Saturday, February 15, 2014

Nhật ký Cali - Đầu Năm Khai Bút

Phạm Thiên Thu



Anh thương yêu,

Không như mọi năm, cứ vừa giao thừa hay trễ lắm là sáng mùng một Tết, sau khi đi lễ Minh Niên đón chào năm mới và rót chén trà thơm cùng nén hương trầm dâng lên bàn thờ Chúa và ông bà là em cầm bút viết vài dòng gọi là khai bút đầu năm…

Năm con ngựa này, lẽ ra mọi sự phải hanh thông và phải nhanh như “ngựa phi, ngựa phi đường xa… ” thì em lại để đến tận hôm nay, ngày mùng năm Tết mới khai bút, có rất nhiều lý do để chút nữa em sẽ kể anh nghe, nhưng em chọn ngày mùng năm khai bút cũng có lý do riêng, đó là ngày Đại Đế Quang Trung đại phá quân tàu ô, với mong ước cho một mùa xuân yên bình và toàn vẹn lãnh thổ như xưa, cho dù có thể ước mơ của em cũng khó thành, nhưng có ai cấm mình mơ ước phải không anh.

Anh thương yêu,

Thế là thêm một mùa xuân nữa trên xứ người đã lặng lẽ trôi qua trong cuộc đời tha hương của em cũng như một số bằng hữu vì một vài lý do nào đó mà đành phải hát bài “chắc không đường về quê cũ ơi… ”. Năm nay đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại Tết chắc là vui, bởi có cả một cuối tuần đón Tết, dù có một số người vẫn có công việc phải làm nhưng dù sao không khí Tết vẫn cứ rộn ràng hơn những năm Tết rơi vào những ngày trong tuần.

Chủ nhật này Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định có tổ chức mừng 225 năm Chiến Thắng Đống Đa, và 27 năm thành lập Hội. Gống như mọi năm với tất cả những nghi thức cổ truyền để tưởng nhớ vị Anh Hùng Dân Tộc Áo Vải Cờ Đào ở Moon Light Restaurant, một nhà hàng quen thuộc với người Qui Nhơn - Bình Định, em cũng được báo cho biết để tham dự nhưng em không đi được vì phải đưa Phúc Thiên đi Hội Chợ Tết Sinh Viên.


Hội Chợ Tết Sinh Viên là một hội chợ  do các em thế hệ trẻ của Việt Nam ở Hải Ngoại tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm nhằm duy trì và phổ biến những nghi thức và tập tục cổ truyền của Dân Tộc Việt Nam. Theo em thấy thì các em tổ chức rất chu đáo và bằng tất cả bầu nhiệt huyết và không vụ lợi của lớp Trẻ. Các nghi lễ và tập tục cổ xưa của Việt Nam gần như được các em tái hiện lại, đưa con cháu đi tham dự hội chợ là một dịp để con cháu mình học biết về quê hương, và để các con em mình biết đến cội nguồn và niềm tự hào mình là con cháu  Lạc Hồng, để con cháu mình sau này đừng vì cuộc sống quá tất bật nơi xứ người mà quên mất cội rễ của mình, và cũng để ủng hộ cho các em sinh viên, những mầm xanh của Dân Tộc Việt Nam.

Các em rất đáng được ủng hộ vì các em đã rất tâm huyết với nền văn hóa của quê hương – Vì như các vị tiền bối trong cộng đồng thường hay nói “chúng ta đi mang theo cả quê hương” mà quê hương là gì nếu con cháu mình không biết đến nền văn hóa cổ truyến của dân tộc, không biết đến Âu Cơ và Lạc Long Quân, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Anh Hùng Nguyễn Huệ, không biết các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn và cả một thời nội chiến đã qua trong đau thương nước mắt.

