Friday, January 20, 2023

Vì sao hoa hướng dương thường được trồng gần nhà máy điện hạt nhân?



Hoa hướng dương được các nhà khoa học môi trường gọi là cây hyperaccumulators - loài thực vật có khả năng hấp thụ các chất độc hại ở nồng độ cao trong mô của chúng.

Sau thảm họa hạt nhân ở Hiroshima, Fukushima và Chernobyl, những cánh đồng hoa hướng dương đã được trồng khắp các khu vực bị ảnh hưởng để giúp hấp thụ các kim loại độc hại và bức xạ từ đất. Nghiên cứu cho thấy rằng, hoa hướng dương có thể xử lý ô nhiễm, tốt cho môi trường.

Hoa hướng dương là một loại cây trồng đặc biệt mạnh mẽ, có thể được trồng thành công ở cả vùng ôn đới và nhiệt đới. Chúng có giá trị dinh dưỡng cao và thường được sử dụng làm cây lương thực cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chúng đặc biệt được sử dụng trong trường hợp hấp thụ bức xạ hạt nhân.

Hoa hướng dương được các nhà khoa học môi trường gọi là cây hyperaccumulators - loài thực vật có khả năng hấp thụ các chất độc hại ở nồng độ cao trong mô của chúng. Giống như các loài thực vật sống trên cạn, hoa hướng dương có hệ thống rễ phát triển, cơ chế hoạt động cực kỳ hiệu quả, hút chất dinh dưỡng, nước và khoáng chất trong đất, trong số đó có kẽm, đồng, chì và các chất thải phóng xạ khác, sau đó được lưu trữ trong thân và lá của chúng.

Mặc dù các nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận về hiệu quả của tất cả các giống hoa hướng dương trong việc giúp ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc phát triển trồng hoa hướng dương ở các khu vực sau thảm họa phóng xạ không phải là ngẫu nhiên, cho thấy một ứng dụng đầy hứa hẹn của giống hoa này.

Một trong những thành công sớm trong nghiên cứu hoa hướng dương ở thập kỷ đầu những năm 2000 khi một công ty xử lý thực vật có tên là Edenspace Systems đã hoàn thành việc xử lý thành công một khu đất nhiễm chì ở Detroit.

Năm 2001, một bài báo trên tờ New York Times có tiêu đề “New Pollution Tool: Toxic Avengers With Leaves” đã chỉ ra rằng hoa hướng dương và mù tạt Ấn Độ được trồng ở những vùng đất bị ô nhiễm vì chúng được biết đến có tác dụng thu gom chì. Vào cuối giai đoạn thử nghiệm, nồng độ chì trong đất đã giảm 43%, đủ để đưa mức độ ô nhiễm xuống dưới mức tiêu chuẩn an toàn của liên bang.

Có hai loại hoa hướng dương chính là hoa hướng dương lâu năm và hoa hướng dương đã được thuần hóa. Hoa hướng dương lâu năm thường bị coi là loài gây có hại, vì chúng có khả năng lây lan, phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, trong trường hợp xử lý giảm thiểu bức xạ hạt nhân, khả năng lây lan nhanh chóng của hoa lại là một lợi thế, có thể hữu ích. Hơn nữa, chúng nằm ở những khu vực đặc biệt dễ bị ô nhiễm như đất ẩm và đường nước. Do đó, chúng có khả năng tự phát tán và làm giảm mức độ phóng xạ ở các khu vực xung quanh được xác định.

Với một chút thiên thời, địa lợi, toàn bộ cánh đồng hoa hướng dương có thể khắc phục đáng kể ô nhiễm trong vòng ba năm kể từ khi trồng. Điều quan trọng là người thực hiện phải hiểu hạt giống nào phát triển tốt nhất trong khu vực cần xử lý ô nhiễm, khả năng chịu đựng của chúng với thời tiết, và phải thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, để có kế hoạch phát triển thích hợp.

Trồng hoa hướng dương là một kế hoạch lý tưởng, phù hợp cho các khu vực công nghiệp hóa nhanh chóng để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường.

Vẫn chưa rõ vai trò của hoa hướng dương như một phương tiện hữu hiệu nhất, để làm sạch bức xạ hạt nhân, nhưng những hứa hẹn và khả năng vốn có về mặt sinh học của loài thực vật này vẫn không ngừng bộc lộ. Điều đáng nói, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà hoa hướng dương được chọn là biểu tượng quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân!

Nguồn:Theo gardencollage.com, thepreppingguide.com

_________________________

No comments:

Post a Comment