Wednesday, January 4, 2017

Hội chứng động mạch vành cấp tính

ACUTE CORONARY SYNDROME 
BS: Đinh Tấn Khương


Hội chứng động mạch vành cấp tính (acute coronary syndrome) là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất, và được coi là kẻ giết người thầm lặng (silent killer).

Ít khi chúng ta nghe nói đến “hội chứng động mạch vành cấp tính” (acute coronary  syndrome) mà thường nghe nói nhiều đến“cơn đau thắt tim” (heart attack).


Myocardial infarction (chứng hoại tử cơ tim) thông thường cũng được biết như là heart attack, là một điều kiện bao gồm trong hội chứng động mạch vành cấp tính (acute coronary syndrome), gây ra do bởi lưu lượng máu dẫn đến nuôi cơ tim thình lình bị tắc nghẽn, cơ tim không nhận đủ oxygây tổn thương cho mô tim. 
Ngay cả trong trường hợp không (đủ nặng để) làm chết tế bào tim nhưng cũng có thể làm thay đổi chức năng của tim, tăng nguy cơ dẫn tới cơn đau thắt tim (heart attack) về sau.


Cơ thể học:



Trái tim của chúng ta gồm có 4 ngăn: 2 ngăn bên phải và 2 ngăn bên trái.


Máu từ phổi (giàu oxy nhờ trao đổi khí tại phổi) đổ về 2 ngăn tim bên trái (tâm nhĩ rồi xuống tâm thất) và được bơm ra ngoài theo động mạch chủ (aorta) để rồi phân phối máu đi khắp cơ thể.

Máu được chứa trong các ngăn tim, tuy vậy, không có sự ưu đãi riêng, trái tim không thể lấy máu chứa trong các ngăn đó để nuôi cho chính mình mà phải theo sự phân phối từ động mạch chủ (aorta) thông qua động mạch vành (coronary artery).

Động mạch vành xuất phát từ gốc động mạch chủ (aorta) rồi chạy trên bề mặt của quả tim.

Hệ thống động mạch vành có 3 nhánh lớn (2 nhánh bên trái và một nhánh bên phải) rồi từ đó chia ra nhiều nhánh nhỏ có nhiệm vụ mang máu giàu oxy đến nuôi toàn bộ cấu trúc của quả tim (xem hình)

Sinh bệnh học:
Hội chứng động mạch vành thường do hậu quả của quá trình tích tụ mỡ tạo thành mãng (plaque) nằm bên trên và bên trong thành mạch máu của động mạch vành, động mạch vành đóng vai trò phân phối oxy và dinh dưỡng cho cơ tim.





Thử tưởng tượng, hệ thống ống dẫn nước thải từ bồn rửa chén trong nhà bếp dẫn ra ống cống chính, nếu hằng ngáy chúng ta vô tình đổ vào đó dầu /mỡ thừa và chất thải thức ăn,lâu dần sẽ gây tắc nghẽn đường ống dẫn.

Cũng giống như vậy, nếu chúng ta có lượng mỡ nhiều trong máu, lại thêm cao huyết áp dễ gây tổn thương cho thành mạch mà còn hút thuốc lá làm chậm lưu thông máu (trong lòng mạch máu) lâu dần thì hậu quả tắc nghẽn lòng mạch máu là chuyện không có gì lạ.

Có sự khác biệt giữa ống nước thải và hệ thống động mạch vành, đó là, hệ thống nước thải từ bồn rửa chén thì xuất phát từ ống thải nhỏ rồi đổ dần ra ống dẫn thải lớn. Thế mà sự tắc nghẽn vẫn xảy ra huống hồ chi động mạch vành thì quá nhỏ (cỡ như cộng giây thun) khởi đầu từ lòng ống lớn rồi chia ra nhiều nhánh nhỏ dần, như vậy khả năng tắc nghẽn dễ xảy ra hơn!

Bắt đầu từ sự tích tụ mỡ trên/bên trong thành mạch máu, sự tích tụ lâu ngày tạo thành một mãng plaque cộng thêm sự kết dính tiểu cầu ở bên trên nữa gây hậu quả hẹp lòng động mạch vành, làm ngăn trở lưu lượng máu dẫn đến nuôi cơ tim tạo nên cơn đau thắt tim (heart attack).

Có khi mãng tích tụ mỡ (plaque)bị vỡ hay chẻ ra thì cục máu đông sẽ được hình thành để rồi gây hậu quả tắc nghẽn nhánh động mạch vành ở phần nhỏ hơn.

Triệu chứng: Thường đột ngột, bao gồm:

- Đau ngực:
      . cảm giác đau ngưc có thể mơ hồ chẳng hạn như đau nhẹ
      .  hoặc là có cảm giác như ngực bị đè ép mạnh, tức ngực, rang ngực hoặc là đau dữ dội…
      .  vị trí đau thường ở bên trái, giữa ngực hay là phía sau xương ức cơn đau từ ngực có thể lan tới vai, cánh tay, thượng vị, lan ra sau lưng, lan lên cổ hay là lan tới cằm
     .  Điển hình, cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và cơn đau sẽ giảm hoặc biến mất khi nghỉ ngơi
      .  Có thể khởi phát bởi tình trạng lo âu, căng thẳng tinh thần
      . Cũng có những trường hợp cơn đau xảy ra trong lúc nghỉ ngơi hoặc ngay cả lúc đang ngủ.
      . Cơn đau ngực có thể kéo dài chừng vài phút rồi biến mất tự nhiên
     .  Có thể lập đi lập lại hàng tuần, hàng tháng và có khi trong nhiều năm.

    .  Trong trường hợp nặng hơn, các cơn đau xuất hiện ngay cả   trong lúc đang nghỉ ngơi, thường xuyên hơn, dữ dội và kéo dài hơn, có thể gây đột tử.

- Buồn nôn, có khi ói mửa
- Cảm giác ăn không tiêu
- Khó thở
- Thình lình đổ mồ hôi nhiều
- Cảm thấy nhức đầu nhẹ, chóng mặt hay có thể ngất
- Cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân

Trong số những triệu chứng nêu trên thì đau ngực là triệu chứng thông thường nhất liên quan đến hội chứng động mạch vành cấp tính .
Những dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi tùy theo:


- Tuổi tác
- Phái tính
- Những bệnh lý khác kèm theo


Những bệnh nhân trình bệnh mà không có triệu chứng đau ngực thường là những người phái nữ, tuổi lớn và những người mắc bệnh tiểu đường.

Vả lại đau ở ngực cũng còn do nhiều nguyên nhân khác chẳng hạn như :
- Bệnh ở phổi
- Bệnh ở bao tử, thực quản
- Đau bắp thịt ở lồng ngực
- Dời leo (shingles) lúc chưa phát ban (rashes) hay bệnh đã khỏi nhưng thỉnh thoảng cơn đau tái phát

Chính vì vậy mà bệnh nhân cũng như bác sĩ thường nhầm lẫn và bỏ qua khi có sự than phiền về chứng đau ngực.

Điều quan trọng, chúng ta phải luôn nghĩ tới trước nhất nguyên nhân của cơn đau ngực là do tim. Cho dù đó là sự nhầm lẫn nhưng sự nhầm lẫn đó không gây tổn hại nhiều, loại bỏ nguyên nhân tệ hại trước nhất sẽ được an toàn hơn.

Hãy đến gặp bác sĩ một khi có chứng đau ngực, đừng chủ quan!

Cách nay chừng hơn 10 năm, có 2 vị bác sĩ chuyên khoa tim (một trẻ, một trung niên) và gần đây nhất một bác sĩ gia đình có 30 năm làm việc tại Sydney, đã đột tử do chính căn bệnh mà những vị này từng phát hiện và điều trị cho những bệnh nhân của họ!

