Thursday, November 8, 2018

Nấu Nướng

Tuyết Vân


Ở cái tuổi mà ai cũng đang giảm lại việc ăn uống, ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn thì tôi lại thấy hơi tiếc từ bao năm nay mình đã không biết nấu ăn rành rẽ như các cô bạn khác. Nữ công gia chánh không phải là món tôi thích thú từ khi còn nhỏ. Đa số bé gái nào lớn lên cũng có đôi que đan hay một cái bàn căng để thêu. Tôi thì không. Đa số bé gái nào cũng chơi trò buôn bán, nấu nướng khi còn nhỏ, tôi thì không. Học nấu ăn là môn học nằm chót nhất trong các lớp tôi muốn học.

Khi ở Việt Nam nhà tôi có một chị giúp việc. Chị bị câm và má tôi đặt tên cho chị là Cam. Chị Cam là người quán xuyến lo công việc nội trợ trong nhà thời gian tôi lớn lên. Sau khi chị về quê, má tôi trở thành bếp chánh, sai biểu tôi công việc nấu nướng lặt vặt. Nếu là một người thích nấu ăn tôi đã học rất nhiều từ những năm này. Nhưng vốn dĩ không, nên biết đó rồi quên đó, như nước chảy lá môn.

Bạn bè tôi cứ hỏi vậy trong những năm không ở với cha mẹ ai lo cho việc ăn uống hằng ngày. Tôi cũng khá may mắn chuyện kiếm cho mình có bữa ăn. Nếu đi học gần nhà thì có cơm nhà, bằng đi học xa lại có cơm nội trú. Một năm ở Huế, một năm ở Qui Nhơn, và hai năm ở Quảng Ngãi tôi đều có cơm nội trú. Qua tới Mỹ, nấu nướng qua loa và ăn fast food ngoài đường. Cái thời gian còn trẻ này cơ thể cần biết bao nhiêu là dinh dưỡng vậy mà chỉ ăn để mà sống thôi. Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy xót xa, nhưng đó là do mình đã không giỏi giang công việc bếp núc. Trách ai giờ?

Thập niên 90 Cali hay nói đúng hơn là quận Cam đã có nhiều nơi nhận nấu cơm tháng. Gia đình nào cũng chồng làm vợ làm, nếu không có sự giúp đỡ của hai bên cha mẹ thì đành phải ăn cơm tháng thôi. Sau hai ba lần thay chỗ, cuối cùng tôi cũng có được một nơi nấu cơm tháng khá tươm tất bởi giá cả không mắc làm mà đồ ăn rất vừa miệng. Mỗi phần cơm có ba món. Lúc nào cũng có món canh. Chủ tiệm cũng để cho mình lựa hai món. Tôi không lựa canh vì thấy nó béo quá. Người đưa cơm thường là các em học sinh đại học hay các bác đã lớn tuổi đi làm kiếm thêm chút đỉnh. Cứ khoảng chừng bốn tới năm giờ chiều cổng nhà tôi có bị ni lông trắng treo lơ lửng. Có gia đình cũng không đặt cơm tháng và chỉ dùng cơm chỉ thôi. Cơm chỉ nghĩa là ra ngoài tiệm bánh mì nướng có bán các thức ăn rồi thích món nào thì cứ chỉ mà mua đem về. Mỗi cách có cái thuận tiện riêng của chúng.

Có một lần ông Martin Yan trong chương trình Yan Can Cook mở dạy một lớp nấu ăn ở trường Golden West college thì tôi ghi tên học liền. Ông dạy món xào thịt bò, chi phí chỉ 50 đồng và học sinh được mang thức ăn về nhà. Khi tới lớp nhìn thấy ông xắt thịt xắt rau giật mình luôn. Dĩ nhiên là tôi đâu có theo kịp được. Ông tận tình tới giúp giùm. Chiều hôm đó gia đình có bữa cơm với món xào thật ngon. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa thực hiện lại món xào nầy. Mà cũng không sao, ở cái tuổi và ở cái thời đại người ta kiêng cữ thịt đỏ, không biết xào thịt bò đôi khi là một lợi thế.


Khi gửi con vào nhà trẻ tôi thường lựa những nhà trẻ có bao ăn sáng và ăn trưa. Tuy có mắc hơn thật đó và lái xe còn có thể xa hơn nữa nhưng ngược lại rất thuận tiện. Khi hai con vào tiểu học rồi đến trung học mùa hè là mùa tôi khổ sở nhất. Bởi lẽ trong niên học, trường có bán thức ăn sáng và trưa; mùa hè, chúng ở nhà, việc ăn uống phải do tôi lo liệu. Khi cô xếp trẻ của tôi than van về việc lo ăn uống cho cậu con trai của cô trong mùa hè tôi cười ngất. Tôi báo trước cho cô rằng chờ khi cháu ở tuổi phát lớn lúc đó mới hiểu được câu người xưa có nói, “ăn rào rào như tằm ăn dâu”.

Hai năm nay biết được Người Việt Online trang Phụ Nữ là trang tôi thường chú ý. Trang này thường có những hướng dẫn về việc nấu nướng. Phụ Nữ mà. Tôi học được hai món rất đắc ý, d làm, ai ăn cũng không chê. Đó là món canh bầu nấu với tôm và món meatball. Nhớ trong ca dao ca câu:

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Món canh tôi làm cũng ngon như vậy đó. Còn món meatball tôi dùng để nấu với bún riêu. Ai ăn cũng khen nó mềm và mùi vị thấm tháp.

Cô em họ của chồng tôi vừa mới qua một cơn bạo bịnh. Nhà thờ cô khuyên cô nên có những việc làm mang lại niềm vui cho những người khác. Khi người khác vui thì tự nhiên mình cũng sẽ thấy vui. Và niềm vui nó có thể mang lại sức khỏe cho mình. Cô kể, cứ một hay hai tuần cô lái xe đi thăm người bà con hay bạn bè. Mỗi lần đi thăm cô đều mang theo một món quà nho nhỏ nhưng ai cũng thích. Cô làm bánh hỏi. Bây giờ bánh hỏi được đóng khô như bún hoặc miến. Một bao bánh chỉ có một đồng, không tốn của, chỉ tốn thời gian. Mà ở cái tuổi về hưu thời gian ai cũng có. Cô nói, người mình ai cũng thích bánh hỏi. Không cần phải cao sang ăn với thịt thà gì. Chỉ cần một hũ nước mắm pha ngon, một chút dầu và chút hẹ hay hành lá là đã có một bữa ăn đáo để. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Cô cũng nói, không biết sao cứ mỗi lần đi như vậy, cô lại không thấy mệt tí nào.

Mấy tháng nay anh con trai đầu về ở chung với chúng tôi việc nấu nướng lại thêm phần bận rộn hơn. Nhưng tôi không để nó là gánh nặng làm mất vui cho bữa ăn trong gia đình. Tôi thường nói với cháu phụ giúp giùm và chỉ bảo cháu làm những món đơn giản. Dĩ nhiên hai cái món đơn giản nhất là luộc trứng và chiên trứng. Cái chiên trứng còn có nhiều hình thức khác, trứng ốp la, trứng kho, trứng trộn (scramble eggs). Tôi cứ thường nói, con ráng học cho biết để sau ra ở riêng còn có thể tự lo cho mình. Đặc biệt, khi con có gia đình con có thể giúp giùm vợ con nữa. Làm con cái, ai cũng ham ra ở riêng. Cậu thấy có lý nên cũng chăm chỉ phụ giúp với nhau. Cái dễ thương của những lớp trẻ bây giờ họ không nghĩ việc nấu nướng là việc riêng của đàn bà.

Tôi nhớ tới khay bánh hỏi cô em họ cho tuần trước. Cô kèm thêm nước mắm ớt tỏi. Nó đơn giản nhưng ngon làm sao. Rẻ và cũng không khó làm. Có lẽ đi chợ cuối tuần sẽ phải mua bánh hỏi khô về tập làm với con. Teamwork lúc nào cũng làm công việc nhẹ nhàng hơn. Cái ngon đôi khi nó không nằm trong cao lương mỹ vị mà từ tấm lòng đi ra. Có thể tôi đã không giỏi bếp núc ở tuổi ba mươi, bốn mươi nhưng ở cái tuổi mà ăn uống chỉ là ăn để mà sống thì vẫn cứ phải học nấu ăn thôi. 

Nấu nướng, cũng như nghĩa vụ công dân, nó là việc chung nào phải của riêng ai.

Tuyết Vân

________________________________

No comments:

Post a Comment