Tuesday, August 14, 2018

Nếu hiểu được đời là vô thường..

Quinhon11

Hình minh hoạ

Mỗi một ngày đi qua, là hơi thở rút ngắn đi một ngày. Liệu mình còn sống được bao lâu nữa? Đây là câu hỏi mà ai cũng có lúc tự hỏi chính mình. Tuy vậy, hỏi cũng chỉ để hỏi mà thôi, chứ đa phần ai cũng nghĩ, hay hy vọng mình còn sống lâu lắm. Họ thường chuẩn bị rất xa, xa đến nỗi có khi hy sinh cả hiện tại, chỉ để hướng về đoạn đường mù khơi phía trước, mà không biết rằng có lắm khi " đường đi không đến".
Có hai câu chuyện làm mình có chút suy nghĩ , không biết có phải là nghiệp, là ngu muội, sân si, để bản thân chới với cả đời, cuối cùng đường mình muốn đi, không bao giờ đến.

1-  Câu chuyện anh A
Anh là một người có bản tính rất cần kiệm, có thể nói là keo kiết. Không những với bản thân mình, mà ngay cả với vợ con cũng đừng hòng tơ hào một xu của chồng, của cha mình. Sinh hoạt trong gia đình, nếu không nhờ bà vợ đi làm thêm có đồng ra đồng vào lén chi thêm, thì dù là đang sống ở Mỹ chắc cũng không khác gì cuộc sống ở thời bao cấp, hoặc khu kinh tế mới đói nghèo sau 75. Do anh không muốn chi tiêu gì cả. Anh làm ngày, làm đêm nhưng bao nhiêu tiền đều cất dấu hết. Vẻ ngoài lúc nào cũng tuềnh toàng. Cái xe cà tàng, áo quần cũng cũ, nhà cửa cũng khiêm tốn.. Nhìn vào anh, chỉ thấy một hình ảnh vất vả, lam lũ, nghèo khổ. Không ai nghĩ anh có tiền. Ngay cả vợ con anh, họ cũng tưởng thế.

Thỉnh thoảng ai mời tới nhà chơi, ăn uống, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, thì anh cũng dẫn vợ con đi. Nhưng không bao giờ anh đóng góp thức ăn, hay bất cứ quà cáp gì cả. Cũng như anh không bao giờ mời ai tới nhà. Sợ tốn kém. 

Một hôm đến nhà một người quen dự sinh nhật. Bà vợ nghĩ mình lâu nay cứ ăn chực hoài, thấy cũng mắt cỡ, nên lần này chị lấy tiền riêng, mua sắm một ít đồ ăn, đem tới gọi là đóng góp cho vui. Những thức chị mua cũng không có gì đặc biệt. Một trái dưa hấu, một khay thức ăn nhanh, xâu bia, ít bánh trái.. chỉ có thế. Khi anh A dừng xe trước cửa nhà người quen, đang lúc các con lục tục bước xuống, bà vợ mở cốp xe lấy đồ, anh thoáng nhìn thấy lụ khụ đồ ăn, thế là cơn tức giận trào dâng. Anh đóng cốp xe, không cho đem đồ ăn ra, và quát bảo vợ và 3 con, tất cả vào lại xe, anh quay đầu xe ra về. Trên xe anh gào lên giận dữđi về! bao nhiêu đồ ăn đó đủ cho cả nhà ăn một tuần, tại sao đem tới nhà người ta chỉ để ăn một ba??.

Vậy đó, ngày qua ngày, anh ráng cày cục làm. Đến năm 63 tuổi, sắp đến tuổi hưu trí rồi, anh mang một số tiền về VN mua đất xây 2 căn nhà. Cả đời anh dốc sức chuẩn bị và mơ về tuổi già của mình sẽ iên ả nơi quê nhà. Thế nhưng, nhà xây chưa xong, anh thấy mệt đau trong người lắm. Bay về  Mỹ khám bệnh, để rồi nhận được tin sét đánh: anh bị ung thư thời kỳ cuối, BS chuẩn đoán chỉ còn sống thêm vài ba tháng. 

Không kể, chắc ai cũng biết tâm trạng anh như thế nào. Đến lúc này, anh cũng không hé môi với ai về chuyện tài sản tiền bạc anh có. Anh ôm tất cả vào lòng với sự đau khổ vô biên. Từng ngày cuối trôi qua, nằm trên giường bệnh, nước mắt vợ con bên cạnh không ám ảnh anh nhiều bằng sự tiếc nuối số tài sản. Anh cháy bỏng khát khao đem được chúng theo, về bên kia thế giới. Mồ hôi, nước mắt ngần ấy năm, anh không muốn san sẻ cho bất cứ ai. Anh sống không tình, không nghĩa, vì tất cả tâm huyết, cảm xúc anh đã dành hết cho khối tiền của này rồi. Anh chẳng còn chút tâm tư dư thừa, rơi rt nào sót lại cho bất cứ ai.

Thế rồi cũng tới ngày anh ra đi, trút hơi thở cuối một cách day dứt. Đôi mắt như cố níu kéo kia .. khép dần vào một ngày mưa ảm đạm. Anh nằm đó xuôi tay, cơ thể lạnh ngắt duy có hai lòng bàn chân còn tồn đọng lại chút hơi ấm.

Thật bất ngờ, mấy tháng sau thông qua luật sư, vợ mới biết anh có để lại một khối tài sản khá lớn. Vài triệu dollars trong tài khoản cũng như một số bất động sản giá tr, cộng thêm lương hưu .. Chưa bao giờ bà có thể tưởng tượng mình có trong tay một số tài sản lớn như vậy. Mấy mẹ con bà thiếu ăn, thiếu mặt lâu nay. Mọi chuyện thình lình quá khiến bà lúng túng, khiến bà bà hoang mang: Tiền nhiều quá, biết xài sao cho hết. 

Bây giờ, hai năm sau cái chết của anh A: Người v lam lũ năm xưa đã lột xác. Bà nghỉ làm, khoát trên mình những tấm áo đắt tiền, những cái bóp hàng hiệu mội cái không dưới năm ngàn dollars, xe xịn, nhà mới.. Cô con gái lớn năm nay mới 16 tuổi, giờ cũng học được cách vung tiền không tiếc tay. Đòi mua cái này, cái kia, cái phone tay mới tinh chưa kịp cũ, đã đòi đổi cái phone đời mới cáu cạnh khác,. Mẹ chưa đồng ý, cô không cần suy nghĩ,  vứt ngay cái cũ vô bồn nước, buộc mẹ phải mua ngay cái mới.. 

Tới đây thôi nhen, cuốn phim về gia đình này chưa hết. Màn sau, hồi sau.. những việc này phải cuối phim mới biết. Mà cũng không cần biết làm gì. Trước mắt mình đây, mỗi giây, mỗi phút, những cuốn phim về thế giới con người, hỉ nộ, ái ố, tham sân si.. muôn màu muôn vẻ, thể loại này có bao giờ ngừng chiếu. Trong đó cũng có chính mình là một trong những diễn viên mà. Phải không ?

2 -  Câu chuyện anh B.
Anh B cũng là một người chăm chỉ làm ăn lắm. Vượt biên tới trại tỵ nạn Mã lai chỉ còn cái quần xà lỏn. Đói ăn, khát uống bao ngày trên biển, chỉ còn xương da, nên anh biết quí đồng tiền. Sang tới Mỹ, thời ấy nghề bán hàng tạp hoá - grocery store - kiếm được khá tiền, nên người Việt mình lao vào nghề này rất nhiều. Anh là một trong số đó. Khi ấy kiếm tiền tương đối dễ, food stamp còn là những xấp giấy như tiền âm phủ. Mánh khóe nào anh cũng làm, ai sao tui vậy, nên kiếm cũng khá. 

Cuộc sống anh bên ngoài vẫn thế, nghĩa là mấy mươi năm sương gió đi qua, vẫn dáng vẻ lam lũ, nghèo khổ. Anh không muốn chung quanh biết anh có tiền, e rằng làm mồi cho cướp, cũng như nhiều phiền toái mà anh lo xa, nghĩ đến. Cuộc sống ham làm, quên hưởng , chưa một lúc ăn ngon, mặt đẹp, xe xịn, nhà sang, hay du lịch nơi này nơi kia. Những hưởng thụ đời thường, với anh vẫn còn là một xa xỉ. Đang hăng say làm việc như cái máy, bỗng một ngày anh ngã bịnh, và BS cho biết anh chỉ còn 1 tháng để sống. 

Anh như rớt xuống từ trên cao. Anh khóc bên ngoài, khóc bên trong, khóc lúc thức cũng như cả lúc thiếp đi vì thuốc ngủ.. Không có cái đau đớn nào như cái đau đớn này. Người nhà mời sư thầy vào thăm, khuyên nhủ. Anh nắm chặt tay sư thầy khóc ngất: Thầy phải giúp con sống thêm thầy ơi. Con không cam lòng chết, con có 9 triệu dollars tiền mặt cất dấu ở trong nhà, Cả đời làm việc vất vả, con chưa hưởng gì hết, làm sao con chết được thầy ơi.

Thế rồi, anh cũng phải ra đi. Làm sao cưỡng được số trời. Anh khép mắt vào một sớm mai buồn. Nét mặt còn hằn nguyên vẻ bi thương, phẫn nộ. Trời đâu? đất đâu? sao bất công với Anh như thế. Sư thầy đến nơi, vuốt mắt, đặt nhẹ tay lên cơ thể anh. Tất cả người anh lạnh toát, chỉ còn hai lòng bàn chân, còn mãi ấm, vương vấn hoài không chịu lạnh.

Nếu các bạn hiểu thuyết nhà Phật, thì các bạn biết, thân xác con người khi mất đi, cả người đều lạnh mà hai lòng bàn chân còn ấm thì bạn biết đó là nghiệp quả gì.

Đây là hai câu chuyện hoàn toàn có thật. Xảy ra cũng chưa lâu. Mình kể ra không phải có ý gì. Bản thân mỗi người ai cũng có hỉ nộ, ái, ố, tham, sân, si.. đầy đủ. Chưa chắc ai hay hơn ai, nên không dám vội chê khôn, cười dại. Mình kể chỉ với ý nhắc nhở mọi người còn đang sống, trong đó có chính bản thân mình.

Mỗi một ngày còn được sống là một ân sủng. Hãy ráng sống cho có ích, ráng buông bỏ và tận hưởng niềm vui. Ánh mặt trời chói chan là thế, cũng có lúc chiều tà. Hơi thở của ta cũng thế, mong manh như ngọn đèn trước gió, sẽ đứt bóng bất cứ lúc nào, không ai đoán trước. 

                           Trong cõi đời người tan với hợp
                           Vô thường ai biết buổi trùng lai



Quinhon11
_____________________________

No comments:

Post a Comment