![]() |
MHPhan |
Đó cũng là năm trung úy phi công Ngô Thành Bản – sau hơn hai năm tu nghiệp ở Mỹ – trở về quê nhà. Anh mang theo một món quà lạ: cuốn phim màu Summer of ’42. Em trai anh, bạn tôi – Ngô Thành Chương – rủ tôi và vài người bạn đến nhà xem. Phim chiếu bằng máy 16mm, không phụ đề, nhưng được anh Bản dịch trực tiếp bằng giọng trầm ấm, đều đặn như ru.
Phim chiếu xong. Đám bạn tôi rôm rả bình luận, háo hức như vừa được khai sáng điều gì đó lớn lao. Riêng tôi, ngồi yên. Không phải vì không hiểu, mà vì trong lòng vừa trỗi dậy một cảm xúc lạ. Buổi tối trên đường đi bộ về – từ bến xe đò Qui Nhơn đến con đường Ký Con, trước mặt trường tiểu học Mai Xuân Thưởng – tôi cứ như đang đi trong sương. Cảnh phim vẫn còn đọng trong đầu: những bãi biển hoang sơ, ánh trăng nhạt nhòa, tiếng sóng vỗ nhẹ… và đôi mắt xa xăm của Dorothy.
Tôi mới 16. Nhưng cảm xúc lúc ấy thì không còn trẻ con. Cứ như có gì đó âm ấm, nặng trĩu vừa rơi vào lòng – không hẳn buồn, không hẳn vui, chỉ lạ lùng và… thân thuộc. Như thể tôi đã từng đi qua điều ấy, dù thật ra chưa từng.
Đó cũng là lần đầu tôi biết rung động trước cái đẹp theo cách của người lớn. Dorothy, vai chính trong movie không phải một “cô gái dễ thương” như nhiều bạn nữ cùng lớp của tôi. Cô là phụ nữ – với ánh nhìn buồn, cử chỉ dịu dàng, và vẻ đẹp gợi cảm nhưng không phô bày. Chỉ cần một cử động nhẹ, một ánh mắt đủ lâu… cũng làm tim tôi đập loạn. Tôi nhớ mình đỏ mặt trong bóng tối khi cô tựa vào vai Hermie. Không có cảnh nóng. Không cần lời nói. Nhưng cả cơ thể tôi biết rằng mình vừa chạm vào thứ gì đó không thể quay lại như trước được nữa.
Tôi không biết gọi tên cảm xúc đó là gì. Không hẳn là tình yêu. Cũng không phải ham muốn. Nó là một thứ pha trộn giữa khát khao và bối rối, giữa ngưỡng mộ và hụt hẫng – như thể có một cánh cửa vừa mở ra bên trong tôi, không ai thấy, không ai nói, nhưng tôi biết mình đã khác đi.
Tôi nghĩ về mùa hè của mình 1973, sắp tới quê nhà Nhơn Lý Qui Nhơn: tắm biển, lướt sóng, ngồi trên dốc cát trắng cao ngắm trăng, hát nghêu ngao, ăn chè, ăn bánh canh cá hoặc chọc ghẹo mấy cô bạn gái cùng quê. Nhưng những tưởng tượng vui nhộn ấy nhanh chóng bị lấn át bởi hình ảnh Dorothy rời đi – lặng lẽ. Và tôi thì thấy mình cũng đứng đó, trong cái lặng im kéo dài, ngơ ngác trước thứ tình cảm chưa kịp gọi tên đã phải buông tay.
Nhiều năm sau...
Sau biến cố 1975, tôi định cư ở California. Một chiều cuối năm 1983 trong lúc dọn dẹp nhà tôi bất ngờ thấy lại Summer of ’42 – cuốn băng tôi đã mua từ một nhà "garage sales" ở San Jose California. Hộp băng đã sờn góc, bìa giấy phai màu, nhưng tên phim vẫn nằm đó – quen thuộc như một nốt nhạc không thể lẫn.
Tôi đứng lặng hồi lâu, cầm cuộn băng trên tay mà như chạm vào chính mình năm mười sáu tuổi. Không còn Qui Nhơn, không còn dốc cát trắng ở Nhơn Lý, không còn những tà áo trắng đi qua con hẽm nhỏ 52/4 Nguyễn Huệ tới Ký Con về Võ Tánh.
Chỉ còn tôi – một chàng trai 26 tuổi nơi xứ lạ, và một phần ký ức chưa bao giờ rời đi.
Đêm hôm đó, khi mọi người đã ngủ, tôi một mình bật lại cuốn băng. Hình ảnh hiện ra, nhòe nhẹ như một giấc mơ cũ: Hermie, bãi biển New England, Dorothy và những buổi chiều hè lặng gió. Phim vẫn vậy. Mọi thứ vẫn dịu dàng, vẫn chậm rãi, vẫn sâu sắc như lần đầu. Nhưng lần này, cảm xúc trong tôi đã khác.
Tôi không còn thấy đỏ mặt hay xao xuyến như cậu bé 16 tuổi năm nào. Thay vào đó là một nỗi xót xa. Dorothy giờ đây không còn là biểu tượng của vẻ đẹp quyến rũ nữa, mà là hiện thân của nỗi cô đơn – điềm tĩnh, nhẫn nhịn và bất lực. Cô không cần ai cứu, nhưng ai cũng muốn được là người nắm tay cô một lần.
Còn Hermie – tôi không thấy cậu dại khờ nữa, mà thấy thương. Một đứa trẻ buộc phải lớn lên quá sớm, trong một đêm quá ngắn. Một lần va đập với thực tại quá lớn để trái tim non nớt hiểu nổi. Giống như tôi năm đó, sau buổi xem phim, đã bước những bước đầu tiên vào vùng đất lạ lẫm của cảm xúc – không ai dắt tay, không có bảng chỉ đường, nhưng không thể quay lui.
Phim kết thúc. Tôi ngồi yên trong bóng tối, không vì hoài niệm, mà vì biết ơn. Cảm ơn cái hè năm 1973, cảm ơn cuốn phim đã gieo vào tôi một thứ xúc cảm tinh tế mà mãi về sau vẫn còn nguyên vẹn. Có những mùa hè không thuộc về mình – nhưng khi đã sống qua bằng cả trái tim, thì chúng vẫn là một phần đời.
Summer of ’42 không chỉ là một bộ phim. Với tôi, đó là một ngưỡng cửa, một vết khâu mềm trong ký ức. Một lần rung động thật – đầu tiên và không thể lặp lại.
h.phan 06.01.2025
******** Vài nét về cuốn film Summer of 42 ******
"Summer of '42" là một bộ phim chính kịch về tuổi trưởng thành năm 1971 do Robert Mulligan đạo diễn và Herman Raucher viết kịch bản, dựa trên tiểu thuyết bán tự truyện của chính Raucher. Bộ phim lấy bối cảnh trong Thế chiến II tại đảo Nantucket vào mùa hè năm 1942.
Câu chuyện kể về Hermie 15 tuổi (Gary Grimes), người say mê Dorothy (Jennifer O'Neill), một phụ nữ trẻ đã có chồng nhưng chồng cô đang ra trận. Trong khi các bạn của Hermie là Oscy và Benjie đang bận tâm với những mối quan tâm thông thường của tuổi teen, Hermie lại thấy mình bị cuốn vào một mối quan hệ trưởng thành hơn khi cậu giúp Dorothy làm việc nhà và chạy việc vặt.
Bộ phim khám phá những chủ đề về sự ngây thơ, sự thức tỉnh tình dục và sự mất đi tuổi thơ trong thời chiến. Phim đặc biệt nổi bật với cách xử lý tinh tế trải nghiệm tình dục đầu tiên của một người trẻ và bản chất vừa ngọt ngào vừa cay đắng của tình yêu thời chiến. Bộ phim có tông điệu hoài niệm, u sầu, tóm lược được cả vẻ đẹp lẫn nỗi buồn của tình yêu mùa hè thoáng qua.
"Summer of '42" thành công cả về mặt phê bình và thương mại, thu về hơn 20 triệu đô la phòng vé. Jennifer O'Neill nhận được đề cử Quả cầu vàng cho diễn xuất của mình, và nhạc phim do Michel Legrand sáng tác đã giành giải Oscar cho Nhạc phim gốc hay nhất. Bài hát chủ đề "The Summer Knows" trở nên khá nổi tiếng.
Bộ phim được nhớ đến như một tác phẩm của điện ảnh thập niên 1970 và thường được coi là một trong những phim về tuổi trưởng thành hay nhất thời đại đó, được khen ngợi vì khắc họa chân thực tuổi vị thành niên và bầu không khí thời đại gợi cảm xúc.
https://www.youtube.com/watch?v=kWMxX5MGuHI
2) Nhạc và Hình ảnh Dorothy (Jennifer O'Neill)
https://www.youtube.com/watch?v=K6NJSbIeTeU
Minh Hân Phan
No comments:
Post a Comment