Sunday, November 25, 2018

TÌNH VƠI NGHĨA CẠN

Đinh Tấn Khương



Người đời thường nói: “trẻ sống bằng tình, già sống bằng nghĩa”, tình phát xuất từ trái tim và nghĩa đến bằng lý trí
Tình và nghĩa là sợi giây vô hình cột chặc những người có mối quan hệ ràng buộc với nhau , trong dó thì tình nghĩa vợ chồng được nhắc đến nhiều nhất. Tình nồng giúp sưởi ấm, nuôi dưỡng mầm hạnh phúc và nghĩa nặng giúp duy trì được cuộc sống bình an cho cả một gia đình. Một khi tình đã vơi, nghĩa đã cạn thì mối quan hệ trở nên lỏng lẻo nhạt phai, đôi lúc lại còn dẫn đến tai họa cho người ta nữa

Nói đến "tình" thì thường nghe nhắc tới “khối tình” cũng như “lửa tình”. Lửa tình cả khối mà biết gìn giữ đúng chỗ (như lò sưởi gia đình) thì cả nhà sẽ được ấm áp suốt nhiều mùa đông băng giá. Ngược lại, lửa tính mà để cháy lan ra ngoài thì coi chừng gặp phải tai họa khó lường! Một đốm lửa có thể vô ý làm thiêu rụi cả một dãy trường sơn huống hồ chi lại là một khối!
Người ta thường nhắc, khối tình thì không những lớn mà lại còn nặng lắm, cho nên nếu đặt nó trên một cái bệ chắc chắn thì sẽ được vững vàng, và ngược lại, nếu đặt nó trên một cái nền mỏng mảnh thì trước sau gì cũng phải sụp đổ. Thêm nữa, khối tình mà lại dịch chuyển thì dễ bị ngã nghiêng gây ra tai họa thật khó lường!

Nên biết rằng, trong cơ thể con người chỉ có hai cơ quan duy nhất một khi (tế bào của nó) đã chết thì không thể tái sinh lại được, đó là: trái tim và bộ não.
Bởi không được “TÁI SINH” vì vậy, một khi chúng ta sử dụng (trái tim để yêu và bộ não để hành động) thì không nên được “TÍNH SAI”!

******

Câu chuyện điển hình, chuyện giết người đã xảy ra cách nay 6 năm (nhưng vừa mới bị kết án gần đây), một ông bác sĩ ở tuổi gần hưu đã ra tay giết bà vợ già để mong nhận số tiền bảo hiểm nhân thọ (của vợ) khoảng chừng nửa triệu dollars hòng xây tổ ấm với người tình mới.
Ông này giết vợ bằng cách chích thuốc trị bệnh tiểu đường “Insulin tác dụng nhanh” với liều lượng thật lớn mà ông biết chắc rằng thứ “vũ khí” giết người nầy sẽ không bị phát hiện ngay cả tiến trình giải phẩu hậu tử.
Trước tòa Thượng Thẩm New South Wales, báo cáo giải phẩu hậu tử cho biết là không tìm thấy dấu hiệu một lượng lớn Insulin (trong cơ thể người vợ quá cố) và ngay cả dấu kim chích cũng không phát hiện được. Nhưng có bằng chứng cho thấy rằng ông bác sĩ nầy đã tìm kiếm tin tức trên mạng về đề tài “Insulin quá liều”(Insulin overdose) cũng như đọc bài viết “ý định quá liều với Insulin”. Trên mạng, ông đã vào đọc tài liệu đề cập đến 25 bệnh nhân đã phải nhập viện sau khi có ý định sử dụng Insulin quá liều. Đề tài phân tích này đã bàn luận đến liều lượng Insulin và hậu quả của nó mà mỗi bệnh nhân đã dùng để chích.

Thế là ông bác sĩ này quyết định kê một toa thuốc dưới tên một bệnh nhân của ông rồi đến tiệm thuốc gần đó mà mua mang về chờ dịp thực hiện kế hoạch (giết vợ).
Tòa được báo cho biết rằng ông bác sĩ nầy đã chích vào người bà vợ một liều Insulin cực lớn có thể gây tử vong. Bên công tố đã bàn cãi rằng, phạm nhân biết rất rõ, để phát hiện dấu hiệu một liều lớn Insulin được đưa vào cơ thể (người bị hại) thì mẫu máu phải được lấy ngay sau khi nạn nhân vừa tắt thở và cuộc thử nghiệm phải được thực hiện ngay sau khi huyết thanh (serum) vừa được tách khỏi huyết tương(plasma).

