Saturday, July 18, 2015

Nhật ký Cali - Nỗi buồn tháng bảy

Phạm Thiên Thu

Anh thương yêu,

Em đã về lại Cali tròn một tháng rồi đó, nhiều lần định viết cho anh mà không sao viết nổi. Có những nỗi buồn không dưng làm trĩu tim mình, làm mắt muốn rưng rưng, khiến người mình chùng xuống một nốt nhạc trầm để rồi như một con sâu cuộn mình trong kén vì chưa đủ tháng ngày hóa thân thành bướm, nên cứ mãi cô đơn trong cái kén chật hẹp của mình mà chẳng làm gì được…

Anh thương yêu,

Bây giờ là đu mùa hè, Cali nắng nóng chẳng kém gì Sài Gòn; có những lúc nắng rát cả da, nhưng được một điều là khi trời tắt nắng thì không khí lại dịu đi ngay (mùa hè bên này có hôm mặt trời còn dãi những vạt nắng vàng đến tận hơn 20 giờ đó anh). Tuy nhiên như em nói với anh, Cali thường có những ngày đông trong mùa hạ và những ngày hè trong giá rét của mùa đông; thế nên mấy hôm nay trời Cali bỗng dưng lại âm u vào buổi sáng, thi thoảng có những giọt mưa chưa chạm xuống đất đã vội vàng khô ngay trong ngày hạn tháng khô này của Cali. Hình như đã sáu mùa rồi mưa đã vắng mặt ở Cali, đâu đó trên mảnh đất này đã có những vùng hạn khô đến nứt nẻ cả mặt đất tội nghiệp của xứ sở nông nghiệp này.


Như mọi năm, pháo bông cũng rộn ràng đây đó trên cả đất nước này trong ngày Lễ Độc Lập. Nhóc nhà mình cũng đòi pháo bông, nhưng khi đốt lên thì cu cậu lại sợ, chứ không hào hứng như khi xem pháo bông hay nhạc nước ở Disney Land. Nói cho cùng thì cu cậu nhà ta cũng mới có 5 tuổi, làm sao dám tự tay đốt pháo cho bay lửa lên trời phải không anh ?! Ngày Lễ Độc Lập rộn ràng pháo của xứ người khiến em chạnh lòng nhớ lại những ngày Tết xa xưa ghê anh ạ ! Nhớ căn gác nhà em ở đường HBT ngày chúng mình còn thơ dại ở thành phố biển Qui Nhơn. Nhớ những buổi tối rủ nhau đi trộm trái cây trên những bàn Thiên của mấy nhà cuối đường nhà chúng mình, để sáng ra nghe mấy bác chửi váng cả xóm lên mà cười rúc rích với nhau. Nhanh quá phải không anh, mới đó mà giờ đây tóc chúng mình đã nhiều muối hơn tiêu rồi đó anh. Có những người bạn cùng xóm với chúng mình bây giờ không biết lưu lạc nơi nào, không hiểu có còn trên đời này hay đã rong chơi nơi cõi khác rồi. Làm sao biết được anh nhỉ. Như một câu thơ nào đó em có lần được nghe “Sống đã chẳng cùng Chết sao hay!”. Như lần về VN của em khi gọi điện thoại thì mới hay anh Sao và anh Khải, hai người bạn thân thiết, hai người anh, hai đồng nghiệp của em đã đi về miền miên viễn một cách thật nhẹ nhàng và đột ngột. Nghe tin mà em bỗng tê dại cả người. Quả thật đời người qua nhanh và mong manh như ngọn đèn trước gió

Anh thương yêu,

Nhiều lúc em tự hỏi không hiểu mình có quá khắt khe, quá cầu toàn trong mọi vấn đề, kể cả tình cảm trong cuộc sống hay không ? Có lẽ chính vì điều này nên em thường hay thấy mệt mỏi và chán nản cuộc sống vốn đã không dễ dàng gì với em. Tuy nhiên, thật lòng mà nói, tất cả mọi điều đối với em đều vô nghĩa nếu đến với nhau mà chẳng còn chút tình nào nữa. Hay tệ hơn chỉ là những dối trá, lọc lừa, giả vờ đùa giỡn trên sự chân thành của người khác thì thà cứ như người xa lạ. Như những buổi sáng tản bộ trong công viên, nhiều người ngày nào cũng gặp mặt nhưng không cả một cái gật đầu nên cũng chẳng thể nào quen, cho dù mình vẫn biết họ hiện diện trên cõi đời này, dù họ chẳng là gì với mình; nhưng dù sao cũng thấy dễ chịu hơn là với những người tưởng đã là một phần xương thịt của mình mà bỗng dưng ngày nào đó phải cố mà xem như người lạ trong đời phải không anh ?! Nhưng dẫu sao em vẫn luôn nghĩ rằng mọi thứ trên đời này, mọi mối quan hệ, cha mẹ, con cái, vợ chồng hay bè bạn tất cả đều là cơ duyên - Có duyên thì tụ hết duyên thì tán phải không anh ? Tuy vậy, nói gì thì nói, đã là con người thì chuyện hỷ, nộ, ai, ái, ố làm sao tránh khỏi phải, làm sao có thể thản nhiên như  nhà thơ  DTL đã dặn dò người tình của mình trong một bài thơ, em đọc đã lâu “Người cứ thản nhiên đi, xá gì ân nghĩa cũ, ta đã sống nửa đời, không cách gì khác được. Mới sống có nửa đời  mà đã thấy khó làm khác đi những gì vốn dĩ tồn tại thì những người đã sống gần hết đời như chúng ta thì sao hả anh ?!

Em nghĩ chắc cũng phải bắt chước họ mà thản nhiên sống chứ làm gì hơn được phải không anh. Mà thôi, tại sao lại cứ phải nói những chuyện mình không thích, những chuyện chỉ mang đến cho mình những nỗi muộn phiền trong khi còn biết bao nhiêu chuyện vui trong đời mình lại quên không nhắc tới nhỉ.

Chuyện vui thứ nhất là hè này Phúc Thiên nhà mình đi học bơi lại và đã lên thêm một level. Đi học piano mới được một tháng mà hình như cu nhà ta có khiếu hay sao ấy nên đánh đàn nghe cũng được chứ không như mẹ nó ngày xưa học đàn tranh hay như bà ngoại là em học organ. Cu nhà ta đi học thêm ở Kumon tuần hai buổi sau khi “tốt nghiệp mẫu giáo”. Trường cũng làm lễ cho các cô bé cậu bé “ra trường” với mũ nón xênh xang, các cô bé thì mặc đầm dài, còn các cậu nhà ta thì vest đen, chemise trắng, thắt cravate đàng hoàng, trông oai ra phết. Cả nhà ta “tứ đại đồng đường” tham dự lễ tốt nghiệp mới ghê chứ. Có một điều đáng nói nữa là kể từ hôm “tốt nghiệp pre-school” tới giờ là cu nhà ta đòi làm thày giáo và dạy bà cố học; gọi bà cố là học trò, xưng thày với bà cố và bắt bà cố viết bài quá trời. Mà cũng vui là má cũng chịu khó ngồi gò lưng ra mà viết bài tới đau cả lưng, và than mệt “Ối giời, thày bắt trò viết hoài, mệt quá; học trò không viết nữa, học trò đi xem film đây”. Thế là nó đòi phạt mới ghê chứ, nó nói với má “Học trò này lười biếng, thày sẽ phạt đuổi ra khỏi lớp, không dạy nữa. Thày dạy học trò khác đây”. Nó quay sang hỏi em “Con dạy bà ngoại nha”. Em nói “Ngoại mắc coi em mệt lắm, không học đâu”. Nó nói “Con sẽ dạy bà ngoại đánh đàn, được không, con sẽ phạt học trò bà cố không dạy bà cố học nữa; cho bà cố dở ẹc luôn há bà ngoại”. Đúng là nhiều khi quá mệt mỏi, và chán đời, nhưng có Phúc Thiên cũng đỡ buồn anh ạ !

Tháng Bảy này cũng có một chuyện đáng nói đây, “Đại Hội Cựu Học Sinh Liên Trường Qui Nhơn Toàn Thế Giới” sẽ họp mặt tại địa điểm quen thuộc là nhà hàng Hoàng Sa (Paracel Seafood Restaurance). Năm nay chắc chắn sẽ có nhiều điều hấp dẫn đây, bởi vì kỷ niệm 40 năm xa xứ đó.

Thôi nhen, khi nào đi dự Đại Hội về sẽ kể anh nghe những chuyện vui buồn nhé !


Phạm Thiên Thu

No comments:

Post a Comment