Friday, November 16, 2018

“Ngồi lê đôi mách”


Sưu tầm

(Ảnh: Internet)
Hẳn đâu đó trong cuộc sống bạn đã từng bắt gặp một người hơi rảnh rỗi, chuyên "đem chuyện của cô A nói với cô B", "đem chuyện cô B nói với anh C"; rồi lại nói từ chuyện trong nhà ra ngoài phố, hầu như là những chuyện vặt vãnh, chẳng tốt đẹp gì. Người nghe đôi khi thấy vui, đôi khi thấy chán, song nhìn chung chúng ta không ai muốn kết thân với hạng người này. Rồi chúng ta lại sợ chuyện riêng tư của mình một ngày nào đó cũng sẽ bị họ đem ra mổ xẻ, bàn tán. Nếu bạn đang là một người như thế, hãy chấn chỉnh gấp bởi đó chính là biểu hiện của việc thiếu kỹ năng giao tiếp, đôi khi còn gây ra những tác hại khôn lường.

* “Ngồi lê đôi mách” - Hệ quả và cách đối phó

Không kiểm soát được lời nói và điều chỉnh được chủ đề câu chuyện

Những người có thói quen “ngồi lê đôi mách” đa số đều có khiếu nói chuyện: họ biết cách làm cho câu chuyện trở nên hài hước hay bi thương, biết “nhấn nhá” đúng chỗ và tập trung vào nhân vật khi cần thiết. Song nhược điểm lớn nhất của họ là không ý thức được điều mình nói có thể gây nhàm chán cho người nghe, ảnh hưởng xấu đến người khác và cả bản thân mình. Với họ, việc kể chuyện này chuyện nọ là điều hoàn toàn hết sức bình thường, thậm chí họ nghĩ là người đối diện thích nghe chuyện của họ nên càng “phát huy” thói quen này hơn.

Người hay “buôn chuyện” thường rất hay lèo lái chủ đề sang nhiều lĩnh vực khác nhau khiến cho người nghe bị nhiễu loạn bởi quá nhiều điều được đề cập.

Thói quen “ngồi lê đôi mách” xuất phát từ nhu cầu được chia sẻ và hơn hết là nhu cầu thể hiện mình; thích chỉ trích, phê phán người khác và có tâm lý cho mình là người quan trọng. Chính vì xuất phát từ đặc điểm tâm lý này mà người hay “buôn chuyện” khó bỏ được thói quen của mình. Họ cảm thấy không có vấn đề gì ở đây và chẳng có gì cần thay đổi cả.

* Không có kỹ năng nghe

Điều này dường như là tất yếu: khi bạn nói nhiều thì bạn chẳng muốn nghe, chẳng có thời gian nghe ai nói nữa. Người hay “buôn chuyện” không đủ kiên nhẫn để lắng nghe ai đó lâu và luôn tìm cách xen vào câu chuyện của họ để giành quyền nói. Hoặc khi họ chăm chú lắng nghe thì đó là vì câu chuyện kích thích trí tò mò và vượt ra ngoài hiểu biết của họ. Họ cho đó là một cơ hội để nắm bắt thông tin, có thêm “vốn” để “buôn chuyện” với các người khác.

* Không có sự đối thoại

Trong giao tiếp có hai hình thức trò chuyện chính: đối thoại và tán gẫu. Đối thoại là đi sâu vào một vấn đề, hai bên trao đổi, chia sẻ ý kiến, quan điểm về lĩnh vực, vấn đề đó. Còn tán gẫu là nói về nhiều chủ đề khác nhau và thường chỉ để hỏi thăm, xã giao là chính. Kiểu người hay “ngồi lê đôi mách” là kiểu người hay tham gia các cuộc tán gẫu. Họ ít khi đối thoại, hoặc đối thoại không dài hạn, không có sự gắn bó, cam kết về mặt nghĩa vụ. Nếu ai đó bảo họ giữ bí mật cho câu chuyện riêng tư, họ khó lòng mà giữ được.

Chính vì điều này mà người hay “buôn dưa lê” ít có bạn thân. Các mối quan hệ của họ chỉ dừng lại ở mức xã giao, bạn cùng lớp, đồng nghiệp… Sự “nhiều chuyện” của họ khiến người khác e dè nhưng cũng không ai từ chối họ trong các cuộc tán gẫu vì có họ mà cuộc trò chuyện trở nên sinh động, thú vị hơn. Tuy nhiên, nếu tính các giá trị dài hạn cho các mối quan hệ, họ khó lòng mà đạt được và mục đích thắt chặt mối quan hệ trong quá trình giao tiếp của họ coi như thất bại.

Nói ít lại, lắng nghe nhiều hơn và mở lòng với lỗi lầm của người khác. Người hay “ngồi lê đôi mách” cần có sự thay đổi trong cách giao tiếp của mình, nếu họ muốn giao tiếp có hiệu quả hơn, có những mối quan hệ tốt đẹp hơn.

(Kyna.vn)

* Nguy cơ của việc “Buôn Chuyện - Tám Chuyện”

“Buôn chuyện”, “ngồi lê đôi mách” là một trong những bệnh “nan y” khó chữa nhất của con người. “Buôn chuyện” ngày nay không chỉ đơn thuần là ngồi với nhau tán gẫu mà ngày càng mở rộng hơn nhờ sức lan truyền khủng khiếp của mạng xã hội. Với mục đích mua vui, nói cho có chuyện nhưng nhiều khi chúng ta “buôn chuyện” với nhau lại vô tình cướp đi tính mạng của một con người.

Ở các làng quê, đi vài bước lại gặp hình ảnh các mẹ, các chị túm năm tụm ba “buôn chuyện, buôn dưa lê” là chuyện thường như cơm bữa. Người ta càng rảnh rỗi lại thường xuyên tụ tập "buôn chuyện". “Buôn chuyện” nhà cửa, công việc, mùa màng thì ít mà toàn chỉ ngồi "buôn chuyện" nhà người khác thì nhiều.

Người ta vẫn có câu “chuyện nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”, người này nghe ngóng được chuyện gì của nhà hàng xóm thì chỉ trong một ngày thôi, cả làng đều biết. “Buôn bán” chuyện tốt không sao, nhưng đằng này chỉ nói chuyện xấu, vô căn cứ.

Hễ một ai đi qua, là chủ đề “buôn chuyện” chuyển luôn về người đó... “Đứa này không chồng mà chửa" hay "Đứa kia bồ bịch, bỏ chồng...”. Thế đấy, người ta đâu biết rằng, chỉ một câu nói thiếu căn cứ hay có đúng đi chăng nữa cũng lan đi khắp nơi và những đối tượng liên quan đến chủ đề đó họ sẽ phải đối diện như thế nào với xã hội.

“Miệng lưỡi thế gian” luôn là vũ khí giết người ghê gớm, nhiều người không tìm đến cái chết thì cũng chết trong sự ghẻ lạnh, gièm pha của hàng xóm, láng giềng.

Trở lại, với cái chết của em nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử sau khi bị người yêu tung clip nóng. Khi đoạn clip được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, người ta không quan tâm đến số phận của nhân vật chính. Những phản xạ tự nhiên đến rất nhanh từ đám đông: Họ comment mạt sát cô bé, cùng share và down clip, lục lọi facebook của nạn nhân chỉ để buông những lời độc ác. Rồi chắc chắn, ở cái nơi sinh ra em bé, cái nơi em được chôn rau cắt rốn, những lời mạt sát còn khinh khủng hơn thế, gia đình em đi đến đâu cũng là chủ đề “buôn chuyện” của nhiều người. “Buôn chuyện” lúc này không phải để mua vui mà là để mọi người góp phần nhỏ bé đưa em về cõi vĩnh hằng. Mội một lời nói, một ánh mắt nhìn em sẽ trở thành động lực giúp em “hành động can đảm” như vậy.

Nhà ai rồi cũng có chuyện, tốt có, xấu có... Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ để suy nghĩ trước khi buông ra những lời nói cay nghiệt.

Còn “Buôn chuyện có văn minh” thì không ảnh hưởng đến nhân phẩm và danh dự của người khác.

(tintucmangxanh.blogspot.com)

No comments:

Post a Comment