Sunday, October 15, 2023

MÙA THU VÀ VƯỜN TƯỢC

Hao Đuc Nguyen

Trời đã bắt đầu vào thu. Ban sáng, gió mát và hơi chút sương giá rơi nhẹ vào hồn, se se lạnh. Hôm nay, thứ 6 ngày 13 có thể được xem là ngày nóng nhất cuối cùng trong năm 2023. Nên tranh thủ có vài dòng cùng anh chị em trước khi chúng ta bước hắn vào những ngày mát mẻ khi thu sang và sương giá của mùa đông.

Sau đây là một vài việc nên làm để chuẩ
n bị cho mùa trồng trọt năm sau:

1. Dọn vườn dần dần. Cây nào đã ra hoa trái hết, tàn lụi thì dọn dẹp bớt. Để khi đông đến, công việc cắt tỉa vì thế cũng nhẹ nhàng hơn. Không có dồn lại cả đống rồi phải vất vả khi bên ngoài đã lạnh mà cứ phải loay hoay trong vườn. Với lại, mùa đông đến, khi màu xanh của cỏ cây đã biến sang màu xám xịt mà với diện rộng dễ làm cho con người ta sinh tâm lý chán nản, bi quan, yếm thế. Theo các nghiên cứu của các nhà xã hội học, tỉ lệ bị bệnh trầm cảm hay chán sống ở con người gia tăng khi nhìn thấy cây cối xung quanh tàn lụi, thiếu sức sống. Hãy làm đẹp không gian sống chúng ta, dù là ở bất cứ thời tiết nào. 


2. Những cây ăn trái nào, cây thân gỗ hay cây cần tỉa tót thì nên làm ngay bây giờ để cho cây có đủ thời gian hàn gắn vết thương, hồi phục các vết cắt và phát triển rễ để chống chịu với giá lạnh (khi cắt tỉa cây, rễ sẽ phát triển mạnh để hút dinh dưỡng chữa lành các vết thương). Nếu nhiệt độ mà đã giảm duới mức 45F thì không nên cắt tỉa, mà phải đợi đến sang xuân hãy làm. Chứ cắt tỉa cây khi trời lạnh thì càng làm cây yếu hơn và khó mà chịu được với sự sụt giảm của nhiệt độ. 

3. Có nhiều bài mình đã đề cập đến chuyện phải làm cây khoẻ để có trái, thì tốt hơn hàng trăm lần cây mang trái mới bón phân. 

Cũng giống như bà mẹ phải khoẻ, đủ sức khoẻ, đủ tuổi, đủ kinh nghiệm nuôi dạy con cái ... rồi mới quyết định mang thai. Thì vẫn tốt hơn một bà mẹ biết có con mới quan tâm đến sức khoẻ mình, ăn nhiều vào khiến thai nhi béo rồi phải ... đẻ mổ. 

Cây cũng vậy. 
Hãy làm cho chúng khoẻ để trước là chống chịu với mùa đông. Sau là chuẩn bị tinh lực để dồn vào hoa, trái khi xuân sang. 

Muốn được vậy, ra mua phân cục về bón cho chúng. Phân nào cũng được, miễn là cái cục dài dài. Gần 14 đồng có 15 cục. Loại phân này có tác dụng là tan chậm, cây ngấm từ từ. Không lãng phí như các loại phân khác (nước, tể, hay hạt). Loại phân cục rất tốt cho cây ăn trái. Một cây tuỳ lớn nhỏ, găm 1, 2 cục xuống cách gốc 1 gang tay. Khi găm xuống, tưới cây không nên dồn chỗ đó. Cứ để hơi ẩm từ đất làm cục phân tan ra từ từ. Có mưa càng tốt. Chúng cứ rã ra từng tí một, cây hút từng chút một. 

Bón phân cho cây vào mùa thu và 1 lần vào khoảng tháng 2 năm sau khi cây sắp ra hoa là tốt nhất. 

Cây cũng có đồng hồ sinh học. Mùa xuân chúng sinh sôi nảy nở, phát triển cực mạnh cùng với sự hồi sinh của đất trời nên cần phân bón. Như thằng thanh niên mới lớn ăn nhiều để nhổ giò lớn lên. Bón phân vào mùa thu thì cây cũng hút mạnh như gấu ăn nhiều cá để tích trữ mỡ đặng mà ngủ suốt mùa đông vẫn có thể mút mỡ ở bàn tay mà cầm cự với băng tuyết. 

Nên nói bón phân phải biết đúng lúc, đúng nơi, đúng thời điểm... chứ không phải chứ có tiền là cứ muốn bón lúc nào là bón. Cứ thấy trái ra chậm là bón cho trái mau lớn. Sai lầm. 

4. Các loại cây còn bông trái: mướp, bầu, mướp đắng ... thì không nên bón phân lúc này nữa.

Chúng biết mùa đông gần kề nên bao nhiêu sức lực chúng còn trong cơ thể thì dồn hết vào trái/quả trước khi gục chết khi cơn gió lạnh đầu đông tràn về. Cơ chế biến đổi phân thành chất dinh dưỡng cho cây lúc này gần như zero. Chúng không tiếp thu được nữa. Tựa như người biết mình sắp ra đi, thì chỉ có ăn cầm chừng để sống. Chứ không ai thấy mình 100 tuổi thì cố gắng ăn nhiều thịt, uống nhiều sửa để rồi ra phòng gym tập đặng mà níu kéo tuổi xuân được. 

5. Các cây ăn trái vùng nhiệt đới gần như chỉ cầm cự sống vào mùa đông và để khỏi làm lạnh bộ rễ, người ta gần như không tưới. Hay tưới rất ít, chỉ đủ độ ẩm cho chúng sinh tồn. Nên ngay lúc này hãy giảm lượng nước xuống dần. Trời mát mẻ, 2-3 ngày hãy tưới 1 lần nếu nhiệt độ ban đêm giảm duới mức 60F và ban ngày không vượt quá 75F. Nếu có mưa và đất vẫn ẩm, 4-5 ngày tưới 1 lần cũng được. Hay thấy đất khô hãy tưới. 

Bằng cách ấy sẽ giup cây đỡ bị shock khi không có nước nhiều vào mùa đông. 

6. Những loại rau có hạt: lá mè, tía tô, kinh giới, quế ... hay mọc ra từ rễ như ngải cứu, rau thơm ... thì sẽ cần bảo vệ hạt và rễ nếu mùa lạnh quá khắc nghiệt. Muốn thế, khi cắt bỏ cây cũ, hay có cỏ tươi, cỏ khô ... thì trải đều trên đất. Nếu có thời gian, mua đất về đổ chồng lên trên cho chúng hoai mục đi. Mùa hu sẽ có mưa, nên chất ẩm sẽ làm cho các chất diệp lục phân huỷ mau hơn. Khi đông đến, lớp hoai mục sẽ là lớp màn bảo vệ hạt, rễ khỏi các tác động trực tiếp của giá lạnh hay gió buốt thổi bên trên. Giữ mầm sống để mùa xuân vươn mình sống lại. 

7. Mùa lạnh là mùa của rau cải, tần ô, hành, ngò, sà lách ... Trồng từ đây đến cuối tháng 10 là vừa. Trễ lắm là giữa tháng 11 nếu nhiệt độ chưa tới mức 45F. Trồng gần mùa lạnh quá thì cây con sẽ lên yếu, mọc chậm. Mà trồng sớm quá thì mùa đông chưa qua rau đã già, hết được ăn. 

Thấy có nhiều anh chị bón phân và bỏ vôi để chống ốc sên. Kinh nghiệm nhà mình mấy năm qua là mình hạn chế phân. Bón nhiều, cây tốt thì sẽ có "mùi" nặng hơn bón vừa và sẽ thu hút các côn trùng. Ba năm vừa qua, chỗ nào mình để mọc hoang thì cải mọc rất tốt. Nhổ lên rễ toàn cát vàng. Mà trong ô, trong chậu có phân thì nó mọc bé chút xíu. Mà nhất là chưa bao giờ thấy con sâu nào. 

Vôi thì giúp cân bằng độ PH cho cây, làm sạch vi khuẩn, và ngăn ngừa ốc sên. Nhưng đừng nên lạm dụng nó. Vì nó lại rất có hại cho một số vi khuẩn hay côn trùng có lợi cho sự phát triển của rau, nhất là con giun đất. Vôi làm mất chất nhờn bào quanh giun và làm chúng không dám trồi lên trên hay di chuyển nhiều vì nếu dính chúng sẽ ngứa. Mà giun không di chuyển thì đất sẽ không tơi xốp. 

Trong vườn mình để cho ong, tắc kè khá nhiều nên chúng ăn sâu bọ. Chúng là thiên địch của các côn trùng có hại. 

8. Mùa thu, mưa nhiều và rau lá mỏng (salad, cải, ngò...) phát triển nên ốc sên khá nhiều. Muốn giảm xuống thì không nên lạm dụng các loại chất hoá học phun xịt. Các loại rau y rau muống, chúng ta phun xịt cái gì chúng hút hết cái ấy rồi nuôi cây. Tốt xấu đều hút. Nên xịt phun nhiều thì rau chỉ có hoá chất chứ không tốt béo gì. 

Muốn diệt ốc sên trước hết phải làm mặt đất được thông thoáng. Không có chỗ cho ốc sên trú ẩn. Trong vườn sau mưa hay có ếch, không nên diệt hết chúng. Mà để lại vài con cho chúng ăn côn trùng. 

Phương cách dân gian là quây rào, ngăn gốc, rải vỏ trứng đập dập. 

Tốn tiền hơn thì mua 1 chai bia về, lấy lon bia hay chén đổ vào rồi chôn xuống mấp mé đất. Ốc sên mà ngửi thấy mùi bia là chui vào rồi rơi vào chén chết đuối trong bia. 

Nếu không muốn sát sinh thì ra mua dưa hấu. Cắt cái vỏ để chừa một chút thịt rồi úp cái vỏ ấy xuống dưới đất. Con ốc sên chúng khoái ngọt lắm. Chúng sẽ chui vào đó để làm tổ, hút chất ngọt và sinh sản (tránh ánh nắng mặt trời. Vì anh nắng làm khô chất nhờn, khiến chúng không di chuyển trên mặt đất được). Sáng ra chỉ cần lấy mấy cái vỏ ấy lên, bỏ vào bao nilon rồi ra xa quăng cho chúng sống. 

9. Mấy loại hoa bụi (hoa huệ, lili, ...) thì cắt sát gốc chừng 3 đốt ngón tay để chúng dồn sức nuôi cái củ, đặng chúng không bị chết rét vào mùa đông. Hay bị thối củ vì hơi ẩm quá nhiều. 

10. Nhớ nguyên tắc mà mình viết nhiều lần: mùa đông lạnh nhất là phía bắc (Nên mới có câu:  Gió mùa đông bắc, thổi lạnh thấu xương, ghét anh đủ đường, mà duyên ... đành chịu). Rồi tới phía đông. Cuối cùng là phía tây và nam. Thấy phía nam chỗ nào trống thì dọn dẹp sẳn một khoảng trống để di dời cây. Khỏi cái lạnh ập đến bất ngờ thì cập rập, bị động. 

Chuẩn bị greenhouse, vải bạt, áo củ, hay thậm chí không gian trong garage hay trong nhà để nếu có đổ tuyết thì có chỗ cho mấy ẻm nằm ... chờ chết. 

Những thứ cần và làm ngay thì còn nhiếu, nhưng xin để các bài sau sẽ đi vào chi tiết. 

Xin các cao nhân chỉ giáo thêm để chúng ta học hỏi lẫn nhau.

Hao Duc NguyenNgười Việt Houston

_______________________________________________

No comments:

Post a Comment