Wednesday, June 1, 2022

Lời nguyện cầu thầm lặng

 Đinh Tấn Khương 



Có lẽ người đọc sẽ ngạc nhiên hay là sẽ cười cho cái “ngớ ngẩn “của tôi, vì nghĩ rằng, có ai lại la toáng lên, mỗi khi có một ước nguyện nào đó, muốn cầu xin với đấng Bề Trên, đấng Linh Thiêng .. mà mình đã đặt hết niềm tin, phải không!?

Nếu nghĩ như vậy, thì cũng không đúng cho lắm, bởi có những buổi cầu nguyện cho quốc thái dân an, những buổi cầu an cho người bệnh nặng, hay là cầu siêu cho người mới vãn phần v.v.. thì đó không phải là lời nguyện cầu thầm lặng!?
Lời nguyện cầu thầm lặng là một lời ước nguyện kín đáo, riêng tư, muốn dâng lên đấng Bề Trên, đấng Linh Thiêng.. và cầu xin cho ước nguyện đó được trở thành hiện thực.


Hôm qua, ngày Boxing Day, một cơ duyên đã đưa đẩy vợ chồng chúng tôi đến tham dự một buổi Thánh lể, được tổ chức tại một ngôi Thánh đường xa lạ, cùng với gia đình của một đồng hương rất thân.
Tôi xem đây là một cơ duyên, bởi vì không hề được tính toán trước. Từ lâu, một thân chủ của tôi có nhờ chuyển một ít tịnh tài đến một cơ quan từ thiện, để chia sẻ những bất hạnh với những bệnh nhân cùi tại VN. Và gần đây, có tin các Sơ từ Huế sang Úc gây quỹ từ thiện, nhằm giúp đỡ những người cùi và các trẻ em nghèo thiếu may mắn. Đó là lý do đã đưa đẩy chúng tôi đến dự buổi Thánh Lễ trong ngày Boxing Day năm nay. 

Vợ chồng chúng tôi thì theo đạo Phật, chưa có dịp nào bước vào một ngôi Thánh đường, thành ra hơi bỡ ngỡ. Có lẽ hiểu được ý, cho nên người bạn đồng hương đã trấn an:- Anh chị cứ ngồi tự nhiên, mặc dù trong thời gian cử hành Thánh lễ, có lúc ngồi, có khi lại đứng dậy hoặc là quỳ xuống để cầu nguyện.

Vợ chồng chúng tôi chọn chỗ ngồi, ở một hàng ghế sau cùng.
Tôi đến với đạo Phật, bằng một đức tin tuyệt đối, không phải là một niềm tin mê tín. Qua những bài giảng, tôi biết rõ rằng, Đức Phật Thích Ca là một người Thầy chỉ đường, giúp cho chúng ta tìm được một lối đúng mà đi.
Lâu nay, tôi cũng đã nghe và hiểu biết, dù không nhiều, về Chúa, về Đức Mẹ Maria. Tôi cũng đã đặt một niềm tin tuyệt đối vào quyền năng của Ngài và Đức Mẹ. 

Ai đó, có thể cho rằng, chúng tôi là loại người “ba phải”, đã tin vào Phật mà lại còn tin ở Chúa!?
Xin thưa, theo chúng tôi, bằng một niềm tin sáng suốt, rằng Đức Chúa Giê Su, Đức Mẹ Maria không khác gì Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Quán Thế Âm vậy!
Đức Phật A Di Đà và Đức Chúa Giê Su đều có quyền năng cứu độ, cho rước về cõi Phật, về nước Chúa, tất cả những ai luôn đặt niềm tin tuyệt đối, sống đúng theo lời răn và luôn nhất tâm niệm nguyện đến danh hiệu Ngài.
Đức Mẹ Maria và Đức Phật Quán Thế Âm cũng vậy, luôn sẵn sàng ra tay cứu độ cho bất cứ những ai, đang gặp cảnh khốn cùng mà cầu đến sự cứu giúp.
Tôi thực sự có một niềm tin như vậy, qua những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống.

Bước vào bên trong ngôi Thánh đường rộng lớn, lòng tôi cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng, tôi chợt khởi một ý nguyện, xin gởi đến Chúa và mong được Ngài đón nhận trong tình thương yêu. Và dĩ nhiên, đó là một “lời nguyện cầu thầm lặng”.
Lúc bước vào Thánh đường, tôi không biết suy nghĩ của vợ tôi như thế nào, về niềm tin vào Chúa!?
Vợ tôi có niềm tin vào Đức Phật rất mãnh liệt, hơn tôi nhiều. Tôi biết vậy, bởi vợ tôi rất siêng năng trì chú, đều đặn, hai thời kinh mỗi ngày. Riêng tôi, chỉ có mỗi đức tin mà thôi, chưa làm được như thế!

Trong suốt buổi Thánh lễ, vợ tôi đã làm đúng mọi nghi thức như một tín đồ thuần đạo. Điều nầy đã cho tôi đoán biết, vợ tôi đã đặt niềm tin vào Chúa và dường như cũng đang dâng lên Ngài một lời cầu nguyện. Dĩ nhiên, tôi không biết được lời nguyện cầu đó là gì, và tôi cũng đã không hỏi. Tôi nghĩ, đó là một ước nguyện riêng tư, một lời nguyện cầu thầm lặng, tôi cần phải tôn trọng, cũng như vợ tôi đã làm như vậy, với tôi.

Buổi Thánh lễ chấm dứt, chúng tôi được mời ở lại dùng bữa ăn trưa. Dịp nầy, gặp lại được người bà con, xa nhau rất nhiều năm, quả là một cơ duyên!
Ở đây, chúng tôi cũng đã gặp lại được người bạn cũ, qua vài mẫu chuyện hàn huyên, anh chị nói cho chúng tôi biết rằng, trong khuôn viên Thánh đường nầy có đền thờ Đức Mẹ Maria rất thiêng. Nghe anh nói, có nhiều người bị ngã xĩu trong lúc đến đây cầu nguyện, xin được xóa tội hay xin giải hàm oan. Theo anh, ngã xĩu có nghĩa là, lời nguyện ấy được Đức Mẹ chấp nhận, tội lỗi được tha thứ, hàm oan được giải trừ. Tôi cũng chưa hiểu hết về những điều mà anh bạn đang nói!?
Nghe vậy, vợ tôi đã quyết định đến viếng đền thờ Đức Mẹ, tôi cũng khuyến khích điều nầy, vì đoán biết, có thể vợ tôi muốn gởi một lời nguyện cầu thầm lặng đến với Đức Mẹ. Vợ tôi lại ngỏ ý muốn tôi đi theo, và tôi cũng đã quyết định như thế.
 
Chúng tôi được dẫn đến nơi thờ Đức Mẹ Maria, tọa lạc thật xa, phía sau của khuôn viên nhà thờ, cảnh trí thật thiên nhiên, huyền bí. Hình tượng quen thuộc, với vẻ mặt nhân từ của Đức Mẹ, đứng trong một căn phòng nhỏ thật đơn giản, chỉ có mái che, vừa đủ cho khoảng trên dưới 10 người, đứng sát nhau để cầu nguyện. Bên trong có 4 chiếc ghế đan bằng mây, đặt sát hai bên, mỗi bên một cặp. Một số bông hoa được đặt dưới chân Đức Mẹ, mới có, cũ có. 
Thoạt đầu, chúng tôi đứng ở bên ngoài, phía trước phòng thờ của Đức Me. Tôi thành khẩn gởi đến Đức Mẹ một lời ước nguyện, cũng giống như lời nguyện ước mà tôi đã gởi đến Đức Chúa trong Thánh lễ, một lời nguyện cầu thầm lặng. 

Không lâu sau đó, có thêm nhiều đồng đạo cũng đến đây cầu nguyện. Anh chị đồng hương đã kêu chúng tôi bước vào bên trong, nhưng chúng tôi lại còn do dự, vì muốn dành chỗ cho những người có đạo. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã quyết định bước vào bên trong, vì không muốn làm trì trệ buổi cầu nguyện, và họ bắt đầu đọc kinh. 

Bổng dưng, có tiếng động bất thường ở phía sau lưng, tôi quay lại và thấy một thiếu nữ còn rất trẻ, mặt tái mét, mắt trợn ngược rồi nhắm nghiền, cổ ngửa ra sau, hai chân quỵ xuống, nếu không có người đỡ kịp thì đã bị ngã, được dìu ngồi xuống chiếc ghế, bên cạnh chỗ tôi đang đứng. Thoạt đầu, với phản ứng của một người thầy thuốc, tôi dự tính thực hiện động tác cấp cứu, theo thói quen. Nhưng tôi bổng nhận ra, những người đứng bên cạnh vẫn bình tĩnh, tiếp tục đọc kinh, coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi trực nhớ tới lời của anh bạn trước đây, vì thế, tôi đã lấy lại bình tĩnh và giữ được thái độ im lặng, thả hồn theo lời kinh, đang cầu nguyện.
Kế tiếp, thêm hai người phụ nữ khác lại quỵ xuống, có động tác giống như những người bị động kinh. Cả hai cũng được dìu ngồi xuống hai chiếc ghế gần bên, mọi người vẫn tiếp tục đọc kinh.
Liếc nhìn vợ tôi, thấy vẻ mặt hơi lo lắng khiến cho tôi lại sợ, sợ vợ tôi sẽ xĩu theo. Nhưng sau đó, có lẽ nỗi lo lắng bớt dần, không thấy có gì xảy ra cho vợ tôi. Tôi an tâm và định thần, tiếp tục gởi lời nguyện cầu đến với Đức Mẹ Maria. 

Cầu nguyện xong, tôi theo dõi từng tiếng tim mình đang đập mạnh, đều đặn trong lồng ngực. Lúc ấy, tôi phân vân, liệu rằng lời nguyện ước của mình có được Đức Mẹ Maria ghi nhận và đáp ứng hay không, và có thể nào tôi cũng bị xĩu như vậy hay không? Cũng nghĩ giống như vậy, cho vợ tôi nữa, nhưng chuyện ấy đã không xảy ra, khiến tôi lại lo rằng, lẽ nào lời nguyện ước của mình không được Đức Mẹ chấp nhận hay sao!? 
Nhưng lối suy diễn ấy, không tồn tại trong đầu tôi lâu hơn. Tôi tin rằng, mọi hiện tượng, thấy được bằng mắt mình, nghe được bằng tai mình, sẽ không thuyết phục hay đánh đổ niềm tin của tôi đối với đấng Bề Trên, đấng Giác Ngộ.
Và tôi muốn tin rằng, lời nguyện cầu thầm lặng của tôi, kể cả của vợ tôi (nếu có, và cùng chung một điều nguyện ước) sẽ được ghi nhận và ban ơn từ Đức Chúa và Đức Mẹ Maria. 

Có lẽ quý vị sẽ thắc mắc, lời nguyện cầu thầm lặng đó là gì?
Xin thưa, đã là lời nguyện cầu thầm lặng thì không thể nói ra được. Chỉ có ai đó, nếu cùng chung tần số, sẽ hiểu được và hổ trợ cho lời cầu nguyện thầm lặng ấy, với chúng tôi. 

Cũng có lẽ, quý vị sẽ thắc mắc, tại sao lại dựa vào một lời cầu nguyện mà không chịu tính toán, thực hành để đạt hiệu quả như mong muốn!?

Xin thưa, hạt giống đã có, đất gieo đã chuẩn bị, nhưng thời cơ (nắng, mưa) mới là điều cần phải đợi chờ.
Thuận duyên, chính là điều mà chúng tôi đang mong đợi, và lời nguyện cầu thầm lặng của chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục, trong niềm tin tuyệt đối và hy vọng.
 

Tôi đoán biết, những người chưa có đức tin tuyệt đối sẽ hỏi rằng, với nhiều ngôn ngữ khác nhau thì làm sao đấng Bề Trên, đấng Giác Ngộ có thể hiểu được chúng ta mà cứu độ, mà giúp đỡ!?
Xin thưa, theo tôi, dù với ngôn ngữ nào đi nữa, ý thức được phát sinh trước khi lời nói, lời nguyện, được hình thành. Ý thức được gởi đi dưới hình thức một dạng sóng, nếu đúng tần số thì sẽ đến được nơi nhận. Ngày nay, khoa học đã tiến gần với tôn giáo hơn. Computer, những thiết bị điện tử được áp dụng trong đời sống hằng ngày, đã cho chúng ta thấy rằng, suy nghĩ (ý thức) có thể điều khiển được những việc như là, tắt mở một bóng đèn điện, một chương trình TV... mà không cần đến một chỉ thị bằng ngôn ngữ nào cả, phải không thưa quý vị!?

Đinh Tấn Khương
Viết xong ngày 27-12-2011

______________________________________

No comments:

Post a Comment