Kể ra như vậy để thấy rằng chứng đau thắt tim (heart attack) được coi là kẻ giết người thầm lặng, không báo trước, khó chẩn đoán vì thế cho nên chúng ta đừng quá thờ ơ!

Phân loại:
Hậu quả, mức độ và cách trình bệnh sẽ khác nhau tùy theo:

-   mức độ tắc nghẽn
-   thời gian tắc nghẽn
-   và vị trí tắc nghẽn.

Tắc nghẽn có thể là:

-  đột ngột và hoàn toàn
-  hay là tạm thời, qua đi do vỡ vụn cục máu làm thông được lòng mạch máu trở lại (sau đó)
-  nhưng cũng có trường hợp mãnh vỡ gây tắc nghẽn ở nhánh động mạch nhỏ (xa) hơn.
-  hoặc là tái phát sau khi mãng mỡ cũ được bồi đắp lại.

Tắc nghẽn nhánh động mạch liên thất trước (left anterior descending branch) gây nên hậu quả tệ nhất so với những tắc nghẽn ở vùng khác, do bỡi cơ tim bị hoại tử ở một vùng rộng.


Xử lý cắt cơn đau thắt ngực:

-   Dừng ngay các hoạt động thể lực

-   Nghỉ ngơi (thể chất và tinh thần) để giàm thiểu hoạt động của tim, nghĩa là làm giảm nhu cầu oxy của cơ tim

-   Gọi ngay dịch vụ cấp cứu

-   Trong lúc chờ xe cấp cứu đến thì nên bình tĩnh, nếu có người khác bên cạnh thì nên trấn an người bệnh.

-   Nếu có sẵn, uống 1 viên aspirin liều 100ng, có tác dụng làm rã cục máu đông và giúp tăng lưu thông máu.

-   Kiểm tra huyết áp bằng dụng cụ đo huyết áp tự động, nếu cao huyết áp thì uống thêm một liều (nếu người bệnh đã được chẩn đoán và đang uống thuốc hạ huyết áp)

- Nếu người bệnh đã được chẩn đoán cơn đau thắt ngực trước kia mà có sẵn thuốc nitroglycerin thì ngậm hay xịtdưới lưỡi để làm giãn nở lòng động mạch vành, đồng thời uống thêm viên beta-blocker (betaloc) để làm giảm nhịp tim, hạ huyết áp và giảm sức co bóp của cơ tim nhằm giảm nhu cầu oxy cuả cơ tim, nhờ vậy mà có thể giúp giới hạn tổn thương nặng nề cho cơ tim

- Thuốc giảm đau có thể dùng để làm giảm cơn đau & giảm cảm giác khó chịu

- Không được tự lái xe tới bệnh viện.


Chẩn đoán:
- Dựa vào bệnh sử
- Khám nghiệm lâm sàng
- Xét nghiệm

Điều trị:
Hội chứng động mạch vành cấp tính là tính trạng cấp cứu cần phải định bệnh chính xác và kịp thời.

Mục tiêu điều trị sẽ là:

- Cải thiện lưu lượng máu
- Điều trị biến chứng
- Ngăn ngừa hậu quả trong tương lai


Bài viết này có chủ ý nhằm cung cấp kiến thức phổ thông cho nên phần chẩn đoán và điều trị là công việc dành riêng cho bác sĩ, xin được miễn đề cập ở đây.


Các yếu tố tăng nguy cơ chứng đau thắt tim:


-   Tuổi già (già hơn 45 tuổi đối với đàn ông và hơn 55 tuổi ở phụ nữ)
-   Cao huyết áp
-   Cao mỡ trong máu
-   Hút thuốc lá
-   Kém hoạt động về thể chất, kém vận động thể dục
-   Chế độ ăn uống không lành mạnh
-   Mập phì
-   Tiểu đường
-   Bệnh sử gia đình liên quan đến các bệnh tim mạch

Ngăn ngừa:


