Tuesday, October 18, 2022

Những người tôi đã gặp: Mỗi nhân vị là một huyền nhiệm

Hai Le

Năm 2015 tôi ở trong nhà thương chăm sóc bà nội tôi đang đau, nửa tháng trong viện, chứng kiến nhiều người nhập viện và xuất viện, nhiều người xuất viện trong hân hoan ở cửa trước, lắm kẻ âm thầm về cửa sau trong buổi chiều mưa phùn lất phất. Đôi mắt của một ông già mở trâng trâng nằm trên băng-ca đợi người lái xe cấp cứu nặng nề mở cửa xe, xung quanh là những đôi mắt thẫn thờ của người thân; đôi mắt của một em bé chín tuổi bị chen lấn trong thang máy chật cứng; đôi mắt của một bà cụ già ngân ngấn nước trót nghe hai đứa con nạnh hẹ nhau chuyện trông nom… những đôi mắt ẩn chứa nhiều câu chuyện, vấn vương tâm trí tôi hoài mãi.
Tôi thỉnh thoảng ước gì mình chưa từng nghe câu chuyện của họ, không chia sẻ với họ những nặng nề của kiếp phù sinh. Nhưng vì một nguyên nhân gì có lẽ bí nhiệm, những người chưa một lần quen biết cứ kể câu chuyện của họ với tôi, say sưa và tín thành như thể con chiên và linh mục trong toà giải tội. Tôi thấy mình cần ghi chép lại và sẻ chia, có lẽ một sự cảm thông hay một lời cầu chúc tốt lành của bạn đọc, sẽ sinh ra những năng lượng tích cực giúp cho những con người này thêm vui sống.
1) Cô y tá Khẩu Trang Xanh
Cô y tá có lẽ ra trường chưa lâu, đôi mắt cô sâu thăm thẳm và hiền từ, sóng mũi cao cao, nửa gương mặt luôn phủ kín bằng một cái khẩu trang y tế màu xanh da trời. Cô chích cho bệnh nhân nhẹ nhàng lắm, luôn miệng nhắc chừng chừng: “Bà ơi con chích nha, bà có bị rát hông? Bà có đau thì nói con biết nha!” Cô trực suốt tuần như vậy cho sáu phòng bệnh, có thân nhân người bệnh rất vừa ý thái độ của cô, bạo tay nhét vào túi cô một tờ hai trăm ngàn mới tinh, cô trả lại, lễ phép phân trần: “Nhiệm vụ của con là chăm sóc cho cô bác, cô bác khoẻ là con mừng rồi, tiền này con không lấy đâu!”
Thân nhân tôi xuất viện sau nửa tháng, tôi cũng chỉ nhìn thấy gương mặt của cô y tá vài lần, bình dị, dễ thương. Có lẽ tôi sẽ mau chóng quên mất khuôn mặt ấy, nhưng những lời nói lễ phép và đôi mắt hiền hậu đó có lẽ sẽ là một hình ảnh rất đẹp về ngành y trong tâm trí của tôi.
Tiền bạc có thể khiến nhân cách con người thay đổi, thái độ với tiền nói lên phẩm giá của một người. Những người trẻ làm công việc phục vụ bệnh nhân, như một làn gió mới thổi vào căn phòng ngành y cũ kỹ. Người trẻ có lý tưởng, và hơn hết là họ vẫn giữ được nhân cách trước đồng tiền. Tôi hơi e sợ việc người bệnh và thân nhân vẫn giữ lối tư duy cũ, là phải dùng tiền để mua lấy sự lễ độ ân cần, việc này về lâu dài chắc chắn sẽ hoen ố đi lương tâm trong sáng của những người phục vụ bệnh nhân.
Cô Khẩu Trang Xanh thân mến, giây phút hiện tại này cô hãy giữ vững thái độ thanh thản với tiền, để nhân cách cô được rạng rỡ như mặt trời giữa trưa, kiên cường càng lâu càng tốt nhé. Hãy để cho đôi mắt cô luôn hiền từ và gương mặt thanh thoát, không bị nhuốm màu xôi thịt của một kẻ hám lợi lộc và nhẫn tâm. Tôi cầu chúc cho cô luôn được sống trong sự yêu quý kính trọng của mọi người, cho xứng với lời thề Hippocrates!
2) Bà cụ Má Đại Tá
Không biết Má Đại Tá buồn nhiều không, bà cứ nằm đó một mình, im lặng lừ đừ nhìn cái “cửa” máy lạnh ở chế độ swing, quạt lên quạt xuống chầm chậm. Gương mặt bà đỏ sậm, có lẽ huyết áp đang tăng cao, tôi hỏi thăm thì bà trả lời một cách lười biếng, thấy không ổn nên tôi tự ý gọi y tá tới coi tình hình của bà, việc như thế hơi lấn sân “đồng nghiệp”, nhưng hai “đồng nghiệp” nuôi bệnh kia đã tót đi từ giữa trưa, để lo công việc riêng. Trước khi đi, hai vị này đã kịp có một trận giằng co ra trò về việc ai sẽ ở lại viện chăm sóc Má Đại Tá hôm nay. Họ không thoả hiệp được với nhau vì việc của ai cũng gấp, nên mạnh ai nấy đi, chỉ có một người còn chần chừ chưa đi sau đó để lại số điện thoại để nhờ tôi gọi nếu có việc khẩn cấp.
Lúc ấy, Má Đại Tá đang nằm thiêm thiếp, quay mặt ra bên ngoài để mọi người dễ thấy là bà đang nhắm mắt ngủ. Đến khi hai con của bà đi rồi, bà vẫn lim dim, nhưng hai vai run run, mũi ửng đỏ và hơi thở sụt sịt vì nước mũi. Có lẽ bà khóc, ai mà biết?
Khi cô y tá tới, đo thấy huyết áp 17, khá cao và đã nguy hiểm, liền cho bà uống thuốc và dặn bà phải có thân nhân túc trực bên cạnh. Má Đại Tá liền vỡ oà:
“Tụi nó đi hết rồi, còn ở đâu?!”
Và rồi bà già lớn tướng như hộ pháp, tóc trắng như bông, khóc tu tu như đứa trẻ…
Những khi nhàn, Má Đại Tá thường nhắc lại kỷ niệm thời chiến tranh ác liệt, chồng “đi làm cách mạng” và chết sớm, một mình gồng gánh nuôi một bầy con nhỏ với bao khổ cực và cám dỗ từ các “đồng chí” của chồng. Má Đại Tá đã mạnh mẽ vượt qua và nuôi dạy con khôn lớn thành tài hết thảy. Và rồi, Má Đại Tá chắp cánh cho những cánh chim bay đi hết, một mình trơ trọi bên phần mộ của chồng và căn nhà trống. Cô đơn, ngay cả khi nằm viện…
3) Giang hồ vặt Communist
Giang Hồ Communist tuổi Mùi, trẻ hơn tôi một cơ số tuổi. Vậy mà lần đầu gặp Giang Hồ Communist, khi đó mười ngày rồi mình chưa cạo râu mà vẫn nhìn trẻ hơn. Con mắt của Giang Hồ Communist, đầy vẻ ác nghiệt và gian xảo. Ấy vậy mà khi tiếp cận, Giang Hồ Communist lại ăn nói gần gũi và khá vui tính. Giang Hồ đi nuôi thân nhân, thật là đồng bệnh tương lân!
Giang Hồ Communist khá bất lịch sự, nói điện thoại ông ổng, đi đứng ồn ào, thức khuya nhưng không giữ yên lặng, ở trần trước mặt nữ y tá và bác sỹ… Thú thực, mặc dù thấy cách nói chuyện của Giang Hồ vui và dễ gần, nhưng cách ăn ở khiếm nhã của em í cũng làm tôi có chút bực dọc, may mà thân nhân của tôi ngủ say và dễ tính. Tóm lại là, ấn tượng của tôi về Giang Hồ Communist không đẹp không xấu, nhưng nếu được chọn, có lẽ tôi thích ở khác phòng với em ấy.
Tối khuya nọ, Giang Hồ nghe nhạc, ngạc nhiên chưa, bài “Việt Nam tôi đâu?”, và thỉnh thoảng hát theo lí nhí. Nhạc phát tới khúc cao trào, mình nghe Giang Hồ Communist lầm bầm “Đụ má!”…
4) Phụ nữ Cóc Cắn Rốn
Cóc Cắn Rốn là thân nhân của Giang Hồ Communist. Cóc Cắn Rốn bị bệnh cấp tính, theo y lệnh của bác sỹ thì phải truyền dịch liên tục và mỗi ngày chích bốn ống thuốc cùng với một cơ số thuốc uống. Tính ra tiền chi phí nằm viện mỗi ngày khá nhiều. Cóc Cắn Rốn và thân nhân nói chuyện với nhau rất lỗ mãng, thực là mạt cưa mướp đắng, kẻ cắp bà già.
Một buổi sáng Cóc Cắn Rốn quậy tưng tưng, từ khước mọi sự điều trị, cho rằng truyền dịch liên tục làm Cóc Cắn Rốn mệt sắp chết và thuốc có quá nhiều tác dụng phụ, chê thậm tệ sự điều trị tại đây, đòi lập tức đi Saigon. Bác sỹ và thân nhân khuyên nhủ thể nào cũng không nghe, giây lát bác sỹ bỏ đi rồi, chỉ còn Cóc Cắn Rốn và thân nhân, Rốn mới phân trần:
“Nghe nói uống cây Ô Rô phơi héo héo trong hai ngày là hết bịnh, hay mình về uống thử vài bữa, rồi coi êm hỏng êm gì hả đi bịnh viện nữa. Người ta bị nặng hơn còn trị dứt mà!”
Và Cóc Cắn Rốn xuất viện lãng xẹt, sẽ chết vì thiếu hiểu biết chăng?
Không, chiều bữa trước lúc thân nhân của Cóc Cắn Rốn đi mua cơm, y tá tới kêu ứng thêm tiền viện phí, Cóc Cắn Rốn nhân mới hỏi cụ thể chi phí và liệu trình điều trị kéo dài bao lâu. Sau đó quay mặt vô vách tường vào kéo mền trùm kín mít.
5) Chị nuôi Bé Tí Xíu
Tôi thường gặp chị Bé Tí Xíu trong thang máy, chị ra vô tầng 6. Nghe người ta nói, chị đi nuôi bà ngoại một mình, đã bảy tám ngày rồi. Bé Tí Xíu “nuôi” một người bệnh như thế nào, khi chị chỉ chừng bảy tám tuổi và chỉ cao ngang thắt lưng của tôi?
Chị ấy chín tuổi rồi, biết tự chải đầu và thay quần áo, biết ký tên trong phiếu thuốc, biết khi nào bà ngoại mệt thì kêu bác sỹ, biết thỉnh thoảng thức đắp mền cho bà, biết chạy đi theo người lớn xin cơm từ thiện…
Đôi mắt chị to tròn như chú mèo con, tướng chị còi xương, tóc dài đen tự nhiên phủ hai vai, quần áo chị hơi cũ, giọng chị the thé.
Một bữa, chị đeo gàu-mên cơm trên tay, hai bàn tay bưng thố canh nhỏ xíu mới xin chỗ từ thiện, chen chúc vào thang máy. Suýt nữa chị bị người ta lấn đổ hết, chị sợ xanh mặt. Thang máy đông, người nào cũng gấp, chị thì bé nhỏ.
Tôi ẵm chị lên, và một tay cầm thố canh giúp chị. Chị Bé Tí Xíu cười hồn nhiên.
6) Chú lạ Bưng Tô Cơm
Thân nhân tôi đau nặng, cần hai người nuôi để bồng ẵm. Thành thử ra có lúc tôi cũng không phải ở sát một bên, và không phải quá hối hả khi đi đâu đó. Tôi gặp một chú lạ hoắc lang thang ở ngoài hành lang, đi chân không, mặc quần xà-lỏn cũ kỹ, hai tay bưng một tô cơm, nhìn tới nhìn lui dáo dác kiếm chi đó. Tôi nhìn kỹ thì thấy dường như trí của chú Bưng Tô Cơm có chút trở ngại. Hỏi han, thì chú nói giọng Bắc, đã muốn khóc, nói rằng chú đi lạc, mẹ chú nằm viện này, mà chú đi xin cơm rồi kiếm không ra, vì bịnh viện tới mười tầng, mà chú không nhớ mẹ chú nằm tầng mấy. Tầng 9 là tầng dịch vụ, bệnh nhân không đông, dắt chú tới quầy điều dưỡng để được giúp đỡ thì điều dưỡng hỏi tên bệnh nhân, chú khai tên bà Phận, không họ không chữ lót, họ kiếm trong cơ sở dữ liệu của bệnh viện không ra được. Tôi hỏi mẹ chú bệnh gì, thì chú nói bị đau xương chậu. Điều dưỡng liền nói: “Anh xuống lầu 5 đi, chuyên xương khớp!”
Lỡ đưa thì đưa cho tới, tôi dẫn chú Bưng Tô Cơm đi thang máy xuống lầu 5, lại gặp điều dưỡng trực để hỏi nhưng không có kết quả, và lại đi kiếm từng phòng không có, rồi lại trở lại hỏi điều dưỡng cho kỹ lưỡng về một bà Phận bị đau xương chậu, thì chú Bưng Tô Cơm lại cho thêm một thông tin là bà bị ngã mới vào viện, điều dưỡng chỉ: “Anh lên lầu 6 hỏi đi, khoa ngoại trên đó chắc có!”
Leo thang bộ lên lầu 6, lặp lại kịch bản như lầu 5, nhưng không có kết quả gì. Tôi bắt đầu nghi ngờ liệu có thực mẹ của ông Bưng Tô Cơm này có nằm viện này không, hay tôi đang lạc trong thế giới hoang tưởng của cái ông râu lôi thôi này. Tôi hỏi lại cặn kẽ, và chú Bưng Tô Cơm trả lời: “Bà cụ nằm ghế bố, tóc trắng xoá, tôi nhận ra ngay, chỗ nằm nhìn ra mấy cái cây, nhập viện ba hôm nay rồi!” Tôi nghĩ nhìn thấy cây thì chỉ có ở lầu 2 và 3, vì lầu 1 không có bệnh nằm, lầu 2 là hồi sức cấp cứu, đích thị là lầu 3 y học dân tộc rồi. Lại xuống lầu 3, kiếm một vòng, nhưng không thấy đâu. Hơi mệt, nhưng tôi thấy thái độ tuyệt vọng và đau khổ của chú Bưng Tô Cơm thì trong bụng thương quá, không nỡ bỏ rơi chú ấy. Giờ lầu 4 là lầu của ban giám đốc và hội trường không tính, chỉ còn lầu 7 và 8 chưa kiếm. Lại quay lên lầu 7, kiếm tở mở trong các phòng bệnh và dẫn chú Bưng Tô Cơm đi nhìn mặt từng bệnh nhân nằm ghế bố, nhưng không gặp. Lúc này tôi cũng muốn hoang mang, chỉ còn lầu 8, nếu không có thì không biết thế nào. Cả hai lại cuốc bộ lên tầng lầu hy vọng cuối, đi khỏi cầu thang một chút, chú Bưng Tô Cơm bỗng ù té chạy đến bên một cái ghế bố có người nằm mái tóc trắng tinh, vừa chạy vừa khóc vừa kêu đến lạc giọng: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ nằm đây mà con tìm mẹ mãi! Mẹ ơi!” Ai nấy đều lặng nhìn, bàn tay nhăn nheo của người mẹ già đưa lên sờ gương mặt của đứa con.
Tôi “gởi” chú Bưng Tô Cơm lại cho mấy anh chị y tá ở lầu 8, hy vọng họ chiếu cố cho chú ấy cách nào đó. Mấy người nuôi bệnh kế bên cũng nói sẽ xin cơm xin nước thay chú ấy.
Ôi cuộc đời, đôi khi suy nghĩ cặn kẽ và phức tạp quá lại mất hay. Phải chi ngay từ đầu đừng đi hỏi điều dưỡng làm gì, cứ từ lầu 9 rồi xuống lầu 8 mà kiếm thì đỡ mệt biết bao. Chợt nghĩ, con người cứ hay suy tính kỹ càng, để rồi cứ mãi đi loanh quanh vô bổ trong đời.
7) Ông già Ngón Tay Giữa
Chiều năm giờ, trời xám xịt và hơi tối, mưa vẫn còn bay bay những hạt li ti. Tôi đi mua cơm buổi chiều về ngã cửa hông của viện, nhìn thấy một chiếc xe cấp cứu bản số Tiền Giang cũ kỹ đang đậu chỗ hay đón bệnh nhân “bác sỹ chạy”. Tôi thở dài nhẹ, thầm cầu nguyện cho phép màu xảy ra với ai đó. Người tài xế mang dép mủ, uể oải mở cửa sau xe. Mấy người con cái và một y tá chầm chậm đẩy cái băng-ca ra. Trên băng-ca là một thân hình ông già chỉ còn da bọc xương theo nghĩa đen, với vài sợi dây lòng thòng nơi tay và lỗ mũi. Tôi gọi là ông Ngón Tay Thối. Con mắt ông Ngón Tay Thối trợn lên vô hồn, hầu như không nhìn thấy nhịp thở nơi lồng ngực ông. Người con của ông e dè hỏi y tá: “Vô tới nhà rồi mới rút ống hả cô?” Cô y tá cũng e dè đáp lại: “Dạ cái đó tuỳ gia đình quyết định!” Ông con quay sang nói với mấy người kia: “Dìa tới rồi mới rút cho ba đi…” Ông Ngón Tay Thối có nghe mấy lời đó không, có vui buồn gì không, chắc có trời mà biết. Tôi khẽ cúi đầu chào Ngón Tay Thối, rồi đi vô thang máy, niệm thầm một bài kinh “Anima Christi” cầu nguyện cho ông. Ngày nào cũng thấy đôi ba người về cửa sau như vậy, hình như trong lòng tôi thấy chai, quen rồi, không có mấy cảm xúc.
Tối đó, tôi chợt nhớ tới ông Ngón Tay Thối, và bàng hoàng kinh hãi khi nghĩ đến cảnh con ông rút ống để ông chết tốt. Có lẽ giờ này, việc kinh khủng ấy đang diễn ra.
Có lần đọc báo, thấy nhiều người ủng hộ luật hoá việc Trợ Tử và An Tử ở Việt Nam, khá cuồng nhiệt. Tất nhiên, họ ủng hộ để áp dụng cho bản thân họ, họ không muốn sống trong tuổi già bệnh hoạn lú lẫn. Nhưng những người làm con cháu, sống và cư xử kiểu gì mà để ông bà cha mẹ mình phải nghĩ đến cái chết như một cứu cánh như thế?!
Than ôi, không cha mẹ nào thấy có lý khi rút ống thở của con mình cho nó chết, dù là một thân xác sống thực vật héo khô, còn mầm sống là còn tia hy vọng. Chỉ có con cái mới thấy việc rút ống cho cha mẹ mình chết là hợp lý, là giải thoát khổ đau…
---
Chợt nhớ về một câu thánh vịnh:
"Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
một cơn gió thoảng là xong..."

Hải Lê
https://www.facebook.com/profile.php?id=100010082284940

_____________________________________

No comments:

Post a Comment