Tuesday, July 1, 2014

Hai Câu Chuyện

                                            Cung Nhật Thành lược dịch

Hai câu chuyện này có liên hệ gì với nhau " ?
Trung Úy phi công Hải Quân Butch O’Hare là con trai của Easy Eddie.
Ước mong bạn cũng ngậm ngùi và cảm khái như tôi khi đọc những giòng này.

 
Chuyện thứ nhất:  Trung Uý phi công Hải Quân Butch O’Hare

Có rất nhiều quân nhân can trường trong thế chiến thứ Hai, một trong những anh hùng đó là Trung Uý phi công Hải Quân Butch O’Hare. Trung Úy O’Hare là phi công khu trục tùng sự trên hàng không mẫu hạm Lexington trong vùng biển khu vực Nam Thái Bình Dương.

Một hôm toàn thể phi đoàn của ông được giao phó thi hành một phi vụ quan trọng. Sau khi cất cánh và gia nhập đội hình bay, liếc nhìn bảng phi cụ, ông nhận ra có chuyện không ổn, hoặc là đồng hồ báo xăng bị hư hoặc là ai đó không bơm đẩy xăng cho ông. Với tình trạng này, ông không đủ xăng

để hoàn thành nhiệm vụ và trở về tầu được. Trung Úy O’Hare báo với Phi ĐoànTrưởng và được lệnh phải quay về. Ông miễn cưỡng rời khỏi đội hình của phi đoàn và quay trở lại hàng không mẫu hạm.

Trên đường về tầu, bỗng nhiên, Trung Úy O’Hare thấy một cảnh tượng làm ông dựng tóc gáy: dưới thấp xa xa trước mặt ông là nguyên một phi đoàn oanh tạc cơ của Nhật đang trên đường tìến về hải đội Hoa kỳ. Phi đoàn khu trục của Hoa Kỳ đã bay đi thi hành nhìệm vụ và hải đội không còn ai bảo vệ cả. Dù có gọi, phi đoàn khu trục cũng không thể trở về kịp để cứu và cũng không còn thời gian để báo với hải đội những nguy hiểm sắp đến. Việc duy nhất còn có thể làm là bằng bất cứ giá nào cũng phải xua đuổi phá tan và chuyển hướng đội oanh tạc cơ Nhật.


Không còn nghĩ đến an nguy cho mình, Trung Úy O’Hare lao thẳng vào đội hình đoàn oanh tạc cơ Nhật, với bốn nòng súng 50 ly gắn trên cánh đỏ rực, ông tấn công tới tấp bắn hết chiếc này đến chiếc khác. Đến khi hết đạn, ông vẫn tiếp tục tấn công, liều lĩnh đâm thẳng vào các phi cơ Nhật, cố gắng cắt đuôi chiếc này, hay cắt cánh chiếc kia mong cho họ không điều khiển và bay được. Trong đáy cùng tuyệt vọng, ông làm bất cứ gì có thể làm để các oanh tạc cơ Nhật không đến được hải đội Hoa kỳ.
Cuối cùng, đoàn phi cơ Nhật bối rối và chuyển hướng. Thở ra nhẹ nhõm, Trung Úy O’hare lê lết chiếc máy bay tả tơi của mình về lại hàng không mẫu hạm. Ông báo lại sự việc, chiếc máy quay phim gắn trên phi cơ là bằng chứng hùng hồn nhất. Nỗ lực trong tuyệt vọng để bảo vệ hải đội Hoa kỳ, ông đã hạ 5 chiếc oanh tạc cơ Nhật.
Đó là ngày 20 tháng 2 năm 1942. Trung Úy O’Hare là phi công Hải Quân đầu tiên trong quân chủng được trao tặng Huân Chương Danh dự của Quốc Hội Liên Bang Hoa kỳ.


Năm 1943, Trung Úy O’Hare tử trận trong một cuộc không chiến lúc ông 29 tuổi. Để không ai có thể quên được người anh hùng này, phi trường của thành phố Chicago, quê hương ông, đã được đặt tên là phi trường O’Hare. Dịp nào đó nếu dừng chân tại phi trường O’Hare, xin hãy đi thăm khu kỷ niệm O’Hare, nhìn tận mắt Huân Chương Danh Dự đã gắn lên ngực áo của ông. Khu lưu niệm này nằm giữa Terminal 1 và Terminal 2.
*


Chuyện thứ hai: Luật sư  Easy Eddie


Hơn mười lăm năm trước đó, tại thành phố Chicago có một người mang biệt danh là Easy Eddie. Trong thời gian này, Trùm tội ác Al Capol hầu như làm chủ thành phố. Capole nổi tiếng không do các hành động anh hùng mà vì các việc làm bóc lột, tàn nhẫn và hung ác. Thành phố Chicago, qua Capole, tràn ngập những nơi bán rượu lậu, các động mãi dâm và các vụ giết người không gớm tay.

Easy Eddie là luật sư của Al Capole. Chắc chắn Eddie rất giỏi. Việc rành rẽ và biết lợi dụng các kẽ hở pháp luật của Eddie đã giúp Capole nhởn nhơ ngoài vòng tù tội. Để tỏ lòng biết ơn, Capole trả công Eddie rất hậu. Không chỉ về tiền bạc mà còn chu cấp về tài sản nữa. Chẳng hạn như gia đình Eddie sống trong một lâu đài lớn, kín cổng cao tường và thừa mứa các tiện nghi của lúc đó với kẻ hầu người hạ ngay trong nhà. Lâu đài này lớn đến độ chiếm nguyên một đoạn đường của thành phố Chicago. Dĩ nhiên với cuộc sống giầu có quyền thế của kẻ đương thời, làm sao Eddie có thể nhận và hiểu được những khốn cùng của xã hội chung quanh.


Như mọi người, Eddie có một yếu điểm. Có một con trai và Eddie thương con vô cùng. Cậu bé có đủ thứ ở trên cõi đời, toàn những loại thượng hảo hạng: quần áo, xe cộ ngay cả trường học nồi tiếng vì giá cả tiền bạc không thành vấn đề, hầu như không có gì có thể ngăn cản được ước muốn của Eddie. Mặc dù liên hệ chặt chẽ và chìm ngập trong tội ác, Eddie cũng đã có những cố gắng dậy con thế nào là phải và trái.


Vâng, Eddie đã cố dậy cậu con trai vượt lên từ cuộc sống nhớp nhúa của chính mình, ước mong con sẽ là người tốt.. Cho dù giầu có và quyền thế xiết bao nhưng vẫn có hai thứ Eddie không thể cho con được, hai thứ mà chính Eddie đã chót bán cho Capole: làm gương và để lại cho con niềm danh dự.


Qua nhiều đêm trằn trọc thao thức, Eddie quyết định việc để lại danh dự cho con cần thiết, quan trọng và có ý nghĩa hơn là cho con cuộc sống giầu có với những đồng tiền từ máu và nước mắt của người khác. Phải thay đổi hoàn toàn những việc làm lầm lỡ trước kia, phải báo với chính quyền những sự thật về Al Capole. Eddie cố gắng rửa sạch những nhơ nhớp trên cái tên của mình, ngõ hầu cho con biết thế nào là trung thực và ngay thẳng.


Để hoàn tất mọi chuyện, Eddie phải ra trước toà làm nhân chứng chống lại ông Trùm, biết rằng giá phải trả sẽ không nhỏ. Hơn tất cả mọi chuyện trên đời, Eddie muốn phục hồi tên tuổi mình, hy vọng sẽ để lại cho con tấm gưong và niềm danh dự.
Eddie ra trước toà làm nhân chứng, Trùm Al Capol vào tù. Vài tháng sau, Eddie gục ngã trong cơn mưa đạn trên một con đường lẻ loi ở Chicago. Eddie đã để lại cho con trai một món quà lớn nhất trên thế gian này, mua bằng giá cao nhất là sinh mạng của chính mình.
*


Hai câu chuyện này có liên hệ gì với nhau "
Trung Úy phi công Hải Quân Butch O’Hare là con trai của Easy Eddie.
Ước mong bạn cũng ngậm ngùi và cảm khái như tôi khi đọc những giòng này.


Cung Nhật Thành lược dịch


_______________________________________________________________________

1 comment:

  1. Những người anh hùng, cống hiến cho đất nước cho xã hội không ngại cái chết, Họ thật đáng được tuyên dương, là tấm gương cho những thế hệ đi sau.. Mà cái hay là hậu thế tuyên dương họ chứ không do bản thân tự khoe thành tích.

    Gần đây tôi đọc một cuốn sách của một nhân vật. Người tự khoe không biết ngượng, nhưng người đọc ngượng dùm cho họ. nếu chỉ là cặm cụi làm ăn , tích cóp được ít tài sản và nhờ trời đám con được ăn học có chút địa vị thì cũng chì là niềm vui của riêng gia tộc . Nên xem cuốn sách là cuốn kỷ iếu của gia tộc, chỉ phổ biến trong gia tộc chứ ai lại đem phân phát cho mọi người.
    Muốn phân phát thì nên đợi lúc đám tang của mình , người dọc sẽ thấy ngưỡng mộ hơn do thói quen của người Á đông mình là luôn bao dung với người quá cố và thường đố kỵ với người còn sống.
    Vài dòng chia sẻ. - PVP

    ReplyDelete