VŨ ĐĂNG KHUÊ
 |
Thầy giáo lớp học (hình AI) |
Ba mươi lăm năm đứng lớp dạy tiếng Việt cho người Nhật, tôi mới thấm thía cái câu: "Nghề dạy học là nghề vừa gieo chữ, vừa gặt… nỗi niềm." Ngày tôi bắt đầu, cứ tưởng đơn giản: học trò Nhật vốn nổi tiếng chăm chỉ, chỉ cần tôi giảng thật rõ, trò nghe thật kỹ, thế là chữ Việt sẽ nảy mầm. Nhưng đời không như bài học ngữ pháp.
Thực ra, việc tôi đến với nghề giáo tiếng Việt này cũng là một sự tình cờ. Hồi đó, trường thiếu giáo viên đột xuất, và tôi, một người Việt đang sinh sống tại Nhật, được mời đứng lớp tạm thời. Ai ngờ, cái "tạm thời" ấy lại kéo dài ba mươi lăm năm. Thế là tôi phải tự tìm hiểu vì tôi không qua trường lớp sư phạm nào.
Sinh viên Nhật của tôi, người thì chăm chỉ, suốt buổi cứ gật gù ghi chép, lúc nào cũng "Sensei, câu này nghĩa là gì ạ?" Nhưng cũng có người, học cho có, chỉ lấy đơn vị tín chỉ (単位), để tốt nghiệp, mắt thì nhìn đồng hồ, miệng thì ngáp thầm, còn tay thì… bấm điện thoại dưới gầm bàn. Tôi dạy chữ "chào buổi sáng" (ohaiyo gozaimasu), mà trò thì chào… buồn ngủ (oyasumi-nasai) cả buổi chiều. Nhiều lúc tôi ngồi lặng sau giờ giảng, nghĩ: “Có phải mình đang dạy chữ, hay đang dỗ dành những giấc ngủ trưa?”
Thế nhưng, niềm vui của tôi lại đến từ những học viên đã đi làm — những người chuẩn bị sang Việt Nam công tác, hoặc muốn hiểu đất nước tôi không chỉ qua món phở hay cà phê sữa đá. Họ học chăm một cách cảm động, hỏi tôi từ chuyện văn hoá "tiễn ông Táo về trời" cho tới cách phân biệt "em yêu" và "anh yêu" sao cho khỏi… ngượng. Những lúc ấy, tôi thấy nghề mình thiêng liêng lạ: tôi không chỉ dạy chữ Việt, mà đang bắc một nhịp cầu giữa hai nền văn hoá, nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Ba mươi lăm năm qua, tôi đã dạy cho biết bao gương mặt: người siêng cũng có, người lười thì cũng nhiều. Và chính những buổi chiều đứng lớp, khi ngoài kia hoa anh đào rơi lả tả, còn trong lớp tôi chữ "xin chào" vẫn lơ lửng giữa người nói và người nghe — tôi mới thấm: niềm vui và nỗi sầu trong nghề giáo, đôi khi, chỉ cách nhau một nụ cười và một cái ngáp. Ba mươi lăm năm — một chặng đường, nhiều khuôn mặt, lắm niềm vui và không ít nỗi sầu.
Khó nhất trong nghề dạy tiếng Việt cho người Nhật, tôi xin thưa, chính là phần phát âm. Trò thì hay bảo: "Sensei, sao chữ này viết giống nhau mà phát âm khác?" Tôi chỉ biết cười, bảo: "Vì tiếng Việt vui thế đấy, nó không muốn đơn giản cho các em!" Nhiều khi tôi đùa: "Tiếng Việt có sáu thanh điệu, học xong mà chưa… chóng mặt là chưa giỏi đâu!".
Cả lớp cười ồ.
Về sáu thanh điệu trong tiếng Việt:
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập có thanh điệu, nghĩa là cùng một từ nhưng khi phát âm với các thanh điệu khác nhau sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Đây là một trong những thử thách lớn nhất đối với người học tiếng Việt, đặc biệt là người Nhật, vì tiếng Nhật không có hệ thống thanh điệu phức tạp như vậy. Tiếng Việt có sáu thanh điệu cơ bản, được thể hiện bằng các dấu thanh hoặc không có dấu:
Thanh ngang (không dấu): Âm điệu bằng phẳng, không lên không xuống. Ví dụ: ma (con ma).
Thanh sắc (dấu sắc ´): Âm điệu đi lên cao. Ví dụ: má (mẹ).
Thanh huyền (dấu huyền `): Âm điệu đi xuống thấp. Ví dụ: mà (từ nối).
Thanh hỏi (dấu hỏi ̉): Âm điệu xuống thấp rồi lên cao. Ví dụ: mả (mộ).
Thanh ngã (dấu ngã ~ ): Âm điệu lên cao rồi xuống thấp và lại lên cao (có sự luyến láy, thường kéo dài hơn). Ví dụ: mã (mã số).
Thanh nặng (dấu nặng ̣.): Âm điệu xuống thấp và bị chặn lại đột ngột. Ví dụ: mạ (lúa non).
Chỉ với ví dụ đơn giản như "ma, má, mã, mả, mạ, mà", trò đọc trẹo cả lưỡi, còn tôi thì kiên nhẫn giảng đi giảng lại, mỗi lần như vậy cũng là tự mình ôn lại, học lại, cập nhật để có thể trả lời thấu đáo cho những học trò ham tìm hiểu sâu.
Có lần, một học trò thắc mắc: "Sensei, tại sao số 45 lại đọc là 'bốn mươi lăm' mà không phải là 'bốn mươi năm'?" Và 11 là mười một, nhưng 21… là hai mươi mốt? Tôi cười, giải thích rằng tiếng Việt có những quy tắc riêng của nó, và đó là cách đọc tự nhiên. Rồi tôi đặt ngược lại câu hỏi: "Thế trong tiếng Nhật, tại sao khi đếm có lúc là 'ippon là 1 cây nhưng 2 cây là Nihon hay 5-fun' (5 phút) nhưng lại là 'roku-pun' (6 phút)?" Cả lớp ồ lên ngạc nhiên, và từ đó, các em hiểu rằng mỗi ngôn ngữ đều có những nét độc đáo riêng, không phải lúc nào cũng có thể lý giải theo logic tuyệt đối.
Vui nhất là khi có học trò đi công tác ở Việt Nam về, kể lại: "Sensei ơi, nhờ thầy mà em biết phân biệt ‘phở bò’ với ‘bò phở’ rồi!" — tôi cười muốn chảy nước mắt. Thì ra cái chữ mình dạy, nó không chỉ nằm trong sách, mà đã theo trò ra đời, vào quán, vào cả những câu chuyện vui giữa hai đất nước.
Nhưng không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Nỗi sầu của tôi chính là những sinh viên học chỉ vì đơn vị tín chỉ (単位). Các em ấy vào lớp, ngồi đó như cái bóng, đầu thì gật gù, tay thì lén lút bấm điện thoại, miệng thì lẩm nhẩm bài của… môn khác. Có lần tôi hỏi: “Em đọc thử câu này nhé?” Trò đứng lên, ấp úng một hồi rồi bảo: “Sensei, em quên sách ở nhà rồi ạ...” Tôi thở dài, nhưng rồi lại tự nhủ: “Mình cũng từng là sinh viên, cũng từng ngáp dài trong lớp... Thôi, cảm thông vậy!”
Đặc biệt có lần, tôi cho làm bài kiểm tra. Khi thu bài, tôi phát hiện hai bài làm giống hệt nhau, từ câu trả lời đến cả những lỗi nhỏ như dấu phảy, dấu chấm, dù một em ngồi hàng đầu và một em ngồi cuối lớp. Tra hỏi mới biết chúng dùng iPhone chụp đáp án và gửi hình chụp cho nhau chép lại nên kết quả chỉ là 1 bài đáp án. Lúc đó, tôi vừa giận vừa buồn cười trước sự "tinh quái" của học trò.
 |
Học trò (hình AI) |
Cái nghề này, muốn sống lâu, phải tập thêm đức tính "vui vẻ mà không nóng giận, giảng mãi mà không nản." Mỗi ngày đứng lớp, tôi như người đi trên chiếc cầu tre lắt lẻo — một bên là những trò chăm, ham học, thích hỏi khó; bên kia là những gương mặt lười, chỉ chờ hết giờ để… chạy. Và tôi, cứ gồng mình giữ cho cây cầu đó khỏi đổ, cho đến ngày tóc mình bạc lúc nào chẳng hay.
Ngoài những niềm vui và nỗi buồn đã kể, tôi còn có những kỷ niệm đặc biệt khác trong suốt ba mươi lăm năm gieo chữ Việt ở Nhật.
Có một lần, khi tôi đang dạy ở trường Obirin, một thầy giáo đã đến chào tôi và giới thiệu rằng anh ấy là học trò của tôi từ 26 năm trước. Điều bất ngờ hơn nữa là giờ đây anh ấy lại là phó trưởng khoa văn học của chính ngôi trường tôi đang giảng dạy. Cảm giác được nhìn thấy học trò của mình thành đạt và trở thành đồng nghiệp thật sự là một niềm tự hào lớn.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là về một nữ sinh viên đã học tôi khoảng 30 năm trước tại trường Keio. Sau khi tôi về hưu, cô ấy chính là người đã thay thế tôi tiếp tục phụ trách lớp tiếng Việt mà tôi từng giảng dạy. Việc có học trò tiếp nối sự nghiệp và tâm huyết của mình là một điều vô cùng ý nghĩa, như việc hạt giống mình gieo đã nảy mầm và tiếp tục phát triển.
 |
Trường Obirin (桜美林大学) |
 |
Trường Keio (慶応) |
Giờ đây, tôi đã nghỉ hưu, không còn lên lớp, không còn cặm cụi soạn bài, nhưng lòng thì nhớ nao nao. Nhớ những buổi sáng mùa xuân, tôi đi xe điện tới trường, ngoài kia hoa anh đào rơi, còn trong lớp thì tôi đang dạy chữ "mùa xuân" cho các em. Nhớ những hôm đứng giảng mà cổ họng khô rát, nhưng nhìn thấy ánh mắt học trò chăm chú là bao mệt mỏi tan biến. Và nhớ cả những trò lười — những gương mặt ngáp dài, mà giờ đây nghĩ lại, tôi thấy… thương hơn là giận.
Bây giờ, tôi đã rời bục giảng, nghỉ hưu rồi. Sáng sớm không còn phải vội vàng soạn giáo án, không còn tiếng "Sensei, chào thầy ạ!" vang lên đầu giờ. Nhưng lạ thay, trong lòng tôi, tiếng cười, tiếng ngáp, tiếng gọi thầy của học trò xưa vẫn như còn văng vẳng đâu đây. Nhiều người bảo: “Về hưu rồi, thầy phải thảnh thơi, quên chuyện trường lớp đi chứ.” Nhưng tôi biết, cái nghề dạy học này nó lạ lắm — nghỉ thì nghỉ, chứ nhớ thì nhớ suốt đời.
Tôi nhớ từng gương mặt học trò, nhớ những ngày đứng lớp giảng chữ "xin chào" mà lòng mình thì dặn dò: "Các em, hãy học để hiểu người Việt, để thương người Việt, chứ không chỉ để lấy tín chỉ." Ba mươi lăm năm qua, tôi dạy các em tiếng Việt, nhưng ngẫm lại, chính các em mới là người dạy tôi: dạy tôi kiên nhẫn, dạy tôi bao dung, dạy tôi học cách lắng nghe cả những điều không nằm trong sách vở. Có những chữ, tôi đã giảng hàng trăm lần cho trò, nhưng mỗi lần, tôi lại thấy mình học lại từ đầu - như chữ "thương", chữ "hiểu", và chữ "người thầy".
Giờ đây, khi mùa xuân đến, tôi ngồi nhớ lớp học xưa, nhớ bục giảng, nhớ những buổi chiều ánh nắng chiếu nghiêng qua cửa lớp, và tôi chợt mỉm cười. Ừ thì, nghề giáo là vậy: niềm vui và nỗi buồn luôn chen vai nhau mà bước. Nhưng cuối cùng, điều còn đọng lại trong lòng tôi, vẫn là niềm vui — niềm vui của người đã một đời gieo chữ, và bắc những nhịp cầu lặng lẽ giữa hai nền văn hoá.
Mẹ cháu từng khích lệ tôi rằng: "Anh đã đi dạy học ba mươi lăm năm với bao kinh nghiệm, anh phải viết ra chứ, chứ viết cái gì mà lung tung quá!" Chính câu nói ấy đã thôi thúc tôi ngồi lại, gom góp những kỷ niệm, những trải nghiệm của đời mình với nghề giáo, để câu chuyện này không chỉ là của riêng tôi, mà còn là một phần nhỏ trong hành trình giao thoa văn hóa Việt – Nhật. Và tôi tin, những hạt mầm tiếng Việt mà tôi đã gieo sẽ tiếp tục nảy nở, tạo nên những nhịp cầu vững chắc hơn nữa giữa hai đất nước thân yêu Việt-Nhật.
35 năm dạy học chỉ “gom” lại được vài trang, quá ngắn. Bạn ta thông cảm nhé!
_____________________________
No comments:
Post a Comment