Monday, June 20, 2022

ĂN NHỜ - Ở ĐẬU ?

 Dr: Thắng Trần

Buổi sáng sớm chủ nhật không tiếng xe, không khí thật trong lành sau cơn mưa đêm qua. Cầm ly cà phê ra vườn ngắm hoa và rau, cảm giác thanh bình và nhẹ nhàng. Sáng chủ nhật ở Nauy.
Tâm trí tôi gợi lại câu chuyện hôm qua lúc hai vợ chồng nhâm nhi cuối tuần: bàn luận về 2 bài viết " không mang ơn gì cả của bạn Hòa Lưu Phúc" và " Ăn nhờ ở đậu của người em Vinh Khac Du ". Tôi suy tư thêm về thân phận của chính mình những ngày tháng đã qua, cuộc sống hiện tại, những chuỗi ngày tương lai sắp đến, và tương lai của con cái. Có 1 điều tôi rút ra được trong giây phút này: tôi cảm thấy an bình trong cuộc sống ở đây, Nauy.
Chắc có nhiều người đã nghe bài giảng của cha Hồng ở Úc hay có đọc qua bài " Có 2 thứ trên đời", do luật sư Lê Luân viết. Tôi nhớ không lầm có câu: Có 2 thứ trên đời cần phải khắc ghi trong tim: đó là công ơn cha mẹ và sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Tôi cho là rất đúng. Người khác thì sao, xin để từng người có nhận định của chính mình.
Tôi ghi khắc trong tim rất nhiều người, đất nước, con người của đất nước đó, nhiều tổ chức và nhiều nữa, và tôi mang ơn.
Thử nghe sao tôi mang ơn và thử dùng lập luận của bạn Hòa Lưu Phúc.
* Con tàu vượt biên của tôi được tàu Nauy vớt vào tháng 11.80. Sau 3 ngày lênh đêng trên biển, nhiều con tàu với xuất xứ từ Nam Mỹ đã đi ngang qua. Con tàu Nauy dừng lại trong đêm tối và cúu vớt 165 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam trước cơn bão sắp ập đến. Tôi mang ơn thủy thủ đoàn và hãng tàu suốt đời. Có thể có bạn nói chúng ta không cần mang ơn vì đó là trách nhiệm của người đi biển phải giúp những ai gặp hoạn nạn.
* Tôi mang ơn nước Nhật vì họ đồng ý cho chúng tôi đến tạm cư ở trại tỵ nạn và chăm lo trong 18 tháng ở đó. Có thể có bạn bảo không cần mang ơn nước Nhật vì trách nhiệm lo phải lo khi người tỵ nạn đến. Tôi nhớ không lầm có 1 số tàu tỵ nạn đến các đảo ở Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương lại bị kéo ra ngoài biển lại. Có trường họ bị lạc hướng và có người tử vong.
* Tôi mang ơn nước Nauy. Tôi có điều kiện xin ở lại Nhật, nhưng tôi chọn Nauy là quê hương thứ 2. Nauy đón nhận tôi, lo nhà cho tôi ở, trợ cấp cho tôi đi học( học bổng cho người tỵ nạn vào những năm đó, giờ còn không tôi không biết), cho tôi điều kiện học lên đại học, cho tôi thành công dân của họ, tôi có điều kiện đi làm và đóng thuế, con cái có môi trường lớn lên hoàn hảo và đời sống an bình. Có thể có bạn cho rằng khi chúng ta được công nhận là người tỵ nạn của cao ủy liên hiệp quốc, khi ấy sẽ phải có 1 nước nhận bạn và lo đầy đủ cho bạn như Nauy lo. Tôi đã từng nghe những câu chuyện đau thương ở những trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, khi người ta mòn mỏi chờ phái đoàn của đệ tam quốc gia vào phỏng vấn và nhận. Có người phải ở nhiều năm trong tình trạng khắc nghiệt, có người bị trầm cảm và tang thương có người tự tử. Có người chỉ mong được nhận dù là nước nào, vì vậy có những người ở các nước đời sống không như các nước khác. Nếu chúng ta đòi hỏi được đối xử như Nauy đối xử với người tỵ nạn, khi ấy không bao nhiêu các nước TỰ NGUYỆN nhận người tỵ nạn như chúng ta thấy với người tỵ nạn ở Syria ( họ được công nhận là người tỵ nạn)
Tôi cảm nhận và nghe tiếng nói con tim trong những trường hợp kể trên vì tôi đã GHI KHẮC TRONG TIM.
Một trong những câu tôi thích nhất: hẹn gặp nhau tại Jerusalem. Đây là câu nói của người Do Thái chào tạm biệt nhau trong hoàn cảnh trước 1948, khi ấy không hiện diện quốc gia Do Thái. Tất cả người Do Thái phải chịu bao khổ nhục, khinh khi và bị giết vì nhiều lý do khác nhau, và trong đó có lý do ĂN NHỜ Ở ĐẬU. Người Do Thái rất thông minh, nhất là lãnh vực khoa học và tài chính. Ở nhiều nước họ tạm dung họ có ảnh hưởng lớn. Rất nhiều người trong họ ở quá khứ bị kỳ thị, khinh miệt, nhưng họ không cúi đầu mà cố gắng đi lên. Họ luôn nghĩ mình ở đâu.
Trở lại bài Vinh viết, có thể anh chưa hiểu hết ý hay biết được hòa cảnh viết, nên anh không bình luận. Anh chỉ viết theo suy nghĩ và suy tư trong hoàn cảnh của chính mình và gia đình mình.
Khi gặp hoàn cảnh đất nước, không chấp nhận chế độ mình ra đi; hay là hoàn cảnh khác: đoàn tụ gia đình, đi du học, đi làm xa xứ, chúng ta điều cần có nơi để đến và nơi mình muốn đến có nhận mình không? Vì vậy khi mình khi ở một nơi khác mà mình nơi ấy cho ở là mình đang ở đậu. Ngay trong Việt Nam, những người di dân về thành phố lớn để đi làm, có nhiều người gọi họ là ở đậu, chứ hiện tại ta phải sống ở Nauy, có ở đậu không?. Những người khởi đầu là người tỵ nạn, chỉ tạm dung đến khi xứ sở thay đổi phải về lại. Nhưng đa số chọn làm công dân Nauy và chính thức có TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI công dân. Ở đây chúng ta chọn gắng bó hơn nữa với xứ sở này, quê hương thứ hai. Nếu quê hương thứ nhất là chùm khế ngọt, chắc chắn không có quê hương thứ hay. Để có quê hương thứ hai, lúc đó phải có lý do lớn lao lắm. Có những người cho là tôi là du học sinh, không hưởng gì từ quốc gia này, tôi chọn ở lại để đóng góp cho xã hội với kiến thức tôi có, với tiền thuế tôi đóng. Nauy phải cảm ơn tôi. Tôi đã có lần hỏi lại trực tiếp: có phải bạn chọn ở lại để đóng góp cho Nauy hay là vì bạn không muốn trở lại Việt Nam với đời sống bất an, môi trường giáo dục bất ổn, đồng lương bất cân xứng và giai cấp bất bình đẳng. Giai cấp cocc, tư sản đỏ chi phối toàn bộ xã hội, vậy mà con em của họ cũng được gởi ra nước ngoài. Bạn ở lại là chọn an bình và đời sống ổn đinh với kinh tế khá giả thì đúng hơn. Và không biết kiến thức bạn có được đến từ đâu?
Tiền do chính tôi làm ra, tôi có ăn nhờ ai đâu?
Tôi nghĩ ai đến Nauy lúc đầu có nhiều người nhận được sự trợ giúp tài chánh, cơ hội học hành, y tế, cuộc sống. Tôi cho là đó là ĂN NHỜ. Đến hôm nay bạn có thể nói: tôi đi làm đóng thuế và trả lại hết rồi và ngoài ra còn đóng cho xã hội nữa là khác. Tôi tình cờ có đọc bài tính chi phí bao nhiêu tiền để nhận 1 người tỵ nạn trẻ độc thân, 1 gia đình tỵ nạn có 4 con nhỏ, tính từ tiền trợ cấp, tiền học tiếng Nauy, y tế, sinh hoạt hội, đi học nhà trường..... Con số lên đến vài triệu. Bạn có thể đoán ra chi phí bao nhiêu để đào tạo 1 bác sĩ, kỹ sư hay thầy cô giáo không?. Bạn có thấy giá bao nhiêu cho 1 năm học ở đại học Mỹ?
Các bạn có thể có suy nghĩ khác với tôi về định nghĩa ăn nhờ. Tôi chỉ muốn nhắc lại câu tâm huyết của tôi ở trên: có 2 điều ghi khắc trong tim, công ơn cha mẹ và sự giúp đỡ người của bất kỳ ai.
Một mai chúng ta sẽ già và rất có thể chúng ta bịnh, có lẽ theo quan niệm của chính tôi, tôi sẽ ăn nhờ nữa. Các bạn có biết chi phí cho 1 người ở viện dưỡng lão hay bịnh nhân ung thư bao nhiêu không?
Khi nói về thế hệ thứ nhất, không thể gán gắp ít cho thế hệ sau? Tôi không thể đếm được bao thế hệ của người Do Thái từ khi họ mất nước đến khi họ lập quốc vào năm 1948. Nếu không có thế hệ thứ nhất đến Nauy thì ở Nauy sẽ rất ít người Việt.
Câu hỏi trong bài viết của Vinh đặt ra rất hay: Ai có quyền nói và nhắc nhở thân phận ăn nhờ ở đậu của ta. Đây là quan niệm và câu trả lời của từng người. Xin chỉ viết theo suy nghĩ của cá nhân.
* Trước hết là tiếng lương tâm và con tim của mình nói lên điều đó, như đã trình bày trên
* mỗi khi nghe ai hỏi:" trives du her i Norge" bạn có thích sống ở Nauy không?
* Khi nghe hay đọc những vấn đề kỳ thị ở Nauy.
* Khi chính phủ đề cập vấn đề người tỵ nạn và di dân.
* Khi nhà vua nhắc đến những người công dân mới hay người tỵ nạn
* Nơi công sở, ngoài xã hội khi người bản xứ có cái nhìn thiếu thiện cảm vì màu da.
Sáng chủ nhật có thời gian cho tâm tư vì vậy viết quá dài. Đây là suy nghĩ cá nhân, có thể không phù với nhiều người. Như trước đây tôi có viết về 4 người mù tả con voi. Cách tả của từng người nghe nó sai hoàn toàn hình ảnh con voi, nhưng gọp lại là bài tả sống động và hay. Tôn trọng nhau về cách nhìn khác nhau, đừng hiềm khích chia rẽ và dùng ngôn từ dễ nghe hay hơn nữa chúng ta yêu thương trong hoàn cảnh xa quê hương.

HẸN MỘT NGÀY Ở VIỆT NAM
11.06.22, ngày giỗ 21 năm của ba tôi.

Dr: Thắng Trần
_____________________________________

No comments:

Post a Comment