươi năm qua ở Mỹ, tôi không làm nên vương tướng gì, nhưng ít nhiều cũng giúp con cháu vươn lên bằng chính tình thương yêu đích thực của mình.

Đến Mỹ, tôi bỏ lai Sài Gòn với hai mươi hai năm theo nghề dạy học. Tôi chỉ có niềm vui với học sinh trong năm năm đầu tiên, còn mười bảy năm sau, tôi chỉ là thợ dạy, là cần câu cơm, chịu nhục nhằn để giữ cái hộ khẩu Sài Gòn cho chồng về lại nhà từ trại tù ở biên giới Việt Trung.

Cuộc hôn nhân của hai chúng tôi mới đó đã có bốn mươi lăm năm vợ chồng do tình cờ mà gặp gỡ. Tôi lại nhớ đến câu ca dao :

“Tình cờ mà gặp nhau đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng”

Chúng tôi không có sự hẹn hò chiều thứ Bảy, không cùng nhau xem ciné, và không có cảnh lãng mạn “hái hoa rừng tặng em” như bài nhạc nói về người lính với bạn gái hậu phương.

Đám cưới chộn rộn 12/1974, tháng 4/1975 “sập dù”; tháng Sáu anh chồng nhà binh lính kiểng của tôi phụ trách IBM lại bị cán bộ rừng suy diễn “IBM hay FBI cũng là nó, Mỹ hay viết tắt lắm, thằng này tội rất nặng với nhân dân”.

Và rồi gần mười năm, khập khiểng, rách rưới anh lính kiểng trở về nhà. Sau mười năm chợ trời kiếm sống, chúng tôi rời Việt nam, với bản IOM dán trên ngực áo.

Quí độc giả nghĩ dùm tôi việc này : Qua Mỹ ở tuổi hơn bốn mươi, có bằng Cử Nhân Văn Chương Việt Nam, tôi có thể làm được gì nếu không trở lại đại học ? Tôi tự trách mình suốt gần ba mươi năm qua vì thiếu nghị lực.

Nhà tôi có gần mười năm tù tội ở rừng thiêng nước độc, thêm mười năm dãi dầu mưa nắng chợ trời, anh ta lúc đó sức khỏe suy sụp, bịnh rề rề, có đủ ba cao, một thấp, thêm hai đứa con tuổi còn nhỏ, ai lo cơm áo cho tôi trở lại trường đại học đây ?

Chúng tôi lao ra làm đủ thứ nghề để trả tiền rent, tiền biu bọng... đủ thứ, vì tiền trợ cấp ban đầu (tiền hưởng welfare) cho bốn người chưa tới một ngàn dollar, tiền mướn nhà đứt đuôi sáu trăm dollars/tháng, Sáu trăm dollars tiền mướn nhà có giá trị một cây rưỡi vàng (vàng lúc đó bốn trăm/lượng)
Lưu lạc giang hồ qua nhiều tiểu bang miền Đông Bắc, bây giờ chúng tôi về hưu ở New Jersey, căn nhà single house nhỏ do con gái mua cho để dưỡng già, tôi thấy thuyền sắp ra cửa biển. Nhà tôi đã về hưu, riêng tôi còn vớt vát cái partime-job ở công ty cũ dù về hưu đã năm năm rồi.    

Nói về mình bây giờ, thực lòng tôi không còn ước ao gì thêm nữa. Nắng sẽ tắt, và hoàng hôn sẽ về. Tôi sẽ phải cám ơn cuộc đời này đã cho tôi nhiều thứ : các con cháu đã trưởng thành, đã có được American dreams của chúng nó rồi. Đó là niềm ước mơ của các bậc cha mẹ khi đem con đến xứ này, sá gì thân phận mình phải cúi xuống mà đi ? Điều tự hào của vợ chồng tôi là con cháu đã tốt nghiệp ở các Đại học danh tiếng ở vùng này như Yale, Harvard, Columbia, và một cháu trai tiếp tục con đường binh nghiệp của cha chú thời trước.

Chúng ta đang ở giữa mùa Thu hoa Cúc. Ở đây gió lạnh mưa nhiều. Có đêm nhiệt độ xuống 45o. Rồi sẽ có 0o, hoặc -5o, -10oF trong mùa Đông gần kề.

Thỉnh thoảng, trong giới bè bạn, bằng hữu trên bảy mươi như chúng tôi, vài người lẳng lặng “đi xa”, tôi chạnh lòng thầm nhủ : ”Sắp hàng lên tàu rồi đây”. Các bạn có nhớ bài hát Tàu Đêm Năm Cũ của cố nhạc sĩ Trúc Phương ? - “… Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời…”. Chắc tôi phải sửa lời một chút “… thôi tiếc thương chi khi biết người lìa xa cuộc đời…”. Và, đây là chân dung tôi. Tôi là người phụ nữ “bất tài vô tướng”. Người đời thường nói “được này mất kia”, tôi mất hết không được gì. Tôi trách mình nhiều, vì không thể khá hơn, giỏi giang hơn.

Năm mươi năm cuộc đời dâu biển, kể từ khi tôi tuổi hai mươi với bao mộng ước trong lòng, và bốn mươi lăm năm trong hôn nhân chồng vợ với bao nhiêu là sóng gió gập ghềnh; đôi chân rã rời mỏi mệt, có phải chăng bây giờ là khoảng thời gian dừng bước nghỉ ngơi? Và, tôi dừng lại ở đây rồi. Tôi sẽ buông bỏ hết mọi lo toan, buông bỏ hết cầu danh, cầu lợi. Đâu còn bao nhiêu ngày để anh em, vợ chồng, con cháu có nhau ?

Tôi muốn mượn trang viết này để cảm ơn những bàn tay đưa ra cho chúng tôi nắm chặt để bước thêm một bước trong cuộc sống ở Mỹ này. Đó là vợ chồng H.P, vợ chồng H.N ở New York City đã ân cần thương yêu giúp đỡ gia đình “lính kiểng” khi đặt chân tới xứ người.

Tôi cám ơn cuộc đời này đã cho tôi nhiều may mắn hơn các bạn trẻ quanh tôi, dù ai cũng có nỗi niềm. Cô bạn trẻ ở Arkansas đang trở bệnh ung thư xương, một cô khác ở Victorville-CA đang bay sang Thụy Sĩ thăm đứa con thương tật từ nhà tù với cô hơn bốn mươi năm trước. Tôi cũng đang nghĩ về những người bạn lớn tuổi hơn mình đang chống chọi với Stroke ở Rehab, hay ở bệnh viện. Tôi cầu nguyện cho các bạn – ước mong quí anh, các em vượt qua được phút gian nguy.

Năm nay, tôi kịp nhận ra mình đã già, đã thật sự già, khó lòng chối cãi. Mùa Đông sẽ đến gần, rất cận kề với tuyết rơi trắng trời, tôi sẽ loạng choạng bước đi. Ánh trăng sau vườn sẽ cô đơn, và lạnh giá hơn bao giờ hết!

Tạ ơn Trời, Phật tôi còn được bữa cơm ngon, còn được giấc ngủ ấm trong khi còn biết bao con người đang đói lạnh ngoài kia. Buông bỏ hết rồi, tôi chỉ giữ lại cho mình sự ân cần cố hữu, và tình yêu thương rộng lớn với gia đình, con cháu, bè bạn xa gần.

Hơn hết, và trên tất cả mọi thứ, tôi chỉ sẽ giữ lại cho mình Tình Người nồng ấm mà lúc nào cũng thường trực trong tôi.

Song Lam
Cherry Hill, NJ. - Tháng 10/2019
(vietbao.com/vvnm)

No comments:

Post a Comment