Friday, May 19, 2017

Nhiều người Việt ở Mỹ vẫn chưa quen văn hóa để tiền “tip”

Phụng Linh / Người Việt

Tiệc buffet ở một nhà hàng thuộc khu vực Little Sài Gòn
(Hình: Phụng Linh/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Trong số những người Việt hải ngoại không có thói quen chi tiền “tip” còn được gọi là tiền “boa,” khoản tiền thưởng cho các nhân viên phục vụ ở nhà hàng, quán ăn, có cả tôi. Từ nhiều năm nay, tôi coi đây là số tiền phải trả một cách chiếu lệ, đôi khi miễn cưỡng, và cứ đinh ninh rằng các nhân viên có phận sự phục vụ khách hàng đã được giới chủ trả thù lao sòng phẳng hàng tháng, không việc gì để mình phải bận tâm.
Nhưng giờ thì tôi biết mình đã suy nghĩ không đúng.
Không phải tất cả các loại tip đều giống nhau
Tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy một lớp người Việt trẻ vào các nhà hàng, quán ăn Mỹ lẫn Việt đều chi tiền típ hết sức hậu hĩ. Các cháu của tôi, một dược sĩ trẻ và một kỹ sư mới ngoài 30, tính khoản tiền típ tương đương với tỉ lệ 15% trị giá hoá đơn. Không hề ngần ngại, họ đặt lên bàn hai tờ giấy 10 Mỹ Kim hoặc một tờ 20 Mỹ Kim để tip cho người phục vụ sau bữa ăn, không cần biết khoản tiền đó đi về đâu, như là một công thức, một bài tính.
Còn tôi, bình thường sau bữa ăn, tôi chi khoản tiền tip dựa theo đầu người. Nếu tôi đi một mình thì bỏ ra 1 Mỹ Kim, cùng đi với một người bạn nữa thì để lên bàn 2 Mỹ Kim. Còn với một đám đông 3-4 người thì tôi “tặng” 3-4 đồng tiền tip.
Tôi hài lòng với cách tính toán của mình, vì sau đó không nghe ai nói gì, cũng không ai thắc mắc gì về khoản tiền mà ai cũng nghĩ rằng “từ trên trời rơi xuống” cho các nhân viên phục vụ, hầu bàn, bồi bàn. Trừ khi nhóm chúng tôi đông hơn 6 người thì tiền tip lúc đó có thể lên tới 15-17 Mỹ Kim được ghi thẳng vào hoá đơn tính tiền. Tôi nghĩ rằng đó là quy định thì các thực khách phải chịu thôi.
Thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy thắc mắc, liệu có phải số tiền tip nọ được chia đồng đều cho các nhân viên phục vụ hay không, và liệu nó có đi thẳng vào túi của người chủ hay không.
Tôi nghe tin có những ông bà chủ nhà hàng giữ hết tiền tip của thực khách, hoặc giữ lại một phần mà nhân viên không làm gì được, vì đó là thẩm quyền của họ, vì không có luật lệ nào quy định cứ tiền tip thì phải chia cho nhân viên phục vụ. Nào ai thắc mắc gì thêm, chúng tôi rốt cuộc vẫn coi đó là khoản tiền tiêu pha một cách miễn cưỡng, không mang lại một ý nghĩa nào.
Đôi khi chúng tôi tự an ủi rằng, khoản tiền tip ít ỏi mà thực khách Việt Nam trả cho nhân viên Việt Nam tại các nhà hàng Việt Nam tương ứng với thái độ làm việc của các em. Ở các nhà hàng Mỹ, nhân viên phục vụ ít nhất hai lần chạy đến bên cạnh chúng tôi hỏi dồn: “Quý vị có cần gì nữa không? Tất cả mọi thứ đều tốt hết phải không?”. Còn ở hầu hết các quán ăn Việt Nam, nhân viên dọn thức ăn ra bàn rồi mất dạng, khiến mình phải í ới gọi mãi mỗi khi cần chén nước mắm hoặc đôi đũa cũng không thấy họ xuất hiện.
Một lần, tôi mời người bạn đi ăn ở một tiệm bún tọa lạc tại khu shopping mall ở góc đường Brookhurst và Westminsters. Nhân viên chạy bàn ở đây thẳng thừng từ chối lời yêu cầu cắt nhỏ miếng thịt vịt của chúng tôi. Nhân viên này sẵn giọng: “Xin thông cảm, tụi tôi thiếu người”. Kết quả là lúc tôi đặt tiền típ lên bàn khi chuẩn bị rời khỏi nhà hàng chỉ vài ba Mỹ Kim thì bạn tôi dứt khoát ngăn lại, bảo phải cho nhân viên nọ biết “như thế nào là lễ độ”. Quả là văn hoá tip khác nhau đã chia rẽ chúng tôi.
Trong nhiều buổi tiệc ở nhà hàng của bạn bè từ Việt Nam sang “chiêu đãi”, tôi chợt khám phá ra rằng họ không hề chi một đồng tiền tip nào, không biết vì bối rối mà quên bẵng, hay vì họ không có thói quen chi tiền tip, cứ tưởng như ở Việt Nam. Có lần ăn cơm tại một nhà hàng ở Sài Gòn, tôi móc tiền tip ra đặt trên bàn thì bỗng lập tức thấy mình “sang chảnh” quá, vừa quê, vừa ngốc nghếch một cách tội nghiệp. Không ai làm việc đó, chỉ có mình làm, rõ ràng là không giống ai.
Tip, một phần của cuộc sống
