Thursday, July 23, 2020

Căn nhà cổ Seon Byeong-guk

Chân - Thiện - Nhẫn



Dưới ánh nắng vàng rực rỡ, căn nhà cổ Seon Byeong-guk bên dòng Samgacheon hiền hòa hiện ra như đóa sen rực nở trên mặt hồ. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách hòa cùng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng khiến người ta có cảm giác yên bình và thanh thản. Ngôi nhà cổ ấy là “kho báu” của bà Hong Young Hee, người phụ nữ Hàn Quốc 65 tuổi có gương mặt phúc hậu, nụ cười thân thiện, mang trong mình dòng máu quý tộc.

Seon Byeong-guk - Ngôi nhà truyền thống nhiều “bí mật”

Ông nội của chồng bà Hong Young Hee vốn xuất thân là Hoàng tử của nước Kim tại Trung Hoa. Một lần ghé Hàn Quốc, thấy thiên nhiên nơi đây thuận hòa và phong cảnh tươi tốt, nên đã quyết định chọn mảnh đất này làm nơi an cư lập nghiệp. Tại đây, ông đã gây dựng nên một sự nghiệp vẻ vang và thịnh vượng. Ông là người lập ra công ty thương mại đầu tiên tại Hàn Quốc.
Năm 1919, vào cuối thời Choson, khi vua Gojong (Cao Tông) mất, bố chồng bà Hong đã tình nguyện chi trả toàn bộ kinh phí cho tang lễ của nhà vua nhằm tỏ lòng biết ơn và kính mến. Để đáp lại tấm lòng của gia đình, triều đình đã quyết định cử một đội thợ đến đây và xây dựng ngôi nhà Seon Byeong-guk (đặt theo tên của bố chồng bà Hong) dưới chân núi Songnisan theo kiến trúc hoàng cung với mô hình hoa sen nổi trên mặt nước, tượng trưng cho sự thịnh vượng và phúc thọ cháu con.


Thông thường, các ngôi nhà Hanok truyền thống đều chỉ được phép dựng cột vuông và được xây tối đa 99 gian. Tuy nhiên, căn nhà này có 134 gian và được dựng cột tròn giống như trong cung điện. Ngôi nhà gồm 3 phần chính: Sarangchae (khu nhà dành cho khách), Anchae (nhà biệt lập) và Heangrangchae (Không gian mở). Trong đó, sàn nhà được làm bằng gỗ trần và các tấm cửa trượt lớn sử dụng gỗ lưới và giấy. Bên trong gian chính, mái ngói được nâng đỡ bằng hai cây gỗ lớn nằm ngang được đánh lớp sơn bóng mềm mại để lộ ra vẻ đẹp của từng sợi vân gỗ, giống như những con rồng phương Đông rất nghệ thuật. Có thể nói đây là căn nhà lớn nhất và đẹp nhất trong số những ngôi nhà truyền thống cổ của người Hàn Quốc còn tồn tại cho đến nay.
Năm 2003, chồng bà Hong quyết định chuyển lên Seoul buôn bán kinh doanh, bà ở lại một mình chăm sóc cho ngôi nhà, đón hàng nghìn khách du lịch tới thăm, gồm những người có địa vị cao trong xã hội, các du học sinh Trung Quốc, du khách các nước Mỹ và châu Âu. Năm 2018, ngôi nhà chính thức được Chính phủ công nhận là di sản quốc gia.


Cuộc đời kỳ lạ của bà Hong Young Hee 

Nhìn dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng hoạt bát của bà Hong, thật khó tin bà đã 65 tuổi và ngày ngày phải quản cả một khu nhà rộng lớn cho du khách đến chiêm ngưỡng.
“Thực ra, cơ thể tôi trước đây rất yếu, tôi gần như chỉ nằm một chỗ và không thể làm bất cứ việc gì. Nhưng nhờ một điều tốt đẹp đã xảy đến, nên giờ đây dù đã 65 tuổi, tôi rất khỏe mạnh và có thể tự tay chăm sóc ngôi nhà mà không phải nhờ tới sự giúp đỡ của ai”.
“Trước đây, tôi đã đi đến rất nhiều bệnh viện nhưng cũng không thể chữa được. Người ta bảo tôi không bị bệnh gì hết, chỉ là cơ thể tôi có cấu tạo rất đặc biệt, thậm chí bác sĩ còn nói có thể đem ra nghiên cứu. Tôi không ăn được thức ăn, kể cả các loại mỳ ăn liền, kim chi để trong tủ lạnh. Tôi chỉ ăn một chút cơm khoảng chừng 3-4 đốt ngón tay thôi nhưng cũng không tiêu hoá được. Khi nghe ai đó nói có đồ ăn gì tốt cho cơ thể là tôi kiếm cho bằng được nhưng nó chỉ khiến sức khoẻ tôi xấu đi. Thậm chí, ngày xưa khi học thể dục, tôi không thể chạy, mỗi lần chạy là ngực của tôi giống như bị bóp nghẹt”. – Bà Hong Young Hee chia sẻ.
Sau khi sinh con, cơ thể bà Hong càng trở nên xanh xao, yếu ớt đến nỗi bà không muốn nhúc nhích, động đậy hay di chuyển, thậm chí là đi vệ sinh. Bà cáu gắt và bực dọc với mọi người xung quanh; bà cũng rất nhạy cảm, ai nói điều gì đều giữ trong lòng. Năm 40 tuổi, có người nói rằng bà “trông như một người già khổ hạnh”. Điều đó khiến bà càng thêm thất vọng và chán chường về bản thân mình và cuộc sống…
Nhưng có lẽ, phúc đức cha bà để lại cho gia đình và con cháu đã khiến cuộc đời ban tặng bà một phép màu, mở ra cho bà một con đường mới…

“Biết chuyện của tôi, năm 2003, em gái tôi lúc đó đang bắt đầu tu tập môn Pháp Luân Công, nói với tôi rằng Đại Pháp rất tốt và muốn tôi cùng theo học. Ban đầu, vì quá mệt nên tôi thường từ chối, nhưng sau đó đã quyết định cùng em gái tập luyện. Đó là một trải nghiệm kỳ diệu, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, da dẻ tôi dần hồng hào trở lại, tôi cũng cảm thấy thân thể mình khỏe hơn và có thể tự dọn dẹp nhà cửa và làm các công việc trước đây không thể làm. Đặc biệt là, tôi có thể chạy”.
Đó là bước ngoặt trong cuộc đời của bà sau nửa quãng đời chịu đựng bệnh tật. Càng đọc sách nhiều, bà càng cảm thấy bản thân mình được khai trí. Vốn làm dâu trong gia đình “trâm anh thế phiệt”, bà vẫn nghĩ mình là người phụ nữ đáng được nể trọng với đủ các tư chất thông minh, trí tuệ và am hiểu cách đối nhân xử thế. Cũng bởi vậy mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra, bà luôn nghĩ mình đúng còn người khác thì sai. Nhưng từ ngày tu luyện Đại Pháp, thế giới quan của bà đã thay đổi.
“Tôi nhận ra tất cả những suy nghĩ và hành động của mình trước đây kỳ thực đều là ích kỷ, hẹp hòi và khinh thường người khác. Nếu so với tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn của một “người tốt chân chính” theo lời Sư Phụ giảng thì tôi còn cách xa lắm. 
Tôi bắt đầu biết nghĩ cho người khác nhiều hơn, vị tha hơn và hiểu được thế nào là một người tốt thật sự. Giờ đây khi gặp mâu thuẫn hay ai đó không làm theo ý mình, tôi không còn bất bình hay khó chịu mà biết nhìn vào nội tâm để tìm ra những lỗi sai, những điều mình làm chưa tốt, từ đó giữ được tâm khí bình hòa và an tĩnh. Đó là điều mà tôi thấy có giá trị nhất đối với tôi”.

Niềm vui giản dị khi thực hành Chân – Thiện – Nhẫn

Bố chồng bà Hong là một người nhân đức, ông đối xử rất tốt với hàng xóm và người thân trong gia đình. Ngày trước, rất nhiều học sinh nghèo không đủ tiền đi học, ông đã tự nguyện xây dựng một ngôi trường làng để các cháu nhỏ có thể đi học. Tại Hàn Quốc trước đây, chủ nô thường lấy thuế rất cao đối với nông dân, nhưng bố chồng bà chỉ lấy một khoản rất nhỏ, thậm chí nhiều người dân nghèo đến mức không có tiền, ông đã miễn luôn cho họ khoản sưu thuế đó.
Với những ai khó khăn, ông đều cho gạo mang về nấu cơm. Cũng bởi cảm mến tấm lòng đức độ của ông, dân làng mỗi người góp chung đôi đũa, chiếc thìa để đúc thành tấm bia kim loại. Giờ đây nó được đặt phía trước cổng của ngôi nhà cổ và nó thường làm bà Hong nhớ đến hình ảnh của ông ngày trước – một người nhân nghĩa và cao thượng.
Tới lượt mình, bà Hong cũng trao tặng hạnh phúc cho người khác theo một cách rất riêng.
“Mỗi tuần tôi đều dành ra 2 buổi để tới Trạm y tế gần nhà hướng dẫn các cụ già luyện tập các bài công pháp, Hàn Quốc có rất nhiều người tu luyện Pháp Luân Công. Trong thời gian căn nhà được trùng tu, đôi lần, tôi cũng nấu bữa ăn cho những người thợ. Tôi thấy họ đáng được tôn trọng”.
“Tôi nghĩ rằng, trên thế gian này không có điều gì đẹp hơn Chân Thiện Nhẫn, đó mới là những giá trị thực sự mà người ta nên theo đuổi”. Bà Hong Young Hee.
“Sau bao nhiêu năm sống với thân thể bệnh tật như cái xác vô lực, Đại Pháp thật sự đã giúp tôi tìm lại được chính mình, cuộc sống mà tôi tưởng chừng đã vĩnh viễn mất đi… Tôi mong tất cả mọi người đều có thể biết đến môn tu luyện này. Mỗi năm, gia đình chúng tôi đón khoảng 30-50.000 lượt khách ghé thăm, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tuyệt vời để tôi giới thiệu đến mọi người vẻ đẹp của Đại Pháp và cuộc bức hại phi nhân tính Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc”. 
... 
Cách đây 3 năm, bà Hong bắt đầu công việc pha trà giới thiệu cho du khách. Bà là người yêu các giá trị truyền thống, tuy chưa từng đến Việt Nam nhưng rất yêu thích nét đẹp của tà áo dài. 50 năm trước, khi anh trai bà là một trong số những người đầu tiên đến Việt Nam, đã gửi cho bà rất nhiều bức hình về đất nước và thiếu nữ Việt. Trong một lần đi dự Pháp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Mỹ, bà có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng sự thướt tha và mềm mại của áo dài. Như một thông điệp tốt lành, bà tự nhủ, bản thân mình càng phải gìn giữ nét văn hoá trà đạo vốn chú trọng vào việc dưỡng tinh thần cho du khách.


Vậy là, trong không gian rộng lớn, uy nghi của ngôi nhà cổ, hoà cùng tinh thần nhân ái, tĩnh tại của người chủ nhân, du khách có cơ hội được thưởng thức nghi lễ trà đạo tinh tế và sang trọng, được quay trở về tinh thần quý tộc Hàn Quốc vốn đã ngủ quên bấy lâu.
Được tìm về chính mình, tìm về cội nguồn truyền thống là điều quý giá nhất mà bà Hong Young Hee đã học được từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Theo ĐKN

_____________________________

No comments:

Post a Comment