Tòa cũng được (bên công tố) báo cáo rằng, phạm nhân đã tính toán rất kỹ để chọn thời điểm đêm giao thừa (New Year’s Eve) mà ra tay, bởi ông đoán chắc rằng cuộc giảo nghiệm tử thi ít có khả năng xảy ra ngay vào ngày đầu của năm mới. Quả đúng như vậy, thủ tục giảo nghiệm tử thi đã không thực hiện sớm được mà phải đợi cho tới ngày 2 tháng Giêng.
Bên công tố cũng trình Tòa về thái độ của phạm nhân đối với bà vợ ông ta, qua cuộc phỏng vấn của cảnh sát một ngày sau cái chết. Ông đã than phiền rằng bà là một người vợ bất công, khó khăn, vô ơn và bốc đồng. Thái độ nầy đã dùng để trưng dẫn thêm chứng cớ vững chắc cáo buộc tội sát nhân của ông chồng đã "vơi tình cạn nghĩa" với người vợ mà mấy chục năm cùng chung sống dưới một mái nhà!


(Trích dịch từ bài“Murder GP knew autopsy would not detect Insulin”, Nguyệt San Australian Doctors 16 December 2016)

                                     
 ***********

Câu chuyện trên đã gợi nhớ đến đôi vợ chồng già, là thân chủ gắn bó hằng chục năm trời. Hơn mười năm trước, ông cụ ở độ tuổi gần ngưỡng 80 và bà cụ thì kém hơn ông chừng một con giáp. Tuy đã bước vào tuổi xế chiều nhưng trông ông vẫn còn phương phi tướng người cao lớn, vạm vỡ, ăn nói mạnh miệng. Qua những câu chuyện kể về đời tư, đoán biết rằng ông xuất thân từ một gia đình giàu có. Riêng bà, nhìn ngoại hình bấy giờ thì cũng có thể hình dung được nhan sắc thuở thiếu thời. Có thể tóm lược, ông là con nhà giàu và bà là người có sắc.

Hôn nhân đã đưa họ đến với nhau, chắc không phải do bởi tình yêu mà lại xuất phát từ những tính toán riêng tư ở mỗi người. Bà đến với ông để mong có cuộc sống an nhàn nhờ khối tài sản kế thừa, còn ông thì đã chọn bà bởi vẻ đẹp bề ngoài, và hơn hết lại là tuổi còn nhỏ hơn ông rất nhiều. Thuở ấy, ông nghĩ rằng nhờ nhỏ tuổi hơn ông cho nên cuối đời thì bà sẽ còn đủ sức lực để chăm sóc ông.
Thế mà, đúng như người ta thường nói: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, dẫu tuổi có chênh lệch nhưng về già thì bà lại mắc phải nhiều thứ bệnh. Bởi thế, thay vì được chăm sóc như hoài bảo ngày xưa thì ngược lại, ngày nay ông phải bỏ công rất nhiều để chăm sóc bà. Ông thường tỏ lời than phiền và hối tiếc cho những tính toán sai lầm như vậy!

Tiểu đường loại 2 là một trong những thứ bệnh mà bà mắc phải, ngoài thuốc uống bà còn cần thêm thuốc chích Insulin mỗi ngày. Ông đóng vai trò “người chăm sóc”, cho nên công việc trợ giúp trong những sinh hoạt cần thiết cho cuộc sống hằng ngày, cũng như thuốc men (uống & chích) đều do một tay ông lo liệu.
Điều lạ là, không ít lần bà phải nhập viện khẩn cấp với những triệu chứng do lượng đường trong máu xuống thấp nhanh chóng một cách bất ngờ. Bác sĩ bệnh viện liên lạc và nêu thắc mắc liên quan đến liều lượng (thuốc) cũng như phác đồ điều trị có hợp lý và cập nhật hay không. 

Đoán biết rằng, đó là hậu quả do một lượng lớn Insulin đã được chích vào, mà kỳ thật chẳngbiết có phải là do sự nhầm lẫn vô tình hay là có chủ ý!? Bởi tuổi ông đã già thì sự nhầm lẫn do chứng “giảm sút trí nhớ” là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, biện pháp giải quyết lúc đó phải là yêu cầu một (trong những) người con đứng ra đảm nhận vai trò “người chăm sóc”. 

Sau đó không lâu bà đã rời bỏ thế gian sau cơn tai biến mạch máu não (stroke), mở đầu một “trang tình sử” mới, đầy khổ lụy của đời ông!



 ******************


Ngày xưa, lúc còn trẻ (thơ) nghe vài chuyện kể mà đâm ra sợ con gái hết sức. Chyện kể như thế nầy:

Làm thế nào để có thể phân biệt được muỗi cái và muỗi đực?
- Dễ ợt, này nhé, đợi đêm về thì vén mùng cho muỗi bay vào, sáng hôm sau quan sát con nào có cái bụng phình lớn chứa đầy máu thì đó chính là con muỗi cái, không hề sai!

Chuyện cua thay vỏ:
- Khi cua vợ thay vỏ thì cua chồng nằm ở miệng hang canh chừng không cho một chàng cua nào khác béng mảng nhằm bảo vệ tính mạng cho cua vợ.
- Ngược lại, trong lúc cua chồng thay vỏ thì cua vợ cũng chờ chực trước hang nhưng để rước cua đực khác vào hang mà thịt cua chồng.

Chuyện của một gia đình nghèo:
Vợ chồng nọ có với nhau một người con, việc làm thì bấp bênh, nợ nần thì chồng chất, nghèo đến nỗi không đủ gạo ăn lại thêm bà vợ còn mắc phải một căn bệnh kinh niên khó chữa thì làm sao mà có tiền chạy thuốc.
Thuở ấy, nhân lúc nhà vua ngồi bàn chuyện "phiếm về cuộc đời" cùng với các quan trong triều. Vua hỏi:

-   Người ta thường nói “dò sông dò biển dễ dò, làm sao lấy thước mà đo lòng người”, theo ý các khanh thì làm thế nào để biết rõ lòng người cho được?
Các quan cùng nhau bàn luận rồi quyết định hiến kế, xin nhà vua truyền chỉếu chỉ với nội dung như sau:
- Nhà vua sẽ tặng thưởng một ngàn nén vàng cho bất kỳ ông chồng nào mang vào triều, trình thủ cấp của vợ sớm nhất.
Lệnh truyền của nhà vua đến tai cặp vợ chồng nghèo, bà vợ mừng quá bèn gọi chồng mà nói:
- Mình ơi, dịp may đến rồi đây! Thân em tật bệnh triền miên, nhà ta trước nay thiếu trước hụt sau, con thì khát sữa thiếu ăn lại thêm thiếu mặc. Thôi thì, em có sống thì cũng không thay đổi được gì cho (đời) con mà lại thêm phiền cho chồng nữa. Hãy nắm bắt cơ hội ngàn năm một thuở nầy đi, mang thủ cấp của em vào triều sớm để được lãnh thưởng hòng có tiền mà mong đổi đời cho đứa con tội nghiệp của chúng ta.
Nói rồi bà vợ hối thúc chồng đi mài dao mà chuẩn bị mang thủ cấp mình vào triều sớm, kịp lãnh thưởng nuôi con.
Ông chồng nghe lời vợ nói thì lửng thửng bước ra sau, lưỡng lự với tay nhặt lấy con dao lớn đang nằm vắt dọc theo tấm phên nhà bếp rồi tiến đến phiến đá xanh nằm cạnh bên cái giếng nước, ông ngồi xuống cầm con dao liếc qua lại trên bề mặt phiến đá nhiều lần. Không biết ông nghĩ gì lung lắm, thình lình vứt con dao sắc lưỡi rơi tọt xuống miệng giếng hai tay ông ôm trọn mặt mình mà khóc!

Những ngày sau đó, nhà vua lấy làm lạ, chẳng biết tại sao mà không thấy một ông chồng nào mang thủ cấp của vợ vào triều lãnh thưởng.
Các quan lại bàn luận một lần nữa và xin vua ra tiếp chiếu chỉ, chiếu chỉ như sau:
- Nhà vua sẽ tặng thưởng một ngàn nén vàng cho bất kỳ bà vợ nào mang vào triều, trình thủ cấp của chồng sớm nhất.
Hôm sau, mặt trời chưa kịp ló dạng thì đã thấy rất nhiều người đàn bà, túi vải nhuộm máu đỏ tươi trên tay, chen nhau mà tiến thẳng vào sân triều!

Bây giờ, có cơ hội “ôn cổ tri tân” thì mới ngộ ra rằng minh đã mắc nợ giới nữ lưu một lời xin lỗi bởi đã lỡ hiểu (và sợ) lầm!?

Sydney, cuối năm 2016


đinh tấn khương

__________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment