Saturday, October 8, 2022

Chuyện ma Nhật bản


Chuyện những hồn ma – người Nhật gọi là yurei - (Trong tiếng Nhật, yurei có nghĩa là "ma", được dùng để chỉ linh hồn của người chết, họ không thể - hoặc không muốn - rũ bỏ sợi dây vướng bận với trần gian.)

Phát triển nhất vào thời Edo (1603-1868), khi người Nhật say mê những buổi kể chuyện thần bí gọi là Hyakumonogatari Kaidankai. Người chơi ngồi vòng tròn và thay phiên kể chuyện. Một trăm ngọn nến được thắp lên rồi dập tắt từng cái một sau khi mỗi câu chuyện kết thúc. 

Ánh sáng ngày càng mờ ảo. Để có thêm nhiều chuyện mà kể trong Hyakumotnogatari Kaidankai, người Nhật chăm chú nhìn vào mọi góc tối, đào bới từng hòn đá có vẻ khả nghi bị chôn vùi một nửa trong sân ngôi đền hoang, cũng như nài nỉ ông bà kể lại những câu chuyện cổ xưa đã mơ hồ nhớ nhớ quên quên

Có những chuyện rất rùng rợn và ly kỳ. Người tình đã chết trở về từ ngôi mộ. Cuộc diễu hành của những hồn ma trên đường xuống địa ngục. Những bàn tay ma quái,… Lần này, Kilala xin được giới thiệu đến quý độc giả vài câu chuyện ma tiêu biểu được nhiều người biết đến nhất ở Nhật Bản.

Hồn ma Oyuki

“Hồn ma của Oyuki” chính là bức tranh ma nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất Nhật Bản. Đây cũng là khuôn mẫu về “hình dạng của một hồn ma” trong tâm trí người Nhật. Thật ra, hình ảnh cô gái tóc đen, mặt trắng bệch với bộ kimono trắng đã có trong truyền thuyết, nhưng trong hình dạng này – đặc biệt là không chân – lại hiện hình dưới nét cọ của Maruyama Ōkyo.

Mặc dù câu chuyện nổi tiếng với tên gọi Hồn ma của Oyuki, nhưng tên gốc trong tiếng Nhật là “Yūreizu: Oyuki no Maboroshi (tạm dịch, Hình thù một Yurei: Hồn ma của Oyuki)”. Theo ghi chú trên một hộp thư tịch, có thể do người chủ sở hữu ngày trước tên là Shimizu chép lại, thì người họa sĩ trẻ có một tình nhân tên là Oyuki, một geisha trong nhà hàng Tominaga ở thành phố Ōtsu, tỉnh Ōmi (ngày nay là tỉnh Shiga). Oyuki chết trẻ, nhưng bản ghi chú không đề cập đến nguyên do cũng như thời điểm chết; và Ōkyo vô cùng thương tiếc cô ta.

Năm 1750, thời Edo, một đêm nọ Maruyama Ōkyo choàng tỉnh sau một giấc ngủ chập chờn và nhìn thấy một người phụ nữ lơ lửng dưới chân giường. Cô còn trẻ. Đẹp. Và xanh xao. Nước da tái nhợt khác thường lộ ra từ bộ kimono tẩm liệm trắng toát, lòng thòng. Tương phản với diện mạo trắng bệch đó là đôi mắt đen sâu hoắm đang nhìn chòng chọc cùng với mái tóc đen dài và rối bời xõa trên vai. Cô ta không có chân!!!

Hồn ma chỉ ở đó một lát rồi biến mất. Maruyama sau đó bật dậy khỏi giường và vẽ lại Oyuki chính xác như cô đã xuất hiện trước mặt ông.

Maruyama trước đó đã nổi tiếng là một họa sĩ theo chủ nghĩa tự nhiên thực thụ – nghĩa là nếu ông vẽ một cái gì đó, bạn có thể tin tưởng rằng ông đã từng thấy nó. Vì danh tiếng của ông nên khi Maruyama trưng bày bức tranh và kể lại câu chuyện thì người dân Nhật không hề phủ nhận rằng đó chính là hình dạng thật sự của một yurei. Và họ đã bày tỏ lòng tôn kính hình ảnh này kể từ ngày đó.


Mái tóc đen

Ở thủ đô có một samurai nghèo đang sinh sống thì bất ngờ được triệu tập để phục vụ một Lãnh chúa ở vùng đất xa xôi. Chàng hăng hái nhận lời đề nghị, ra đi bỏ rơi người vợ của mình và sống cùng người phụ nữ khác trong nhiều năm dài ở vùng đất mới

Khi trách nhiệm với vị Lãnh chúa đã hoàn thành, chàng samurai trở về thủ đô và bỗng thấy nhớ người vợ cũ. Đêm đó, chàng về đến ngôi nhà cũ nơi họ từng sống với nhau. Lúc đó là nửa đêm, ánh trăng thu lạnh lẽo soi rõ vằng vặc cả ngôi nhà. Cổng đã mở sẵn. Chàng samurai bước vào nhà và thấy người vợ đang ngồi lặng lẽ một mình.

Nhưng cô không tỏ thái độ tức giận hay oán trách người chồng đã bạc đãi mình, mà thay vào đó còn chúc mừng và chào đón chàng trở lại sau thời gian dài xa cách.

Chàng samurai nén xúc động và thề với vợ sẽ mãi mãi sống bên nhau, không bao giờ chia lìa. Hài lòng với vẻ mặt hạnh phúc của vợ, chàng ôm choàng lấy cô cho đến khi chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, chàng samurai bị đánh thức bởi ánh nắng ban mai tươi sáng phủ khắp ngôi nhà, còn hơn cả ánh trăng thu tối qua. Chàng nhìn lại mình và phát hiện thay vì ôm vợ thì mình đang ôm một cái xác khô, chỉ còn chút thịt dính vào bộ xương bọc trong mái tóc đen dài.

Chàng bật dậy và lao qua nhà hàng xóm:

"Chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ sống bên cạnh?"

"Cô ta bị người chồng bạc tình bỏ rơi, sau đó vì quá phiền muộn mà mắc bệnh và qua đời. Cô mới chết hồi mùa hè vừa qua. Vì không có người chăm sóc cũng như lo liệu đám tang, thi thể của cô vẫn còn nằm đó".


Đầu lâu biết nói

Câu chuyện có nguồn gốc khoảng năm 1.300 TCN. Ở tỉnh Nara có ngôi chùa tên Kanko-ji, là nơi tu hành của một nhà sư tên Doutou. Đến từ tỉnh Koma (phía bắc bán đảo Chosen ngày nay), Doutou nổi tiếng là một người có lòng từ bi và nhân hậu. Có lần, thấy du khách gặp khó khăn khi vượt sông Uji mà không có cầu, ông đã lấy tiền tiết kiệm của riêng mình để xây một cây cầu cho tất cả mọi người sử dụng. Hành động đó đã làm mọi người càng thêm kính trọng ông.

Ngày nọ, Doutou có việc phải đi qua thung lũng núi Nara cùng với đệ tử của mình là Manryo. Tình cờ, ông trông thấy một cái sọ người đang nằm lăn lóc ở bên đường. Hộp sọ dính đầy bùn đất và có vẻ không ít lần bị người qua đường đá phải. Chỉ còn đôi chút thịt dính vào xương sọ. Cảm thấy có lỗi với cái sọ người, Doutou quay lại nói với Manryo: "Hãy nhìn cái sọ đáng thương này, không biết của ai, chết rồi mà còn bị đá lăn lóc. Để bảo vệ nó khỏi hành vi đáng hổ thẹn này, việc ít nhất chúng ta có thể làm bây giờ là đặt nó trên một cái cây, tránh khỏi những bàn chân chà đạp".

Theo lời sư phụ, Manryo liền nhặt hộp sọ và đặt trên một cái cây cách xa con đường, che phủ bằng một số nhánh cây.

Chuyện xảy ra vào đêm cuối năm.

Ngay sau đó, một người đàn ông xuất hiện trước cổng chùa Kanko-ji, yêu cầu được vào bên trong.

"Chào thầy! Tôi mới từ trên núi xuống và rất mong diện kiến một người tên là Manryo. Thầy có thể vui lòng dẫn tôi ra mắt?".

Người đàn ông chào hỏi rất lịch sự và cư xử đúng mực, vì vậy người giữ cổng đã hướng dẫn ông ta đến gặp Manryo.

Mặc dù Manryo chưa bao giờ nhìn thấy người đàn ông trước đó, nhưng khuôn mặt của ông ta có một vẻ quen thuộc kỳ lạ. Đây là những gì người đàn ông nói: "Tôi là người mang ơn sâu sắc với thầy. Thầy đã làm cho tôi một nghĩa cử to lớn, bây giờ tôi muốn đáp trả lòng quảng đại của thầy. Mặc dù giờ đây tôi không mang theo gì cả, nhưng tôi cầu xin thầy hãy đến nhà tôi để tôi có thể trả ơn một cách đúng mức".

Mặc dù không hiểu gì cả nhưng vì lời thỉnh cầu quá ư chân thành và nhiệt tình, Manryo cảm thấy người đàn ông đang nói thật.

"Làm thế nào tôi có thể từ chối một yêu cầu tha thiết như vậy? Tôi sẽ đến nhà ông".

Vừa đến nhà người đàn ông, Manryo liền được chiêu đãi một bữa tiệc xa xỉ. "Xin thầy hãy tự nhiên dùng những món mà mình thích nhất! Hãy dùng nhiều vào thầy nhé!"

Người đàn ông vừa mời khách vừa bắt đầu ngốn ngấu nhiệt tình. Trong khi đó, Manryo vẫn tự hỏi mình đã làm gì để xứng đáng với phần thưởng như vậy. Nhưng khi chàng vừa đặt câu hỏi thì người đàn ông ngay lập tức né tránh bằng cách gắp thêm cho chàng những món ngon hơn. Món ăn dường như là vô tận.

Manryo, dù sao vẫn là một người còn trẻ tuổi, trước những thú vui trần tục, đã không thể cưỡng lại.

"Được rồi, tôi sẽ nghe lý do sau. Còn bây giờ, tôi sẽ tận hưởng bữa tiệc cùng ông".

Sau đó, Manryo cũng ngốn ngấu thức ăn nhiệt tình không kém người bạn bí ẩn. Trong đời chàng chưa bao giờ có dịp được nếm những món ăn ngon như vậy, và háo hức muốn thử tất cả. Trên bàn, dĩa rỗng xếp chồng cao như núi.

Cuối cùng, sự nhiệt tình cũng phải nhường chỗ, vì cơ thể Manryo không thể nhét thêm thức ăn. Trong khi ngồi thư giãn, chàng giật mình khi nhìn thấy vẻ bạo lực xuất hiện trên khuôn mặt người đàn ông.

"Manryo tôn kính! Anh trai tôi, người đã giết tôi, vừa đến! Không thể chần chừ, chúng ta phải chạy trốn ngay! Hãy đi với tôi!"

Nghe thế, Manryo giật bắn cả người:

"Cái gì? Chính xác là ông đang nói cái gì?"

Giọng run run, người đàn ông kể lại: "Nhiều năm trước, anh trai tôi và tôi cùng nhau hùn hạp làm ăn chung. Nhờ công việc xuôi chảy, tôi đã dành dụm được 18 ký vàng. Anh tôi chẳng những không tiết kiệm được gì mà còn cho rằng chỉ cần giết tôi là dễ dàng chiếm đoạt được 18 ký vàng. Thi thể tôi theo thời gian bắt đầu mục nát trong rừng, đến khi không còn gì ngoài hộp sọ. Người qua đường nếu có trông thấy tôi thì chỉ đá qua một bên cho tiện đường. Thật khủng khiếp! Nhưng sau đó, hơn cả mong đợi, thầy đã đến và cứu tôi khỏi bụi bẩn và đau khổ".

"Tôi nghĩ không biết phải làm thế nào mới đáp trả một cách xứng đáng nghĩa cử đó, vì vậy tối nay tôi đã đến chùa để mời thầy đến nhà tôi tham dự bữa tiệc này".

Manryo rất ngạc nhiên khi nghe lời thú nhận, vì nó quá khó tin. Nhưng dù đang hoảng loạn và rối bời, chàng cũng không hề muốn bị bắt giữ bởi người anh trai sát nhân. Chàng bật dậy để chạy trốn. Nhưng đã quá chậm, Manryo nghe thấy tiếng cửa mở cọt kẹt, có người đang bước vào…

Manryo cứng người vì sợ hãi.

Tuy nhiên, người mở cửa không phải là người anh trai đáng sợ, mà chính là con trai của anh ta đang đi cùng mẹ. Thấy Manryo đứng sững trong phòng khách của mình, cô hoảng sợ hét lên: "Ahhh!!! Một nhà sư! Tại sao ông ở đây, trong ngôi nhà của tôi!"

Manryo liền thuật lại từng chi tiết câu chuyện đau lòng mà mình vừa nghe. Kể xong, chàng nhìn lại phía sau lưng hầu nghe lời xác nhận của người đàn ông bí ẩn, nhưng chẳng có ai cả…

Người mẹ nghe xong câu chuyện cũng bị sốc như Manryo. Vì nó hoàn toàn khác với những gì cô được nghe trước đây. Cô giận dữ nhìn xuống đứa bé và nói một cách nghiêm khắc:

"Cha của mi là một kẻ kinh tởm! Mi phải cầu nguyện cho linh hồn người chú đã bị giết hại của mình, và cầu xin sự tha thứ cho tội ác mà cha mi đã phạm phải".

Cậu bé đã làm theo lời chỉ dẫn của người mẹ, loại bỏ hình bóng người cha khỏi trái tim để thay thế bằng lòng tôn kính người chú của mình.


Nguyên Giang (dịch)


___________________________________

No comments:

Post a Comment