Wednesday, January 11, 2023

CÓ GÌ SAI SAI TRONG VỤ BÉ TRAI RƠI VÀO ỐNG BÊ TÔNG TẠI ĐỒNG THÁP

            ĐINH TẤN KHƯƠNG


Mười một ngày qua dư luận trong và ngoài nước xôn xao rất nhiều về vụ bé trai ở Đồng Tháp rơi vào trụ bê tông rỗng trong lúc đi nhặt sắt vụn tại công trình xây cầu Rọc Sen.

Trong bài viết nầy chúng tôi không đề cập đến những thiếu sót an toàn lao động tại nơi làm việc nhưng chỉ nêu lên một vài thắc mắc liên quan đến vụ việc, đặc biệt là phương án cứu hộ cứu nạn của chính quyền địa phương trong vòng mười hai ngày vừa qua.

Chúng tôi không thể hiểu tại sao cháu bé lại rơi dễ dàng vào ống trụ có đường kính 25cm như vậy. Nếu lỡ sa chân thì thường chỉ có một chân bước hụt và bị lọt vào lỗ trống chứ ít khi hai chân rơi vào đó một lượt trừ khi nạn nhân cố tình nhảy thẳng đứng.

Một giả định khác, nếu lỡ lọt vào lỗ trống thẳng đứng bằng một chân hay cả hai chân cùng lúc thì nạn nhân sẽ mất thăng bằng dẫn đến hậu quả té ngã khiến cơ thể bị gập lại, như thế thì chuyện rơi thẳng vào ống trụ sẽ không dễ dàng xảy ra trừ khi miệng ống có cấu trúc hình phễu.

Trong trường hợp nếu chỉ có một chân lọt vào lỗ trống khá hẹp như vậy thì chân kia sẽ là vật cản, khiến nạn nhân bị kẹt lại ngay tại miệng ống trừ khi ống trụ khá rộng.

Khi bị rơi tự do một cách bất ngờ, nạn nhân thường đạp chân,vung tay như một phản xạ tự nhiên, trong trường hợp nầy nạn nhân có khả năng bị vướng ngay tại miệng ống do hai cánh tay dạng ra giống như hai cánh gà, nạn nhân sẽ bị mắc kẹt ởđầu vành trụ ống bê tông.

Nếu lỡ lọt hẳn vào hố hẹp và thẳng đứng mà nạn nhân co chân đạp theo phản xạ hay dạng hai chân ra thì khả năng bị vướng lại trong lòng ống sẽ cao hơn là bị rơi tọt xuống độ sâu của trụrỗng.

Không biết tại sao tất cả những giả định nêu trên lại không xảy ra, phải chăng đó là do sự an bài của định mệnh!.

Thường thì lúc lâm nguy tinh thần nạn nhân dễ bị phân tán, hoang man, sợ sệt… cho nên việc đầu tiên phải làm đó là ổn định tinh thần bằng cách liên tục tiếp cận, động viên và hướng dẫn nạn nhân cố giữ nguyên trạng nhằm tránh những trường hợp tệ hại hơn nữa có thể xảy ra đồng thời duy trì niềm tin sẽ được cứu thoát.

Theo thông tin ban đầu dường như bé rơi với hai tay dơ cao, nhờ thế mà nạn nhân đã bám được vào đầu dây thả xuống (những người bên trên miệng hố có cảm giác sợi dây bị kéo trì nhưng không lâu sau đó thì lại có cảm giác như là đầu dây bên dưới không còn trì kéo nữa ). Nếu đúng như vậy thì những người cứu hộ đã mắc phải sai lầm lớn vì thiếu sự chuẩn bị, trừ việc chuyền ống thổi hơi oxy vào đáy hố.

Nếu muốn kéo nạn nhân lên thì điều quan trọng phải biết là làm thế nào để nạn nhân có thể bám chặt vào đầu dây được thả xuống trong lúc sức khỏe đang yếu kém hoặc đã bị tổn thương trong lúc rơi tuột. Đầu dây thả xuống phải được buộc vào một vật gì đó hoặc thắt nút đủ lớn để nạn nhân bám vào và đừng quên hướng dẫn nạn nhân cần phải quấn chặt tay vào đầu dậy để không bị vuột.

Thường thì trong vòng 24 giờ đầu, nếu đủ oxy để duy trì sự sống thì không có điều gì khác phải quan tâm ngoại trừ nạn nhân bị chấn thương trầm trọng ảnh hưởng đến mạng sống, chẳng hạn như mất máu khá nhiều. Vì thế, không cần phải mất nhiều thời gian bàn thảo để tìm ra những phương thức cứu hộ cứu nạn thiếu tính thực tế và thiếu tính khả thi.


Chúng tôi không hiểu tại sao người ta lại cần đến những phương tiện đào xới hạng nặng và nếu cần thì tại sao lại tốn khá nhiều thời gian di chuyển như vậy. Viện dẫn với lý do trở ngại bởi hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, máy móc vận chuyển tới hiện trường phải bằng đường sông cho nên mất nhiều thời gian!

Nghe nói hiện nay Việt Nam phát triển về mọi mặt nhưng tại sao không thể dùng trực thăng để vận chuyển những máy móc cần thiết đến hiện trường kịp thời?

Theo thiển ý của chúng tôi, phương thức giải cứu nạn nhân đang áp dụng có gì đó sai sai. Bởi vì, khi rút trụ ống bê tông lên thì chưa chắc xác nạn nhân sẽ còn nằm kẹt trong lòng ống, có thể cháu bé đã lọt tới độ sâu 35 mét rồi. Nếu rút ống lên nạn nhân cũng còn nằm kẹt trong đó thì hẳn là lúc mà thi thể đang trong giai đoạn phân hủy, chương sình sau khi chết khá lâu.

Cho tới giờ nầy mà ủy ban cứu trợ cứu nạn địa phương không biết được nạn nhân đang nằm ở vị trí nào của lòng ống, thật nực cười khi nghe thông tin nầy ở ngày thứ 11.

Tại sao họ không chịu thả xuống đó một camera để xác định vị trí nạn nhân? Nếu không có camera thì buộc một đèn pin vào đầu dây rồi thả xuống, có thể dùng mắt trần hay ống nhòm để quan sát và ngừng buông dây khi vừa chạm vào thi thể nạn nhân. Từ đó biết được độ sâu bằng cách tính theo độ dài của sợi dây đã chuyền xuống. Chuyện dễ như thế mà không làm được, dường như cũng có gì đó sai sai ở đây!

Người viết xin thử đưa ra một vài phương án cứu nạn đơn giản, dễ thực hiện và có tính khả thi sau đây:

Trong khoảng thời gian đầu, điều quan trọng nhất là cần phải cung cấp đầy đủ oxy để duy trì sự sống cũng như cần phải liên lạc thường xuyên, động viên nạn nhân thực hiện được những bước căn bản để vượt qua hoàn cảnh, giúp cho nạn nhân tin chắc rằng mình sẽ được cứu thoát.

Hướng dẫn nạn nhân gập hai đầu gối lại, lưng tựa hẳn vào thành ống và hai đầu gối tựa vào thành ống đối diện. Khi gậpchân tạo thành góc 90-120 độ giữa đùi và lưng, nhờ lòng ống hẹp cho nên làm như thế sẽ không bị rơi sâu hơn. Nếu đã rơi xuống tận đáy thì cũng khuyên nạn nhân cần thực hiện động tác nầy để cố đẩy thân lên bằng cách rướn người trong lúc lưng và hai đầu gối có điểm tựa vào thành ống (mỗi lần rướn được chừng vài cm, ít nhất là 3-5cm ).

Cũng cần phải chuyền xuống một sợi dây (như họ đã làm), nói với nạn nhân hãy giữ chặt đầu dây bằng một hoặc hai tay đang dơ lên. Kết hợp việc gập đầu gối và tựa lưng vào thành ống để rướn người lên đồng lúc với việc nắm kéo sợi dây trong lúc đầu dây phía trên miệng ống được buộc cố định. Nhờ thế việc rướn người lên trên sẽ đạt được hiệu quả hơn nhiều.

Thử làm một phép tính, cứ mỗi 2 phút mà rướn được 5cm thì một giờ sẽ lên được 150cm (1.5m). Như vậy thì nạn nhân sẽ leo ra khỏi ống trụ trong vòng 24 giờ đầu.

Để tránh tình trạng nạn nhân buông dây vì một lý do nào đó, chẳng hạn do đau đớn hay bởi sức khỏe quá yếu thì đề nghị nạn nhân cần giữ chặt đầu dây bằng một hoặc hai tay. Phía bên trên, dùng một sợi dây khác có thắt nút thòng lọng đủ rộng, xong rồi thì luồng thòng lọng đó vào sợi dây đã thả xuống trước đây. Buông sợi dây có thòng lọng rơi xuống theosợi dây kia, thòng lọng sẽ tuột vào cổ tay nạn nhân dễ dàng. Khi đó, bên trên kéo mạnh dây để siết chặt thòng lọng lại và như vậy có thể giúp kéo nạn nhân lên nhanh hơn.

Cũng có thể dùng lưới cá hay võng đan lỗ lớn rồi cột nó vào đầu dây dài và thả xuống. Tay nạn nhân dễ dàng thọc tay qua lỗ lưới hay võng đan, nhờ thế hai tay có thể bám chặt vào đó để rướn người hay sẽ được kéo lên nếu nạn nhân cho biết tình trạng sức khỏe của mình.

Nếu hai tay nạn nhân buông xuôi trong lúc rơi xuống ống trụ, trường hợp này sẽ găp nhiều khó khăn và phương án cứu nạn vừa rồi không thể thực hiện có hiệu quả được. Chỉ còn cách duy nhất là tìm những người làm xiếc uốn dẻo hay một người nào đó sở hữu thân hình đủ mỏng để có thể chui lọt vào được cái ống trụ có đường kính 25cm.

Tìm được người có kích cỡ thích hợp và đủ can đảm thì một lần nữa có thể dùng chiếc lưới cá hay võng đan có lỗ lớn trùm xuyên qua cái đầu và hai cánh tay đang dơ thẳng khi đứng. Cột đầu lưới hay võng đan vào hai chân cũng như nối hai sợi dây dài vào cái belt quấn quanh lưng của người cứu nạn. Cần mặt nạ nối với bình oxy giống như thợ lặn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người cứu nạn. Tuy nhiên không thể mang bình oxy sau lưng như thợ lặn được vì đường kính ống trụ không đủ lớn, do đó bình oxy sẽ được treo riêng cố định theo sau (bên trên) người cứu hộ bằng một sợi dây khác.

Xong xuôi thì kéo người cứu hộ chổng ngược hai chân lên trời rồi thả xuống từ từ qua hệ thống kéo bằng ròng rọc. Một khi người cứu hộ tiếp xúc được với nạn nhân, dùng dây luồng qua hai nách và buộc quanh thân nạn nhân, xong rồi thì ra hiệu cho bên trên kéo từ từ cả hai lên khỏi ống trụ.

Nếu không tìm được người cứu nạn thích hợp thì cần tìm một robot có kích thước và chức năng thực hiện được việc cứu nạn càng sớm càng tốt. Nên nhờ đến các cơ quan cứu hộ cứu nạn quôc tế giúp đỡ may ra sẽ có được những phương án cứu nạn nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nếu nạn nhân thiếu may mắn không còn sống sót thì phương án dùng robot sẽ là phương án đơn giản và ít tốn kém hơn so với phương án mà chính quyền địa phương đang theo đuổi. Chuyện tìm kiếm một robot nhỏ nhắn không còn là chuyện khó khăn trong thời điểm hiện tại!

Mong sao cháu bé sớm được trở về cùng với gia đình cho dù mạng sống đã không còn!
Cầu nguyện cho hương hồn cháu sớm được siêu thoát!

Sydney 11/01/2023
đinh tấn khương

_________________________________

No comments:

Post a Comment