Saturday, January 25, 2020

TẤT BẬT NGÀY CẬN TẾT

Đinh Tấn Khương



Hôm nay, ngày 30 tết hầu hết mọi người trong nước cũng như ở hải ngoại đều tất bật để hoàn tất việc mua sắm và chuẩn bị cho những ngày đầu xuân. Thiệt cũng lạ, hổng biết tại sao người ta cứ gọi ngày 30 tháng chạp là “ngày 30 tết”. Có lẽ nên gọi là “ngày tất niên” hay là “ngày cuối năm” thì nghe có phần hợp lý hơn chăng? Thôi thì, ai muốn gọi sao cũng được, miễn là nghe có hơi hướm của tết là được rồi.
Nhớ lại thời niên thiếu của mình, những ngày cuối năm là những ngày tất bật nhất. Mẹ tôi gần như phải thức thâu đêm để làm đủ mọi thứ bánh mức chuẩn bị cho ngày tết, Nào là mức gừng, mức bí, mức dừa, mức me, mức chanh và làm cả bánh bò, bánh thuẫn, bánh in, bánh ít lá gai, bánh tét, bánh chưng cũng như làm nem chua, giò thủ, gói bì, tai heo ngâm nước mắm, củ kiệu, cà rốt và củ cải trắng ngâm chua ngọt, thịt kho hột vịt… ôi thôi đủ mọi thứ!
Riêng phần tôi thì cũng phải mệt mỏi theo cái tất bật đó của mẹ mình trong mấy ngày trước tết. Bữa nào làm thành công, thấy mẹ vui thì tôi được vui theo. Bữa nào “tác phẩm” của mẹ thua sút tác phẩm của những người thân quen thì mẹ lại buồn rười rượi, quyết phải làm lại cho đến khi đạt được như ý mới thôi. Tinh thần “thi đua” đó đã khiến cho mọi người, trong đó có tôi, mệt mỏi từ ttinh thần lẫn với thể xác. Đến ngày 30 thì sức của ai cũng đuối. Đuối, mà tôi còn phải hoàn tất công việc chùi bóng mấy bộ đèn và lư hương bằng đồng trên bàn thờ, lau bằng cát với những trái chanh tươi và me chua đập dập để lấy nước chớ đâu có phải là với dung dịch đánh bóng như thời nay. Mà ngày đó cũng không có bao tay như bây giờ. Chùi bóng xong  thì mấy cái móng tay đen thùi lùi và hai tay thì muốn xụi lơ, đau mỏi suốt mấy ngày liền. Có lẽ do sức trẻ nên chóng hồi phục, rồi niềm vui trong mấy ngày tết cũng khiến mình dễ quên những khó nhọc trước đó?
Bây giờ, nhớ lại những ngày cận tết đó mà thấy “oải” kinh khủng. Không biết mọi người chuẩn bị tết “kiểu như vậy” để được gì, Nhà nào cũng có đủ thứ bánh mức, đem ra mời khách mà có thấy ai muốn ăn đâu. Mấy đứa con nít thì chỉ thích và được cho ăn bánh, còn các thứ mức thì gần như để làm kiểu và  để  khoe tài với nhau mà thôi. Có lẽ là muốn cho người ta khen ngợi một phần về “công-dung-ngôn-hạnh” của  người phụ nữ  truyền thống? Cái truyền thống cột chặc người phụ nữ Á châu mình, chỉ biết lẩn quẩn trong nhà để đàn ông trở thành những vị “hoàng đế tại gia”!
Nhớ lại những năm trước đây, dù ở xứ người nhưng thường được nhắc nhở cho nhau nghe là phải giữ gìn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Là nên dạy con gái của mình phải biết nấu ăn, phụ giúp những công việc bếp núc và lau dọn nhà cửa…để mai kia về nhà chồng khỏi bị khinh khi!
