Wednesday, November 26, 2014

Tuấn Nguyễn là ai?

Một câu chuyện buồn..
Gà Ta

Hình anh Tuấn Nguyễn được lấy từ Video Camera ở tiệm Jolly Donuts khi anh mua café vài phút trước khi tử nạn

Add caption
Tuấn Nguyễn là ai? Tôi tình cờ đọc được bài viết có tựa để Tuấn Nguyễn là ai ? trên tờ LA Daily News do nhà báo David Montero tường trình, làm tôi không khỏi xúc động mấy ngày nay.  
Vào ngày 4 tháng 10 năm 2014, một chiếc xe SUV do một phụ nữ Á-châu 42 tuổi say rượu lái xe tông vào tiệm Jolly Donuts ở góc đường Roscoe va DeSoto làm một người đàn ông tử nạn tại chỗ. Khi cảnh sát lục soát người của nạn nhân để tìm danh tính nhưng chỉ tìm thấy trong túi áo của người xấu số vải tấm vé số cũ, số tiền mặt
$350 dollars và một chiếc điện thoại di động hiệu Samsung. Khi họ kiểm tra điện thoại thì thấy không có lưu lại bất kỳ số của ai và điện thoại cũng chưa bao giờ có cuộc gọi nào gọi đến hoặc đi. Vì không ai biết danh tính hay gốc gác của người khách nầy nên xác đã được đưa đến cơ quan giảo nghiệm của thành phố Los Angeles, trên xác chỉ gắn một tấm giấy nhỏ tạm ghi tên là John Doe No. 278  để chờ người thân đến nhận diện đem về mai táng.

Theo lời cô bán hàng ở cửa tiệm Donuts thì tối hôm đó như một thói quen thường lệ, vào lúc 9 giờ tối anh khách quen vẫn đến tiệm, trả 1 dollar để mua 1 ly café. Anh pha nhiều đường vô ly với sữa bột rồi ra ngồi ở góc bàn quen thuộc. Nếu hôm nào có ai ngồi vào chỗ đó, anh cũng kiên nhẫn chờ cho người khách đi rồi anh mới ngồi xuống vì gần đó có ổ cắm điện để anh charge điện thoại. Tối hôm đó có khoảng 6 người khách cùng ngồi rải rác trong tiệm nhưng có lẽ định mệnh đã an bày cho số phận của anh nên chỉ có một người duy nhất tử vong và không ai khác bị thương, kể cả người lái xe tông vào.

 Mãi sau này khi họ điều tra thêm manh mối mới biết anh tên Tuấn Nguyễn sinh năm 1961, một người vô gia cư sống trên vỉa hè ở Los Angeles. Nhà báo David Montero đã đi tìm hiểu và phỏng vấn những người có cơ sở chung quanh trong đó có bà Lori Huỳnh, 77 tuổi. Bà Lori kể bà đi vượt biên năm 1980 lúc chồng bà đang ở trong từ cải tạo. Sau vài năm định cư ở Mỹ, năm 1986 bà sang lại tiệm Violet Nails.  Khi đó bà thấy có một thanh niên Á đông hay đi lại trước bãi đậu xe của tiệm. Bà lân la hỏi chuyện, đôi lúc cho anh ly café để làm quen, hỏi thăm.  Mãi sau 2 năm quen biết bà Lori mới được Tuấn thổ lộ là anh đã cùng gia đình đi vượt biên nhưng trên đường tìm tự do, cha mẹ anh đã bỏ mình ở biển và anh là người duy nhất sống sót. Khi kể lại giọng anh còn hơi bị nhoà đi. Lúc còn ở VN, Tuấn là con của một gia đình trung lưu.  Cha mẹ anh làm công chức cho công-ty điện nước ở Saigon. Gia đình anh 3 người, sống trong khu chung cư khá giả ở thành phố.  Trước 1975 anh đã học trường Petrusky sau nầy trường đổi tên là Lê Hồng Phong.  Anh rất giỏi toán và sau gần 3 thập niên sống trên vỉa hè thành phố Canoga Park, anh vẫn luôn mang theo một cuốn sách trong túi đeo vai, đôi lúc thấy anh ngồi vẽ hoạ đồ hãy hình học gì đó.

