Friday, May 27, 2016

Vì sao Obama được ngưỡng mộ ở Việt Nam

Đỗ Huy Ngọc

Ở xứ chim không di cư người phải di cư/ Lưu vong chính trên mình tổ quốc. (Chế Lan Viên)

Ảnh trên Net

Chiều nay Tổng thống Obama đã lên phi cơ rời Việt Nam sau 3 ngày đến thăm Hà Nội và thành phố Sài Gòn. Những ngày xôn xao và tràn ngập tin tức về ông rồi cũng lắng lại, nhưng hình ảnh của ông vẫn đọng mãi trong lòng người Việt. Bây giờ, chúng ta suy nghĩ xem, tại sao Tổng thống Mỹ lại được ngưỡng mộ và chào đón nồng nhiệt như thế tại Việt Nam.?
 


Từ ngàn đời nay, nước Việt luôn bị Trung Hoa âm mưu thôn tính. Các chế độ phong kiến Trung Hoa đã nhiều lần thực hiện dã tâm này, nhưng với tinh thần bất khuất và yêu nước vô bờ, dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Điều đó như cái gai đâm mãi trong mắt những người cầm quyền xứ Trung. Đến khi Đảng Cộng Sản chiếm Hoa lục, khát vọng thôn tính Việt Nam càng mạnh mẽ hơn vì hoàn cảnh của lịch sử khiến giới lãnh đạo của hai nước có nhiều mối quan hệ gọi là anh em, bằng hữu

Sau 1975, dã tâm này càng lộ rõ khi trước đó chúng chiếm Hòang Sa và Trường Sa trong tay chính phủ hợp pháp Việt Nam Cộng Hòa. Chúng nuôi đội quân Pôn Pốt quấy phá biên giới Tây Nam, đem quân tấn công biên giới phía Bắc. Chúng tìm mọi cách để không cho kinh tế ta phát triển, dùng nhiều thủ đoạn để dân ta càng ngày càng yếu ớt, sức khỏe bạc nhược. Tôn Tử đã từng quan niệm:

”Đánh mà thua là hạ sách, đánh mà thắng là trung sách, không đánh mà thắng mới là thượng sách”.

Giới lãnh đạo Hoa lục đang sử dụng cách không đánh mà thắng bằng những trò nội gián, nuôi nấng, bao bọc một lớp người Việt hại đất nước mình. Những tham vọng và âm mưu đó khiến cho dân ta không có cảm tình với đường lối và chiến lược của giới cầm quyền Hoa lục và những kẻ có dã tâm làm tay sai cho giặc. 

Đứng trước những âm mưu đồi bại của họ và nguy cơ sẽ trở thành một tỉnh của Trung Cộng, chỉ còn con đường thoát Trung mới cứu được tình thế nguy nan này. Trong thời đại ngày nay, muốn thoát Trung chỉ còn cách làm bạn với Mỹ, cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, quốc gia có đủ tầm và lực để có thể khống chế tham vọng điên cuồng của đế chế Trung Hoa. Do vậy, người dân Việt Nam rất hân hoan và vui mừng chào đón những lãnh đạo của Mỹ đến thăm Việt Nam, trước đó có Bill Clinton, G.W. Bush và giờ đây là Barack Obama.

Ông Obama sang Việt Nam trong lúc lòng dân Việt đang sôi sục căm thù chính quyền Trung Cộng vì những thủ đoạn và hành động phi nhân như đâm tàu giết ngư dân Việt, vi phạm lãnh hải, không phận Việt Nam, tuyên bố biển Đông là khu vực của họ thông qua đường lưỡi bò chín đoạn, đưa tàu thăm dò dầu vào hải phận Việt, tìm mọi cách đưa những thực phẩm chứa đầy chất độc giết người vào tiêu thụ tại thị trường nước ta, câm phạm không phận Việt Nam, bao vây biển không cho ngư dân Việt đánh bắt, biển nhiễm độc, cá chết trắng bờ, ngư dân thất nghiệp, thiếu ăn...

Trước tình thế đó, giới lãnh đạo nước ta bất lực và luống cuống trong cách xử lý, khiến cho lòng dân thêm bực dọc. Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ như mang đến cho dân Việt một niềm hi vọng và với ước mơ đó người Việt nồng nhiệt đón phái đoàn Mỹ trong nỗi hân hoan, dân ta nghĩ Mỹ sẽ là cứu tinh, giúp ta thoát khỏi đám bòng bong rối ren này, thoát khỏi sự đe doạ đốn mạt của bè lũ Trung hoa. 

Trong chiến tranh, người dân miền Bắc Việt Nam được giáo dục ngay từ bé thơ đế quốc Mỹ là nguyên nhân của chiến tranh, gây bất ổn trật tự thế giới, là sen đầm quốc tế, Mỹ là kẻ ác, là kẻ xấu xa nhất trần gian, là kẻ bóc lột giai cấp công nhân. Thế giới tư bản đang giẫy chết để thế giới tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Khi bom nổ trên những vùng miền đất Bắc, chính quyền tuyên truyền tăng thêm lòng căm thù giặc Mỹ trong nhân dân, dạy cho dân thấy rằng kinh tế nghèo đói, không phát triển được là do giặc Mỹ.
Khi cậu bé Trần Đăng Khoa làm bài thơ có câu: “Ngu xuẩn nhất nhì/ Là Tổng Thống Mỹ” thì các giới lãnh đạo vỗ tay khen ngợi, ca ngợi là thần đồng, dân chúng hưởng ứng rầm rộ….Thế nhưng, khi vào được miền Nam, thống nhất đất nước, người dân miền Bắc ngỡ ngàng trước cuộc sống của miền Nam, tay sai của đế quốc Mỹ. Và họ cảm thấy mình thấy rõ hơn sự thật, ý thức bị đẩy vào một cuộc chiến tranh không cần thiết, bị hy sinh vô lý cho một lý tưởng ảo vọng. Trong mỗi căn nhà ở miền Bắc đều có bàn thờ thờ người hi sinh trong chiến tranh. Trong trí nhớ của những người dân miền Bắc không ai quên được những trái bom rơi ở phố Khâm Thiên, ở những ngày mùa đông 1972.
Sau chiến tranh họ đã nhận biết ai mới cần làm bạn, ai mới thật sự là kẻ thù để xây dựng một cuộc sống mới. Là nạn nhân của nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu sau 1975, dân Việt đã hết sức chịu đựng nên chỉ muốn có một lối thoát. 

Năm 1954, sau hiệp định Geneve, một triệu dân miền Bắc đã di cư vào Nam, cuộc di cư vĩ đại đó vẫn là một cuộc di cư êm ả vì được tàu há mồm chở vào Nam. Những người di cư đó đã có cuộc sống ổn định ở miền đất mới. Sau 1975, lại có những cuộc ra đi. Lần này bỏ tổ quốc mà đi.

Một thời kỳ khắc nghiệt bởi những sai lầm của lịch sử với những hậu quả khó tẩy sạch.


Ở xứ chim không di cư người phải di cư/ Lưu vong chính trên mình tổ quốc. (Chế Lan Viên)
 

Đi ra biển cả mênh mông với cái chết rình rập từng giây phút. Bão tố, phong ba, hải tặc, thiếu nước uống, đói cơm ăn…biết bao nỗi đe dọa mạng sống, nhưng họ vẫn ào ạt đi vào chỗ chết để tìm đường sống, dù biết rất rõ ra đi là đánh đu với cái chết, sinh tử chỉ là khoảnh khắc mỏng manh. Và hàng trăm ngàn người đã bỏ thây ngoài biển cả. Hàng vạn người bị bắt đi mãi mãi bặt vô âm tín. Thế rồi, những người được bến bờ đã đưa về những hình ảnh của cuộc sống mới, đầy đủ và tự do. Nước Mỹ trở thành đích đến của những người Việt đang thiếu ăn, thiếu mặc của thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, là nỗi khao khát và ước mơ của nhiều người Việt.

Thời mở cửa, được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, người dân Việt càng thấy sự lạc hậu, chậm tiến của đất nước và họ hy vọng một sự đổi thay. Sự thay đổi đó không thể thiếu sự giúp đỡ của nước Mỹ. Và rồi người Việt nào cũng có một giấc mơ Mỹ, dù đang sống trên đât nước Việt Nam. Nhân dân Việt biết rằng người láng giềng to lớn sát nách nước mình không bao giờ có thể giúp mình khá lên được, đó chính là kẻ thù lúc nào cũng muốn thôn tính đất nước này, nên họ hy vọng vào nước Mỹ, sẽ là vị cứu tinh. Cho nên khi một Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, niềm hy vọng đó càng thiết tha hơn, niềm khao khát đó biến thành niềm vui tràn ra phố phường để đón chào lãnh tụ của nước Mỹ.


Ông Obama đến Việt Nam đúng lúc niềm khát khao một cuộc sống ấm no, không lo âu, không sợ hãi, đang mong chờ một nền dân chủ, người dân được tự quyết định cuộc sống của mình, không bị kẻ thù xâm chiếm đất nước, được ngàn đời gọi tên tổ quốc mình, con cháu còn được nói tiếng nói của tổ tiên đang cháy bỏng trong lòng mỗi người dân Việt, do vậy họ đón ông cuồng nhiệt và hân hoan. Nhân dân hy vọng Mỹ sẽ dập tắt được âm mưu chiếm biển Đông của giới cầm quyền Hoa lục, sẽ giúp Việt Nam có một cuộc sống thịnh vượng và phát triển. Nhân dân tin sẽ có một luồng sinh khí chính trị mới cho đất nước mình

Sau năm 1975, ở Việt Nam bị khủng hoảng lãnh tụ. Khi ông Hồ Chí Minh mất đi, không còn có người nào khiến cho dân tin, nhất là đối với nhân dân miền Bắc. Dân cố tìm để được tôn thờ thần tượng lãnh tụ, nhưng hiếm thấy, do vậy khi ông Võ Nguyên Giáp qua đời, một số bộ phận nhân dân cố tạo cho ông ánh hào quang để tiếc thương. Cũng như khi ông Nguyễn Bá Thanh chết vì bệnh, người dân cũng có một số người phong thánh cho ông. Thế nhưng người dân vẫn thấy thiếu một lãnh tụ đủ tài, đức, tạo được lòng tin tuyệt đối với nhân dân, manh đến một thể chế mới phù hợp với trào lưu tiến bộ của nhân loại.

Cho đến hôm nay vẫn chưa thấy xuất hiện ở sân khấu chính trị Việt Nam. Ông Obama đến, tuy ông là Tổng thống nước Mỹ, nhưng ông lại mang nhiều đặc điểm mà người dân đang mong ước ở vị lãnh tụ của mình. Ông có nhiều ưu điểm: thông minh, giản dị, gần gũi, giàu tính nhân văn, liêm chính, có nếp sống đạo đức, đề cao dân chú, nhân quyền. Và như thế họ đón ông như hình ảnh lãnh tụ mơ ước của họ. Họ vẫy tay chào ông, họ kêu tên ông, họ dầm mưa, đội nắng để mong được nhìn thấy ông, như nhìn thấy hình ảnh ước mơ của mình. Đồng thời qua việc ngưỡng mộ và nồng nhiệt đó, nhân dân Việt còn cho thấy họ đang mong ước một sự đổi thay, mong ước xóa đi cái già cỗi không còn hợp thời đẻ đón lấy ngọn gió mới giúp dân tộc này đi lên và trường tồn. Sự vồn vã đón tiếp ông Obama cũng là thể hiện một sự chọn lựa thái độ chính trị của nhân dân.

Cuối cùng, chính con người của Obama là một sức hấp dẫn không cưỡng được. Nụ cười luôn rộng mở, phát biểu thông tuệ và đầy chất nhân văn. Ông cũng là chính trị gia giản dị, gần gũi và rất dí dỏm. Ông biết kết nối mọi người, giúp cho họ có sức mạnh để tự tiến tới để đạt được mục đích. Xuất thân từ một hoàn cảnh khó khăn, vươn lên để trở thành một vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ cũng đâu phải là điều dễ dàng. 

Người ta khâm phục ông bởi ông luôn luôn làm chủ được tình thế, nhanh nhạy, khôn ngoan luôn tìm được cách hoá giải khó khăn một cách thông minh, hài hước. Ông dễ dàng thu phục nhân tâm, trước đám đông ông có sức lôi cuốn mãnh liệt. Ông còn là nhà hùng biện tài năng, ngôn từ phong phú và diẽn đạt lưu loát thu phục nhân tâm.

Ông biết nắm và khai thác được những tâm tư của những người trẻ tuổi, mà Việt Nam là một nước có ba phần tư dân số sinh sau 1975, họ chính là lực lượng kính nể ông, thần tượng ông, mong đợi được chia sẻ cùng ông. 

Với tất cả điều trên đã cho thấy nhân dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc ngưỡng mộ và vui tươi, nồng nhiệt đón chào Tổng thống của nước Mỹ cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.  

Không ai kêu gọi, cũng không ai hô hào, nhưng mọi người đồ xô tràn ra phố để đón và tiễn ông. Xét cho cùng, đó cũng biểu hiện một thái độ của nhân dân trước phong ba của lịch sử.

Đỗ Huy Ngọc
Saigon.25.5.2016




______________________________________________________________

1 comment:

  1. Bài viết quá hay. Cám ơn tác giả

    ReplyDelete