Bản thân tôi không dám có ý trái chiều  nhưng cũng nhận thấy lời khuyên ấy khó thực hiện cho con gái mình. Vì lúc đó cháu vừa đi học vừa làm thêm hai jobs: phụ bán tiệm thuốc tây vào hai ngày cuối tuân và phụ bán  ở cửa hàng David Jones vào ban đêm. Thấy cháu mệt mỏi  quá , có khuyên cháu là không nên làm thệm, nói rằng  ba mẹ cũng có đủ tiền để giúp nếu con cần đến nhưng cháu nhất định không chịu nghe, cho nên vợ chồng mình cũng muốn thả lỏng cho cháu. Chuyện tương lai tính sau!
Vợ mình thì có vẻ lo lắng nhưng mình thì lại có ý nghĩ khác chiều. Nghĩ, chẳng lẽ phải dạy con gái mình trở thành “osin” cho chồng nó hay sao, thời nay ở Việt Nam cũng đã thay đổi khá nhiều về quan điểm sống huống hồ chi là ở xứ người. Cũng may, từ khi đi làm xa cháu đã biết tự nấu ăn, biết dọn dẹp nhà cửa chu đáo mà không cần sự dạy dỗ từ người mẹ (vì không tự làm thì ai vào đây mà làm cho!).
Quay lại chuyện ngày 30 tết, những năm trước đây chúng tôi vẫn phải làm việc cho đến hết ngày 30 tết. Cũng nhờ mọi người lo sắm tết cho  nên quên cả bệnh vì thế cũng tranh thủ để về sớm mà lo thủ tục cúng rước Ông Bà. Nhiều lần, vừa mới cúng rước xong thì cũng lại tới giờ cúng giao thừa!
May mắn là năm nay, 30 tết nhằm vào ngày nghỉ trong tuần cho nên có được nhiều thì giờ, sáng sớm lên thăm mộ mẹ rồi về sửa soạn cúng rước, cảm thấy thoải mái hơn mọi năm rất nhiều. Hứa rằng, những năm tới, ngày 30 tết là phải nghỉ, sức khỏe bây giờ không còn cho phép  “tất bật” như ngày xa xưa nữa. Vợ nghe nói là “duyệt” liền!
Phải nhìn nhận rằng, những ngày cuối năm của tây và của ta có nhiều khác biệt. Cuối năm, các cửa hàng của tây thì hạ giá rất nhiều sản phẩm giúp cho mọi người ăn tết thoải mái, còn cửa hàng của ta thì chém thẳng tay, nhất là ngày 30 tết mà hút hàng thì giá tăng cao chóng mặt, khiến nhiều người ăn tết mất vui. Những ngày trước tết thì tây lo chuẩn bị cho chuyến đi xa vui vầy với gia đình trong những ngày đầu năm. Còn ta thì tất bật, nhiều khi bị sức ép khiến cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi, sợ hơn là vui với mấy ngày tết.
Có người xa xứ muốn về vui tết quê nhà với gia đình  mà không dám về. Hỏi, thì cho biết là có quá nhiều cháu chắt cho nên sợ chuyện “lì xì mừng tuổi”. Có lần về, lì xì mỗi cháu tờ hai trăm ngàn đồng mà bị chê là ít khiến hết vui. Thế là những năm sau, đành gởi mẹ bài hát “xuân nầy con không về”!
Có người bảo rằng, nếu có được một lời ước thì xin được ước rằng: “ cho tôi được chết trong mấy ngày cận tết và được sống lại vào những ngày sau tết để khỏi mệt mỏi”. Như vậy thì ngày tết và những ngày trước tết quả thật là những ngày đáng sợ cho một số người?
Dẫu sao thì  chúng ta cũng không thể và không nên quên truyền thống Tết, đã được lưu truyền từ nhiều ngàn năm qua. Nhưng tùy hoàn cảnh mà gói gọn sao cho thích hợp để không làm kém vui trong những ngày mở đầu cho một năm mới.
Sydney, Giao thừa xuân Canh Tý 2020
đinh tấn khương
____________________________________

No comments:

Post a Comment