Thursday, February 4, 2021

Xuân 2021 - Nhớ về xuân xưa..

Nguyễn Hằng Thuý Nga


Ảnh: Nguyễn Hằng Thuý Nga
Tết tới ai cũng bồi hồi nhớ quê, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ những đêm canh nồi bánh chưng hay những buổi đi chợ xuân sắm sửa cho gia đình một ngày mấy bận. Riêng mình thì mấy hôm nay cứ hỏi thăm mẹ và các bác của mình là chợ có đông không, mọi người bán củ kiệu được nhiều không, mấy đứa nhỏ bán lèo thèo cứt chuột cúng ông Công ông Táo còn đi bán dạo không. Mình nhớ quê mình, nơi mà 30 cái tết mình đều lang thang ngoài chợ.

Hồi nhỏ nhỏ, mẹ mình bán đồ la ghim. Mình nhớ tới trưa 30 là mẹ với các bác, ông ngoại nữa, mọi người chỉ đẩy mấy cái mâm với mấy cái thau trống về thôi, trên xe đạp thì treo lủng lẳng mấy cây cải bắp sú còn nguyên lá xanh với mấy cây bông cải trắng Đà Lạt. Hỏi ra thì mẹ nói 30 tết, bán hết sạch đồ rồi, mặt ai cũng rạng rỡ.

Lớn lên chút xíu, 7 tuổi là mình biết đạp xe đi giao thơm cho mấy bà bán trái cây dạo trong xóm, sáng biết dậy từ 5h để rửa củ cải và củ cà rốt cho mẹ. Hồi đó đồ la ghim toàn lấy từ trên Đà Lạt về, rửa toàn sình đất đỏ bazan. Mình phải đi xách nước ở góc chợ lên đổ ngập cái thau to chừng 50 lít, rồi lấy bàn chải sạc, sạc tới đâu màu trắng của củ cải nó lòi ra tới đó, xong việc là có đống củ cải trắng tinh thơm nồng với đống cà rốt đỏ tươi. Hành củ tím thì mình tết lại thành chùm treo lủng lẳng. 

Xong việc ở chợ là mẹ cho tiền lên bà Hạnh trên hàng ăn mua bánh canh cá lóc bột gạo lềnh ăn, mình khoái chan nước mắm ớt mặn vô ăn xong uống ly nước trà đá của bà. Rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà để cắt dưa cải muối. Trúng đợt dưa ngon thì khỏe, chứ gặp bữa trời mưa dưa nó úng thì thôi cái mùi nó thúi không chịu nổi, phải tách từng bẹ ra rồi khoét mấy chỗ úng đi. Mỗi ngày mẹ muối mấy chục khạp dưa, mình phải cắt và rửa cho sạch, có đợt dưa sâu, sâu nó nổi lềnh bềnh trên mặt thau nước, mình chả sợ sâu là vì vậy. Làm xong mấy mẻ dưa là tay mình nhăn nheo luôn, riết mà mình thấy ngán dưa cải muối. 


          Ảnh: Nguyễn Hằng Thuý Nga
Trời thương nên gian hàng của mẹ mình lúc nào cũng đông nhất nhì chợ. Ngày tết mẹ mình đi chợ đầu mối 3 - 4 lần một ngày, giá cả lên xuống thất thường. Mẹ nhiệm vụ đi chợ, xe lam chở hàng vừa về tới là có mình với bác ba mình đợi sẵn, ào ra khiêng đồ vô sạp chất. Nhớ hồi đó chợ tết nó đông, mình hai tay xách hai bịch khoai tây là 30kg, cứ đi phăng phăng, hết khoai rồi tới cà rốt củ cải, củ hành, bắp cải thì ôi thôi cả chục cái cần xé. Hai tay mình nó chai sần luôn, đầu tóc rối bù mùi rau củ. Cứ quần quật như vậy suốt 3 ngày tết. Tới trưa 30 đếm tiền là biết nhà mình thắng lớn hay không.

Còn củ kiệu thì mẹ mình bán đổ đống to như đống núi, hồi xưa chỉ có kiệu Huế là ngon và được ưa chuộng, sau này thì kiệu Phan Rang củ to chắc lại được người ta mua nhiều hơn, ngày mẹ mình bán cả tấn củ kiệu, thuê cả xóm lại cắt cho mẹ bán. Nhiệm vụ của mình là chở đi giao cho người ta. Hồi đó nhà nào cũng đông con, kiệu muối người ta mua lần ít cũng chục ký, nhà nào đông hơn là 50-70kg là bình thường. 

Năm học lớp 7 mình được mẹ giao cho 1 sạp bún riêng. Sáng 3h30 là mình dậy dọn hàng, cân bún và hủ tiếu mình bán cho mấy cô bán đồ ăn sáng. Tới 7h dọn hàng là chạy ù về đu học. Bởi vậy mình đi học trễ riết dù nhà sát trường. Mình duy trì gian hàng riêng tới hết năm lớp 10 thì bỏ nghề vì việc học chiếm thời giờ nhiều quá. 

Ngoài chuyện buôn bán ở chợ thì mẹ còn có bỏ mối hàng cho xí nghiệp giày da. Hồi mới bỏ, họ đặt mua gì cũng bắt nhà mình sơ chế qua. Mua đậu que bắt tước chỉ, mua khoai môn bắt cạo vỏ, ngứa thấy mụ nội, mình đốt đèn cầy vừa cạo vừa hơ tay cho bớt ngứa. Bán riết mà từ 1 cái xí nghiệp nhỏ, họ thành 3 cái xí nghiệp, xong về sau họ mua hẳn đất trong khu công nghiệp xây 1 nhà máy to. Đó cũng là cty đầu tiên sau khi mình tốt nghiệp đại học vô làm.
 
Càng về sau này, chợ tết càng buồn, càng vắng. Xưa bán chợ tết xong là nghỉ tới tận mùng 6 mới ra bán lại. Riết rồi họ không nghỉ ngày nào, chợ lúc nào cũng có nên người ta không mua trữ đồ nữa. Thêm giờ có dịch vụ bán online ship tận nơi, rồi con người ta giờ cũng sống vì nhiều nhu cầu khác hơn là nhu cầu ăn uống, chợ tết giờ không khác ngày thường mấy nữa. Mình chứng kiến bao thăng trầm ở cái chợ quê đó.

Hồi xưa người ta nhường nhau cái chỗ ngồi, giờ thì thuê mặt bằng tính từ viên gạch, kê bao nhiêu mâm là tính bấy nhiêu tiền. Thế hệ ông bà mình ở chợ đó đã lần lượt theo ông bà hết rồi. Thế hệ của mẹ và các bác mình cũng phần nhiều là về hưu rồi. Còn các bạn của mình, đứa thì đi làm cty, đứa thì lập gia đình xa, còn số ít một vài đứa bám trụ lại chợ nối tiếp nghiệp buôn bán của cha mẹ nó. Mỗi lần mình ra chợ gặp lại bạn cũ thì trăm ngàn câu chuyện nó ùa về. Mình nghe bạn than bán buôn ế ẩm mà mình đau lòng. Hiện đại quá cũng chưa hẳn là hay. Đôi lúc thấy đau đau làm sao đó, thương cho những mảnh đời nơi chợ nghèo.
 
Bác mình cả thanh xuân bán buôn ở chợ, bán tới giờ lưng còng tóc bạc và lẫn đẫn lãng đãng, quên mặt con cháu chứ từng góc chợ thì không quên. Con nhớ bác quá, bác Tốn ơi! 

P/S: bác Tốn là người chị gái duy nhất của mẹ mình. Bà ngoại mất sớm, bác thay bà ngoại nuôi mẹ mình. Ba mình mất sớm, bác xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua cho mình miếng thịt mỏng nấu cháo, cả nhà nhường phần thịt ấy cho mình. Bác chăm mình còn nhiều hơn mẹ chăm mình. Tới lớn đi học, cứ níu áo xin tiền bác, xin không được thì mượn. Bác bán chẳng được bao nhiêu nhưng cứ có dư đồng nào lại dấm dúi cho mình hết. Giờ bác lẫn rồi, chả nhớ ai, cứ ngồi nói bâng quơ, ở suốt trong nhà. Cuộc đời bác mình không có mấy ngày hạnh phúc. Mình thương bác như mẹ mình. Giờ bác già rồi, đi cũng không nổi, ăn cũng chẳng được. Đời bác chẳng có mấy ngày vui!

Nguyễn Hằng Thuý Nga
Vườn Việt USA

___________________________________________

No comments:

Post a Comment