Saturday, August 21, 2021

Khác biệt lập trường chính trị trong gia đình

Những năm gần đây, vấn đề lập trường chính trị khác nhau đã dẫn đến rất nhiều câu chuyện xung đột trong gia đình, giữa cha mẹ & con cái. Giữa vợ chồng, anh em, bạn bè..  Dưới đây là một câu chuyện thật do Luật sư Anh Thư thuật lại ( QN11)


Con gái giận vợ chồng tôi vì khác biệt lập trường chính trị, chúng tôi có nên cắt nó ra khỏi di chúc?

Câu Hỏi

Hai vợ chồng tôi có 3 người con, 2 trai 1 gái, mà chúng tôi giáo dục nghiêm khắc từ bé hầu mong cho chúng nó thành công và hạnh phúc.

Như nhiều gia đình khác, dù được lớn lên trong cùng một gia đình và môi trường giáo dục giống nhau, khi lớn lên chúng nó có cuộc sống riêng biệt và những cá tính cũng như lập trường chính trị khác nhau. Đôi khi hai vợ chồng tôi có những lúc bất đồng ý kiến với các con, nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng các con vì dù gì chúng nó cũng đã trưởng thành và có quyền có chính kiến riêng của mình.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bày tỏ ý kiến của chúng tôi và nhắc nhở chúng nó về truyền thống gia đình và đức tin tôn giáo. Đã có lúc gia đình tôi có những cuộc tranh luận nảy lửa nhưng phần lớn chúng tôi cũng nhận ra rằng tình cảm gia đình quan trọng hơn việc “thắng” “thua” về quan niệm chính trị hay tôn giáo của mỗi cá nhân.

Đáng tiếc thay có lúc những quan điểm khác biệt này cũng gây ra chia rẽ trầm trọng đến nỗi một đứa con gái ở tiểu bang xa từ chối tiếp tục liên lạc với chúng tôi và cũng không muốn cho hai vợ chồng tôi biết cuộc sống của nó và gia đình hiện tại ra sao.

Chuyện bắt nguồn từ việc chồng tôi lên mạng facebook và so sánh hình của bà phó tổng thống với hình một con chó cái. Đứa con gái ra mặt chỉ trích chồng tôi trên mạng và mỉa mai đặt dấu hỏi giá trị đạo đức của gia đình chúng tôi khi nó cho rằng chúng tôi mở miệng nói chuyện đạo đức nhưng ứng xử thì thiếu đạo đức và văn hóa khi miệt thị một người có quan điểm chính trị khác chúng tôi bằng cách so sánh bà phó tổng thống với một con thú vật.

Sau đó nó còn gọi điện thoại chỉ trích thẳng thừng chúng tôi. Nó nói rằng miệng lưỡi của chúng tôi như rắn độc và điều đó nó được chứng kiến từ bé khi bề ngoài chúng tôi xởi lởi, tỏ vẻ tốt bụng với người khác, nhưng sau đó về nhà thì trách móc, chửi rủa người ta. Nó nói nguồn năng lượng tiêu cực và đạo đức giả của hai vợ chồng tôi chỉ là ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nó mà nó không muốn con cái của nó (cháu ngoại chúng tôi) có những tấm gương xấu trong cuộc sống như vậy. Những lời lẽ mất dạy của đứa con gái cứa vào ruột gan chúng tôi. Nhưng hai đứa con còn lại thì không cho đó là điều gì quá to tát và chúng nó không đứng về phe nào cả. Tụi nó có những bận tâm lo lắng riêng của gia đình chúng nó.

Một thời gian sau, chúng tôi cố gắng liên lạc đứa con gái hỗn hào vì chỉ muốn gặp cháu ngoại thì nó không trả lời phôn hay email. Nó chỉ nhắn lại với thằng anh trai của nó là nó đã có một cuộc sống hạnh phúc và bình an. Nó không muốn cuộc sống của nó bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chúng tôi nữa.

Có những lúc chúng tôi giận lắm và muốn từ nó luôn. Chúng tôi cũng từng bàn là bỏ tên nó ra khỏi di chúc để nó không được thừa kế gì hết khi chúng tôi mất. Nhưng rồi lại thôi mỗi khi chúng tôi nhìn lại những tấm hình của gia đình và cặp mắt tròn xoe ngây thơ của nó lại làm chúng tôi chùn lòng vì dù gì nó cũng là núm ruột của mình đẻ ra. Trong tâm khảm chúng tôi, dù nó lớn và già đến đâu, nó vẫn mãi là đứa con gái bé bỏng của chúng tôi.

Thật sự ngoài vấn đề nó có quan điểm chính trị khác chúng tôi, nó luôn là đứa biết tự lo, tự lập, không ỷ lại vào chúng tôi và có một tâm hồn bác ái, thương người. Ngoài ra, nó là một đứa không trọng vật chất, không tham lam. Dù nó học hành với bằng cấp cao, nó chọn công việc lương thấp mà nó thích để giúp những người bất hạnh, và nó rất hăng hái trong những hoạt động từ thiện, xã hội. Nó sẵn sàng hy sinh đồng bạc, hay miếng ăn cuối cùng của nó cho người nghèo. Cho nên chúng tôi biết với bản chất không tham lam thì nó cũng không màng gì tài sản của chúng tôi để lại.

Nếu chúng tôi gạt tên nó ra khỏi quyền thừa kế tài sản khi chúng tôi mất thì chúng tôi có nhỏ nhen, thù hằn lắm không? Tổng tài sản chúng tôi có cũng khoảng trên 2 triệu đô la sau nhiều năm tháng tiện tặn, dành dụm. Các con chúng tôi không biết là chúng tôi có tài sản đến bạc triệu và tụi nó cũng không biết là chúng tôi có ý định bỏ tên em gái nó ra khỏi di chúc của chúng tôi. Nhưng tôi biết một thằng con trai sẽ ủng hộ chuyện đó vì nó tham tiền và sẽ nhận được thừa hưởng thêm tài sản nếu chúng tôi gạt một đứa em nó ra. Giờ cả hai chúng tôi cũng đã trên 60 tuổi, không quá già nhưng cũng không biết ra đi lúc nào và cần quyết định có nên làm lại di chúc hay không?

Trả Lời:

Ông bà nên đối xử với tất cả các con công bằng và đồng đều lúc còn sống cũng như sau khi chết. Khi một mối thâm tình bị rạn nứt, ít khi nào chỉ vì một chuyện bất đồng ý kiến mà nó là một quá trình dài do nhiều chuyện cộng lại, có thể cả hai bên đều có lỗi. Thường thì bất đồng ý kiến về vấn đề chính trị, tôn giáo, cá tính, người trong cuộc ai cũng cho mình là người đúng cả và khó mà thuyết phục nhau.

Quan niệm Á Ðông đôi khi hay mang tính cách áp đặt con cái phải nghe theo lời người lớn tuổi, bố mẹ dù đúng hay sai. Tuy nhiên ở một đất nước tự do, phát triển, nền giáo dục đào tạo con người ta một lối suy nghĩ “độc lập” và đó cũng là một đặc quyền ở một nước tự do, dân chủ. Sự khác biệt về văn hóa và ý thức của hai thế hệ cách biệt giữa ông bà và các con là một thí dụ điển hình của nhiều gia đình tị nạn Châu Á. Có lẽ lời lẽ cô con gái cũng quá thẳng tính một cách không cần thiết, nhưng có thể đó là sự “vùng lên” sau nhiều năm tháng cô cảm thấy bị “áp bức” hay “áp đặt” trong gia đình mình. Nhiều gia đình bố mẹ nhận ra điều này và tự thay đổi cách nhìn về cách giáo dục con cái của mình cũng như cách ứng xử tôn trọng nhau hơn, không kể tuổi tác, vai vế để có thể trao đổi cởi mở với con cái và tiếp tục gần gũi, chia sẻ.

Ông bà xác định xem mình để lại tài sản cho con cái với mục đích gì? Theo nghiên cứu của tạp chí European Journal of Ageing (tạm dịch: Tạp chí Âu Châu về Lão Hóa), thường thì có 4 lý do mà một người để lại tài sản cho người thừa kế: (1) sự hào phóng, vị tha bởi tình gia đình; (2) sự công bằng để duy trì tình đoàn kết của gia đình; (3) Cái tôi, sự vị kỷ, muốn chứng minh sự quan trọng của chính mình; (4) Sự trao đổi, đòi hỏi hoặc trông đợi người khác phải làm cái gì đó hay tuân theo sự điều khiển của mình rồi mới cho người đó quyền thừa hưởng tài sản.

Nếu ông bà cắt tên cô con gái khỏi di chúc thừa hưởng tài sản, điều mà ông bà để lại sau khi mình qua đời là sự tổn thương, hận thù cho cô con gái. Ngoài ra điều này cũng chứng minh ông bà không yêu thương tất cả các con mình bằng một tình thương vô điều kiện của cha mẹ dành cho con cái. Nếu cô con gái ông bà là người tàn tật, hay xì ke ma túy, hay kém thông minh, không được “hoàn hảo” thì ông bà có phân biệt đối xử và dành hết tình cảm cho những đứa con khác mà ruồng rẫy con gái mình không?

Cô con gái của ông bà có thể là người có cá tính mạnh mẽ và “cứng đầu” không “thuần phục” ông bà như ông bà mong muốn, nhưng qua lời ông bà nói thì cô không phải là một người xấu.  Chính ông bà cũng tự hào những điểm mạnh của cô con gái: “tự lo, tự lập, không ỷ lại vào chúng tôi và có một tâm hồn bác ái, thương người. Ngoài ra, nó là một đứa không trọng vật chất, không tham lam. Dù nó học hành với bằng cấp cao, nó chọn công việc lương thấp mà nó thích để giúp những người bất hạnh, và nó rất năng nổ trong nhưng hoạt động từ thiện, xã hội. Nó sẵn sàng hy sinh đồng bạc, hay miếng ăn cuối cùng của nó cho người nghèo.”

Người Mỹ có câu: “The apple doesn’t fall far from the tree.” (Tạm dịch: quả táo không rụng xa gốc cây – ý nói con cái thường không nhiều thì ít cũng giống bố mẹ.) Bản tính “cứng đầu”, “tự lập”, “thẳng thắn” của cô con gái có thể nào cũng giống như cá tính của ông hay bà không? Cũng như sự rộng lượng, hào phóng và lòng thương người. Nếu ông bà thật sự thương yêu con mình và muốn tất cả các con của mình vui vẻ, phát huy những điểm mạnh của chúng, trừng phạt không phải là giải pháp tốt nhất. Dùng tình thương và lòng vị tha để hóa giải sẽ giúp nhẹ nhàng hơn cho cả đôi bên.

Cho tặng đi mà không đòi hỏi gì ở người thừa kế cũng là một cách duy trì nền tảng giá trị văn hóa, đạo đức của gia đình. Ngoài ra, công bằng và đoàn kết thường đi đôi với nhau trong việc để lại tài sản cho con cái.

Nếu ông bà muốn dùng tiền bạc, vật chất để điều khiển, “control” con gái mình thì có thể cô ta sẽ càng phản đối mạnh mẽ hơn. Trong khi đó chính ông bà cũng nhận ra rằng “tình cảm gia đình quan trọng hơn việc thắng/thua về quan niệm chính trị hay tôn giáo của mỗi cá nhân”. Ðó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi hay những đắn đo, thắc mắc của ông bà.

Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng đều có quyền tự do quyết định việc để lại tài sản kế thừa như thế nào. Nếu ông bà muốn gạt cô con gái ra khỏi di chúc của mình để truất đi quyền thừa hưởng của cô ta thì là điều hoàn toàn hợp pháp, không ai có thể cấm quý vị. Nhưng nếu quý vị gạt đi sự tự ái, hận thù… và công bằng phân chia tài sản cho tất cả các con thì thông điệp và “di sản” mà quý vị để lại chính là lòng vị tha và tình đoàn kết, yêu thương vô điều kiện giữa các thành viên trong gia đình.

LS. AThttps://baotreonline.com/

___________________________

No comments:

Post a Comment