Wednesday, November 12, 2014

Yêu "Nhạc Vàng", trả giá cả cuộc đời

Quỳnh Chi / RFA

Chúng ta thường nghe “mọi thứ đều có cái giá của nó”. Nhưng đôi lúc cái giá ấy quá đắt khiến ai nghe tới cũng đau lòng. Một người vì yêu những nhạc khúc của Việt Nam mà đã phải trả giá gần 10 năm tù, rồi cả cuộc đời, cho tình yêu ấy.

Đã nghe nói về ông Lộc “Vàng”, đã biết không ai hát Gửi Người Em Gái Miền Nam hay bằng ông, đã thấy tình yêu vô tận của ông dành cho dòng nhạc tiền chiến và đã đọc về sự biết ơn của ông dành cho người vợ, nhưng người ta vẫn bất ngờ khi tiếp xúc ông. 
Một trong những bất ngờ đến từ những giọt nước mắt của ông khi vừa nhắc vợ và những người bạn : “Trong quán của tôi lúc nào cũng có ảnh của người bạn thân và ảnh gia đình tôi. Mỗi lần nhìn ảnh những người đã khuất là tôi không thể cầm lòng được”   

Kiếp đam mê Nhạc Vàng


Nghệ Sĩ Lộc “Vàng”

Có thể nói ông Lộc “Vàng” sống bằng ba thứ tình: tình yêu xen lẫn sự mang ơn dành cho người vợ; tình yêu xót xa dành cho những người bạn tri kỷ và tình yêu không thể dứt ra được đối với thứ âm nhạc mà với ông “là những giai điệu quí hơn vàng”. 

Người ta biết đến cái tên Lộc “Vàng” hơn là biết đến ông với cái tên Nguyễn Văn Lộc. Cũng chính vì quá yêu nhạc vàng, ông Lộc được gọi là Lộc “Vàng”, như một sự gắn kết của dòng nhạc này vào cuộc đời ông Lộc. “Những bài nhạc trữ tình trước năm 1954 được gọi là nhạc vàng. Tôi hay hát nhạc vàng nên bạn bè gọi tôi là Lộc “Vàng”.
Quán Lộc “Vàng” với những mái lá và bàn tre nằm khiêm tốn trên con đường mới ven Hồ Tây, chen chúc trong đám đông để khẳng định sự tồn tại của mình, như thể một thời những bài nhạc vàng đã nép mình để tồn tại. Mỗi tối thứ 2, 5, 7 quán Lộc “Vàng” là nơi quy tụ các ca sĩ nghiệp dư, từ ông già bà cả đến thanh niên trai tráng. Tất cả đến đây để tìm những phút thăng hoa của chính mình trong những giai điệu trau chuốt, lãng mạn mà một thời được gọi là nhạc tình thời thượng và ủy mị. Chính vì thế, gọi quán Lộc “Vàng” là nơi lưu giữ những kỷ niệm cũng không sai, mà gọi là nơi trao gửi cảm xúc cũng đúng. Ông Lộc “Vàng” hay hát Kiếp Đam Mê.
Thương yêu này người hãy nhận lấy
Ôm tôi đi môi hôn tràn đầy
Trong tay người hồn sẽ cuồng say
Bao khốn khó vụt bay…


Nhìn ông Lộc “Vàng” hát, đôi mắt hiện lên từng nét thăng trầm cuộc đời như từng nốt nhạc trầm bổng. Giọng hát của ông trĩu nặng ưu tư như chuyên chở một quá khứ đau thương của người nghệ sĩ nghiệp dư. Để sống được một kiếp đam mê ấy, ông Lộc “Vàng” đã từng trả một cái giá quá đắt mà mỗi khi nhắc lại, ông cũng thẫn thờ “chẳng hiểu vì sao”.

Bạn tri âm, cuộc đời bi thảm

Từ năm 1954 đến năm 1987, trước khi có chủ trương “cởi trói văn nghệ” của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, những bài nhạc vàng, ý chính quyền Hà Nội nói màu vàng bệnh hoạn, triều đại Mao Trạch Đông gọi là “hoàng sắc âm nhạc”, và nhạc tiền chiến (vốn thịnh hành trước năm 1954), hai loại nhạc bị Hà Nội cho là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp hèn. Cùng với phong trào bài trừ “hoàng sắc âm nhạc” của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, thời gian đó tại Việt Nam xuất hiện nhiều bài báo chống lại những giai điệu được cho là ủy mị và thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng. 

Ông Lộc “Vàng” là một trong những người mê nhạc tiền chiến nổi tiếng tại Hà Nội. Ông Lộc thuộc và hát được hầu như đến 80% các bài nhạc tiền chiến. Cũng vì trót yêu, trót thèm được phiêu du cùng cái cảm xúc thật của mình mà bất chấp lệnh cấm, ông Lộc cùng một nhóm bạn, trong đó có ông Phan Thắng Toán (Toán “Xồm”)  và Nguyễn Văn Đắc thường xuyên tụ họp tại nhà, cùng hát với nhau những bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng... 
Chúng tôi gặp gỡ, đóng cửa hát cho nhau nghe thôi chứ cũng chẳng phản đối chính sách nhà nước gì cả. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này hay quá, trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe.”
”Có ai ngờ rằng những giai điệu toàn mỹ, kiêu sa và bồng bềnh ấy, vốn được hát trong các buổi hòa nhạc như một cô vũ nữ kiêu kỳ khi thất thời, để những ai yêu cô phải trả một giá quá đắt”.   
Người này đồn đãi người kia. Công an bắt bạn tôi và nói rằng vì chúng tôi thích những bài nhạc ấy nên chúng tôi phá hoại nền văn hóa CNXH và tuyên tuyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc. Và họ đã xét xử bọn tôi”.
Vụ án “Phan Thắng Toán và đồng bọn về tội tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc” là một trong những vụ án mà nhiều người Hà Nội vẫn chưa quên. Ngày 27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông Lộc “Vàng” bị bắt. Sau đó, ông Toán “Xồm” bị tuyên 15 năm tù giam, ông Đắc bị 12 năm tù giam và ông Lộc “Vàng” bị 10 năm tù giam, để rồi khi ra trở về cuộc sống tự do họ vẫn không khỏi thắc mắc vì sao.
“Nghĩ đến cuộc đời của mình sao mà cay đắng chua chát quá. Mình có làm cái gì đâu, chỉ yêu thích âm nhạc thôi mà bị tù đày. Sau khi dòng nhạc này được khôi phục lại, những bản nhạc này được hát lên TV. Khi nghe người ta hát mà mình ngồi ứa nước mắt ra”. 
Trong nhóm bạn, có lẽ ông Lộc “Vàng” thương ông Toán "Xồm" nhiều nhất. Tình thương của ông không chỉ là thứ tình cảm thương xót một người nhận bản án nặng nhất, mà đó là thứ tình cảm xót xa đến phải nhỏ lệ của một người không nỡ nhìn bạn mình ngửa tay nhận lấy một mẫu thức ăn thừa. 

Đôi bạn tri âm Lộc “Vàng” - Toán “Xồm”

Ra tù, nhà cửa ông Toán "Xồm" cũng tan nát. Ông lang thang trên đường phố sống vào tình thương của người qua lại. Vào quán ông Lộc “Vàng”, người ta bắt gặp một bức ảnh một người mặc áo sơ mi trắng ngồi châm thuốc cho một người hành khất. Người mặc áo sơ mi trắng là ông Lộc “Vàng” và người hành khất không ai khác chính là ông Toán “Xồm”. Một đêm năm 1994, người ta nhìn thấy ông Toán “Xồm” nằm gục chết, đói lả, cô đơn, trên hè phố.
“Sau khi ra tù thì anh Toán “Xồm” cũng chẳng còn nhà cửa gì nữa, anh chán đời và tìm vui bên men rượu trên hè phố. Đêm 30 tháng 4 năm 1994, anh chết bên đường…”.
Vẫn “Tù Chính Trị” suốt đời
Về phần ông Lộc “Vàng”, sau khi ra tù ông cũng đã sống một cuộc đời bôn ba, cố dứt bỏ hết mọi phẫn uất để đi hết quãng cuối cuộc đời. Duy chỉ có cái tình cho nhạc tiền chiến là không dứt ra được. Sau khi người vợ qua đời cách đây 10 năm, ông Lộc “Vàng” dành trọn con tim cho những điệu nhạc ấy. Quán Lộc “Vàng” được dựng lên để ông thỏa chí hát lên cảm xúc đời mình. 
Có lẽ ít ai hát Gửi Người Em Gái Miền Nam của Đoàn Chuẩn - Từ Linh như ông Lộc “Vàng”. Nhiều đoạn ông hát khác nhiều so với lời với bài hát hiện tại. Nghe ông Lộc “Vàng” hát “cúi mặt mà đi” mà như nghe ông độc tả chính ông và những người bạn đã có lúc phải bước đi nhưng không dám ngước nhìn.
Mỗi khi hát, tôi đều hồi tưởng đến những kỷ niệm đã từng có với những người bạn thân và vợ. Khi đứng lên sân khấu đôi khi không hát hết được cả bài vì nước mắt cứ tuôn ra.”.
Ngày nay, mỗi đêm được thỏa thuê hát những khúc nhạc tiền chiến, đối với ông Lộc “Vàng” là một sự an ủi lớn lao của cuộc đời. Ông hát say mê và nồng nàn, như để ném mạnh vào quá khứ những ngày ông và bạn bè bị coi là “phản động”, những ngày ông và bạn bè sống lê lết, “cúi mặt mà  đi”.  Và những ngày vợ ông từ một ca sĩ phải đi bán bún đậu trên hè phố chỉ vì liên quan đến “phản động”. Có lẽ được hát chỉ là mảng sáng duy nhất của số phận của những người trót gởi tình yêu cho những khúc hát tưởng như vô tội ấy. 
Đêm nay, ông Lộc “Vàng” lại hát Đêm Đông, như một đêm nữa gởi những hương gió tình yêu đến những người bạn thời xa vắng. 
Tiếng hát cất lên “có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà”, nghe như cái giá buốt thấu tận chân răng, mới thấy xót xa cho người cô lữ Toán "Xồm", cho những người một thời quá đỗi cô đơn. Ca sĩ Lộc “Vàng” hát mà mắt trĩu đầy màn nước mắt. Ông hát không chỉ cho ông, mà cho cả những người bạn đi chung con thuyền số phận : “Tôi thường nói với mọi người rằng phải chi anh Toán “Xồm” còn sống để anh đệm đàn cho tôi, để anh tận hưởng những giây phút này và để nghĩ lại những lời người ta kết tội... Có cái quán này tôi cũng đỡ buồn, chỉ khi nào mọi người bỏ về, còn một mình, tôi mới thấy buồn, lúc ấy lại nhớ vợ, nhớ về quá khứ của mình... "

Và, “Tôi đã mất mát quá nhiều, mất mát lớn quá… không có gì có thể lấy lại được. Lắm lúc nghĩ lại, tôi buồn quá. Sau năm 1987, các nhạc sĩ được vinh danh. Trong khi mình cũng chỉ là một thằng tù thôi. Đến bây giờ công an thỉnh thoảng vẫn “hỏi thăm.”.

Phía bắc vỹ tuyến 17, có một thời gian dài nhạc vàng bị coi là nhạc màu vàng vọt, và số phận của nó cùng những tác phẩm tiền chiến trở thành những đứa con vô thừa nhận bị xã hội ghẻ lạnh. Ngày nay, những giai điệu ấy ngang nhiên và kiêu hãnh vang lên giữa lòng đất nước, trên những sân khấu tràn ngập ánh đèn như nó đã từng. Nhạc vàng đã được chấp nhận và còn được tôn vinh, cũng như nhạc tiền chiến, như một sự hóa kiếp cho những nốt nhạc một thời tưởng đã mai một. 
Thế nhưng sau lưng một câu chuyện đôi khi lại là những câu chuyện. Nghe câu chuyện của ông Lộc “Vàng”, nhìn ba chữ “Tù Chính Trị” trong hồ sơ của ông như một minh chứng cho nhát dao số phận, có ai dám nói rằng vết sẹo dẫu có lành lại không gây đau đớn?

Quỳnh Chi / RFA

No comments:

Post a Comment