Bà Lori cũng đã kể cho ông David nghe hành trình vượt biên của bà. Bà kể, có lần bà nhìn thấy mộtngười nằm mà ruồi nhặn bám đầy, phủ kín như một cái chăn đắp lên người vậy.  Bà tưởng xác đã chết, nhưng khi thấy đám ruồi bay đi khi người đó chuyển mình, bà mới biết người ta còn sống. Những cảnh tượng hãi hùng đó bà không bao giờ quên.  Do cùng cảnh ngộ vượt biên nên bà Lori muốn giúp anh Tuấn và họ dễ dàng kết thân với nhau.  Những năm làm ở tiệm Nails, bà thường mang thức ăn cho Tuấn. Bà nói anh rất thích món phở. Hàng ngày Tuấn đi lượm lon để bán phế liệu kiếm sống. Anh thường quanh quẩn trong khu shopping nhỏ nầy và hay giúp mang rác ra dùm ông Ben Massaband, chủ nhân một tiệm giặt khô đã ở đó 32 năm qua.  Ông Ben nói: Tôi gặp anh ấy còn nhiều hơn gặp gia đình tôi nữa.

Năm 2007 bà Lori sang tiệm Nails nên bà ít gặp Tuấn thường hơn.  Bà cũng không quên gởi gấm với chủ mới như một phần trong giao ước sang tiệm là phải chăm sóc cho anh Tuấn, và người chủ mới cũng đã đồng ý.  Khi nghe tin anh Tuấn tử nạn những nhân viên làm ở tiệm đã khóc và họ mua hoa đến hiện trường để tưởng nhớ anh. Cô Kate Leone là chủ nhân tiệm thẩm mỹ ở gần đó cho biết: Mới hồi đầu năm nay, có lần cô đã quên khóa cửa sau khi rời tiệm hôm tối Chủ Nhật và Thứ Hai thì tiệm đóng cửa.  Đến sáng Thứ Ba khi đến cửa hàng cô mới giật mình vì thấy cửa trước không khoá.  Sau khi kiểm soát tiệm không thấy mất gì hết, cô xem lại hệ thống an ninh video camera quay tự động và cô đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy anh Tuấn sau khi phát hiện của tiệm không có khoá, anh đã ngồi trực ở trước cửa tiệm suốt ngày Thứ Hai, như để canh chừng không cho ai vào. Khi anh phải đi đâu nhưng một lúc sau vẫn trở lại và check cửa xem có ai đột nhập vào không.

Cô Maria Avila cũng đã khóc khi nghe tin anh Tuấn qua đời.  Cô nói mỗi năm cô cắt tóc cho Tuấn 2 lần và cô không bao giờ muốn lấy tiền của anh. nhưng lần nào anh cũng cương quyết trả cho cô $10 dollars thù lao.  Cô nói:  Anh Tuấn nghĩ là chúng tôi chăm sóc cho anh nhưng thật ra chính anhlà người đã chăm nom cho chúng tôi.  Cách đây không lâu anh Tuấn đã trúng được $800 dollars từ một tấm vé số anh mua. Số tiền này đối với nhiều người khác thì không có là bao, nhưng với Tuấn Nguyễn thì có lẽ là một gia tài rất lớn nhưng anh đã dùng tiền đó mua hoa cho tiệm Nails và nước hoa để tặng những người làm ở trong tiệm như để đáp lại tấm lòng của mọi người dành cho anh. 

Bà Brook Carrillo đã trở thành vô gia cư từ năm ngoái sau khi bà thất nghiệp và bị mất nhà. Hiện bà đang sống trong xe với tất cả tài sản còn lại chất đầy trên nóc xe và được phủ lên bằng một cái chăn. Bà cũng đi lượm lon bán phế liệu để kiếm sống qua ngày và làm thiện nguyện trong bếp cho nhà thờ Tin Lành Our Redeemer Lutheran Church, phát thức ăn cho người vô gia cư mỗi ngày Thứ Năm trong tuần.  Lần cuối cùng bà gặp anh Tuấn 2 ngày trước đó, anh đã đến ăn món Spaguetti. Có lần bà Brook không còn tiền để đổ xăng vì xe của bà thường xuyên phải di chuyển vì bị cảnh sát đuổi và anh đã cho bà tiền.  Bà nói, đời sống vô gia cư rất kham khổ.  Một năm trôi qua với người khác thì rất nhanh, nhưng khi sống trên vỉa hè thì 1 năm là thời gian rất lâu.  Anh Tuấn là một phần tử trong chúng tôi, vừa nói bà vừa khóc.  Anh ta là một người nhân từ, hào hiệp, không bao giờ làm phiền ai cả.

Có những điều bí ẩn trong cuộc đời anh Tuấn Nguyễn sẽ không bao giờ được kể lại, lý do tại sao anh phải sống vô gia cư suốt gần 3 thập niên qua.  Phải chăng do chứng kiến cảnh cha mẹ anh phải chết trên biển cả, một cú shock khủng khiếp mà anh không bao giờ quên được?  Mỗi người vô gia cư điều có một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng khiến họ phải sống lây lất trên vỉa hè.  Không ai muốn cuộc đời mình phải đi đến chỗ không nhà, không người thân.  Mỗi lần nhìn thấy một người vôgia cư thì tim tôi se thắt lại.  Nhiều người vẫn luôn có thành kiến rằng những người vô gia cư là những con nghiện, nếu cho tiền thì họ sẽ dùng tiền đó để mua rượu hoặc hút sách.  Tôi không dám phán xét họ sẽ làm gì với tiền cho, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tôi có lối suy nghĩ, bản chất và ở trong tình huống như họ thì chắc gì tôi đã không lâm vào hoàng cảnh đó và tôi cũng sẽ mong có người nghĩ đến mình.  Tôi biết cũng có rất nhiều người chuyên lường gạt lòng tốt của người khác, nhưng tôi chấp nhận là người ngu dại còn hơn để lương tâm tôi ray rức.  Tôi tin ở sự thiện ác và quả báo ở đời này.  Có lần tôi đã đọc được đâu đó ở câu nầy:  Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo là ở chỗ biết chia sẻ.  Một người tuy giàu có nhưng không muốn giúp đỡ ai và chỉ biết để tài sản của mình cho người thân thì người đó thật sự đang rất nghèo.  Ngược lại một người đang thiếu thốn nhưng lại biết chia sẽ của mọn của mình cho những ai thiếu thốn hơn mình, thì ắt hẳn người đó rất giàu.  Anh Tuấn Nguyễn là một người giàu nhất mà tôi mới biết đến.  Anh sống trên vỉa hè, không một người thân trên nước Mỹ nhưng khi anh ra đi thì có rất nhiều người khóc thương, những người đã từng quen biết và những người chỉ mới nghe qua về anh cũng khóc, trong đó có tôi.  Giờ đây có lẽ anh đang yên lành ở một thế giới khác nhưng tôi tin chắc anh sẽ luôn là một Thiên Thần của rất nhiều người.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Thanksgiving, ngày lễ mà mọi gia đình xum họp, quay quần ăn uống bên nhau, nhưng cũng là ngày buồn đối với những người cô đơn, người không thân nhân họ hàng và những người nghèo đói.  Ngày này cũng nhắc tôi nói lên lời cảm tạ, những lời mà tôi nên nghĩ đến hàng ngày chứ không chỉ riêng trong ngày Thanksgiving.

-  Cám ơn Ơn Trên đã ban cho tôi sức khỏe, cho tôi được sống đến ngày hôm nay và một đời sống sung túc.
-  Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang tôi.  Một quốc gia Tự Do Dân Chủ, nơi mà tôi có thể nói lên những điều khắc khoải bày tỏ ý kiến mà không bị bắt bớ, tù tội vô lý. \
 -  Cám ơn người Mỹ tốt bụng đã từng giúp đỡ, mang những người tị nạn về nhà nuôi nấng, giúp hội nhập vào môi trường sống.
-  Cám ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi nấng, dạy dỗ tôi nên người.
-  Cám ơn tình yêu gia đình, anh, chị, em, người thân, bằng hữu đã dành cho tôi.
-  Cám ơn những người nông dân dầm mưa giải nắng trồng trọt, hái rau cho tôi dùng hàng ngày
-  Cám ơn những người làm việc lao động, những công việc thấp hèn mà lương chỉ đủ sống qua ngày
-  Cám ơn những người đã và đang tranh đấu, đang bị tù đày vì Tự Do Dân Chủ cho VN
-  Và sau cùng, cám ơn vì tôi là người Việt nam đã từng được sống trong thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà

Nếu tôi có quên điều gì chưa cám ơn thì tôi cũng mong được mọi người giúp nhắc nhở tôi. Thân chúc tất cả một mùa Lễ Tạ Ơn thật đầm ấm và hạnh phúc bên người thâ.

Gà Ta.

________________________________________________

1 comment:

  1. Một Câu chuyện buồn.
    Ở Mỹ thành phần Homeless có nhiều khác biệt với kẻ không nhà ờ những nơi khác. (như VN ). Đi sâu vào mỗi một số phận mới thấu hiểu tâm tình, sự buồn đau của họ..
    cảm ơn chị Gà Ta, Chúc chị cùng tất cả một mùa lễ Tạ ơn an lành.

    ReplyDelete