Wednesday, January 25, 2023

ĐỜI NGƯỜI DO SỐ DẪN

 ĐINH TẤN KHƯƠNG      


Ở cái tuổi bảy bốn tuổi ta bảy ba tuổi tây, đầu năm rãnh rỗi ngồi ngẫm lại chuyện xưa mới tin là đời người do số dẫn.

Nhiều người nghĩ rằng ai sinh ra có sẵn tài năng thì sẽ thành công trong cuộc sống. Điều nầy không sai nhưng cũng chẳng phải là luôn luôn đúng bởi vì người tài mà không có thời thì cũng gặp nhiều chướng ngại.
Nhớ lại lớp đệ nhất B2 trường trung học Cường Đễ niên khóa 1969-1970 có bạn H. H. Sơn, một học sinh giỏi nổi tiếng thời đó. Sơn học giỏi nhưng tính tình khá khiêm nhượng và hòa đồng cùng bạn bè.

Kỳ thi toán giữa kỳ của lớp đệ nhất B2 năm đó, tôi đã may mắn chiếm được vị trí số 1, vị trí mà Sơn luôn đạt được trong nhiều năm. Quả thật là “chó ngáp nhằm ruồi” vì biết rằng sức mình thua xa làm sao mà sánh nổi chứ đừng nói là vượt chiếm vị trí của Sơn. Sợ Sơn không vui với kết quả đảo ngược đó nhưng thật sự Sơn không tỏ chút khó chịu nào hết, nể Sơn lắm!


Cuối năm đó Sơn đạt điểm ưu trong kỳ thi tú tài 2 và dành được học bổng của bộ Giáo Dục cho đi Nhật học về điện tử, một bộ môn khá mới và rất có tiềm năng. Thật lòng mà nói lúc đó tôi tin chắc rằng tương lai của Sơn khá rộng mở và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn chúng tôi.

Cùng thời điểm, nhóm 3 đứa chúng tôi gồm N X Thái, T D Lịch và tôi. Cả ba chỉ đậu được hạng bình thứ và xin được vào Sài Gòn theo học đại học. Thái đậu vào Nông Lâm Súc còn Lịch thì quyết định ghi danh học Luật mặc dù chúng tôi đã thuyết phục Lịch là nên chọn một ngành khác. Bởi gia thế không có gì như chúng tôi mà học luật thì ra trường sẽ rất khó tìm việc. Nhưng Lịch vẫn giữ quyết định đã chọn của mình.

Sau khi ra trường, Thái được bổ nhiệm về trường Đại Học Tiền Giang làm giảng viên. Kém may mắn thay, Thái mắc bệnh ung thư tủy và qua đời vài năm sau đó.


Riêng Lịch, sau 3 năm đã lấy xong bằng cử nhân luật và dĩ nhiên là không tìm được việc làm như dự đoán. Thế là Lịch ghi danh học tiếp thạc sĩ luật chuyên ngành kinh tế và khóa học bị gián đoạn vào năm thứ hai do biến cố 30/04/1975. Trường Luật bị đóng cửa và văn bằng luật thì không còn giá trị.

Biến cố 30/04/1975 đã thay đổi cuộc đời của nhiều người trong đó cũng có Sơn. Đúng ra Sơn sẽ tốt nghiệp vào cuối 1975 nhưng biến cố xảy ra sớm hơn cho nên Sơn bị cúp học bổng . Cũng có thể là Sơn lo sợ bị trả về Việt Nam cho nên quyết định xin tỵ nạn tại Pháp trong lúc chưa hoàn tất khóa học. Qua Pháp một thời gian thì Sơn xin qua Mỹ không lâu sau đó. Cầu mong Sơn đạt được thành công trên đất Mỹ dù có chút muộn màng.

Sau 1975 tưởng chừng tương lai Lịch trở nên mờ mịt vì mất hết bằng cấp. Nhưng không phải vậy, thoạt đầu Lịch đã xin được chân chính trị viên của một trường trung học và sau đó được gọi nhập ngũ trong thời điểm mặt trận Campuchia bùng nổ. Lịch đạt được danh hiệu chiến sĩ xuất sắc của thành phố trong mấy năm liền và cuối cùng được cho đi Liên Xô theo học tiến sĩ kinh tế. Trong hồ sơ du học, Thủ Tướng chính phủ phê duyệt: “Đây là nhà trí thức miền Nam đầu tiên được đưa đi du học tại Liên Xô”.

Lịch tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế trường Đại học tài chánh Leningrat năm 1987 và tu nghiệp về quản lý kinh tế tại trường Đại học Georgetown, Washington năm 1994. Lịch là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng chính phủ trong nhiều năm và là phó đoàn Đại Biểu Thành Phố hai nhiệm kỳ liền. Hiện giờ thì Lịch đã về hưu, hai con đã có gia đình và đã định cư tại Mỹ và Úc, cho nên dành nhiều thì giờ rảnh rang đi đánh golf. So với tôi, Lịch vượt hẳn về mọi mặt: tài chánh, địa vị xã hội và thụ hưởng cuộc sống.

Ngẫm lại mới thấy đời người không thể nào tiên đoán được một cách chính xác. Tài năng như H H Sơn thế đấy mà không gặp thời cho nên có nhiều chướng ngại. Chuyện học Luật của Lịch tưởng chừng như một chọn lực sai lầm nhưng quả thật hoàn cảnh đã làm đổi khác những dự đoán trước kia.

Thế mới biết đời người do số dẫn!

Sydney, đầu năm Quý Mão
đinh tấn khương

________________________________

No comments:

Post a Comment