Saturday, November 1, 2014

Đọt choại quê nhà

Trang Nguyên

bạn về Việt Nam chơi trở qua, gọi điện kể chuyện nhà: “Về quê nhà ông ở ba ngày chán muốn chết. Mưa tầm tã suốt ngày, chẳng đi đâu chơi xa được, quanh quẩn đất vườn, cây trái chẳng thấy, chỉ thấy toàn cá con bơi trên mặt đất. Ông đào ao thả cá mà không be bờ, cá mẹ đẻ cá con cho đi hoang đàng trong mùa nước nổi”. Không chỉ nói cá, lại còn nhắc đến đám rau chạy tôi giữ lại nhiều năm trước khi khai hoang mảnh vườn, nay mọc um tùm dọc theo cái mương trâu, muốn bước qua vườn lục trúc bẻ măng cũng khó. Báo hại vợ chồng con cái thằng bạn sáng nào cũng đi ngắt đọt chạy làm rau, quăng chày bắt cá dưới ao chiên hấp cuốn bánh tráng ăn “ngán” tận họng. Thằng bạn nói xong, tôi còn nghe dư âm tiếng cười thích thú.



alt
Các nhà thực vật Hoa Kỳ đã đem loại polypody plant từ Đông Nam Á về trồng thực nghiệm tại Mỹ từ những năm 50 của thế kỷ trước.

.

Nghe bạn nói “ngán”, là tôi biết cái ao cá tôi vẫn đầy, cá đi cá về trong mùa nước nổi sinh sôi trong môi trường tự nhiên mặc dầu tôi cố tình đào cái ao thả cá tai tượng nuôi chơi làm kiểng. Cũng như đám dây chạy hoang dã, tôi từng cho người dẹp bỏ vì chẳng biết đó là thứ rau rừng của vùng nước phèn chua.

 “Tháp Mười nước ngập đồng chua 
 Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”.

 Câu ca dao rành rành như thế mà có thời tôi quyết định biến vùng đất rừng tràm trũng nước thành một vườn cây ăn trái xum xuê trĩu quả trong một thời gian ngắn. Cây ngoắc ngoải, cá thả ngửa bụng trắng phau. Thất bại từ bài học thiên nhiên của vùng thổ nhưỡng đã cho tôi ít nhiều kinh nghiệm về cây trồng, cá nuôi trên miền lòng chảo bạc màu phèn chua Đồng Tháp. Muốn khử phèn phải cần một thời gian dài, có khi cả một đời người. Chẳng thế người dân vùng quê tôi bao đời lam lũ và khắc khổ, chỉ khi mùa mưa đến, mùa nước dâng, vẻ mặt từng con người nơi đây dường như rạng rỡ.


alt
Ngắt đọt rừng mưu sinh của người dân nghèo Đồng Tháp

Đúng thật quang cảnh rạng rỡ khi những trận mưa rớt xuống tắm táp cho cây cối xanh tươi, những bụi cây hoang mọc um tùm sau những tháng ngày cháy nắng. Và đúng vào cái thời điểm những cơn mưa dầm ngày đêm kết hợp mùa nước từ Đồng Tháp tràn về làm cho thiên nhiên bỗng trở nên hiền hòa hơn và ưu đãi cho người dân xứ này những đặc sản vô cùng phong phú: Rắn, cá, chuột đồng, bông súng, nhãn lồng, rau chạy... Theo lời kể của người hàng xóm giúp tôi chăm sóc mảnh vườn, vào buổi đầu mới về vùng đất này khai hoang lập nghiệp, mặt đất thì đầy cỏ tranh, cỏ năn và quanh ao trũng, mương rạch thì đầy loài đọt “chạy”. Cái tên “chạy” mộc mạc, ngộ nghĩnh nhưng hỏi vì sao gọi là đọt “chạy” thì khó giải thích. Ông hàng xóm bảo: “Nó là loài dây leo, thân bò đến đâu thì bám rễ đến đó, sống được trong vùng bưng, trũng nhờ bộ rễ hút nước mạnh, đặc biệt thích nghi với nước phèn. Những năm đầu về đây sống cực lắm, nhờ đám rau “chạy” hoang dã, con cá mới có cái ăn qua ngày đoạn tháng”.

Lần đầu tiên tôi được thử món rau chạy luộc xanh um với cá rô đồng chiên vàng của người hàng xóm thu hoạch trong vườn nhà làm tôi thật sự thích thú. Một thứ rau sạch trong thời buổi người nhà quê ngày nay trồng các loại rau phải cần đến phân hóa học hoặc cả thuốc kích thích tăng trưởng. Điều này đã khiến tôi tò mò tìm hiểu thứ đọt rau hoang quen thuộc của vùng đất hoang hóa Nam bộ. Được biết rau “chạy”   rất nhiều nơi gọi là rau “choại”. Rau choại có mặt hầu như ở khắp nơi trong vùng Đồng Tháp Mười. Rau choại có nhiều loại: choại đá, choại vườn, choại rừng… Tất cả các loại rau choại trên đều ăn được, tuy nhiên mỗi loại có những mùi vị riêng. Không chỉ có người Việt mà nhiều dân tộc ở Đông Nam Á, người ta cũng ăn rau hoang dã này. Nó có tên gọi là “kalakai” và người ta tin rằng loại rau kalakai có thân giống lá dương xỉ này tốt cho sức khỏe, chứa nhiều chất sắt, ăn nên thuốc trị được các bệnh về da, sốt rét, duy trì tuổi thanh xuân.


alt
Đọt choại vườn là ngon nhất

Rau choại đá toàn thân có màu xanh đọt chuối, mọc thành bụi, lá già to cao rất đẹp; ăn có vị chát, đắng. Khi xưa, trong quá trình khai hoang lập nghiệp, người dân sống ở khu vực Đồng Tháp Mười ít có điều kiện giao thương với bên ngoài, những ngày hết lương thực, thực phẩm, họ phải hái đọt non của rau choại đá thay thế. Vì nó rất chát và đắng, nên phải luộc sơ qua nước sôi, vớt ra rổ để ráo trước khi chế biến thành món ăn khác. Với vị chát đặc trưng của rau choại đá, người ta thường dùng nó để nấu món canh chua với cá rô đồng, cơm mẻ, đây là món ăn độc nhất vô nhị chỉ ở vùng này mới có.

Rau choại rừng là loại rau choại thỉnh thoảng được bày bán ở ngoài chợ, loại rau phổ biến nhất trong các loại rau cùng họ. Rau choại rừng toàn thân và lá đều có màu xanh nhạt pha lẫn chút hồng, lá non có màu hồng thẫm, tất cả các bộ phận của cây choại rừng đều dùng được trừ những lá già. Người dân vùng Đồng Tháp Mười thường vào rừng chọn những dây choại già, cắt thành đoạn tùy ý, đem về phơi khô bó lại thành bó để dành. Những người chuyên làm nghề cá, dây choại là bạn đồng hành của họ khi cần để bện nơm, lợp, đăng, đó… Dây choại còn dùng để làm nuộc lạt lợp nhà, buộc lại cái kèo, đòn tay trong căn nhà đơn sơ của người đi khai hoang ngày trước.




Rau choại vườn có thân cao, to, thường mọc chen theo những bụi tre gai, liếp dừa, trong vườn cây tạp, dọc mé sông, thích nghi ở những vùng nước ngọt, nhiễm phèn nhẹ. Đọt rau choại vườn mập mạp, vị ngọt, ăn rất giòn và thơm, rất hiếm gặp nên không được bày bán ở ngoài chợ như rau choại rừng. Bàn về các món ăn chế biến từ rau choại, người ta nghĩ ngay đến món rau choại luộc. Rau choại mua ở ngoài chợ, người bán có khi để qua đêm, nên đọt bị đen lại và già đi. Gặp trường hợp này, trước khi chế biến phải lặt lấy phần non; muốn đọt choại tươi, giòn tốt nhất là chịu khó đi hái về và dùng ngay. Đọt choại luộc chấm mắm nêm, hay nước tương đều ngon hết ý!



Đối với người dân quê như vậy là đủ lắm rồi. Những ai muốn cầu kỳ, bên cạnh chén mắm nêm, nước tương có thêm vài con cá rô chiên hoặc cá lóc nướng trui, thì thật ngon hết sẩy! Thông thường, nước luộc đọt choại ít ai bỏ, mà cho vào đó chút muối, chút bột ngọt để húp xì xụp sau bữa ăn, chất ngọt của nó không thua bất cứ loại canh nào. Người hàng xóm nhớ những ngày mới về đây lập nghiệp, hái đọt choại nấu độn với cháo trắng mà không đủ để ăn. Ngày nay ở vùng này có món cháo nhộng ong nấu độn măng tươi, đọt choại, nấm rơm mà dân sành điệu thường ví von: “Ong - măng - nấm - cháo - chạy”, ngụ ý nhắc đến cái “công thức” dễ nhớ, đậm đà khó phai của đọt choại. Đối với dân nhậu thì có món đọt choại nhúng lẩu. Vào thời điểm tháng bảy, tháng tám âm lịch, khi con nước sắp sửa tràn đồng và bông điên điển nở rộ, nấu một nồi lẩu lươn với đọt choại và bông điên điển, bạn bè lâu ngày gặp lại ngồi nhâm nhi vài xị đế thì thật tuyệt!

Kể ra thì nghe sang, thật tình kiếm được mớ rau choại vườn đủ ăn vào thời điểm hiện nay không phải chuyện dễ. Muốn hái được choại phải vào rừng, những nơi mà người ta chưa kịp khai hoang, hoặc dọc những bờ kênh xáng mới cạp đất bỏ lên. Thằng bạn tôi về quê chơi, được sống trong không khí đồng quê vùng phèn chua vài ba ngày buồn chán, nhưng tôi tin chắc rằng những hình ảnh đi hái rau choại quanh vườn, bắt cá dưới ao, làm những món ăn dân dã khiến bạn tôi rất hài lòng, sau những ngày ở Sài Gòn ồn ào náo nhiệt. Bạn kể nghe khoái cái lỗ tai: “Giờ thì ba cái đọt choại lên hương rồi ông ơi. Một ký lô ngoài chợ bán mấy chục ngàn, vô nhà hàng kêu một đĩa choại luộc chấm mắm kho quẹt mắc không thua đĩa thịt xào lăn”.

alt
Đọt choại bây giờ là thứ rau sạch lên hương

Nghe bạn kể thấy vui, nhưng lòng tôi còn vui hơn nữa, khi vừa khám phá ra, trong khu Vườn bách thảo Fort Worth, dọc theo bờ mương nhân tạo người ta có trồng loại choại vườn (polypody plant) quê nhà. Dọc theo mương còn có: bạc hà, môn nước và cả đám bồn bồn (cat tail) làm tôi tưởng mình như không phải sống xa quê. Quê nhà gần lắm, gần ngay trước mắt như khi tôi cất công đi tìm kiếm cây bồn bồn ở tận San Jose, nhưng khi về nhà lại thấy bồn bồn mọc đầy khắp các ao hồ công viên ở Texas. Các thứ rau cỏ hoang dã xứ này người ta trồng để làm cảnh ngắm nhìn.

Thả lòng chợt nhớ tới miền quê nghèo da diết, nơi những người thân quen lam lũ cần cù kết dính mảnh đời của mình trên mảnh đất phèn chua… 

                “Mẹ sống âm thầm bám đất quê 
                  Hái từng cọng choại lá non se 
                  Nồi canh tím mãi màu thương nhớ 
                  Chốn cũ người chưa hẹn buổi về”.


TN ( baotreonline)

____________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment