Wednesday, July 1, 2020

LẤY CHỒNG XA

Nguyễn Đình Tính





"Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu"

Mỗi khi tôi đọc câu ca dao trên hoặc nghe 3 từ “lấy chồng xa” là tôi lại nổi lên một cảm xúc buồn buồn, thấy thương cho người phụ nữ ngày trước. Có khi cũng chẳng phải là phong kiến hay cổ hủ gì, mà chỉ là đường xa cách trở.


Tôi có 3 câu chuyện để kể.

***

Chị ở gần nhà tôi, hơn tôi vài ba tuổi. Chị là chị cả trong một gia đình nghèo. Chị học ba bốn lớp gì đó rồi nghỉ học ở nhà làm các công việc trong nhà và chăm sóc vườn tược. Rồi đến tuổi lấy chồng, chị được mai mối lấy một anh chồng nhà xa tận mé núi miền thượng, có lẽ nhà cũng khá giả. Vì chị cũng khá xinh và mạnh khỏe.

Ngày đám cưới, chị theo mấy người đưa dâu, vừa đi vừa khóc. Chắc là chị cũng chưa chuẩn bị tinh thần cho việc lấy chồng.

Rồi sau đó không lâu, một hôm tôi nghe có tiếng khóc la ngoài đường. Tôi chạy ra xem thì thấy chị bị anh chồng nắm tóc chị và đấm đá túi bụi. Thì ra là chị có mâu thuẫn bên chồng sao đó nên bỏ về. Hôm đó nhà chị chắc không có ai hay sao mà không thấy ai ra can ngăn. Còn hàng xóm thì cũng chỉ đứng nhìn. Vợ nó hư thì nó đánh là phải rồi ! Chị đã sai lầm khi không hiểu con gái lấy chồng thì đã là người bên chồng rồi.

***

Chị tôi cũng lấy chồng xa, nhưng chị tôi có học thức và không làm dâu nhà chồng.
Hồi chị tôi mới ra trường, ở trên bổ nhiệm chị công tác tại tỉnh lân cận. Cách chừng hơn trăm cây số nhưng thời buổi chiến tranh nên đường sá thường bị đứt và không an toàn nên lâu lắm chị mới về nhà. Lúc nào chị về là tôi vui mừng khôn tả, rồi đến lúc chị đi thì buồn ghê lắm.

Làm được mấy năm thì chị xin chuyển về quê. Nhưng trước khi chị chuyển về thì chị lại quen anh và lấy anh ở đó. Rồi khi chị chuyển cơ quan về quê thì anh cũng xin chuyển theo. Chị làm ở bệnh viện tỉnh, anh dạy học ở trường Nữ trung học và mấy trường tư thục trong thị xã. Cuộc sống ổn định và có thể nói là khá lí tưởng thời đó.

Nhưng rồi biến cố xảy ra. Giải phóng miền Nam. Anh là sĩ quan biệt phái nên phải đi học tập cải tạo. Chị mất việc. Rồi khi anh ra trại thì anh chị chuyển về quê anh sống. Anh chị cất một cái nhà tranh gần nhà mẹ rồi sống đời nông dân.

Cứ ngày Tết, khoảng mùng 2 mùng 3 thì chị lại dắt con về thăm quê ngoại. Chị đi từ sáng sớm đến trưa thì tới nhà. Ở nhà ngóng chờ chị và thật vui biết bao khi thấy cháu chạy trước vào nhà và sau đó là chị. Những ngày Tết đúng là những ngày vui sum họp.

Có một lần nghỉ hè, tôi đi với má tôi thăm nhà chị. Má tôi mua một con heo con làm quà. Đi xe lửa xuống ga Tuy Hòa thì trời đã chiều muộn. Hai mẹ con vội vã đi bộ từ ga đến bến xe lam để về nhà chị cách hơn mười cây số. Má tôi ôm con heo đi trước, tôi tay xách nách mang đi sau. Đi đường có mấy cô gái ở bên đường chọc ghẹo tôi làm tôi nhớ đến “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng. Nhân vật Ngọc lúc đi trên đường về quê cũng bị mấy cô thôn nữ chọc ghẹo. Tôi bắt chước Ngọc cúi đầu đi thẳng không thèm nhìn, bỏ lại tiếng cười giòn giã sau lưng.

Nhưng khi đến bến xe thì trời đã tối và không còn xe nữa. Chúng tôi lại quay về ga và ngủ qua đêm tại ga. Mờ sáng lại đi, nhưng may là không gặp mấy cô gái hôm qua nữa.

***

Bà Cố tôi cũng lấy chồng xa. Thật là xa.
Ngày xưa, ông Cao cao tôi làm quan lớn triều đình nhà Nguyễn. Ông từng làm đến Khâm sai đại thần, thay mặt Vua xử lí một số việc Vua giao, trong đó có việc thay Vua tế đàn Nam Giao năm Tự Đức thứ 22 do Vua bị bệnh. Vì vậy mà các quan khi đến nhận nhiệm sở tại tỉnh Bình Định thường đến thăm nhà ông tôi như một qui tắc lễ nghĩa. Có một ông họ Lê; quê ở Mỹ Yên, Bến Lức, Long An khi đến nhận chức Bố chính (tỉnh phó) cũng vậy. Đến nhà ông có dẫn theo 2 người con gái tuổi cập kê. Thấy ông Cố tôi (tức là cháu nội ông Cao cao tôi) chưa có vợ nên mới hỏi thích cô nào thì ông gả cho. Ông Cố tôi chọn cô em. Vậy là cô em trở thành dâu họ Nguyễn nhà tôi.

Rồi ông họ Lê lại chuyển đi nơi khác. Thế là bà Cố tôi trở nên bơ vơ nơi xứ lạ. Chắc là bà tôi cũng không khổ lắm vì làm dâu trong một gia đình danh giá, nhưng thế nào cũng có lúc buồn, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ chị em mà không biết bây giờ ra sao vì thời đó thông tin liên lạc đâu phải như bây giờ. Tôi tưởng tượng ra Bà ôm con, nhìn trời thấy bầy chim bay về phương nam mà đọc câu ca dao sau:

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều"

Rồi một hôm bà xin về thăm quê, ông tôi miễn cưỡng đồng y’, lòng không vui vì thấy xa xôi quá. Nhưng khi Bà bồng con đi được một quãng thì quay lại không đi nữa. Tôi lại tưởng tượng là khi Bà từ giã chồng ra đi, thấy chồng buồn nên thương chồng đành từ bỏ niềm riêng, vào nhà ngồi khóc mà tủi cho thân phận lấy chồng xa.

Bẵng một thời gian, ngày nọ có một chiếc ô tô chạy đến nhà ông tôi. Trên xe bước xuống một người phụ nữ đứng tuổi và một thanh niên. Người phụ nữ đó là chị ruột bà cố tôi, còn người thanh niên là con trai bà, gọi là ông Xã Đ. Bà lấy chồng giàu có ở Rạch Kiến, Cần Đước, Long An gần quê nhà, nay nhớ cô em ruột lấy chồng xa mà lặn lội về thăm. Nhưng tiếc thay, bà không gặp được em gái vì bà Cố tôi đã mất rồi !. Mẹ con bà ở lại chơi cả tháng, thăm thú những nơi kỉ niệm xưa mà bà từng lưu dấu. Rồi bà về, dặn ông Nội tôi khi nào được thì về thăm quê mẹ.

Rồi ông Nội tôi cũng về thăm quê mẹ. Bức hình chân dung đặt trên bàn thờ nhà tôi là bức hình mà ông Nội tôi chụp khi làm giấy thông hành đi Nam kì.

Câu chuyện trên, hồi nhỏ cha tôi thường kể cho anh em tôi nghe đến thuộc. Đến khi vào Sài Gòn, tình cờ anh tôi biết vợ một người bạn quê ở Rạch Kiến, liền hỏi có nghe tên ông Xã Đ. không? Chị này nói biết vì nhà ông Xã giàu có nổi tiếng ở vùng này, xuống chợ Rạch Kiến hỏi nhà ông Xã Đ. ai cũng biết.

Vậy là một hôm, anh tôi cùng cha tôi đi Rạch Kiến. Vào nhà ông Xã, cha tôi kể lai lịch mình. Ông Xã đã mất nhưng bà Xã còn sống. Bà đã già, nhưng bà nói còn nhớ có chuyến đi Bình Định của chồng và mẹ chồng tuy nhiên bà không nhớ đi làm gì. Bà kể nhà mẹ chồng bà không có con trai, mẹ chồng bà thứ 6, rồi có dì Tám, dì Chín nhưng không thấy dì Bảy. Vậy thứ Bảy chính là bà Cố tôi.

Rồi bà cho người dẫn về Mỹ Yên để cha tôi thăm mộ cha mẹ bà Cố tôi. Ngôi mộ đôi của ông bà nằm giữa cánh đồng. Cha tôi đọc trên bia mộ mới biết tên ông và phẩm hàm cuối cùng khi làm quan là Binh Bộ Hữu Tham tri (tương đương Thứ trưởng bộ Quốc phòng bây giờ).

***

Đó là chuyện ngày xưa, chứ bây giờ thì xa xôi có nghĩa lí gì. Cách nửa vòng trái đất, chỉ lấy điện thoại ra bấm vài cái là có thể thấy được mặt và nói chuyện như đứng bên cạnh mà cũng chẳng tốn đồng nào. Tiến bộ khoa học kĩ thuật thật kì diệu. Con gái bây giờ cứ lấy chồng xa thoải mái, chẳng sao cả…

Tuyết Vân /chuyển tiếp


__________________________

No comments:

Post a Comment