Monday, February 5, 2018

Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt, tôi tự hỏi mình là ai...

Trần Mộng Tú

(ảnh: Internet)


Có phải nếu mình ở một nơi nào trên dưới ba mươi năm thì mình là người thuộc địa phương đó, đúng không? Đã biết bao nhiêu lần tôi đặt ra câu hỏi đó sau một ngày nhìn vào lịch thấy con số ghi năm đã bước vào năm thứ ba mươi bảy của một người tị nạn.
Bây giờ có ai mới quen gặp tôi, hỏi: Bà ở đâu đến vậy? Thì chắc tôi sẽ trả lời rất tự nhiên, tôi ở San Jose, hay khi đang đi du lịch thì sẽ trả lời, tôi ở Mỹ đến. Tôi sẽ không trả lời là tôi ở Việt Nam đến nữa, chỉ trừ người ta hỏi, bà là người nước nào? Thì lúc đó tôi chắc chắn nói, tôi là người Việt Nam, để cho họ không nhầm với người Trung Hoa, Nhật, hay Phi.

Đúng, tôi ở Mỹ trên dưới ba mươi năm rồi, tôi là một người Mỹ. Bây giờ thử xem lại con người Mỹ của tôi.

Trước tiên mặt mũi, chân tay tôi chẳng có gì thay đổi cả. Vẫn khuôn mặt cấu trúc ít góc cạnh của người Á Đông và cái mũi tẹt khiêm tốn, tóc sợi to và đen, khi có tóc bạc thì nhìn thấy ngay, muốn giấu thì phải nhuộm. Đối với người Á Đông thì tôi được gọi là người có nước da trắng, nhưng mầu trắng này thực ra là mầu ngà, và đứng cạnh một ông Tây, bà Mỹ nào thì nó vẫn cho cái căn cước da vàng rất rõ rệt. Khi tôi nói tiếng Anh thì cách phát âm “vẫn có vấn đề”, đôi khi nói nhanh quá thì sẽ vấp phải lỗi nói tiếng Anh theo cách dịch tiếng Việt trong đầu. Như thế bị chê là nói “tiếng Anh bể” - (broken English). Về cách phục sức, nhà ở, xe cộ bên ngoài, tôi có thể không kém một người Mỹ chính gốc.

Nhưng khi bước vào nhà tôi, từ những bức tranh treo ở phòng khách, bát đũa bầy ở bàn ăn, chai nước mắm, hũ dưa cải trong bếp và nhất là sách, báo tiếng Việt ở khắp nơi trong nhà, thì chắc ai cũng sẽ nhận ra ngay đó là một gia đình Việt Nam. Như thế thì tôi là người San Jose hay người Hà Nội, người Mỹ hay người Việt? Tôi ở đất này đến ba mươi năm rồi cơ mà. Người ở Lạng Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội ở trên dưới ba mươi năm thì tự nhận mình là người Hà Nội; người ở Hải Phòng, Hải Dương vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 75, 76 tự nhận mình là người trong Nam.

Tôi ở Mỹ tìm về Việt Nam không ai chịu nhận tôi là người Việt nữa, dù tôi có yêu quê hương đến quặn thắt cả ruột gan, có gặp lại họ hàng nước mắt khôn cầm thì khi thăm viếng, hỏi han, họ vẫn thỉnh thoảng nói rất tự nhiên: chị đâu có phải là người Việt nữa, bây giờ chị là người Mỹ rồi, chắc cái này không hạp với chị, cái kia chị không ăn được, cái nọ chị không biết đâu.

Những lúc đó tôi chẳng biết mình phải phản ứng thế nào cho đúng. Cứ cãi tôi vẫn Việt, hay nhận đúng rồi tôi là Mỹ? Không, cả hai cùng sai cả. Những khi cần quyên tiền đóng góp vào việc công ích nào ở Việt Nam thì ai ai cũng nhắc lại cho tôi đến ngàn lần tôi là một người Việt Nam chính gốc. Rằng tôi phải có bổn phận và tình thương với đất nước, đồng bào. Tình thương thì nhất định lúc nào tôi cũng đầy ắp trong ngực rồi, tôi chẳng cần ai nhắc nữa, nhưng nếu nói tới bổn phận thì xin cho tôi… nghĩ lại.

Tôi đã đóng góp bổn phận của tôi cho đất nước đó rồi. Một mối tình chết tức tưởi trong chiến tranh hơn ba mươi năm về trước, đã từng xông pha trận mạc gìn giữ từng tấc đất cho quê hương, sau bao nhiêu năm tù khổ sai cọng sản, trở về chỉ còn có cái tên, xương thịt của người tôi yêu nằm trong lòng đất, rồi lại phải đào lên, đốt thành tro than, bị đuổi mộ như đuổi nhà, bao nhiêu đó còn không đủ hay sao?

Bây giờ tôi phải có bổn phận đóng thuế hàng năm ở đất nước tôi đang sống để phụ với chính phủ sửa đường, xây trường học và nuôi những người ở khắp nơi mới tới, như trước kia đất nước này đã nuôi người Việt, vì giấy tờ cá nhân hiện tại xác định tôi là người Mỹ. Tôi phải làm bổn phận công dân.

Có những ngày tôi lái xe bị kẹt ở xa lộ vào một buổi chiều mưa mùa thu; hay một buổi sáng mùa xuân vắng lặng, êm ả, đứng trong nhà nhìn ra mặt hồ, tôi cảm nhận được nơi mình đang hiện diện không phải là quê mình, không phải nước mình.

Chẳng có một lý do gì cụ thể, chỉ là những giọt mưa đập vào kính xe, chỉ là mặt nước hồ gờn gợn sóng. Mưa trên xa lộ Mỹ nhắc nhớ đến những cơn mưa tháng Năm ở Thị Nghè, nhà mình ở Trần Quý Cáp, nhà anh ở trước rạp ciné Eden đứng trú mưa với nhau.

Nước ở hồ San Jose trước nhà nhắc đến nước sông ở bến Bạch Đằng mỗi lần qua phà sang bên kia Thủ Thiêm chơi với bạn, hay sóng nước ở bắc Mỹ Thuận những lần qua phà đi thăm họ hàng ở tận Bạc Liêu. Những lúc đó tôi bất chợt bắt gặp mình Việt Nam quá, vì những cái bóng Việt Nam thật mờ, thật xa lại chồng lên hình ảnh rõ rệt ngay trước mặt mình. Và kỳ diệu làm sao, những cái bóng đó nó mạnh đến nỗi mình quên mất là mình đang ở Mỹ. Chắc tại tôi là người Việt Nam.

Lại có những lần ở Việt Nam, tôi bị muỗi đốt kín cả hai ống chân, bị đau bụng liên miên cả tuần lễ. Đi đâu cũng phải hỏi đường, ai nhìn mình cũng biết mình từ đâu đến và đang đi lạc. Tiền bạc tính hoài vẫn sai. Nhiều khi đứng ngẩn ngơ trên đường phố Sài Gòn, biết đất nước này vẫn là quê hương mình, những người đi lại chung quanh là đồng bào mình, nhưng sao không giống Việt Nam của mình, hình như đã có điều gì rất lạ.

Ngôn ngữ Việt thì thay đổi quá nhiều, pha trộn nửa Hán nửa Ta, chắp đầu của chữ này với cuối chữ của chữ kia, làm nên một chữ mới thật là “có ấn tượng”. Cách phát âm của người Hà Nội bây giờ không giống cách phát âm cũ của ông bà, cha mẹ tôi ngày trước, và họ nói nhanh quá, tôi nghe không kịp. Cái tiếng nói trầm bổng, thanh lịch, chậm rãi, rõ ràng từng chữ của thời xa xưa bây giờ chỉ còn là cổ tích.

Ngửng mặt lên nhìn bầu trời, vẫn bầu trời xanh biếc của thời tuổi trẻ, cúi xuống nhìn mặt đất, vẫn mặt đất thân quen, nhưng sao lòng hoang mang quá đỗi, và thấy đã có một khoảng cách nghìn trùng vô hình giữa mình và quê hương đất Việt. Chắc tôi là người Mỹ!

So sánh thời gian tôi sinh ra, sống ở Việt Nam và thời gian tôi bỏ Việt Nam ra đi, sống ở Mỹ, hai con số đó đã gần ngang nhau. Tôi được học từ nhỏ quê hương là nơi tổ tiên lập nghiệp, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ở trong nước có bài hát nổi tiếng “Quê hương mỗi người có một, như là chỉ một mẹ thôi”. Nhưng có người lại nói: Nơi nào mình sống ở đó suốt một quãng đời dài, có những người thân chung quanh mình, hưởng những ân huệ của phần đất cưu mang mình, thì nơi đó cũng được gọi là quê hương mình. Như vậy thì tôi có một hay hai quê?

Tôi sống ở Mỹ thì bạn bè gặp nhau thường nói: Cái này người Việt mình không hạp, hoặc người Mỹ họ mới thích nghi được việc này, người Việt mình không quen.

Khi đi dự buổi tiệc cuối năm của một công ty lớn ở Mỹ, toàn là những người Mỹ sang trọng thì thấy rõ ngay mình là người Việt đi lạc, dù mình có sang trọng, lịch sự như họ. Hóa ra ở Mỹ hay về Việt Nam mình đều lạc chỗ cả.

Tôi nhớ mấy năm trước có lần trò chuyện với mẹ của một người bạn, lúc đó cụ ngoài 80 hãy còn minh mẫn, cụ theo đạo Phật. Trưởng nam của cụ và con dâu cụ tự nhiên rủ nhau theo đạo Thiên Chúa Giáo. Găp tôi, cụ hỏi: “Không biết anh Bình nhà tôi khi chết thì đi đâu?”.
Phật giận anh ấy, vì anh ấy bỏ đi, Chúa chắc gì cho anh ấy vào, vì anh ấy mới quá! Năm nay cụ ngoài 90 tuổi rồi và không may, cụ bị Alzheimer. Vậy là cụ không còn minh mẫn để lo con mình không có chỗ dung thân cho phần hồn. Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ lại những lời cụ nói, thấy mình ngay ở đời sống này cũng đã là một vạt nắng phất phơ bay. Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt. Chao ôi! Cái thân cỏ bồng.

Nhưng lạ lắm, tôi biết chắc mình là người Việt, nhất là khi tôi nằm mơ. Trong giấc ngủ tôi thường gặp cha mẹ, gặp ngay trong những ngôi nhà cũ ở Việt Nam, gặp bạn bè cũng gặp trên đường phố Việt Nam từ ngày rất xa xưa, và bao giờ trong mơ cũng đối thoại bằng tiếng Việt. Tỉnh dậy đôi khi vẫn ứa nước mắt, dù là một giấc mơ vui. Thấy nhớ quê nhà quá đỗi!

Tôi nhớ lại trong những truyện ngắn, những bài thơ Đường tôi đọc thời rất xa xưa về người bỏ làng đi xa lâu năm trở về không ai nhận ra nữa. Hồi đó sao mà mình thương những ông già trong thơ đó thế! Bây giờ nghĩ lại thì người trong sách đó còn may mắn hơn mình, họ đâu có đi một nửa vòng trái đất đến tận một nước khác như mình.

Họ chỉ bỏ làng, chứ không bỏ nước. Thế mà khi về còn ngơ ngác, bùi ngùi, tủi thân vì lạc chỗ ngay trong làng mình. So sánh tôi với người bỏ làng ra đi trong những trang sách quốc văn giáo khoa thư đó thì hoàn cảnh của tôi đáng buồn hơn nhiều. Không những đã bỏ làng, bỏ nước đi, còn nhận quốc tịch của một nước khác.
                        
Khi về đổi họ thay tên,
"Núi chùng bóng tủi, sông ghen cạn dòng".

Trần Mộng Tú
Tháng 4/2006 - http://tranmongtu.blogspot.com/

__________________________

10 comments:

  1. Bài viết hay quá. Cám ơn tác giả. Em/cháu xa quê nhà mới 8 năm nhưng cũng cảm nhận được một cách sâu sắc nỗi lòng của tác giả.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin cám ơn bạn đồnbg cảm với tác giả.
      QN

      Delete
  2. Chị Quinhon quý mến,
    Bài viết này tác giả là nhà văn, nhà thơ Trần Mộng Tú chị ạ. Chị TMT có đề cập đến vấn đề này ở blog http://tranmongtu.blogspot.ca/

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào Bạn.
      Thật vô cùng cảm ơn bạn nhắc nhở. QN ngay lập tức tìm hiểu và đã điều chỉnh lại tên tác giả.

      Thực trạng này bây giờ xãy ra rất nhiều. Có lắm quí độc giả đọc bài viết, thấy thích thì hay gởi đi cho người quen và các trang mạng để chia sẻ. Tuy nhiên thay vì để tên tác giả thì lại thay thế bằng tên mình, nghĩa là tên người chuyển tiếp. Do đó rất nhiều khi tên tác giả bị rụng rơi như lá vàng mùa thu.

      QN thành thật xin lỗi tác giả Trần Mộng Tú và độc giả trang nhà.
      Thân kính
      QN11

      Delete
    2. Cảm ơn QN11 đã điều chỉnh lại tên tác giả.
      Những ngày cuối năm như thế này, PLH bận lắm nên không kịp tìm hiểu kỹ càng.

      Delete
    3. Anh Huy mến.
      Không có chi Anh. Cũng biết anh bận lắm nên QN tìm hiểu để điều chỉnh thay Anh. Chúc Anh Và chị Loan vui khỏe.
      QN

      Delete
  3. Nguoi di dan di la de cho tuong lai cua con cai. The he cua cha me thi cu coi la hy xin, lam ghach lot duong cho may dua con sau nay no co tuong lai hon la o Viet nam. Ve Vietnam hong thay hap nua la tai vi minh o xu tu do, van minh, lich su lau ngay no ngam vao nguoi thi no cung khac voi nguoi o trong nuoc. Lam sao hap duoc nua? Tui de lam, ai hoi tui tu dau den originally, thi tui noi Dietnam. Tui dang du lich xu khac, ai hoi tui tu dau den thi tui noi In Lan. Ai hoi tui quoc tich gi, thi tui cu manh dang tra loi: ai em Diet nam mi bri tit. Giang di vay thoi. Suy nghi lam gi cho met roi sanh benh.

    ReplyDelete
  4. Thiet tinh! Tui rau may ma nay ghe - toi ngay cu ngoi than tho, suy nghi van vo: tui la ai? tui la ai? tui la nguoi Viet hay nguoi ngoai quoc? tui hong phai la nguoi ngoai quoc, ma dam Viet nam trong nuoc tui no cung khong coi tui la nguoi Viet nam nua.(cry, cry). Viet nam tui dau? Day la que huong cua tui ma!? blah blah...

    Que huong gi? Bo hong nghe nguoi ta noi: "Dat lanh, chim dau." hay sao? Que huong la noi dum boc minh, doi xu tu te voi minh, lo cho gia dinh minh, con cai cua minh. Minh sanh ra o Viet nam, lon len va song bao nhieu nam o do thi co nhieu ky niem o do. Sau nay tui Viet cong tran vo, tui no tan ac voi dan qua thi minh phai vuot bien ra nuoc ngoai. May quoc gia TU DO tren the gioi thuong tinh ho moi cho minh vo nuoc cua ho de lap lai cuoc doi.

    Dat nuoc TU DO cua nguoi ta tu te voi minh qua, lo cho minh CHO AN, CHO O, TIEN TRO CAP DU THU, LO HOC VAN CHO MINH VA CON CAI, LO DU THU HET. Nguoi ta tot voi minh con hon la tui Viet cong VIETNAM nua! O vai nam thi nguoi ta cho minh vo quoc tich cua ho. Minh la cong dan cua ho thi minh duoc ho bao ve nhu ho bao ve chinh cong dan cua ho. Vay la tu te qua roi. Thiet nghi, minh nen tra on lai bang cach: xin nhan noi nay lam que huong, cung nhau gop phan xay dung que huong moi cua minh va cac con cua minh. Bo hong thay may nguoi Viet ben My ho gia nhap quan doi My hay khong? Roi nguoi Viet tro thanh bac si, ky su... de gop phan giup do cho que huong moi. Lam an, buon ban, lam cong nhan... cung la mot phan giup cho que huong moi cua minh.

    Nhieu nguoi qua day luc da lon, hoac da co tuoi, thi ho cam thay kho hoa nhap vao xa hoi moi. Chu tui nho qua day duoi 9, 10 tuoi thi tui no hoa nhap mot cach de dang. Sau nay, con cai cua tui no sanh ra o ben nay thi thoi - y chang nhu nguoi ban xu.

    Tui Viet cong no co thuong yeu gi dam Viet kieu o hai ngoai ma minh di ve Viet nam roi keu gao: day la dat nuoc cua tui ma, tai sao hong coi tui la nguoi Viet nam nua? Lam tro cuoi cho thien ha!

    Nha tui ha? Dang o Saigon thi bi tui Viet cong duoi ve que. O duoi que chi co mien dat nho, du de xay cai nha la. Phan nua gia dinh con lai tren Saigon phai dem tien ve vien tro moi thang de cuu song. Toi dang ngu thi bi tui dan ve trong lang, vac sung, lai dap cua, chuoi rua: Du me! Tui bay la ai ma ve day? Tui bay la tui ngu.y ma, sao dam ve day?

    Troi oi! Ca nha co cum lai vi so hai, ben ngoai troi thi toi thui, ben trong chi la mot cay den dau nho be chay leo let...

    Bi dan ap, kho qua moi bo di vuot bien. May man toi duoc ben bo TU DO. Vay ma, ba tui sau nay cu hai nam la ve lai Viet nam du lich mot lan... dem tien ve de xay lai cay cau khi trong lang, xay lai truong tieu hoc cua lang... ngoi lang ma hoi xua tui dan ve Viet cong trong lang da an hiep gia dinh tui. Du lich xong, ong quanh tro qua, tip tuc an mi goi (!) de danh tien de hai nam sau tro ve Viet nam du lich nua!

    Motto cua tui ne: Mot di khong tro lai. Xin nhan noi nay lam que huong. Tui la nguoi Anh goc Viet. Trong giay to thi tui la nguoi Anh.

    Gian di the thoi. Suy nghi quan quanh lam gi cho met roi sanh benh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn chia sẽ quan niệm sống của mình.
      quí mến/QN

      Delete
  5. Con người cũng như cây cỏ, "cây có cội, nước có nguồn". Dù sống ở đâu, sướng hay khổ, vẫn khó mà quên quê hương, nơi tiền nhân đã bao đời đổ máu để gìn giữ. cũng Là nơi mình sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm.
    Người tỵ nạn bỏ nước ra đi, tha phương cầu thực là vì chế độ độc tài, hèn với giặt, ác với dân, chứ không phải thù ghét quê hương đất nước. Chế độ nào dù độc tài, dù mạnh đến đâu cũng sẽ có ngày tàn. Lịch sử đã chứng minh đều đó. chế độ có thể thay đỗi: Lý, Lê , Trần.. hay cộng sản ngu dốt bạo tàn, đến rồi đi nhưng nước Việt Nam muôn đời vẫn nước VN, không thể thay đỗi.

    Quê hương đất nước và chế độ là hai phần hoàn toàn khác biệt. xin đừng lẫn lộn. Đây là cái mà CSVN thường nhập nhằn hòng đánh lận con đen: "yêu nước là yêu Bác hồ, yêu Xã hội chũ nghĩa" ! Sic!

    Con người trời sinh có đầu óc suy nghĩ. Cuộc sống không thể chỉ có phần vật chất mà không có phần tinh thần. Hai cái này luôn đi đôi với nhau. Đó là sự khác biệt giữa người và vật. Sự khác biệt giữa thế giới cộng sản và thế giới tự do.

    Chúng mình may mắn sống trong thế giới tự do, về vật chất quá sung sướng không có gì để than phiền. Như con chim dù ở lồng son, thức ăn đầy đủ vẫn mơ về bầu trời bao la bên ngoài mà cuộc sống có thể bửa đói, bửa no. Thì con người cũng thế. Dù cuộc sống hiện tại sung sướng thế nào cũng luôn có sự khắc khoải của tinh thần. Âu đó cũng là chuyện tự nhiên.

    Cuộc đời này quan điểm sống trẻ già luôn có sự khác biệt. Không ai giống ai. QN luôn tôn trọng sự khác biệt và hy vọng mọi người cũng thế.
    QN

    ReplyDelete