Thursday, November 26, 2020

Tản mạn nhân mùa Lễ Tạ Ơn ở Mỹ

 Phượng Vũ

 


Cái thời tôi mới đặt chân đến Mỹ, điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là sao tiếng “Thank you” được dùng nhiều quá ? Nó gần như là tiếng cửa miệng của người Mỹ. Ở Việt Nam thì khác, tiếng “Cám ơn” ít khi được dùng tới. Tôi thắc mắc không biết là họ cám ơn thiệt hay giả ? Rồi có một lần tôi đi “garage sale”, đây lại là một hình thức văn hóa khác của người Mỹ. Trong nhà có nhiều loại quần áo, đồ dùng đã lỗi thời hay vì đã mua cái mới… bèn bỏ ra garage cho trống nhà, nhưng tới một lúc nào đó garage cũng chật chỗ.

Và thế là một cuối tuần nào đó họ mở “garage sale” để bán đi những thứ đó với giá rẻ như bèo. Có lẽ đó là một hình thức “share” với người khác những thứ mình không cần, mà người khác thấy cần. Đây cũng là một nét hay về văn hóa ! Những người mới di dân đến Mỹ rất khoái đi garage sale, vì mua được nhiều món đồ mình đang cần với giá rẻ như cho không. Hơn nữa “cũ người, mới ta”, nên đi garage sale là một cách shopping rẻ tiền nhất của dân mới qua Mỹ. Thỉnh thoảng lai vớ được những món quý mà giá lại quá hời, muốn như vậy thì phải đi garage sale những khu nhà giàu. Lần đó đi khu nhà giàu, tôi thấy ở một garage sale bên cạnh những cái bàn họ bày la liệt các món đồ mà giá có khi từ 5, 10 cents tới 1,2 $, lại có một khu họ để một số đồ với tấm bảng Free.

Tôi thường hiểu Free theo lối nghĩa “quyền tự do” của con người, nên không dám chắc Free ở đây có nghĩa là gì, bèn quay qua hỏi con gái :

– Cái bảng này nghĩa là gì vậy ?
– Nghĩa là họ cho không, muốn lấy thì cứ lấy
.
Tôi mừng quá
“Thiệt vậy sao ?“.
Ông chủ nhà thấy tôi không có túi để đựng, bèn vô tìm cho mấy cái túi giấy to, rồi sau đó còn phụ bưng ra xe giùm. Vậy mà tôi chưa kịp cám ơn thì ông đã tươi cười nói trước
“Thank you !”. Tôi ngớ người ra, quay qua nói với con gái :
– Ủa sao ông cho đồ mình, còn kiếm túi cho mình đựng, rồi lại bưng ra xe giùm. Vậy mà ông còn “
Thank you” mình nghĩa là sao ?
– Có lẽ “
Thank you” là văn hóa của Mỹ, hay là vì mẹ đã “dọn” giùm ông những món đồ mà ông thải ra nên ông cám ơn mẹ…

Ấn tượng về lần “Thank you” đó luôn ghi nhớ mãi trong đầu tôi. Càng về sau tôi mới nghiệm ra quả “Thank you” là một nét văn hóa của Mỹ. Dù bạn làm điều gì nhỏ bé, vịn giùm cái cửa để đi vô, nhường bước một lối đi… cũng đều nhận được lời “Thank you”.

Trong khi đó tôi nghe một số người quen di dân Việt Nam than phiền :
– Qua đây đi “cày” cực muốn chết, ky cóp không dám xài để dành gửi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam. Nhưng khi nhận
, họ coi như đó là bổn phận của mình, không hề nói một lời cám ơn.
– Có khi họ còn chê bai sao Việt
Kiều gì mà “kẹo kéo” quá, nhà kia con cái chẳng học hành gì qua Mỹ đi làm Nail mà gửi về còn xộp hơn nhiều.

Ở thêm một thời gian nữa, tôi mới biết ở Mỹ có một ngày lễ truyền thống đó là ngày “Lễ Tạ Ơn” - (Thanksgiving). Có lẽ trên thế giới chỉ có ở Mỹ mới có ngày lễ lớn truyền thống này. Ngày lễ này được tổ chức vào thứ Năm của tuần lễ thứ trong tháng 11 hằng năm. Người ta thường được nghỉ bốn ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Hoa Kỳ. Và có lẽ đây là dịp lễ mà mọi người Mỹ được ngh lâu nhất, hơn cả Lễ Christmas và Tết Dương Lch. Xem thế mới biết người Mỹ rất trọng tinh thần “Tạ Ơn”. Vậy mà trước kia lúc còn ở Việt Nam tôi cứ hay nghĩ nước Mỹ với đời sống văn minh quá cao, họ luôn chạy theo đời sống vật chất, thì sẽ quên đi đời sống tinh thần, tình nghĩa… Bây giờ tôi mới biết mình đã nghĩ không đúng!

Ngoài ra người Mỹ không chỉ “cám ơn” suông, họ còn “Tạ Ơn Đời” bằng cách giúp lại những người khác đến sau và bằng những công tác từ thiện trên khắp thế giới, mà nguời Mỹ luôn đứng đầu. Mỗi năm mùa Thanksgiving là cao điểm của các công tác từ thiện. Nhiều nhóm thiện nguyện tổ chức chiêu đãi những bữa ăn Tạ Ơn, phát quần áo ấm, phát túi ngủ cho những kẻ không nhà. Nhiều công ty, tiệm ăn lớn mở ra những “Thanksgiving Party” mời mọi người đến tham dự miễn phí, đôi khi có phát quà. Họ thực lòng muốn “Tạ Ơn Chúa, Cám ơn Đời” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Họ muốn ngày Lễ Tạ Ơn không ai bị bỏ quên, vì không phải ai cũng đều có mái gia đình để trở về, để tiệc tùng quây quần bên nhau. Một lần nhóm chúng tôi ghi danh đi tour chơi vào lễ Tạ Ơn, vì đó là thời điểm được ngh làm lâu nhất. Tưởng là tour bị ế, vì ai cũng lo về đoàn tụ gia đình nhưng ngược lại tour trở thành đắt hàng nhất, với 2, 3 xe bus đầy khách.


Nguồn gốc của Lễ Tạ Ơn từ nguyên thủy là để cảm ơn Thượng Đế đã ban cho vụ mùa bội thu, cám ơn những người dân bản xứ đã mở rộng vòng tay giúp đở những người di dân còn “lạ nước, lạ cái”. Lâu dần về sau là dịp để mọi người cám ơn nhau, cám ơn gia đình ông bà, cha mẹ, anh em bạn bè. Lễ Tạ Ơn thường được tổ chức với gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui, và nhất là một bữa tiệc tối, gia đình sum họp ăn uống vui vẻ. Đây là một ngày quan trọng cho đời sống gia đình, nên dù ở xa, con cháu thường về quây quần với gia đình. Đó là một ngày họp mặt gia đình đầy ý nghĩa . Nói tới họp mặt nhân ngày lễ Thanksgiving mà không nói đến món Gà Tây là một thiếu sót, vì nó là món chính của bữa tối mừng Lễ Tạ Ơn, nên đôi khi ngày Tạ Ơn còn được gọi là Ngày Gà Tây. Hằng năm vào dịp này có hằng trăm triệu con gà tây phải “hy sinh” lên “ngồi” trên bàn tiệc.

( ... )

Sau này ở Mỹ, nhân dịp Lễ Thansgiving, trường cho mỗi người một con gà tây. Nhớ lại kỷ niệm xưa, tôi không biết làm gì với nó, bèn đem ra tiệm Tàu nhờ quay. Tốn thêm tiền mà ăn cũng chẳng ra gì. Từ đó về sau thôi thì “Ta về ta tắm ao ta” cứ ăn gà ta đi bộ là ngon và chắc ăn nhất.

Ngày nay không chỉ có người Mỹ, mà những thế hệ di dân tiếp nối, đều có truyền thống làm Lễ Tạ Ơn mỗi năm. Tinh thần “Tạ Ơn” này đã thấm dần vào mạch máu những người dân sống trên đất Mỹ. Nhìn quanh tôi thấy có rất nhiều điều cần để Tạ Ơn.

Trước hết Tạ Ơn vì đất nước này đã bao dung, giúp đỡ tạo cơ hội thăng tiến và thành công cho rất nhiều gia đình Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Hồi tưởng lại sau một thời gian vật lộn với cuộc sống mới để gia đình có một cuộc sống tương đối ổn định. Tôi bắt đầu quay trở lại trường để đi học vì lời một người bạn nhắc nhở : “Đất nước này luôn mở rộng cơ hội cho mọi người, nếu muốn ngóc đầu lên thì phải chịu khó đi học lại”. Thế là tôi mày mò hỏi thăm đường đi tới trường college, học cách lái xe trên Freeway, rồi bỡ ngỡ tới trường với bao điều mới lạ. Nhưng bù lại đi tới đâu tôi cũng đều nhận được sự ân cần giúp đỡ và khuyến khích. Cái khó khăn của tôi là đi học lại khi không còn trẻ nữa, vốn liếng tiếng Anh lại ít ỏi, đã vậy lại còn phải đi làm full time. Điều làm tôi ngạc nhiên khi được biết nếu học full time sau khi pass được một semester, tôi lại được hưởng một số tiền khá nhiều gọi là Finance Aid. Lúc bấy giờ lòng nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, người thân... vẫn còn là một thiết tha lớn trong lòng. Do đó những khi gặp khó khăn, nản lòng muốn bỏ học, nhưng nhớ tới số tiền nhận được có thể giúp tôi cuối năm học làm một chuyến về thăm quê hương, khiến tôi phấn chấn lên. Nó chính là động lực lớn thôi thúc tôi rán lên vì một công việc mà có tới hai mục đich : vừa thăng tiến bản thân, vừa được về thăm quê hương gia đình.

Có lẽ chỉ có ở nước Mỹ tôi mới có hoàn cảnh và điều kiện quá tốt như thế. Do đó mỗi năm đến ngày Lễ Tạ Ơn, bồi hồi nhìn lại một chặng đường dài sống ở nước Mỹ, trong lòng tôi lại dâng lên nhiều cảm xúc với lòng biết ơn một đất nước đã cưu mang gia đình tôi cùng rất nhiều gia đình Việt Nam khác. Chúng tôi không chỉ được hưởng không khí Tự do mà còn có một đời sống quá đầy đủ, nếu so với đồng bào tôi ở quê nhà. ( ... )



Phượng Vũ
(Mùa Tạ Ơn – 11/26/2019)

_________________________

1 comment: