Wednesday, February 14, 2018

Một vài lưu ý về hoa cẩm tú cầu

 TÁC GIẢ: VIBURNUM1


Dạo này mình thấy nhiều người gặp vấn đề với hoa cẩm tú cầu. Mình đều chia sẻ kinh nghiệm của mình khi có người hỏi trên group, nhưng nói đi nói lại hoài cũng chán, nên mong có ai đó tra google và tìm được bài này

Đầu tiên là mọi người đừng nên sợ cẩm tú cầu là cây xứ lạnh. Việc cây cẩm tú cầu của bạn trông héo héo, rụng lá, ngắc nghẻo vào mùa hè là chuyện bình thường, cũng như cây tường vi cánh mỏng hay bằng lăng vào mùa đông thôi, nhìn bọn nó như chết rồi, lá rụng hết chỉ có mỗi cành.

Nó không “khó trồng”. Vì đây không phải mùa của cây, nhưng nếu đến thời tiết thích hợp nó sẽ khỏe lại và mọc như bình thường. Đây là vấn đề của hầu hết các cây lâu năm, chỉ có hoa trong thời điểm nhất định mà không đẹp thường xuyên.
Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để duy trì cẩm tú cầu cho đến mùa phát triển ?



1/ Cắt cành ( Prune Hydrangea)
 Kể cả ở xứ lạnh thì cẩm tú cầu vẫn phải cắt cành. Có hai mục đích cho việc này.

Thứ nhất là dưỡng sức. Vào mùa đông xứ lạnh có tuyết, ko cây nào phát triển được mà bắt buộc phải “ngủ đông” (phần lá trên bề mặt đất rơi rụng, cành teo tóp, phần rễ bên dưới vẫn sống, phát triển chậm). Lúc đó cây chỉ đủ sức duy trì được bộ rễ, hydrangea với lá quá to, cành dài rất dễ toi đời nên buộc phải tỉa ngắn lại ( thường nếu lạnh quá, phần ngọn dễ bị héo, thối, lan dần xuống phần thân)>

Thứ hai là để kích thích mầm mới phát triển. Đừng bao giờ tiếc khi tỉa cành, hãy tự AQ rằng cành mới mọc lên sẽ khỏe, đẹp, nõn nà hơn cành cũ rất nhiều, nên cứ thật dã man vào nha. Sở dĩ như vậy là vì tỉa cành khiến các mầm mới sẽ tụ ở gốc, gần với nơi cung cấp dinh dưỡng hơn. Các mầm béo mập bao giờ cũng là mầm gốc, ko phải mầm bé xíu lại còn có nguy cơ tịt như ở nách lá (ở cành). Ở xứ lạnh thì đến mùa xuân cây cối bao giờ cũng phát triển mạnh mẽ, làm thành một bức tranh đối lập hẳn so với mùa đông, vì phần rễ đã quá thừa thời gian chuẩn bị cho sự trỗi dậy mà :’)

Với khí hậu nhiệt đới gió mùa như VN, cẩm tú cầu ko có thời gian nghỉ ngơi như vậy mà nó buộc phải sống tiếp. Vậy nên đến mùa hè, sau khi hết hoa, khi thấy các mụn trồi nảy lên thì tỉa cành sao cho vừa đủ nhánh đâm lên. Nếu ở xứ lạnh, cẩm tú cầu là hoa mùa hè thì sang đến VN, nó sẽ phát triển theo vòng: hè – tỉa cành, thu đông – phát triển lá, xuân – kết nụ, đầu hè – hoa phát triển hết kích cỡ, tàn.

Cách tỉa: Bỏ các nhánh nhỏ dư thừa, các nhánh chột, giữ các cành chính. Không tỉa sát gốc. Nhìn các mụn chồi đã xuất hiện trên cành mà lựa lựa độ dài thích hợp cho cây của mình.














2- Tưới nước:
Cẩm tú cầu yêu nước, nhớ nước, thèm khát nước. Cái tên hydrangea xuất phát từ tiếng Hy Lạp “hydor”, nghĩa là nước. Đừng cho cây mất nước quá nhiều lần không sẽ khiến nó sẽ yếu đi. Hydrangea có bộ rễ to khỏe, phát triển mạnh, hút nước càng mạnh, lá của nó cũng rất thích được vẩy nước lên trên bề mặt. Cứ tưới thả phanh, rất khó để cẩm tú cầu úng rễ.

Nếu lười như mình thì hãy phủ thêm một lớp mùn (lá, cành khô linh tinh) lên bề mặt đất để hạn chế bay hơi

3/ Để cây vào chỗ râm mát, bón phân kích chồi:
Để ra nắng thì mất nước nhanh chứ sao ). Phân kích chồi là phân nhiều N


4/ Và quan trọng nhất là, đừng vứt nó đi:
Mình biết là trông nó rất chán, nhìn rất đáng vứt, rất không phù hợp, rất đáng thất vọng, nhưng hãy kiên nhẫn đừng bỏ. Tốt nhất là đặt nó vào góc xó nào đấy cho khuất mắt. Cẩm tú cầu đáng ra khá hợp với một số trường hợp ở VN. Khi bạn ở nhà phố chằng chịt nhà cửa nên thiếu nắng, khi bạn có khu đất rộng, khi vườn bạn ẩm thấp trồng cây gì cũng bị cớm nắng, cẩm tú cầu sẽ là câu trả lời kỳ diệu cho vấn đề của bạn. Cẩm tú cầu trồng thẳng vào đất sẽ rất khỏe nên không cần quan tâm nhiều, bộ rễ quái thú sẽ có nhiều không gian vẫy vùng.


Để đổi màu cẩm tú cầu :
Trên thị trường có bán hai loại, loại thứ nhất là loại của mình, dễ trồng, lá mọng nước, hoa cánh tròn. Loại thứ hai lá khô hơn, hoa cánh vuông, chưa trồng nên chưa biết, nhưng loại này lên màu có vẻ đẹp. Lần trước mình cho vào một đống đinh rỉ sắt thì hoa cho màu tím tím, còn nếu cho nước gạo chua, dấm thì hoa có màu hồng. 
Ăn chơi hơn dùng hẳn bột sắt hoa chuyển sang màu xanh tím đậm.

Nhân giống:
Phương pháp “watering” (giâm cành trong nước, google để biết thêm chi tiết) áp dụng được cho khá nhiều loại cây. Đó là khi bạn nhúng một đoạn cành bánh tẻ (ko già quá, ko non quá) vào nước và rễ trắng mọc ra, sau đó đem cành đi trồng. Cho đến thời điểm hiện tại mình thấy phương pháp này được dùng với: cây lá màu, hoa ngọc thảo, cúc indo, hoa dâm bụt, cẩm tú cầu,… thậm chí cả hoa hồng. Dường như ko có mẫu số chung nào cả.

 Chú ý:
thay nước để cành giâm không bị thối, và để chỗ râm mát. Cốc đựng nước nên là cốc trong để có ánh sáng xuyên qua.

Đừng để hoa như hình nhé.
 Nên cắt bỏ hoa khi giâm cành
Sử dụng chính cành mình đã cắt lúc tỉa ấy. Có rất nhiều cách để nhân giống cẩm tú cầu, nhưng mình giới thiệu mỗi phương pháp này vì đây là phương pháp duy nhất mình thành công và có vẻ hợp với mình. 

Ngoài ra có thể cắt cành giâm trong đất ẩm, dùng túi nilong trong suốt bọc ngoài. để chỗ thoáng. Đừng để hoa như hình nhé. Có một lần mình cắt đám cúc nút áo để trưng trong bình thôi mà nó cũng ra rễ, xong lại trồng xuống đất thành cây mới. Đến mùa hoa mình phải tưới phân kích hoa liên tục mới ra hoa được. 

Bên cạnh háu nước thì cẩm tú cầu rất háu ăn, đặc điểm nổi bật của bất cứ cây nào ra hoa, nên bón phân nhiệt tình nhé.

Nguồn: https://viburnum1.wordpress.com

____________________________________

No comments:

Post a Comment