Tuesday, February 2, 2021

Cám ơn hay cảm ơn

Vương Trung Hiếu 


Thời nhỏ, thỉnh thoảng tôi nghe mẩu đối thoại vui như sau:

- Cám ơn anh (chị)!

- Lấy “ơn” thôi, bỏ “cám” cho… heo ăn!

Tôi cũng đã từng cám ơn người khác và “bị” nghe câu nói đùa tương tự như trên. Lúc ấy tôi hơi bị sốc, song chỉ nghĩ rằng do “cám” trong “cám ơn” đồng âm với loại “cám” cho heo ăn. Suốt một thời gian dài tôi đã sử dụng từ “cám ơn” kể cả khi nói lẫn viết, nhưng bây giờ tôi lại thích dùng từ… “cảm ơn” hơn. Vì sao? Chúng ta biết rằng cả hai từ “cảm ơn” và “cám ơn” đều có nghĩa giống nhau: tỏ ra sự biết ơn những gì người khác làm cho mình. Từ này có thể dùng trong ngữ cảnh tỏ ra lịch sự hoặc từ chối. Thí dụ khi có ai mời cơm, ta nói: “Cám ơn anh/chị, tôi ăn rồi ạ” (hay “tôi no rồi ạ”).

Trong Hán ngữ, không có từ “cám/cảm ơn”, chỉ có từ “cảm ân” 感恩, có nghĩa là “cảm kích ân huệ”. Cảm 感 (động từ) có nghĩa là “mang trong lòng niềm ơn, biểu thị sự mang ơn với người khác khi kết hợp với từ “ân” 恩 (danh từ) – còn đọc là “ơn” trong tiếng Việt.

Trong Hán ngữ có chữ “cám” 紺 (tính từ): “màu đỏ tím” hay “xanh sẫm có ánh đỏ” và “cám” 贛: (động từ): “tặng cho, ban cho”. Cả hai từ này đều không liên quan gì với khái niệm “cám/cảm ơn”.

Trong chữ Nôm, có hai cách viết: “cám ơn” 敢 恩 và “cảm ơn” 感恩. Phân tích “cám ơn” 敢 恩 ta thấy: người Việt xưa đã mượn từ “cảm” 敢 trong Hán ngữ để tạo ra từ “cám” 敢 đọc theo tiếng Việt. Tuy nhiên, từ “cảm” 敢 này có nghĩa là “gan dạ, không sợ hãi” (tính từ), nó còn những nghĩa khác, chẳng liên quan gì tới nghĩa của chữ “cám ơn”. Nói cách khác, cha ông ta chỉ mượn chữ Hán “cảm” 敢 để tạo chữ Nôm “cám” 敢 chứ không mượn nghĩa. Nhưng trong từ “cảm ơn” 感恩, chúng ta thấy rằng người Việt xưa đã mượn nguyên xi chữ “cảm” 感 trong Hán ngữ để tạo ra chữ Nôm “cảm” 感 có cùng nghĩa như trong Hán ngữ. Xét những yếu tố trên, có thể khẳng định rằng “cảm/cám ơn” xuất phát từ chữ “cảm ân” 感恩 trong Hán ngữ. Lâu ngày người Việt đọc trại chữ “ân” thành “ơn” trong “cảm/cám ơn”.

Có quan điểm cho rằng người miền Bắc thường dùng từ “cảm ơn”, còn người miền Nam lại thích sử dụng “cám ơn”. Điều này có lẽ đúng. Tuy nhiên, vào nửa đầu thế kỷ XX, nhà văn Hồ Biểu Chánh, một tác giả viết rặt giọng Nam bộ, vẫn viết là “cảm ơn”. Thí dụ: “Bà chủ đáng cha mẹ, bà có lòng thương tôi nên xuống thăm, thì tôi đã cảm ơn lắm rồi, mà bà còn đi lễ vật nữa, thiệt tôi ái ngại hết sức” (trích tiểu thuyết Bỏ vợ, chương 4, NXB Vĩnh Hội, 1938). Như vậy, có cơ sở để nghĩ rằng từ nửa đầu thế kỷ XX, người miền Nam vẫn sử dụng từ “cảm ơn”, về sau mới biến đổi thành “cám ơn”.

Do đó, theo tôi, cách dùng từ chính xác nhất, chuẩn mực nhất chính là “cảm ơn” chứ không phải là “cám ơn”, cho dù “cám ơn” là từ đã quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.

Vương Trung Hiếu
(Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)

Bài hay xin mạn phép copy 

_________________________________________

No comments:

Post a Comment