Cho đến một ngày, cô cháu ruột của tôi, sinh viên trường University of Texas at Dallas nhỏ nhẹ tâm sự về giá trị của những đồng tiền tip mà cô nhận được. Cô bé vừa đi học, vừa đi làm thêm ngoài giờ ở một tiệm bán nước giải khát để kiếm thêm tiền đổ xăng, mua sách vở học tập. Tôi trố mắt kinh ngạc khi thấy cô bé chìa ra số tiền tip hơn 10 đồng cho bữa ăn ở nhà hàng chỉ có hai cô cháu. Có làm nhân viên hầu bàn, cô mới hiểu đầy đủ giá trị của những đồng tiền tip, vì vậy mà cô trước hết tỏ ra hào phóng với chính các đồng nghiệp không quen biết của mình.
Ở khu vực Little Saigon / Orange County, một nữ nhân viên phục vụ của quán nằm trong khu shopping mall tọa lạc tại đường Bolsa xác nhận với tôi: “Tiềp tip quan trọng với chúng em lắm”.
Quả vậy, tại một số nhà hàng Việt Nam ở khu vực này, đa số nhân viên phục vụ là sinh viên, những người trong độ tuổi thanh niên. Tiền tip mà các em nhận được chỉ là khoản tiền “được chăng hay chớ” ngoài thù lao của chủ nhà hàng, nguồn sinh kế chính.
Sau này tôi mới biết ra, đặc biệt tại các nhà hàng buffet, các nhân viên chạy bàn trực tiếp giữ tiền tip của khách hàng như là một biện pháp buộc các em phải theo dõi chặt chẽ từng hành vi của khách hàng. Chẳng may có một, hai người khách ngồi xuống bàn ăn một mạch rồi lặng lẽ chuồn êm, không trả tiền, coi như nhân viên phụ trách bàn đó phải chi ra một nửa số tiền ghi trên hoá đơn để đền cho nhà hàng.
Vì lý do này, Xíu - biệt danh của một nhân viên phục vụ nhà hàng buffet ở Arlington, thành phố Dallas, tiểu bang Texas - cho biết lúc nào em cũng phải siêng năng đi lại, đổi đĩa mới cho khách hàng, đặc biệt là phải luôn luôn nở nụ cười trên môi. Chốc chốc, em rót thêm nước và dọn đĩa cho khách. Em cho biết, có vài bạn đồng nghiệp của em mang vẻ mặt hầm hầm, không chịu cười, cũng không chịu vui vẻ nói chuyện thì người khách đó không thèm chi tiền tip. Thường thì thực khách Việt Nam tip cho em nhiều hơn, có lẽ để bày tỏ sự thông cảm đối với người đồng hương chăng.
Xíu cho biết, khoảng 80% nhân viên phục vụ ở nhà hàng buffet là sinh viên, di dân sang định cư cũng có, mà du học sinh cũng có. Dẫu tình trạng cư trú có khác nhau, nhưng các em vẫn là thành phần sinh viên chịu khó đi làm thêm, vì họ cần những đồng thù lao để đổ xăng đi học, để mua sách vở như cháu gái của tôi. Mỗi ngày làm việc của Xíu bắt đầu lúc 10 giờ sáng và kết thúc khoảng 10 giờ đêm. Vào mùa thi hay những ngày phải có mặt tại giảng đường thì em đành vắng mặt ở nhà hàng. Tính trung bình mỗi ngày phục vụ khoảng 13 bàn, em nhận được chừng 120 Mỹ Kim tiền tip. Để có được số tiền này, các em chạy đi chạy lại, lăng xăng phục vụ, và chợt hiểu ra, nếu cứ hỏi: Quý vị có cần gì không?” nhiều lần quá cũng làm cho người ta phiền.
Hiểu được tường tận giá trị thật sự của những đồng tiền tip đối với các em sinh viên học sinh người Việt Nam ở đất Mỹ, tôi bỗng cảm thấy những đồng tiền tip của mình giờ đây có ý nghĩa biết bao, đặc biệt là những người trẻ tuổi biết vươn lên bằng công việc lương thiện, tuy quá đỗi nhọc nhằn.
Phụng Linh / Người Việt

2 comments:

  1. Tôi không cho rằng văn hóa tiền tip là một ý hay và không phải nước nào cũng phải giống nước Mỹ mới là văn minh. Ở Bắc Âu và Nhật Bản không có văn hóa này. Khi người lao động giản đơn như là phục vụ bàn nhận được đồng lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra nghĩa là XH trân trọng nghề nghiệp của họ sao các chủ nhà hàng không trả lương sòng phẳng cho nhân vien của họ mà lại đẩy nhiệm vụ đó cho khách hang? Tại sao phục vụ bàn không thể sống được với đồng lương của mình? Chuyện đó cứ sai sai thế nào ấy!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn đã chia sẻ ý kiến của mình. Đúng vậy, mỗi nơi có mỗi nền văn hoá khác nhau. Ở Mỹ nói riêng, các tiếp viên nhà hàng họ được khách hàng cho TIP rất hậu hỉnh, mà cũng chẳng nghe ai than phiền hoặc đặt câu hỏi : Tại sao phải cho tip?
      Thôi thì nhập gia tùy tục: ai sao mình vậy.
      Chúc vui /QN

      Delete