Friday, January 3, 2014

Tại sao bình ga bị nổ?

Cần biết sự nguy hiểm khi xử dụng gas

Phượng Nghi



Trước hết, xin tìm hiểu sơ lược về ga. Người Việt chúng ta chỉ dùng một từ “ga” (gas) để chỉ propane và butane của Anh ngữ. Thực ra butane và propane có những điểm giống nhau và khác nhau:    


- Cả hai đều lấy từ dầu mỏ (dầu thô hoặc khí thiên nhiên), nhưng có cấu trúc hóa học khác nhau: công thức của  propane là C3H8 (ba nguyên tử carbon và 8 nguyên tử hydrogen), còn của butane là C4H10 (4 carbon, 10 hydrogen)


- Cả hai đều là thể khí được hóa lỏng bằng áp suất


- Cả hai đều cháy ở nhiệt độ gần tương tự như nhau, đều thải ra nước và khí độc carbone dioxide


Tuy nhiên giữa hai loại gas này có những điểm khác biệt:


                                          Propane



Một kiểu lò Propane nhỏ
- Propane không mùi. Thường được thêm ethanethiol vào để có mùi như trứng thối cho dễ nhận ra khi gas xì

- Propane nặng hơn không khí, nên nếu bị xì  sẽ ở dưới thấp, đó là lý do phải để bình bên ngoài nhà


- Propane thường dùng làm nhiên liệu sưởi ấm nhà, hoặc dùng nướng BBQ, đốt lò nấu khi đi cắm trại...


- Propane ít bắt lửa nhất so với các loại nhiên liệu


- Propane có thể để ngoài trời trong mọi tình huống, vì nhiệt độ dưới 0 độ không làm ảnh hưởng



Butan



 

- Butane không màu và dễ hóa lỏng

- Butane dễ cháy và mạnh hơn propane


- Butane độc hơn, giá rẻ hơn, sôi ở độ cao hơn propane


- Butane đốt cháy sạch hơn, cho nhiều năng lượng hơn, nhưng không được dùng làm nhiên liệu ở những nơi nhiệt độ quá thấp có thể đông đá.


- Butane tuy không phổ biến bằng propane nhưng cũng  thường được bơm vào các bình để dùng nấu nướng, dùng trong hộp quẹt mồi lửa, trong các bình xịt hơi để át mùi hôi (deodorants)


Bình gas

Bình gas có nhiều loại khác nhau. Ở đây xin đề cập đến loại thông dụng trong các gia đình (tank). Loại bình nhỏ (cartridge) dùng khi nấu lẩu trên bàn ăn sẽ được đề cập trong kỳ báo tới.

- Propane được bơm vào bình dưới thể lỏng, nhưng khi ra khỏi bình để dùng làm nhiên liệu thì thành thể hơi. Bên trong bình áp suất rất mạnh, một lỗ thủng nhỏ cũng đủ làm nổ bình.


- Bình gas được chế tạo bằng thép pha carbon, ít bị đâm lủng hơn 20 lần so với các loại bình chứa ethanol, methanol hoặc xăng.


- Bình được trang bị để khi dung tích đạt được 80% là tự động ngưng lại, không thể bơm thêm vào. Nhờ vậy, gas không thoát ra ngoài khi áp suất bên trong bình lên cao do nhiệt độ thay đổi.


Với những điểm an toàn như trên, bình gas ở Mỹ ít khi bị nổ. Còn ở VN thì khác, có nhiều vụ nổ xảy ra vì những lý do như: bình có phẩm chất kém nên vỏ bình dễ bị lủng, valve đầu bình bị hở, chỗ vặn valve vào đầu bình bị hở, dây dẫn bị hở do cũ nát hoặc do chuột cắn…


Dù sao, chúng ta vẫn phải ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra khi dùng  gas.



An toàn khi nấu nướng

Nhiều món ăn VN thường đậm mùi gia vị, nên nấu nướng bên trong bếp dễ tạo ra mùi hôi lan tỏa khắp cả căn nhà. Do đó nhiều gia đình thường nấu bên ngoài, bằng bếp gas. Ngoài ra, bình gas còn được sử dụng nhiều khi ta nướng BBQ ngoài trời. Món ăn ngon miệng từ những cách nấu nướng như thế ai cũng thích cả, nhưng nên thận trọng khi sử dụng bình gas cho an toàn:

-  Luôn sử dụng bên ngoài nhà, trong khu vực thoáng khí, không gần chỗ có lá cây, bụi rậm hoặc sát cạnh nhà. Để các vật dụng dễ bắt lửa ở xa lò. Bình gas đặt thẳng đứng. Bình dư dự phòng phải đặt xa lò. Chú ý xem valve của bình có bị hư hay không.

-  Trước khi đốt lò, thử xem gas có bị xì hay không (có thứ dung dịch để thử, bán ở tiệm. Cách rẻ tiền là dùng nước có pha xà bông quét lên, chỗ nào hở gas là thấy bong bóng xà bông phồng to). Coi những chỗ nối dây có chặt chẽ hay không. Nếu ngửi thấy mùi gas, phải đóng bình lại ngay.


-  Khi mở, đóng bình gas, đừng hút thuốc lá. Không để trẻ con đến gần lò.


-  Bình có gas khi không dùng tới phải để nơi thoáng khí nhưng nhiệt độ không quá cao.


-  Luôn coi ngó khi lò đang hoạt động, đừng bỏ mặc để đi làm chuyện khác.


-  Đóng valve khi không dùng, cũng như tất cả các nút lò nướng phải ở vị trí off. Đừng tháo gỡ hoặc ráp bình gas khi lò nướng đang hoạt động, hoặc còn nóng.


-  Đừng che lò lại khi lò còn nóng và các nút điều khiển chưa tắt (off).http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=8755031710322461633#editor/target=post;postID=5669614768231862824


- Khi đi bơm gas, nhờ coi bình xem có bị hở, rỉ sét hoặc có vết nứt hay không.


- Bình đầy gas khi chuyên chở trong xe phải để cho thoáng khí, đừng để xe đóng bít bùng.


-  Dây nối từ bình gas với lò phải được kiểm soát xem có bị hư, bị xoắn không, và khi nấu nướng, đừng để cho gần chỗ dầu mỡ nóng.



Phuọng Nghi  (Nguồn: http://baotreonline.com)

___________________________________________________

No comments:

Post a Comment