Trong các yếu tố làm tăng nguy cơ “heart attack” thì chỉ có hai yếu tố tuổi tác và bệnh sử gia đình là không thể thay đổi được. Các yếu tố khác còn lại thì có thể thay đổi mặc dù không phải là dễ dàng

1. Thức ăn tốt cho tim:
+ ngũ cốc
+ rau cải
+ trái cây
+ đạm nạc
2. Cắt giảm:
+  đường
+  chất béo bảo hòa

Đặt biệt là ở những bệnh nhân tiểu đường, cao máu và cao mỡ trong máu

3. Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày (nếu heart attack vừa mới được định bệnh thì cần phải hội ý với bác sĩ trước khi có một chương trình tập thể dục thích ứng)

4. Ngưng hút thuốc lá


Nếu được hỏi thức ăn nào tốt giúp ngăn ngừa chứng động mạch vành cấp tính thì câu trả lời đơn giản và chính xác đó là:

    -   Ăn gì cũng được, miễn đó là thức ăn dở nhất.
Như người ta thường nói: “có dầu có mỡ thì đỡ đứa vụng” (vụng về trong nấu ăn mà có dầu có mỡ thì món ăn cũng thành ngon)


Thức ăn dở là thức ăn nhạt nhẽo (ít muối, it đường) và chắc chắn là ít mỡ rồi. Thức ăn mà dở thì không ai ăn được nhiều cho nên lượng đường, lượng muối và lượng mỡ nhập vào cơ thể cũng bị hạn chế giúp cho trái tim được khỏe mạnh hơn.
Myocardial infarction cũng thường được gọi là heart attack(cơn đau thắt tim) Heart attack được dùng một cách rộng rãi kể cả bác sĩ cũng như trong dân gian.


Ghi chú:
Trong bài viết này, “myocardial infarction” được dịch là “chứng hoại tử cơ tim” (dịch sát theo nghĩa đen),
- Myocardial: cơ tim
- Infarction= necrosis: chứng hoại tử


Ngày trước lúc còn là sinh viên thì thấy các vị giáo sư, bác sĩ sử dụng “myocardial infarction” để dạy cũng như viết trong hồ sơ bệnh án.
Sau 1975 thì “myocardilal infarction” được gọi là “nhồi máu cơ tim”

Chúng tôi xin phép không dùng nhóm chữ nầy trong bài viết vì dựa theo cơ thể học và sinh bệnh học thì không có dấu hiệu nào cho thấy có sự nhồi máu trong cơ tim mà chỉ có tắc nghẽn động mạch vành gây hoại tử cơ tim mà thôi.

Chúng tôi không dám lạm bàn và cho đó là đúng hay sai vì chúng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học/dịch thuật học.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi thì dễ dãi hơn cho rằng dân gian (Việt Nam) đã quen gọi như thế thì cứ nhắm mắt mà sử dụng đi!


đinh tấn khương

_____________________________________________

4 comments:

  1. QN cám ơn BS ĐTK rất nhiều, đã bỏ thời gian biên soạn bài viết công phu này. Đây là bài viết rất cần cho riêng trường hợp của QN, cũng như không ít đồng hương lớn tuổi đang ở vào trường hợp này.
    Quí mến ./QN

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn QN rất nhiều!

      Chúc trái tim của QN còn khỏe mãi để chứa giữ và ban phát tình yêu thương cho ông Xã và con cháu.

      Thân mến
      Khương

      Delete
  2. Rất cám ơn BS Đinh Tấn Khương.
    Tháng 6/2014 tôi đã bị trường hợp này và may mắn qua được (với 4 ống bypass) nên giờ này còn ngồi đây mà gõ những dòng này.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kính Anh Huy

      4 ớng bypass có nghĩa là gần như tất cả các nhánh động mạch vành của anh đã (âm thầm) bị tắc nghẽn ở mức độ không thể nong bằng stent được nữa.
      Anh thật may mắn!

      Kính chúc Anh Chị và gia đình vạn an và nhiều niềm vui với một trái tim (của Anh)đã được tune up!

      Kính Anh
      Khương

      Delete