Sunday, February 23, 2014

Trần Dzạ Lữ và những dấu chân đời phiêu lãng…

Lương Thư Trung

Trần Dzạ Lữ - Phạm Lê Huy



Trần Dzạ Lữ sanh năm 1949 tại Huế, làm thơ từ lúc mới 16 tuổi, cái tuổi mà nhiều đứa trẻ cùng thời với ông còn vô tư lự, hồn nhiên giữa những cảnh đời nhiều bất trắc. Trần Dzạ Lữ những ngày mới lớn ấy đã biết ngậm ngùi trước cảnh đưa tiễn một người nằm xuống bên đời:

“Người đi theo bóng thiên thu, 
Bỏ đầy năm tháng xa mù nhân gian. 
Nhớ thương chim khóc trên ngàn
Nước ngơ đất ngẩt trời mang mang sầu…”
(Nhớ một nhà văn, 1965)

Những nhóm chữ “bóng thiên thu”, “bỏ đầy năm tháng”, “trên ngàn”, “trời mang mang sầu” quả là những “ngôn ngữ thơ” theo lối nói bây giờ, Trần Dzạ Lữ đã được Trời phú cho cái tài dùng chữ để chuyên chở những nỗi niềm của một tâm hồn nghệ sĩ thật ngậm ngùi khi nhớ về một nhà văn đã ra người thiên cổ, cũng là một nghệ sĩ.

Là một người sanh ra vào những năm cuối của thập niên 1940, nghĩa là thế hệ lớn lên trong chiến tranh vào những năm 1960 sau đó, Trần Dzạ Lữ phải từ giã học đường và lên đường ra mặt trận. Chiến tranh, qua thơ Trần Dzạ Lữ, là một dấu tích không đầy như “Dấu Binh Lửa”, “Dọc Đường Số 1”, “Mùa Hè Đỏ Lửa”  của Phan Nhật Nam, nhưng thơ ông cũng ghi đậm nét một thời binh lửa cũ. Cũng vào cái thời “mùa hè đỏ lửa” ấy của cuộc chiến, Trần Dzạ Lữ với “Bữa cơm ngoài chiến trường”  ông làm tại địa danh Phong Điền vào ngày 25 tháng 5 năm 1972, cho người đọc hình dung ra  cái gian lao cơ cực cùng mối nguy hiểm của người lính giữa chiến tranh với đầy lòng nhân ái của một con người lúc nào cũng nhớ về mẹ hiu qụanh nơi góc trời nào, về em đang chạy giặc, về “xóm làng”, về “đất trời” cây cỏ dặm ngàn:

“Bốn năm thằng lơ láo
Áo quần rách tả tơi
Ăn cơm bên xác người
Tay bốc tay cầm súng

Lòng nhớ mẹ phương tây
Ý thương em chạy giặc
Xóm làng sầu khôn khuây
Đất trời thêm hiu hắt. 

Ăn xong múc nước ruộng
Uống đại cho qua ngày
Quê nhà em có biết
Chinh chiến thân lưu đày ? 

Ăn được là điều may
Có khi ha, ba ngày
Không ăn, chẳng có uống
Ta nằm với cỏ cây.” 
(Bữa cơm ngoài chiến trường, 25-5-1972)(*)

Chiến tranh trong thơ Trần Dzạ Lữ còn là bút tích của một thời kỳ nhiễu nhương của đất nước. Nó là vết tích trăm năm của những buổi giao tranh chết chóc ngoài mặt trận giữa những thanh niên cùng trang lứa của hai miền Nam Bắc một thời; nhưng qua ngòi bút của Trần Dzạ Lữ, người đọc nhận ra cái tình cảm chan chứa dạt dào của người lính miền Nam khi lâm trận cũng như lúc trận mạc vừa tàn:


  
 “Chiều Mai Lộc núi đồi điên loạn
    quân hai bên đánh đá mút mùa
    thằng xấu số chết vì xấu số
    bỏ vợ con đau xót ở quê nhà

    Chiều Mai Lộc không mưa không nắng
    lửa cháy trong hồn những kẻ đi xa
    này anh lính nhỏ nhoi miền Bắc
    giữa sương mù anh có nhận ra ta ? 

    Chiều Mai Lộc thành nơi nghĩa địa
    quân hai bên ngả gục giữa đất trời
    mây khóc đầu non vì buồn ly loạn
    cỏ cây run trong gió lạnh tanh rồi…” 
    (Chiều mai Lộc, tặng PH.T. Mùa Thu)

Người lính trận khi ở đồng bằng uống nước múc từ dưới ruộng bùn, và khi người lính băng qua những cánh rừng già, đời lính cũng chẳng hay hơn gì. Ở đó cũng chỉ có cơ cực và hiểm nguy, chết chóc, là những xác thây rã mục, những mùi hôi tanh nồng nặc của thuốc súng và thây người, là bia mộ của các chiến hữu cùng đơn vị đựng đầy trong hồn, là những nụ hôn người tình chưa kịp thì vội vàng “hôn đất” của hố hầm, là những thương nhớ thiết tha một chốn cũ với những hẹn hò bỏ lại:
Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu xương rã với hồn đau
Và khi không tháng giêng lên núi
Đời đày ta và thần thánh xa nhau

Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu ngày buồn bã vô cùng
Đêm thì tối nhớ trăm phương ngàn ngã
Nhớ mẹ già hôm sớm mỏi mòn trông

Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu giày áo đó hôi rình
Khi về phố chắc ta thành khách lạ
Thành người điên với dáng thú buồn tênh. 

Em đừng hỏi ở rừng có gí lạ
Có gì đâu bia mộ dựng trong hồn
Bạn bè ta ưu tư ngủ gục
Với rừng già rách nát thương tâm

Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu lửa cháy trong đầu
Và lòng ta thác sầu đôi ngã
Biết ngã nào về chốn cũ tìm nhau

Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu ta từ buổi lên đường
Hôn chưa kịp em- bây giờ hôn đất
Thay chiếu giường bằng hầm hố cô đơn. 

Em đừng hỏi ở rừng có gì lạ
Có gì đâu rừng rú điêu tàn
Nai lạc dấu- ngàn thương trăng cũ
Ta nhớ người tình quay quắt trong sương.” 
(Thư gửi người ở lại, năm 1971)
Chiến tranh vào năm 1971, trước “mùa hè đỏ lửa” của 1972 là như thế đó. “Hôn chưa kịp em - bây giờ hôn đất. Thay chiếu giường bằng hầm hố cô đơn”!!! Thế nhưng người lính mà nhất là người lính làm thơ nữa, thì cái nỗi tương tư lại được Trần Dzạ Lữ chở đầy trong nỗi nhớ:

“Ra sông thấy gái Thượng ngồi
Giặt khăn vắt áo miệng cười vô tư
Nhớ em ai lấp cho bù
Hồn tôi một dãi đất mù mịt mưa.” 
(Ngày Xuân cũng ở Thường Đức, 1971)
Theo chân Trần Dzạ Lữ, người đọc thơ bắt gặp ông đi khắp cùng. Có lúc ông lại về Bến Tre xứ của dừa và cây lành trái ngọt miệt vườn. Nhưng vào thời chinh chiến sôi sục ấy của đất nước, người lính dù là người lính làm thơ vẫn không khỏi nhận ra chiến tranh đang ở cùng khắp mọi nơi cho dù đang giữa miệt vườn:

“Về đây trời đất không mùa
Phiêu linh bước ngựa, chơi đùa tử sinh.” 
(Thơ làm ở Bến Tre, 1974)

Với cái chết trong chiến tranh là cái chết không cầu mà đến. Người lính làm thơ Trần Dzạ Lữ cũng đã nói lên cái giây phút mong manh ấy như những nỗi niềm cho chính mình và cho nhiều chiến hữu cùng hoàn cảnh như mình trong thời binh lửa sục sôi ngùn ngụt:

“Chiều lên nốc rượu giải buồn
Rừng kia đứt ruột ta đờn đứt dây
Xa em nhớ tháng thương ngày
Ngó ra bè bạn một bầy cô đơn
Mùa xuân châu giọt đầu non
Lương chưa lãnh kịp biết còn sống không?” 
(Chiều t
ối)
Thơ Trần Dzạ Lữ viết về chiến tranh còn nhiều và mỗi mỗi câu thơ nào của ông cũng là những bút tích của một thời binh lửa như những vết hằn lên ký ức 33 năm sau chiến trận đã tàn và hôm nay đọc lại thơ ông, người đọc cảm nhận vẫn như còn đó những mùa chinh chiến chưa tàn.

Là một nhà thơ, và là một chứng nhân của thời đại mà tác giả đã sống, Trần Dzạ Lữ dù bỏ thơ một thời gian dài, khá dài sau chiến tranh, 1975-1989, với 17 năm không thấy thơ ông, và rồi thơ ông lại có mặt với những dấu ấn về những bước chân đời của mình qua những thăng trầm của dòng sông đời nhiều sóng gió. Trần Dzạ Lữ vẫn là một người lữ hành theo dòng sống tuôn trào và mỗi một bến bờ nào ông ghé lại giữa cuồng lưu của dòng sông trôi, ông đều khắc họa lại như một vết tích của một người đi qua và để lại.

Người đọc cảm nhận được điều ấy qua lúc ông đi cải tạo về, bỏ Huế vào Sài Gòn, rồi lại ra miền Trung lên rừng tìm trầm; lại không khá hơn gì, ông lại xuôi vô Sài Gòn làm đủ mọi nghề như vá xe đạp, bán rau muống, mua bán ve chai, đồng vụn và giờ đây ông làm nghề giữ xe ở chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận, Sài Gòn. Dù trải qua những chặng đời nhiều bất trắc như thế, nhưng ở một góc sâu trong hồn thi sĩ, Trần Dzạ Lữ vẫn không thôi suy tư về cuộc đời, về thế nhân và về kiếp người.

Xin mời quý vị nghe nỗi cô đơn của một thi sĩ mà chúng tôi tình cờ đọc được qua mười năm “Ở chợ” bán “rau xanh “của tác giả:

Mười năm ở chợ không tri kỷ
Ta đứng thu thân một nỗi buồn
Sáng bảnh mắt ra ngồi độc ẩm
Chiều về tra vấn lấy lương tâm” 

Mười năm ở chợ, ơi trần trụi
Em ạ, em xa ở kiếp nào ? 
Có thấy ngày xanh ta chuốc mộng
Không thành nên đắp chiếu thương đau

Ở chợ đông, sao hồn cứ lạnh
Đốt thuốc hoài không ấm nửa chiều
Thiên hạ đùn nhau đi kiếm sống
Nhân ái? Tang - thương - ngẫu - lục nhiều

Ta bán rau xanh ngày mệt lữ
Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền
Cố quên cơm áo - Vòng danh lợi
Sao đời nỡ hối thúc bên lưng? 

Mười năm ở chợ không thay đổi
Tâm tánh ta xưa vốn thật thà
Đâu ước công hầu mơ khanh tướng
Bạc tuổi thanh xuân mong có nhà ! 

Hồn ta ở chợ thương quê cũ
Nhớ áo nâu xưa, nhớ mẹ già
Nhớ bông bưởi rụng đêm mười sáu
Thơm ngát môi em trước hiên nhà

Mười năm ở chợ  không tri kỷ
Gác chuyện văn chương thấy chẳng đành
Nên ta độc thoại- Ta đây nhỉ? 
Thương nhớ xa xăm một bóng hình.” 
(Ở chợ, tặng Trần Xuân An, 1989)

Quả thật đây là nỗi hiu quạnh tột cùng của một tâm hồn thi sĩ giữa chợ đời ồn ào mà lạnh nhạt tình người, để thi nhân bồi hồi than thở một mình: “Ở chợ đông, sao hồn cứ lạnh. Đốt thuốc hoài không ấm nửa chiều”.  Ở đây, là người đọc cùng thế hệ với tác giả, rồi cũng thấy chiến tranh, cũng vào đời giữa thời binh lửa và rồi cũng trải qua bảy năm trong trại cải tạo; rồi về lại nhà và lăn lóc kiếm sống trên những ruộng đồng ngâp lụt, tôi cảm nhận được nỗi cô đơn tận cùng của tác giả vào những ngày “ở chợ” ấy của ông. Than ôi, phải chăng đây là một thời kỳ cơ cực trong dòng đời đầy kham khổ ấy, chừng như còn đong đầy trong nỗi nhớ của những chàng trai trẻ ngày nào dù nay tuổi đời đang cùng nhau ở buổi xế chiều này !!!

Những năm tháng “ở chợ”. Chợ “rau xanh” hay chơ đời cũng chẳng khác gì nhau, Trần Dzạ Lữ có những ước mơ rất gấn là muốn kiếm tìm một nơi chốn nhỏ nhoi để về đặt được cái lưng sau những ngày mỏi mệt giữa chợ đời là một căn “gác lửng” và rồi nhà thi sĩ lang bạt kỳ hồ ấy rồi ra cũng đã rờ được chút ước mơ trong đời thật:

“Này gác lửng, hơn nửa đời rồi đó
Ta mơ có mày giữa cuộc phù vân
Đời thử ta như lửa thử vàng
Cay đắng bủa quanh hồn xưa chao chớn
Có đôi lúc óc cùn chí đun
Muốn xuôi tay trả lại tuổi vàng
Chim có tổ mà ta thì phiêu lãng
Dắt nhau đi quờ quạng kiếm thiên đàng….”
(Ngày xuân trò chuyện cùng gác lửng, 1989)
Nhưng một cách nào đó, người đọc còn bắt gặp những câu thơ về cuộc đời, “gác lửng” nơi này, ngoài ý nghĩa là một nơi chốn che nắng che mưa, nó còn là “gác lửng” cuộc đời, mấy mươi năm trải qua những năm tháng sống giữa chợ đời như căn nhà, nhưng thật ra chỉ mới là một “gác lửng” ở lưng chừng giữa một đời người:

“Còn ta nữa, thằng làm thơ lang thang
Cũng phải bơi theo dòng đời chóng mặt
Lầm lũi kiếm từng li vàng giữa trời cao đất thâp
Rủi may ơi, ta biết đâu lường

Sống khó vô cùng ơi gác lửng
Thế mà mấy mươi năm ta cũng qua cầu
Nay có mày nhẹ gánh chim bao
Nhưng ngoảnh lại tóc râu đã bạc.” 
(Ngày xuân trò chuyện cùng gác lửng, 1989)
Tự nhận mình là người “hát dạo bên đời”, Trần Dzạ Lữ là tiếng hát luôn kiếm tìm một cung bậc rất gần, rất êm đềm, rất nhân ái hầu trao gởi đến những tâm hồn đồng cảm về một quảng đời, về những năm tháng thi nhân phiêu bạt giữa những mùa binh lửa hay những buổi chợ đời đầy bất trắc của kiếp người. Vì là chứng nhân của thời đại mà tác giả đã sống và từng trải, Trần Dzạ Lữ còn là người viết sử bằng thơ qua ngôn ngữ của riêng ông, một thứ ngôn ngữ nhất quán từ những ngày đầu ông bắt đầu làm thơ và cho mãi tới bây giờ. Phải chăng, đó cũng là cái nét riêng rất đặc thù của Trần Dzạ Lữ sau mấy mươi năm khắc khoải giữa dòng đời bằng những dấu chân đời phiêu lãng của ông… !!! 

Houston, ngày 23-4-2008, đọc lại và bổ túc ngày 4-11-2010
Lương Thư Trung

Phụ chú:
(*) Tất cả các vần thơ trong bài viết này trích từ cuốn “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến”, quyển 1, phần thơ của Trần Dzạ Lữ,  do Thư Ấn quán sưu tầm và xuất bản năm 2006 và in rải rác trong các tạp chí Thư Quán Bản Thảo.
(nguồn thatsonchaudoc.com)

________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment