Sunday, January 26, 2020

Chương trình điều trị cuối đời (hospice program) là gì?

 CHU TẤT TIẾN




Rất nhiều người Việt, khi nghe nói đến chương trình Hospice là vội vã từ chối, có người còn tức giận, vì cho rằng mang điềm gở đến cho gia đình. “Còn nước, còn tát”, đó là câu ngoài cửa miệng của một số người kiên trì điều trị cho người thân của mình, bất chấp những kết quả xét nghiệm y khoa của bệnh viện, hay của bác sĩ gia đình, cho rằng người bệnh đã đi vào giai đoạn chót của cuộc đời.


Thật ra, nước Mỹ là một nước văn minh hàng đầu thế giới về y khoa, chỉ có vấn đề tài chánh phải trang trải cho y khoa là một vấn nạn, khó giải quyết. Chính phủ đã đặt ra nhiều chương trình săn sóc đặc biệt cho các bệnh nhân “đủ tiêu chuẩn,” có nghĩa là tùy theo khả năng tài chánh của người bệnh, mà được đãi ngộ thích hợp, nhưng nếu người bệnh hoàn toàn không có khả năng tài chánh, thì lại được ngành y tế chăm sóc kỹ lưỡng, thí dụ như chương trình Medicaid (Medical), là chương trình điều trị khá tốt mà những người có lợi tức kém cỏi được nhận.
.
Chương trình Điều Trị Cuối Đời (Hospice) là một trong số các chương trình trợ cấp đặc biệt của chính phủ, được thành lập để săn sóc cho bệnh nhân khi các phương thức chữa trị đã không còn hiệu nghiệm và thời gian còn lại của bệnh nhân được chẩn đoán là không quá 6 tháng. Các dịch vụ này được tổ chức qua một đội ngũ làm việc trực tiếp trong các lãnh vực y tế nhằm cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cũng như tạo sự thoải mái cho bệnh nhân và gia đình trong những ngày cuối của chuyến tầu định mệnh.

Nói một cách vắn tắt: Nhiệm vụ của chương trình Hospice là cung cấp môt chương trình phục vụ cho từng cá nhân về thể chất, tinh thần, tín ngưỡng, và những săn sóc thực tế cho những cá nhân mà sự sống đã bị giới hạn. Theo sự dẫn giải của chương trình thì Hospice cung cấp một cơ hội thăng tiến cho bệnh nhân để duy trì sự tôn trọng và độc lập như họ xứng đáng được nhận, với sự trợ giúp và tham dự của hệ thống giúp đỡ này. Mục tiêu của Hospice là “thăng hoa giá trị của đời sống cho bệnh nhân và gia đình, trong khi cố gắng cung cấp tối đa sự hỗ trợ trong những ngày cuối đời của bệnh nhân.”


Chương trình điều trị bắt đầu như thế nào?

Chương trình được bắt đầu ngay khi có sự giới thiệu. Bất cứ người nào cũng có thể giới thiệu bằng cách gọi một trong các chương trình Hospice được quảng cáo trên báo chí, hoặc có thể hỏi trực tiếp Bác Sĩ và các Y Tá phục vụ tại Bệnh Viện. Ngay cả bệnh nhân cũng có thể tự giới thiệu mình và đòi hỏi có ngay một sự giám định xem có đủ tư cách để tham gia chương trình này hay không?
Sau khi liên lạc, một đại diện của chương trình sẽ tìm đến bác sĩ trực tiếp chữa trị để được sự thỏa thuận rồi đến thăm bệnh nhân ngay và trình bầy mọi yếu tố liên quan đến chương trình trong vòng 48 giờ. Sự thăm viếng này phải thích hợp với thời khóa biểu của bệnh nhân cũng như của người săn sóc gia đình bệnh nhân.


Sau đó, chương trình điều trị cuối đời sẽ bắt đầu trong vòng 1, 2 ngày, tuy nhiên, nếu bệnh nhân chọn lựa để thực hiện chương trình sớm hơn, thì người y tá của chương trình sẽ dàn xếp cho chương trình bắt đầu sớm hơn. Khi chương trình bắt đầu, thì bệnh nhân sẽ được săn sóc bởi bởi các chuyên viên và những thiện nguyện viên kết hợp thành môt toán để hỗ trợ và giúp cho bệnh nhân và gia đình những nhu cầu cấp thiết một khi đời sống của bệnh nhân đang dần xa lìa thế giới. Hệ thống này gồm có:
(Vòng ngoài): Bác Sĩ Giám Đốc Chương Trình, Bác Sĩ Phụ Trách, Người săn sóc tại gia, Các Tuyên Úy/Mục Sư, Dược Sĩ, Thiện Nguyện Viên, Cán Sự Xã Hội, Y Tá Chuyên Môn.
(Vòng giữa): Gia Đình, Người Cung Cấp Sự Chăm Sóc.
(Vòng trong): Bệnh Nhân.
Thường thường, đội ngũ săn sóc bệnh nhân cuối đời sẽ gồm những bác sĩ đa khoa nhiệt tình, y tá tài giỏi có bằng cấp, những người phụ tá săn sóc tại gia đã được công chứng, cán sự xã hội, những tuyên úy, và những thiện nguyện viên để bảo đảm rằng các bệnh nhân được được săn sóc với những điều kiện cực tốt.

Những dịch vụ

- Những dịch vụ săn sóc cuối đời có thể đặt ở tại gia hoặc không ở nhà mà tại các cơ sở liên hệ, 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần.
- Các y tá chuyên nghiệp về việc săn sóc cuối đời và các y sĩ có khả năng vượt bậc về sự chẩn đoán và điều trị các cơn đau.

.
- Giáo dục và huấn luyện những người săn sóc trong khi cung cấp những bàn tay chăm sóc.
- Các dịch vụ và cố vấn về tâm lý và những cảm xúc của bệnh nhân.
- Các dịch vụ và cố vấn về tang lễ và cầu nguyện theo tín ngưỡng.
- Những phụ tá săn sóc cá nhân và các việc làm ở nhà.
- Những thiện nguyện viên được huấn luyện để cung cấp tình bạn, phụ tá và hỗ trợ.
- Sự nghỉ ngơi cho gia đình cũng như cho người săn sóc bệnh nhân.
- Phối hợp về cung cấp thuốc men và các dụng cụ y khoa.
- Ký kết với các nhà thuốc tây.


Ai sẽ trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc cuối đời?

-Chương trình này được bảo vệ trọn vẹn bởi Medicare và Medical/Medicaid. Ngoài ra, hầu hết các tổ chức Bảo Vệ Sức Khỏe (HMO) và các hãng bảo hiểm sức khỏe cũng sẽ thanh thoán cho những chi phí của dịch vụ chăm sóc người cuối đời.

Vì thế, chương trình Điều Trị Cuối Đời (Hospice) là chương trình cần thiết cho tất cả mọi người, không nên vì kiêng cữ, hay tin tưởng dị đoan, sai lạc mà bỏ qua việc thụ hưởng những quyền lợi của chương trình này. Tuy nhiên, vì có nhiều tổ chức Hospice do người Mỹ, người Mỹ gốc Việt, gốc Phi Luật Tân, gốc Mễ điều hành, nên gia đình cần thận trọng tìm hiểu từng tổ chức, qua những người đã từng tham gia vào chương trình này để biết tổ chức nào tốt nhất mà tham gia. Thường thường thì tổ chức do người Mỹ gốc Việt điều hành thì dễ dàng cho những gia đình kém Anh ngữ, còn những tổ chức do người Mỹ, người Mỹ gốc Phi hay gốc Mễ điều hành, thì có thể sẽ gặp trở ngại trong việc giao tiếp, nhưng không nên vì thế mà từ chối tất cả những tổ chức không phải do người Việt điều hành.

(Chu Tất Tiến, Cựu Cán Sự Xã Hội)

___________________________

No comments:

Post a Comment