Saturday, April 22, 2023

Chuyến Ghe 25 Người.

 Trương Hữu Hin

"Gởi đến những người bạn đi cùng chuyến ghe vượt biển với tôi 43 năm trước. Tuy cố gắng nhớ lại, nhưng vì thời gian quá lâu nên bài viết chắc chắn có những chi tiết không đúng hay thiếu sót. Mong nhận được những chỉ dẫn." (Hiền)


Trương Hữu Hin và Ngọc châu
Chuyến Ghe 25 Người.

Trong bữa ăn tối hôm nay trông Phương có vẻ cởi mở hơn so với ngày mới gặp vợ chồng tôi. Cô ấy nói cười luôn miệng. Hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những lần được gặp bạn cũ ở Cali, ở Chicago vừa rồi. Phương là em gái của cô bạn Mộng cùng lớp với tôi ngày học Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền Đà nẵng. Cậu con trai của Phương, Bel vừa tốt nghiệp ngành Computer Science ở Rochester Institute of Technology bang New york. Cách đây hai tháng, Phương từ Việt nam sang thăm và mừng ngày con trai ra trường. Mùa đông lạnh đến cắt da vùng đông-bắc Mỹ, vậy mà mẹ vẫn lặn lội sang với con trong dịp này, đúng là tình mẹ thương con thì vô bờ bến. Tuần rồi, vợ chồng tôi mời hai mẹ con sang Boston chơi dăm bữa. Và ngày mai, chủ nhật cả hai từ giã để trở lại Rochester trước khi Phương bay về Việt nam.
Cuối bữa ăn, tôi đứng lên vào bếp pha một bình trà, bà nhà tôi và Phương dọn dẹp bớt chén dĩa trên bàn. Chúng tôi cần một tách trà để nhâm nhi với bánh ngọt mà hâm nóng câu chuyện đang dỡ. Ngoài trời khá lạnh, có lẽ nhiệt độ cũng xuống đến cả chục độ âm. Câu chuyện tối nay cứ kéo dài mãi không ai muốn dứt.
Chúng tôi gợi lại những kỷ niệm cùng nhau lang thang phố Boston, phố Cambridge tuần qua. Phương cho biết rất thích khung cảnh vừa cổ kính vừa lãng mạn nơi đây, thế nào cô ấy cũng sẽ trở lại lần nữa để làm phiền vợ chồng tôi. Nói xong Phương cười. Bà nhà tôi cười xòa theo như tỏ bày luôn welcome vợ chồng Phương và cả Bel ngày trở lại. Tôi nói sẽ soạn lại những tấm hình đã chụp và gửi sang cho Phương giữ làm kỷ niệm. Hai mẹ con thích lắm. Chuyện vãn khá lâu, Phương chợt hỏi về câu chuyện vượt biển của tôi hơn 40 năm về trước. Câu chuyện mà cô ấy chỉ biết lờ mờ qua những bài viết ngắn của tôi đăng trên mạng. Nay muốn nghe thêm cho rõ hơn.
Phương hỏi tôi.
-Anh Hiền rời Việt nam vào năm nào vậy? Chắc là lâu lắm rồi.
Tôi trả lời:
-Đầu năm 1980 đó Phương. Mới đó mà 43 năm rồi. Nghĩ lại cứ như là hôm qua khi tận đến bây giờ từng chi tiết dù nhỏ anh đều nhớ rõ như in.
Phương nói thêm:
-Quá lâu rồi anh hỉ! Lúc đó em còn nhỏ quá nên chẳng rành về chuyện đó lắm. Chị Mộng và mấy chị lớn chắc biết nhiều hơn em.
Phương nói thêm:
-Nghe người lớn nói lúc đó muốn đi phải có vàng nhiều, mà nhà em lúc đó đào đâu ra nên đành ở lại hết cả.
-Đúng vậy. Lúc đó muốn ra đi cần ít nhất vài cây vàng chung cho nhóm tổ chức. Nhưng cũng có người lanh lẹ, chỉ cần biết móc nối kiếm khách là được đi theo. Còn lanh lẹ hơn thì đi theo cách gọi là “canh me”, theo dõi có chuyến nào sắp xuống bãi đáp là lặng lẽ nhào xuống theo. Có vài người bạn anh đi trót lọt được là nhờ vậy.
Ngọc Châu, bà nhà tôi chen vào câu chuyện:
-Bây giờ nghe kể thì cứ như nghe một câu chuyện du lịch ra nước ngoài bằng thuyền vậy, chớ đi như vậy thì biết bao nhiêu hiểm nguy chờ đón mình. Phương và Bel biết không, gần như 50% người vượt biển những năm đó đến bây giờ vẫn không biết tin tức gì cả. Chắc là chết hết rồi. Còn một số đàn bà con gái bị hải tặc bắt mang đi nữa. Nghĩ mà tội quá, và nghĩ sao thấy mình quá may mắn.
Cậu con trai Phương, Bel nãy giờ yên lặng lắng nghe bỗng lên tiếng hỏi tôi:
-Thưa bác. Con thắc mắc. Hồi đó người nào giàu, có vàng mới đi được. Có tiền của như vậy thì ở Việt nam phải sung sướng hơn người nghèo, tại sao phải vượt biên cho nguy hiểm vậy bác?
Nghe Bel hỏi vậy tôi im lặng trầm ngâm một lát rồi giải thích sơ qua rằng, lúc đó chính sách của nhà nước Việt nam tạo khó khăn áp lực quá nên người dân miền Nam hầu như ai cũng muốn ra đi. Những người có vàng, có tiền thì điều kiện dễ dàng hơn. Lời giải thích của tôi chỉ dừng lại ở đó, vì thật khó cho một thanh niên trẻ như Bel hiểu hết được hoàn cảnh xã hội Việt nam lúc bấy giờ, những ngày sau tháng 4 năm 1975. Muốn hiểu thấu đáo chuyện vượt biên, vượt biển người Việt những năm cuối 75 và 80, 90 thì cần nhiều thời gian đối thoại giữa hai thế hệ trẻ như Bel và già như tôi. Nhất là cần tham khảo dữ liệu từ những trang sách, những thước phim lịch sử chân thật. Thứ lịch sử không biến dạng vì bị bóp méo đi. Câu chuyện thuyền nhân người Việt mình thời đó thì làm sao chỉ nói thoáng qua trong một buổi tối như hôm nay mà hiểu thấu hết được.
Phương như đoán được ý nghĩ của tôi nên lái câu chuyện sang một hướng khác:
-Bây giờ anh kể lại chuyện vượt biển của anh hồi đó đi. Tại sao anh không tới Hồng kông như những người ra đi từ Đà nẵng mà trôi tuốt đến tận nước Nhật lận?
Tôi đưa tách trà lên nhấp một ngụm nhỏ rồi từ từ kể cho Phương và Bel nghe câu chuyện, đúng hơn là một ngã rẻ quan trọng nhất của đời mình…
Một đêm Đà nẵng, đầu tháng ba năm 1980.
Đêm biển Mỹ khê không trăng, chỉ có những vì sao tù mờ soi lối trên bãi cát. Giữa khuya, một nhóm người từ căn nhà ven bờ lặng lẽ rời đi, họ mang theo những vật cần thiết cho một chuyến ra khơi. Họ gánh theo vài can dầu, những bịch lương thực, thùng nước uống. Đêm vắng như tờ, để dù cố thu gọn mọi âm thanh thì tiếng bước chân của họ vẫn vang lên rõ thình thịch. Phía xa, chỉ độ vài trăm mét là một đồn bộ đội hiện sừng sững. Nhóm người nơm nớp lo sợ, họ vừa chạy vừa ngóng tai chờ nghe những tiếng súng không mong đợi nổ vang bất cứ lúc nào. Họ đây là nhóm anh em chuẩn bị vượt biên cùng tôi 43 năm về trước. Chúng tôi đang chạy thục mạng xuống bãi, nơi có phương tiện sẽ đưa mình ra đi.
Dưới ánh sáng sao le lói, có bóng chiếc ghe chài nằm mấp mé mặt nước. Chúng tôi xúm nhau đẩy nó ra khỏi vùng cạn. Mọi người trèo lên, ghe nổ máy bắt đầu lướt nhanh trên mặt nước. Mừng khấp khởi, tưởng vậy là chạy một mạch ra khơi thôi, nhưng không, được một đoạn nó chậm lại rồi dừng hẳn. Trên ghe lo lắng nhưng không ai dám lên tiếng hỏi. Mươi phút sau có tiếng động của mái chèo hướng đến chỗ ghe neo. Mọi người sợ muốn đứng tim.
Bỗng tiếng người tài công và cũng là chủ ghe lên tiếng hỏi:
-Ai đó. Cu Em hả mi?
Tiếng đáp lại nhỏ vừa đủ nghe:
-Tui đây. Giúp tui đưa họ lên ghe.
Một chiếc thúng chai bằng nan tre cập vào mạn ghe. Họ đây là mẹ con một chị còn khá trẻ và một anh thương phế binh cụt cả hai chân. Những vị khách đặc biệt không thể tập trung trong bãi như chúng tôi mà phải dùng thúng chai để đưa ra tận ghe.
Mọi người đã yên vị. Tiếng máy vẫn nổ dòn nhè nhẹ. Tiếng người vừa chèo thúng ra nói với người tài công:
-Anh và mọi người đi may mắn nghe, tui quay vô đây.
-Mi ở lại lo cho cha mẹ và mấy đứa em nghe. Tới nơi tao nhắn tin về liền.
À, thì ra họ là hai anh em. Nhưng người em quyết định không theo cùng chuyến đi.
Máy ghe nổ lớn dồn giã hơn. Bỗng người tài công la lớn:
-Chết cha rồi, sao thiếu can nhớt máy? Làm sao đi đây!
Mọi người vỡ òa thất vọng. Không khí im phăng phắc. Thì ra khi chúng tôi rời căn nhà làm bãi đáp lại quên mang theo can dầu nhớt. Một vật tối quan trọng của chuyến đi. Người tài công đắn đo suy nghĩ một hồi rồi nói:
-Năm, mi chịu khó theo Cu em vô lại đem can nhớt ra được không?
-Để tao vô liền.
Tiếng người tên Năm đáp lại. Rồi anh ấy nhảy ngay xuống thúng chai quay lại bờ.
Tiếng mái chèo lại nhè nhẹ khua mặt nước, lát sau thì mất hút. Mọi người không ai nói với một lời, không khí bao trùm nỗi lo lắng. Thời gian như dừng lại rờn rợn chờ đợi một điều gì đó không may. Có thể là một chiếc tàu tuần duyên của bộ đội, của công an biên phòng bất ngờ ập đến. Mỗi người không hẹn mà đều thầm thì cầu nguyện theo đức tin riêng của mình. Chúng tôi đăm đăm nhìn hướng vào bờ, trong màn đêm tối mịt ngóng tiếng mái chèo trở lại…
Buổi trưa hôm nay tôi vẫn còn ẩn trú trên căn gác nhà ngoại đường Thống Nhất. Xế chiều đứa em ra nhắn là tối nay sẽ có chuyến đi. Tôi vội vã tạt về nhà chuẩn bị. Nhưng không như những lần trước cứ bịn rịn trước khi lên đường, tôi bây giờ bình thản hơn. Tôi đã quen với bao lần xách gói đi rồi lại xách gói về. Mẹ tôi phân vân nói:
-Bữa nay 23 âm lịch, chắc ngày xấu cũng khó đi trót lọt. Nhưng con cứ đi thử, biết đâu được.
Vậy là trong cái ý nghĩ không hy vọng gì mấy, tôi theo anh Hùng, người thân gia đình và cũng là người móc nối đưa tôi đi. Tôi còn nhớ rõ, hai chúng tôi được người bạn anh Hùng tên Phúc chở đến quán mì của người Hoa kế bên nhà may Viên dưới phố. Tôi kêu cho mình một tô mì 3 vắt khô và một ly cà phê. Anh Hùng thành thật nói cho bạn mình biết về ý định vượt biên hôm nay. Ăn mì xong, anh Phúc đưa tụi tôi xuống bến phà để qua bên kia sông. Anh bắt tay từ giã và chúc chúng tôi may mắn.
Tiếng máy phà nổ xình xịch, chiều đang xuống, thành phố Đà nẵng bên bờ sông Hàn dần xa. Tôi như có linh tính lần từ giã Đà nẵng này chắc hẳn sẽ lâu lắm mới trở lại. Tôi nhìn với lại con đường Bạch Đằng vẫn tấp nập xe cộ, xa hơn là mái nhà thờ Con gà cao vót cũng dần nhỏ đi.
Qua đến bờ đông sông Hàn, tôi và anh Hùng theo ám hiệu của một người đã đợi sẵn, người đàn ông dẫn chúng tôi đi về phía biển. Trời đã chạng vạng tối, chúng tôi không theo lộ chính mà đi vào những con đường tắt nhỏ trong xóm. Thỉnh thoảng vài tiếng chó sủa đuổi theo. Tôi sợ quá. Đi khá lâu mới đến được một căn nhà nằm ven bãi biển. Nhà biệt lập khá rộng. Trong nhà đã có sẵn khá đông người, tôi đoán họ sẽ cùng đi với tôi. Nhà có nhiều phòng, mọi người được chia ra từng nhóm nhỏ ở mỗi phòng. Trong nhà tối mịt không một ánh đèn. Vài tiếng thầm thì bàn bạc nho nhỏ trong bóng tối. Tôi nằm co quắp cạnh anh Hùng, tay ôm bịch áo quần mang theo, chập chờn thiếp đi một lát. Tôi choàng tỉnh khi có tiếng người giục phải di chuyển gấp. Rồi cả đám chạy thục mạng hướng xuống biển…
Ra khơi.
Chúng tôi chờ cái thúng chai trở lại, thời gian cứ như kéo dài hằng thế kỷ. Nhưng rồi cũng có lúc phải đến, tiếng mái chèo khua nhè nhẹ. Chiếc thúng chai lần nữa cập vào mạn ghe, can nhớt máy mong đợi được chuyền qua. Nhưng thật ngạc nhiên, có thêm một người đàn ông leo lên ghe nữa. Sau này tôi mới biết anh ta tên Nguyễn Cần. Không hiểu bắng cách nào mà anh ấy lại ngủ quên ngon lành khi chúng tôi rần rần hè nhau rời khỏi ngôi nhà trên bãi đáp. Nếu không quên can dầu nhớt thì anh Cần đã bị bỏ lại. Anh ta quá may mắn. Nhưng sự tình cờ run ruổi đó cũng là điều quá may mắn đối với chúng tôi sau này. Nếu không bỏ quên can dầu nhớt, không có anh Cần trong chuyến đi đó thì có lẽ hơn một nửa nhóm vượt biển của tôi đã không đến được bến bờ.
Vậy là tất cả đã sẵn sàng. Người tên Cu Em chèo thúng chai vô lại bờ. Thuyền ra khơi, và một chuyến hải hành đầy sóng gió chờ đợi chúng tôi.
Ghe chạy đến khi mặt trời mọc, theo dự đoán thì chúng tôi đã qua thoát được cửa biển có đồn công an biên phòng canh giữ. Ghe đang hướng ra hải phận quốc tế. Trời sáng hẳn, chúng tôi gặp một cái thúng chai. Đây là thúng chai của một người đang đánh cá chuồn, ghe của họ cũng neo quanh quẩn gần đây. Người tài công hỏi xin một ít cá để dự trữ thêm thức ăn. Ghe chúng tôi chỉ có ít gạo mang theo, bây giờ có thêm mớ cá chuồn làm lương thực nữa.
Người tài công theo hướng chỉ của cái la bàn cầm tay nhỏ xíu cho ghe chạy thẳng lên hướng bắc. Điểm dự định đến là Hồng kông, có thể sẽ dừng lại đảo Hải Nam hay Đài Loan để xin giúp đỡ. Biển khá êm sóng nên ghe lướt nhanh. Mọi viêc có vẻ suôn sẻ, duy chỉ có hai trở ngại khá lớn cần giải quyết:
-Một là chiếc ghe quá ọp ẹp, khi chạy nhanh sóng vờn đập vào lường ghe khiến nước tràn vào. Sợ một lát ghe sẽ chìm mất. Vậy là trong suốt chuyến đi tất cả phải thay nhau, cứ hai người một phiên tát nước. Một tiếng thì thay đổi phiên. Tát liên tục như vậy nhưng nước vẫn tràn vào sâm sấp dưới chân.
-Hai là động cơ quá cũ, muốn chạy nhanh phải lấy tay giữ cái "cò mổ" liên tục, không thì máy sẽ tắt. Vậy là suốt chuyến đi phải cử riêng một anh ngồi cạnh máy chỉ để làm việc đó.
Theo như dự đoán, cứ tốc độ ghe như vậy chỉ hai ngày sau là thấy được Hồng kông. Nhưng rồi hơn ba ngày đêm mà chẳng thấy gì cả ngoài biển trời mênh mông. Chắc chúng tôi đã lạc hướng. Trên đường thỉnh thoảng cũng thấy vài chiếc tàu lớn xa xa, nhưng có lẽ vì ghe mình nhỏ quá họ không thấy, hoặc họ ngó lơ không màng cứu. Tuyệt vọng, ghe sắp cạn dầu mà chẳng biết hướng nào đi. Cả nhóm bàn nhau rồi quyết định nhắm hướng Việt nam chạy vô lại, để dù có bị bắt còn hơn là làm mồi cho cá biển. Không khí trên ghe bao trùm nỗi thất vọng. Vài anh lo sợ xé hết giấy tờ tùy thân liệng xuống biển. Họ muốn che dấu nhân thân để lỡ bị bắt sẽ không liên lụy đến người thân.
Đêm thứ ba. Vẫn chẳng thấy đâu là bờ, có lẽ chúng tôi bị lạc hướng trôi xa lắm. Sóng biển mỗi lúc một lớn. Có lúc chúng nhồi ghe chúng tôi lên cao thẳng đứng cả 90 độ. Không biết lúc nào ghe chìm đây! Vài anh say sóng ói mửa, tôi cũng mệt ngất ngồi co quắp trên ghe.
Bỗng một anh la lớn:
-Hình như có ánh đèn phía trước tụi bây ơi!
Mọi người nhìn theo, quả thật có ánh đèn của một chiếc tàu ở rất xa. Người tài công hướng về phía ánh đèn mở hết tốc lực ghe. Hơn tiếng đồng hồ sau chiếc tàu hiện rõ hơn. Tàu không lớn lắm. Nó vẫn đứng yên khi ghe chúng tôi đến gần.
Không khí nhốn nháo trên ghe. Có anh dùng tay đánh morse, ra hiệu cho tàu lớn biết là mình đang cần sự giúp đỡ của họ. Thấp thoáng có bóng thủy thủ trên boong, nhưng họ chỉ đứng nhìn. Có lẽ họ cũng hoảng sợ khi thấy một chiếc ghe, trên đó toàn là thanh niên trông như cướp biển cứ xâm xâm đâm thẳng vào tàu. Sau này mới biết, con tàu trước mặt chúng tôi là tàu đánh cá Nhật bản, thủy thủ đoàn đang thả lưới trong đêm nên dù có muốn chạy thoát cũng không được. Hình tượng lại khung cảnh lúc đó, chúng tôi giống như đám hải tặc đang muốn xông lên cướp tàu vậy. Cũng may thủy thủ từ trên cao, dù sợ nhưng họ chỉ trố mắt nhìn chớ không phản ứng xua đuổi gì cả.
Người tài công quyết định cập ghe vào mạn tàu. Sóng biển, cộng với sóng từ con tàu lớn làm chiếc ghe nhỏ chòng chành như muốn lật úp. Rồi phần đuôi của ghe được áp sát vào mạn tàu, người tài công cùng vài anh ngồi phía sau nhảy bám vào thành tàu và trèo lên. Còn lại là những người ngồi giữa và đầu mũi ghe. Họ sợ hãi ngồi yên. Khoảng cách quá xa khó ai đủ sức mà nhảy bám vào thành tàu được. Vài người liều lĩnh ráng nhảy lên nhưng đều rơi cả xuống biển. Và tôi là một trong số người rơi xuống đó. May thay chiếc ghe chưa dạt ra xa nên tất cả lại bám vào leo lên. Cho đến bây giờ hồi tưởng lại khoảnh khắc đó, cái cảm giác kinh hoàng khi mình lơ lững rơi xuống vẫn còn lởn vởn trong trí tôi. Lên ghe rồi mới hoàn hồn biết mình sống sót. Nhưng bây giờ chúng tôi lại đối diện với một nỗi lo khác, ghe chết máy mỗi lúc mỗi trôi dần xa tàu lớn. Thất vọng, sợ hãi lại bao trùm.
Trong tiếng sóng nhồi gió rít dữ dội đó có tiếng một anh thét lớn:
-Nổ máy lại nhanh lên!
Có tiếng khởi động máy giật dây liên hồi, nhưng âm thanh chỉ nổ xình xịch rồi tắt ngấm. Có lẽ nước biển đã tràn vào làm ướt động cơ. Loay hoay mở tung cổ máy, anh ấy cố sửa lại. Giật dây lại khởi động. Tiếng chiếc máy Yanmar F8 nổ vang mang theo hy vọng. Sau này tôi mới biết người sửa lại máy là anh Đinh Văn Cận, một chuyên viên cơ khí của không quân Việt nam Cộng hòa. Biết ơn anh vô vàn.
Nhưng máy nổ rồi thì ai lái đây? Ai cũng trố mắt nhìn nhau dò hỏi. Bỗng có tiếng hô to chắc nịch:
-Để tao lái.
Đó là anh Nguyễn Cần, người ngủ quên trong căn nhà làm bãi khi mọi người chạy xuống biển. Anh cũng từng là tài công tàu đi biển.
Máy đã nổ, tài công có. Ghe chúng tôi lại băng băng hướng đến chiếc tàu đánh cá vẫn còn ở yên đó. Sau một hồi tính toán, anh Cần quyết định cho ghe chạy vòng qua tàu lớn và cập vào mạn phía bên kia của nó. Như vậy sẽ tránh được sóng lớn và ghe sẽ luôn cập sát vào thành tàu. Anh Cần la lớn cảnh cáo:
-Mọi người ngồi xuống hết. Không ai được tự ý nhảy trước.
Ghe áp sát thành tàu lần nữa, tài công Cần nói với anh tên Năm:
-Năm, mi trèo lên trước cột dây chặt vô tàu để mọi người lần lượt trèo lên.
Anh Năm nghe vậy thì leo lên cột dây. Rồi lần lượt từng người nối đuôi theo. Cuối cùng vài người giúp hai mẹ con và anh thương binh cụt hai chân lên tàu lớn. Vậy là mọi người an toàn hết.
Chúng tôi lên được tàu lớn rồi mà những anh em khác lên trước chẳng hay. Sóng biển gầm thét tứ phía khiến mọi âm thanh khác như biến mất. Họ tin rằng sẽ không bao giờ nhìn thấy chúng tôi nữa. Cả nhóm gặp nhau ôm mừng tủi. Vậy là cả chuyến ghe đều sống sót. Tụi tôi quá may mắn. Cái may mắn tuyệt vời đó dường như có sự sắp xếp từ quyến lực cao siêu nào đó. Mầu nhiệm ơn trên đã đến với chúng tôi. Giả như, khi chúng tôi vội ra đi mà không bỏ quên lại can dầu nhớt, anh Năm không theo thúng chai vô lấy thì làm sao tình cờ gặp anh Cần đang ngủ quên. Để rồi có lẽ hơn một nữa chúng tôi phải làm mồi cho cá biển. Đêm ấy, ai sẽ là người lái đưa ghe tôi cập vào tàu lớn lần thứ hai? Chỉ có đấng tối cao nào đó đã thương xót chúng tôi mới sắp xếp được điều kì diệu như vậy.
Lên được tàu lớn. Chúng tôi không biết tiếng Nhật, thủy thủ đoàn chỉ biết một ít tiếng Anh. Họ chỉ tay vô bản đồ vừa ra dầu vừa bập bẹ nói, chúng tôi đoán là họ muốn cho biết là một cơn bão lớn đang ập đến. Mà quả vậy, chỉ khoảng hai giờ sau thì gió rít, sóng giật liên hồi. Cơn bão như muốn nhận chìm cả con tàu lớn, huống chi là chiếc ghe nhỏ bé của tụi tôi.
Sau khi vớt những thuyền nhân Việt, con tàu vẫn tiếp tục ở lại biển đánh cá thêm một thời gian. Chúng tôi theo họ lênh đênh trên biển. Họ đối xử với chúng tôi rất tốt, cho dù sự hiện diện của chúng tôi trên tàu là điều bất đắc dĩ không mong muốn. Tàu nhỏ, thủy thủ đoàn chỉ khoảng 7,8 người. Lương thực đem theo không đủ cho cả thủy thủ đoàn và nhóm chúng tôi. Bởi vậy lo cho chúng tôi có được 1, 2 bữa ăn dù đơn sơ mỗi ngày chắc chắn họ phải dè sèn nhiều lắm. Vài anh trong nhóm thạo nghề biển giúp họ kéo lưới, sau đó giữ lại những con cá nhỏ làm thức ăn thêm cho mọi người. Hằng ngày sau giờ cơm, chúng tôi xúm nhau nói chuyện cho qua thời gian. Những buổi chiều ra boong tàu ngồi ngắm mây trời, nhìn những cánh chim biển bay mà tâm trạng buồn, không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Lúc này, lúc biết mình sống sót mới thấy nhớ nhà, nhớ người thân quay quắt. Những người độc thân như tôi tuy có buồn nhớ nhưng còn lấy ước mơ tương lai phía trước làm niềm vui bù đắp. Riêng mấy anh còn để lại vợ con thì chao ôi mất mác gấp ngàn lần, nhìn trong ánh mắt của họ mà thấy bao nỗi niềm thương nhớ rưng rưng.
Khoảng gần một tháng sau, hầm đá đã đầy cá, con tàu quay mũi về Nhật. Có lẽ nó xuống rất xa phương nam nên trên đường về tàu ngang qua Đài Loan, Hồng Kông. Ban đêm nhìn thấy những nơi này đèn sáng rực một góc trời, lại thêm nhớ nhà. Chúng tôi đang xa dần quê hương. Ước chi đó là đất nước mình, một nơi cũng sáng rực ánh đèn, sáng rực tự do để mình ghé vào thì sung sướng biết dường nào.

Chuyến Ghe 25 Người.
Ngày 9 tháng 4, tàu cập cảng Naha, Okinawa. Sau khi được sở di trú địa phương làm thủ tục nhập cảnh, một chiếc xe buýt chở chúng tôi đến tạm trú tại trại tị nạn Hồng Thập Tự dành cho người Việt. Trại nằm trên ngọn đồi thuộc làng Toyohara, phố Motobu. Một thành phố nhỏ nằm ven biển. Nơi đây, chúng tôi 25 người bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời trên đất khách.
Bốn mươi ba năm. Okinawa Nhật bản. Cảm xúc ban đầu cứ đọng lại mãi trong tôi qua hình ảnh đôi dép nhựa và hộp cơm có cá, thịt, dưa cải muối được phát cho ngày vừa đặt chân lên đất liền. Đôi dép nhựa thay cho đôi dép “lốp” huyền thoại tôi mang suốt 5 năm trời, tôi bỏ lại vì vướng víu khi chạy trên bãi biển Mỹ khê. Hộp cơm thì ôi thôi, sao nó ngon lạ lùng, ngon cho bỏ ghét những ngày đói khát.
Bốn mươi ba năm. Okinawa Nhật bản. Còn làm tôi mãi bồi hồi vì hình ảnh một lá cờ. Nhớ khi vừa bước chân vào hội trường để làm thủ tục nhập trại, bất ngờ thấy lá quốc kỳ Việt nam Cộng hòa được treo ngay ngắn trên tường. Chúng tôi xúc động đến nghẹn ngào. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ mà 5 năm sau cái ngày tháng 4 năm 1975 chúng tôi mới được thấy lại. 5 năm với những buồn phiền khổ lụy. Tự nhiên nước mắt tôi chảy xuống không kìm chế được. Dường như mấy anh em khác cũng vậy. Tình yêu của chúng tôi hướng đến lá cờ vàng ba sọc đỏ là một tình yêu rất tự nhiên, vì nó tượng trưng cho những năm tháng thật đẹp của mình. Lá cờ này từng đại diện cho một chính thể đã cho chúng tôi khoảng thời gian hạnh phúc. Tôi không bàn đến lịch sử hình thành của lá cờ vàng ba sọc đỏ ở đây để luận xét nó chính danh hay không chính danh. Nhưng tôi đã chứng nghiệm rằng, miền Nam chúng tôi lạc mất nó thì hạnh phúc cũng tan biến theo.
Hai mươi lăm mạng người trên một chiếc ghe nan ngang chưa đến 2 mét, dài 7 mét chạy máy Yanmar F8 ì ạch đi từ biển Mỹ Khê Đà nẵng. Vậy mà sau một tháng chúng tôi đến được hải đảo Okinawa là một điều quá sức kì diệu. Điều đó chỉ giải thích được bằng những từ can đảm, liều lĩnh, may mắn và ơn trên. Sau này chúng tôi có tản mác mỗi người mỗi nơi, cuộc sống chia theo nhiều nhánh rẻ, nhưng nhớ về hành trình ra đi năm ấy, tôi vẫn xem tất cả là người thân của mình. Những người tuy không sinh cùng ngày tháng năm nhưng lại được tái sinh cùng giờ.
Ngày đó, vì trở ngại ngôn ngữ nên chúng tôi không biết chiếc tàu vớt mình tên gì, xuất phát từ đâu. Ngay cả thủy thủ đoàn cũng chẳng biết tên. Cho đến bây giờ họ vẫn chỉ là những vị cứu tinh vô danh. Biết bao giờ chúng tôi mới gặp được họ để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Thôi thì luôn ghi nhớ trong lòng. Chúng tôi không bao giờ quên họ trong khoảng đời này, và cả kiếp sau nữa nếu thật sự chúng có…
Tiếng chuông đồng hồ treo trên tường gõ đều nhịp vang nhè nhẹ. Đã quá nửa đêm.
Tôi với tay lấy thanh sắt dài khơi nhẹ củi trong lò sưởi cho ngọn lửa cháy lớn thêm. Câu chuyện tôi vừa kể tưởng chừng chấm dứt khi cạn hết một ấm trà đãi khách, vậy mà kéo dài đến tận nửa khuya. Phương và Bel ngồi im lặng nghe, đôi lúc suýt xoa lo lắng theo từng tình tiết nguy hiểm của chuyến đi.
-Khuya rồi, Phương và Bel sửa soạn đi ngủ đi, mai còn phải chuẩn bị lên phi trường sớm về nữa.
Nghe bà nhà tôi nhắc, Phương trả lời:
-Dạ chị. Tụi em đi ngủ đây. Nghe anh Hiền kể chuyện vượt biên mà quên cả giờ giấc. Cám ơn anh chị cho tụi em bữa ăn ngon miệng và một buổi tối thật ấm áp thương yêu. Tụi em sẽ nhớ mãi. Em chúc anh chị ngủ ngon tối nay nghe!
Hai mẹ con Phương lên phòng ngủ, bà nhà tôi cũng theo gót. Tôi nán lại một mình.
Tôi ngồi nhìn ngọn lửa trong lò sưởi cháy lập lòe. Tôi thấy trong ngọn lửa đó có chiếc ghe nằm trên bãi Mỹ Khê. Tôi nghe cả tiếng những bước chân chạy giữa khuya. Rồi ra khơi, những ngày đêm ghe vật lộn với sóng biển cao như ngọn núi. Có ánh đèn từ rất xa của một chiếc tàu, ghe cặp sát thành tàu, mọi người thay nhau nhảy bám vào. Rồi tôi chới với rơi xuống, tuyệt vọng tưởng mình chết mất. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã nghĩ đến ba mẹ tôi, chị em tôi, đến ngôi nhà trên đường Ông ích Khiêm tuổi thơ mình. Có lẽ, khi một người sắp rời đi khỏi thế gian này thì những hình ảnh họ nghĩ đến cuối cùng là những gì tôi đã trải qua lúc đó. Một khoảnh khắc thôi mà đọng lại cả một đời người. 43 năm rồi mà sao chúng vẫn còn mãi bám víu theo mình không ngừng nghỉ. Chúng cứ khơi lại một nỗi đau. Nỗi đau bỏ lại hết người thân, kỷ niệm khi vừa tuổi thanh xuân đẹp nhất một đời người. Làm sao không nuối tiếc! Ước gì mình được như một đứa trẻ để mà khóc òa khi giận hờn buồn tủi, rồi sau đó lăn ra ngủ một giấc thật say, tỉnh dậy quên hết. Lửa trong lò sưởi sắp tàn, củi chỉ còn âm ỉ cháy. Lửa không còn thỉnh thoảng bùng lên soi rọi bóng tôi nữa…
Viết cho lần thứ 43 ngày rời Việt nam

Trương Hữu Hiền

_____________________________

2 comments:

  1. Cám ơn Anh Hiền . Một bài viết thật ý nghĩa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng. Một chuyến đi khó quên, một đoạn đời gian khó, nhưng nhờ ơn trên đem đến may mắn cho tất cả. Cám ơn bạn đồng cảm.

      Delete