Tuesday, July 23, 2013

Cảm nhận:"Hãy khóc đi em" trên SK Hoàng Thái Thanh

 Trần Đức Minh 





Khi tiếng nhạc và lời bài hát “hãy khóc đi em” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên trong khán phòng:

Hãy khóc hãy khóc đi em
nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
ôi phù du
từng tuổi xuân đã già
một ngày kia đến bờ
đời người như gió qua


Không còn ai
đường về ôi quá dài
những đêm xa người
chén rượu cay
một đời tôi uống hoài
trả lại từng tin vui
cho nhân gian chờ đợi

Về ngồi trong những ngày
nhìn từng hôm nắng ngời
nhìn từng khi mưa bay
có những ai xa đời quay về lại
về lại nơi cuối trời
làm mây trôi

Thôi về đi
đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
có nhiều khi
từ vườn khuyabước về
bàn chân ai rất nhẹ
tựa hồn những năm xưa.m

Giòng nước mắt sẽ bay trong trời
Làm cơn mưa ướt trên chăn gối
Lời cỏ cây hát trên da người

y khóc đi em cuối cuộc tình
còn đâu những mặn nồng
  
Hãy khóc hãy khóc đi em
có còn gì ?
Tình đã mất đường về

Hãy khóc hãy khóc đi em
Hãy khóc đi em...

Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt. Họ khóc cho một tình yêu cao cả, một tình yêu tận tụy quên mình đã trao gửi cho một người không hề xứng đáng. Họ khóc cho một tình yêu bị vùi dập, cho một con tim bị bóp nát, bị dẫm đạp không thương tiếc.

.. Nhân vật Hạnh yêu chồng hết lòng, nên tự nguyện đành lòng thu xếp một cô gái quê ngủ với chồng mình để kiếm cho anh một đứa con, vì cô đã mười năm sống với anh mà không sinh nở. Ai yêu mà không biết nỗi đau đớn bị san sẻ tâm hồn và thân xác của người mình yêu? Khi cánh cửa phòng ngủ khép lại với Phương (chồng Hạnh) và Thắm (cô gái quê), thì Hạnh đổ vật xuống bên ngoài như một khúc cây bị đốn ngã. Phải có một tình yêu lớn lao đến thế nào để vượt qua nỗi đau đớn ấy vì niềm vui và hạnh phúc của người mình yêu. Rồi thì, để bảo vệ chồng trước búa rìu dư luận, trước nguy cơ mất uy tín, mất địa vị, Hạnh đành lòng ký vào tờ giấy ly dị, mua nhà cho chồng ở với vợ hai, còn mình thì vò võ trong căn nhà xưa kia từng là tổ ấm với người mà Hạnh yêu.

Nhưng hỡi ơi, tình yêu cao cả ấy đã trao gửi cho một người không xứng đáng. Hóa ra là những dằn vặt của Phương khi phải ngủ với một người phụ nữ khác không phải người vợ hết lòng yêu thương mình, chỉ là một màn kịch. Rồi cũng đến một ngày tấm mặt nạ ấy rơi xuống. Phương lộ rõ mặt thật là đã kết hôn với Hạnh chỉ vì toan tính vật chất, và đưa Hạnh vào bẫy để Hạnh tự nguyện mang về cho anh ta cô gái quê trẻ trung mà anh ta đã để ý từ trước.
Khi tấm mặt nạ của người Hạnh yêu hết lòng hết dạ rơi xuống, Hạnh không còn một giọt nước mắt nào để khóc. Cô câm lặng như đã hóa thành đá. Cô không thể nào xông vào cào cấu cắn xé người cô đã từng yêu. Cô trở về căn nhà lạnh lẽo, trống trải, ôm lấy mảnh áo cũ của người chồng thương yêu, nói chuyện với tấm áo ấy một cách trìu mến, như một kẻ ngây dại.

Một người bạn đã nói với tôi, cô ấy đã từng khóc y như Hạnh ở cuối vở kịch. Khóc nức nở thành tiếng, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc đến nỗi cô ấy cảm thấy toàn thân đang tan ra thành nước mắt, khi tình yêu bị phụ bạc. Nhưng cô ấy còn bất hạnh hơn cả cô Hạnh trong vở kịch, vì Hạnh còn có một bờ vai dựa vào để khóc, còn cô ấy thì dựa vào một cái gối vô tri để khóc ướt đẫm gối không biết bao nhiêu đêm. Cuộc đời nhiều khi còn tàn nhẫn hơn cả trong kịch, trong tiểu thuyết. Vì vậy, cảm ơn đạo diễn Minh Ngọc đã đem anh Hướng đến cho Hạnh, để Hạnh còn một bờ vai dựa vào mà khóc, để người xem không tuyệt vọng.

Người chồng mà Hạnh hết lòng yêu đã bỏ Hạnh để chạy theo điều gì? Cô gái quê dan díu với anh ta chỉ với mong ước duy nhất là được bảo đảm đời sống ăn trắng mặc trơn đủ đầy. Còn anh ta, lấy Hạnh là vì những bảo đảm vật chất mà gia đình Hạnh mang lại, rồi chạy theo một cô gái khác trẻ trung xinh đẹp để thỏa mãn sự ham thích mới lạ và niềm vui thể xác. Nơi nào có toan tính thì không thể có tình yêu. Giữa hai con ngừơi ấy, không có tình yêu. Chỉ có sử dụng lẫn nhau cho mục đích và mong muốn của bản thân mình. Anh ta không biết yêu, cho nên, không có gì lạ, khi anh ta đã không thể hiểu được tình yêu của Hạnh. Anh ta chỉ lợi dụng tình yêu ấy. Trong lúc ấy, Hạnh đã yêu anh ta bằng tất cả con tim, đã cắn răng đau đớn một mình vì lợi ích của anh ta, một tình yêu đui mù, vì cứ ngỡ là mình cũng được yêu.

Khi sự thật được phơi bày, tình yêu ấy có còn chăng? Với Hạnh, anh ta đã chết. Hạnh tiếc cái tình yêu cả đời mình đã vun đắp cho nó, đã sống chết với nó, nên nắm níu lại cái dư âm của tình yêu ấy qua chiếc áo còn hơi ấm của người Hạnh đã từng yêu. Có nên tiếc cho Hạnh đã mở mắt ra để thấy tình yêu của mình bị dẫm đạp như thế? Nếu cô không thấy, không biết mặt thật của anh ta, có lẽ cô sẽ vẫn đau đớn khi nhìn người mình yêu đang vui vầy với người đàn bà khác, nhưng còn một chút an ủi rằng mình cũng được yêu và mình đang hy sinh cho người mình yêu. Hỡi ơi là nỗi đau mà sự thật mang lại!



Giữa một người đã yêu bằng tất cả con tim mà bị phụ bạc, bị chính người mình yêu dẫm đạp lên tình yêu ấy, với một người không hề  biết yêu mà chỉ dùng người khác như một phương tiện của mình, không biết ai bất hạnh hơn ai? Bi kịch của một tình yêu không được trân trọng, dường như đã nhắc nhở chúng ta hãy biết gượng nhẹ với con tim của người khác. Ai đang yêu và được yêu, xin hãy trân trọng hạnh phúc của mình. Ai từng yêu và bị phụ bạc, hãy tin rằng ở đâu đó trong đời, vẫn có một bờ vai cho bạn, vì tình yêu, dẫu bị vùi dập, không thể chết, chừng nào ta còn biết yêu…


Trần Đức Minh..... ______________________________________
___________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment