Wednesday, December 18, 2019

Những Con Số Biết Nói

Tuyết Vân




Ngay từ khi chúng ta vừa mới ra đời những con số đã gắn liền với ta. Đó là con số của ngày sinh và theo tử vi đông phương con số của định mệnh.


Tôi sinh năm 1956, hai năm sau khi đất nước chia đôi, và là năm để chuẩn bị tổng tuyển cử nhưng sự chia đôi đó kéo dài 20 năm. 1975, đất nước thống nhất, chỉ có lòng người thì chia đôi.

Khi lớn lên một chút nữa, không ai là không biết đến biến cố Tết Mậu Thân năm 1968. Tôi có nghe, năm đó theo thoả thuận, hai bên được hưởng vài ngày ngưng chiến để ăn Tết nhưng rồi cuộc tổng tấn công lại bùng nổ. Nói đến Tết Mậu Thân là phải nói đến Huế. Là phải nói đến Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca. Năm tôi ra Huế học vẫn còn một hai dấu vết của trận chiến năm đó.

Rồi chiến tranh vẫn tiếp tục. Sống ở một đất nước thanh bình như hôm nay chiến tranh là một điều gì rất khủng khiếp. Khi nghe trên tin tức những người lính tử nạn ở chiến trường Iraq hay A Phủ Hàn tim người ta nhói đau. Nhưng thời gian sống trong nước, lớn lên trong chiến tranh thì những tin tức như vậy là cuộc sống hàng ngày.

Bảy năm sau, 1973, hiệp định Paris ký kết. Lứa tuổi của chúng tôi còn nhỏ để biết cái gì sẽ xảy ra. Tôi nhớ có nghe ngưng bắn nhưng vẫn cứ thấy chiến tranh. Tháng Ba 1975, chị em tôi di tản ra khỏi Huế. Chúng tôi có người quen mất ở trận chiến cuối cùng đó. Mất không có thân xác và mảnh giấy báo tin đem về. Chỉ thấy không trở về nhà nữa là biết đã mất rồi.

Khi mình ở trong cái vòng quay thì bắt buộc phải quay với nó. Chúng tôi đã quay như vậy đến bốn năm. Trong cái thay đổi khốc liệt và khó khăn của thời điểm đó chúng tôi vẫn có được những tình cảm chia xẻ ngọt bùi mà bây giờ nhắc lại còn thấy nao nao.

Tháng Sáu năm 1979 gia đình chúng tôi rời Việt Nam. Cuối năm 1980 chúng tôi định cư ở Hoa Kỳ. Trong cái 40 năm đằng đẳng tôi gần như không còn nghĩ đến cuộc chiến của năm đó nữa. Thay vào đó là những tin tức của cuộc chiến hiện tại. Hôm nay TV báo tin có hai người lính tử nạn bên chiến trường Trung Đông. Ngày hôm kia, một chiếc máy bay bị bắn rơi. Tôi theo dõi những tin tức như vậy. Những mùa lễ đặc biệt tôi đi với con trai cắm cờ tưởng niệm ở nghĩa trang quân đội. Tôi không còn có những con số nào để gắn liền với lịch sử của đất nước.

Tháng chín vừa qua, Người Việt có bản tin về hài cốt của 81 chiến sĩ binh chủng Nhảy Dù VNCH đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam vào năm 1965. Bản tin thật đầy ngạc nhiên và xúc động. 81 người lính Nhảy Đủ và 4 phi công Mỹ đã thiệt mạng trong chuyến bay trên một vùng hẻo lánh năm đó. Năm 1974 chính phủ Hoa Kỳ tiếp cận được nơi rớt máy bay và mang tất cả hai cốt đưa về nước. Cuối cùng, 54 năm sau, 81 bộ hài cốt của những người lính được chở đến Nam California và yên nghỉ ấm cúng ở đây. Câu chuyện nghe như một hoang đường dã tưởng. Lòng tôi rưng rưng nghĩ đến những người lính và gia đình của họ. Tôi cũng có con trai. Tôi cũng có một tuổi trẻ đầy mộng mơ. Riêng họ, chiến tranh đã cướp mất đi những điều đó. 81 người lính Nhảy Dù.

Mới gần đây thôi, chúng ta nghe về 39 người Việt chết trong chiếc xe vận tải trên đường trốn vào Anh quốc. Họ là những người muốn đi tìm tương lai tốt đẹp hơn nhưng định mệnh oan nghiệt đã dập tắt giấc mơ của ho… 39 người Việt nầy tuổi còn trẻ. Có lẽ chiến tranh ở trong những hình thức khác nhau bởi tôi vẫn nghe người chết trẻ như tôi đã nghe từ mấy mươi năm về trước.

Cũng mới gần đây thôi trên trang phân ưu của báo Người Việt chúng ta biết đuoc thuyền trưởng Jeon Je Young vừa qua đời. Thuyền trưởng Jeon là người Đại Hàn. Ông bất chấp lệnh của thượng cấp và đã cứu vớt 96 thuyền nhân đang lênh đênh trên biển cả vào năm 1985. Ông đã bị đuổi việc sau đó và gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Năm 2004 ông và gia đình đến thăm Nam Cali và đã được cộng động ở đây vinh danh ông. Chiến tranh nào cũng có những anh hùng. Và ông là một anh hùng bởi tấm lòng ông cũng lớn như biển cả ông đi.

Những ngày đi vào cuối năm tôi lại có những con số liên quan đến cuộc chiến ngày xưa. Cũng tưởng nó đã qua rồi, quên rồi, nhưng nó vẫn còn đó. Thỉnh thoảng lại nghe tin những người con lai Mỹ tìm được mẹ ruột hay cha ruột của mình. Tôi mừng cho họ như mừng cho một người thân. Cuộc chiến mà tôi đã lớn lên vẫn ở đây. Tôi muốn gửi nén hương lòng cho một quá khứ.


Tuyết Vân
__________________________

1 comment:

  1. Một bài viết "highlight" vài sự kiện và biến cố đáng nhớ - "Tôi muốn gửi nén hương lòng cho một quá khứ".
    Cảm ơn Tuyết Vân.

    ReplyDelete