Anh thương yêu,

Em nghĩ quả là không sai, những dòng khai bút này cứ bị ngắt quãng hoài, nếu mà tin dị đoan thì chắc năm nay em sẽ chẳng viết lách được gì vì cứ cầm đến bút (xí quên, cứ ngồi vào computer là có việc phải làm, ví dụ như Bảo Lam đòi bú hay đến giờ đón đưa Phúc Thiên đi học, tới lúc vừa rảnh một chút thì chữ nghĩa đã như mùa Thu lá bay rồi anh ạ !). Chính vì thế nên em quyết định không mở computer cho đến tận sáng hôm nay, lý do là chủ nhật vừa qua đưa Phúc Thiên đi Hội Chợ Tết Sinh Viên ở OC Fair; nhân tiện kể chuyện Hội Chợ Tết cho anh nghe vì anh cứ muốn biết “Tết Ta ở bên Tây” như thế nào nên kể cho anh nghe chút xíu nha, vì thật ra em cũng mới trở thành cư dân của xứ sở Cờ Hoa không đủ dài để có thể biết hết về những sinh hoạt dài hơi của mọi người.

Cũng như mọi năm, Hội Tết Cộng Đồng được tổ chức vào ba ngày đầu năm Giáp Ngọ tại Garden Grove Park, cũng ở gần nhà mình nhưng em không đi “du xuân” được vì mùng một Tết đúng vào ngày đầy tháng của Bảo Lam, nhưng vì là thứ sáu nên đành để qua thứ bảy mới tổ chức cho có bà con, bạn bè… Dù không làm gì nhưng chỉ có Chúc Tết, Lì Xì và ngồi cho con cháu chúc sau khi đã chúc Tết má, và chụp hình cũng đủ mệt (vì năm nay cả nhà bận đến tận tối 30 Tết còn phải đem quà đi biếu Tết nên sáng mùng một không đi lễ Minh Niên được mà ngủ nướng cả nhà, dành việc Chúc Tuổi và Lì Xì cho ngày mùng hai, luôn dịp tổ chức đầy tháng cho Bảo Lam.

Xong tiệc thì mọi người chỉ còn muốn ngủ mà thôi, sáng mùng ba đi qua bà Grace và ghé chợ Mom cho má mua chút thức ăn tươi (má muốn tự làm riêng món ăn của má mà thôi). Loay hoay một chút là đến giờ đi lễ Chúa nhật, coi như xong ba ngày Tết nơi xứ người, cái xứ gì mà thời gian cứ như trực thăng bay vèo chứ không phải là ngựa nữa mới dễ sợ chứ, anh biết tối mùng ba Tết có gì đặc biệt không, đó là lúc cả nhà đang ăn cơm thì có tiếng sấm thật to, lần đầu tiên sau ba năm ở bên này em mới nghe tiếng sấm và sau đó là cơn mưa làm cư dân Cali ai cũng mừng vì cái xứ vốn ít mưa này, năm nay lại càng ít hơn. Hạn hán làm đất khô nứt cả ra, nhưng thật ra mưa cũng không đủ thấm đất anh ạ. Hiện nay nước đang là vấn đề sống còn của Cali đó anh ạ !


 Anh thương yêu,

Hội Chợ Tết Sinh Viên được tổ chức lần thứ 33 rồi đó, các em trẻ thật giỏi phải không, phải chi anh có mặt ở hội chợ thì anh mới thấy cảm động như thế nào khi thấy sự tháo vát và nhiệt tình của các em. Ngoài “Làng Việt Nam” là trung tâm điểm thì hội chợ còn có các gian hàng trò chơi của các cộng đồng bạn, giống y chang các hội chợ vui chơi bên VN thôi, có khác là những trò chơi như đu quay hay đi máy bay, đi cầu treo… thì mình  mua ticket ở một chỗ và tùy từng trò chơi mà phải đưa 3 hay 4 vé.

Phúc Thiên đòi đi cầu treo, và đòi bà ngoại đi với nó, hôm đó em không đi giày mà lại đi guốc cao mà nó không chịu đi với ai trong nhà mà đòi bà ngoại mà thôi. Trời đất… Cái thang treo cao chót vót mà lại dài vòng lên tới hai đoạn đường, vừa bước vào thì đường dẫn lên là những đoạn ống thép tròn lăn dưới chân làm em suýt nữa thì té. Qua đoạn đường bước lên chiếc cầu treo lúc lắc, hai bên có lưới cũng bằng dây, đan mắt cáo, em cứ nghĩ là mình đang đi trên “đoạn đường chiến binh” của anh ngày xưa trong quân trường, vừa đi vừa sợ té vì đi guốc cao, lại phải khuyến khích Phúc Thiên cho nhóc ta khỏi sợ. Đoạn cuối là slide theo ống xuống, đáng lẽ em phải ôm nhóc rồi hai bà cháu tuột như thường tuột cầu tuột, ai dè nhóc ta ngồi xuống trước, vì là đệm hơi nên nhóc ta tuột cái vèo, em nặng hơn nhóc nên tuy xuống sau nhưng vận tốc lại nhanh hơn nên xuống đến cuối là lăn vào người nhóc ta, nhóc ta cười khoái chí và từ hổm tới nay, trưa nào đi ngủ thay vì kể truyện hay đọc sách thì nhóc ta lại vanh vách kể chuyện hai bà cháu đi thang treo tuột ống xuống, tự dưng một thoáng em trở lại với tuổi thơ và chiếc cầu tuột ngày xưa ở sân trường Trinh Vương anh ạ !

Thật ra thì có nhiều cảnh được tái hiện lại lắm, như những chiếc ghe chở trái cây, phông của nó là khúc sông mênh mông khiến cho ta nhớ tới chợ nổi ở Cần Thơ, những quán nước đầu làng, những quán cóc bên đường với những món nhậu dân dã, bình dân như khô mực, khô khoai, cóc, ổi, xoài xanh… những gánh hàng rong với những món quà miền bắc. Tượng trưng cho ba miền là chợ Bến Thành, chùa Sứ Quán, phố cổ Hội An với đèn lồng, lụa tơ tằm… Sân khấu là một bức tranh vẽ phố cổ Hội An, có màn đặc biệt biểu diễn áo dài Cung Đình Huế do các chị cựu nữ sinh trường Lê Văn Duyệt biểu diễn.


À quên nói với anh, hôm mùng hai Tết đi diễn hành cũng có đoàn xe của trường Trưng Vương với các cựu nữ sinh mặc áo dài khăn đống mành xanh dương, các chị trường Gia Long với màu áo tím, và Lê văn duyệt với áo dài màu xanh lá cây tươi, ba chiếc xe hoa này đi liền nhau (Ba ngôi trường công lập Nữ tiêu biểu cho Sài Gòn xưa).

Em có chụp hình Phúc Thiên đứng với các “Bà” biểu diễn áo dài (vì chị nào nhỏ nhất thì năm nay cũng phải ngoài 50 rồi phải không anh); và chụp hình cậu nhóc với mấy con lân vì cậu ta cứ đòi “cho con lân nó ăn tiền đi bà ngoại, con lân nó hiền mà”. Ngoài ra còn có một đám cưới đầu xuân theo cổ truyền, đón dâu với đủ lọng vàng và quan viên hai họ, các cô gái, cậu trai bưng quả… Chuyện mà kể thì chắc không bao giờ cạn, thôi thì cứ đại khái như vậy thôi nha, có gì em sẽ kể trong những thư sau.

Anh biết không, cũng chỉ một vòng quay 24 tiếng mà sao ngày bên này nhanh vùn vụt; em vừa xem lịch mà giật mình và cũng chỉ xem lịch vì trường Phúc Thiên nhắc mua thiệp Valentine cho học trò tặng nhau, Pre-school của Phúc Thiên coi vậy mà cũng cả trăm học sinh (mỗi lớp chỉ độ 10 học sinh mà tới hai cô giáo đó) nên phải mua 100 cái thiệp, cháu mình cũng sẽ nhận lại bằng đó cái thiệp của các bạn khác, cũng vui nhưng cũng mệt vì chỉ viết tên người gửi không thôi thì bà ngoại này cũng mỏi tay quá chừng rồi.

Lại coi lịch mới thấy hôm nay là Valentine bên quê nhà và lại rơi đúng vào ngày rằm Nguyên Tiêu. Bên đó chắc nhộn nhịp lắm phải không, có em nào tặng chocolate cho anh không đó, nếu có thì nói cô nàng nhớ mua Dark Chocolate nha, ăn ít thôi, coi chừng béo phì nghe chưa ông bụng bự.

Thôi nha, thư thì dài mà ý thì chưa hết, hẹn thư sau, chúc bình an hạnh phúc trong ngày Valentine - Nguyên Tiêu. Nhớ đi thăm anh Quan San, nghe nói anh ấy bịnh nên chắc năm nay không có tham gia ba cái vụ thơ thẩn gì đâu.

Em

Phạm Thiên Thu

____________________________________________________

No comments:

Post a Comment