Sunday, March 20, 2022

Thờ Cúng Tổ Tiên

 Nguyễn Đình Tính



Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng lâu đời của dân tộc VN. Cho dù ai đó có theo chủ nghĩa vô thần thì cũng vẫn thờ cúng tổ tiên. Nói rằng theo đạo “Thờ Ông Bà” thì có hàm í là không theo đạo (tôn giáo) nào hết. Chữ “đạo” trong Đạo Thờ Ông Bà ở đây không phải là tôn giáo, mà việc thờ cúng ông bà là một thể hiện đạo đức, là sự nhớ ơn, một lễ nghĩa hết sức tốt đẹp của con người. Khác với tôn giáo là phải có đức tin mà có thể không lí giải một cách lô gích được.

Bởi vì trước hết có tổ tiên thì mới có ta được. Rồi tổ tiên tạo ra cơ nghiệp, khi chết thì cũng để lại cho con cháu chứ đâu có mang theo qua thế giới bên kia. Tổ tiên khó nhọc làm ra nhiều thứ để lại lợi lộc cho đời sau. Như hồi tôi đi tham quan đền Angkor bên Kampuchia, thấy phải mua cái vé vào cổng mấy chục đô la, ngẫm ra người dân KPC có phước, tổ tiên họ làm ra giờ họ ngồi chơi hưởng lộc.

Hồi các giáo sĩ Tây phương qua xứ ta truyền giáo, họ rập khuôn châu Âu. Hễ ai theo đạo Thiên Chúa rồi thì phải dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên. Việc này làm cho người theo đạo bứt rứt lắm, thấy như có tội với tổ tiên. Đến năm 1964 thì Vatican đã nhận ra điều này nên có cho phép tín đồ Thiên Chúa Á Đông được thờ cúng tổ tiên theo truyền thống. Rồi năm 1974, Hội đồng Giám mục VN đã có hướng dẫn cụ thể việc thờ cúng tổ tiên, cũng cho thắp hương, quì lạy bàn thờ, … chỉ không cho một số việc mang tính mê tín như đốt vàng mã, …

Việc thờ cúng tổ tiên thể hiện ở mấy điểm. Thứ nhất là trong nhà phải có bàn thờ tổ tiên. Thứ hai là tổ chức cúng giỗ vào kỉ niệm ngày chết hằng năm theo âm lịch. Những người đã chết lâu, qua nhiều đời cháu chắt thì sẽ cúng giỗ chung hằng năm vào một ngày gọi là Tế hiệp. Thứ ba là cúng vào những ngày Tết (chiều ba mươi cúng rước, chiều mùng ba cúng đưa). Thứ tư là tảo mộ hằng năm. Thứ năm là khi làm đám cưới thì phải trình tổ tiên. Và còn gì nữa thì tôi không nhớ hết …

Nói về bàn thờ tổ tiên thì tùy theo hoàn cảnh từng nhà mà có qui mô khác nhau. Ít nhất là phải có một bát nhang, một tấm ảnh (hoặc bài vị) thờ. Bàn thờ (án thờ, ở trong Nam thì dùng tủ thờ, còn nhà nghèo thì có khi chỉ là cái trang thờ gắn trên vách tường) được đặt trong phòng khách hoặc có phòng thờ riêng. Nhà gia thế thì có thể có nhiều bàn thờ sắp thành một hàng; rồi phía trên còn có khám thờ như ở từ đường họ nhà tôi.

Nhà cha má tôi thuộc hạng trung lưu thì tuy chỉ có một bàn thờ nhưng khá trang trọng. Cha tôi kể là cha đã sắm đồ thờ từ khi chưa có nhà riêng, khi xây được nhà riêng rồi là có bàn thờ ngay. Cái án thờ làm bằng gỗ tốt, chạm trổ rất đẹp. Tiếc là hồi chuyển nhà vào Nam, nhà tôi bán hết đồ gỗ, vô SG mới mua cái tủ thờ chẳng ra gì. Trên bàn thờ bày phía trước một “bộ ngũ” 5 món bằng đồng, 2 bên ngoài là cặp đèn để cắm đèn cầy. Sau này có lúc đèn cầy mắc quá nên má tôi mua 2 cái đèn đốt bằng dầu hỏa làm bằng đồng giả làm đèn cầy cũng đẹp. Tiếp theo là 2 cái bình, cắm vào đó mấy món linh tinh như cái quạt lửa, đôi đũa dùng gắp trầm, … (tất cả đều bằng đồng). Ở giữa là cái lư đồng. Nó dùng để đốt trầm, nhưng trầm mắc nên tôi chưa thấy lư nhà tôi bỏ trầm vô đốt bao giờ. Ba món giữa thì đặt trên một cái bục gỗ khảm xà cừ, có dạng như 3 hòn núi nên gọi là “tam sơn”. Bộ ngũ này để một thời gian thì nó mờ đi nên gần đến Tết là phải lấy xuống đem chùi tro cho sáng bóng.

Tiếp theo phía sau cái lư hương là một bức bình phong bằng gỗ cũng khảm xà cừ cảnh vật gì đó. Hai bên, bên phía tay phải từ ngoài nhìn vào đặt một bình hoa, bên tay trái là cái cổ bồng trên đặt cái dĩa đựng trái cây. Sau lưng bức bình phong là bát hương, một cái đèn dầu nhỏ. Có mấy cái tách trà, khi cúng giỗ sẽ rót nước trà vào. Cách một khoảng trống, sát phía sau là cái bài vị nằm giữa, 2 bên là vài cái di ảnh người mất. Còn có thêm một chồng chén ăn cơm, loại chén kiểu bằng sứ mỏng tang. Một ống đựng đũa trong có cắm nhiều đũa bằng gỗ mun. Những thứ này là đồ thờ, ý là để ông bà dùng chứ người sống không được đụng vào.

Về mặt tâm linh thì bàn thờ là nơi trú ngụ của linh hồn tổ tiên. Hồi nhỏ thì tôi cũng tưởng như vậy. Tôi nhìn cái bài vị trên bàn thờ cảm thấy nó huyền bí lắm. Nó là một cái hộp gỗ dựng đứng, chạm khắc tinh xảo, có mấy cái khe thông hơi. Anh tôi nói ông bà mình chết thì thu nhỏ lại rồi vô đó ở. Tôi thấy tội nghiệp cho ông bà ở trong đó thấy ngột ngạt và chắc là buồn lắm. Ngày cúng giỗ, tôi có nhiệm vụ là bưng thức ăn từ nhà bếp lên đặt trên bàn thờ. Có lần khi cúng tôi thử đứng canh xem ông bà mình bước ra ăn sẽ như thế nào. Nhưng tất nhiên là tôi không bao giờ thấy. Sau tôi nghĩ hay là ông bà mình thấy mình đứng đó nên ngại không ra, vậy thì mình phải tránh ra chứ ông bà không ăn được thì tội lắm.

Cái bài vị đó không bao giờ mở ra. Nhưng sau này khi cha má tôi mất rồi, tôi có mở ra thử thì thấy trong đó là những cái thẻ bằng gỗ được lồng ghép vào nhau rất tinh vi. Trên thẻ có khắc chữ Hán nét chữ rất đẹp. Tôi không rành chữ Hán nên cũng không đọc được nó nói gì.
Cái bàn thờ mang í nghĩa linh thiêng như vậy. Má tôi lúc về già có hướng theo đạo Phật. Bà muốn làm một cái trang thờ Phật phía trên bàn thờ nhưng cha tôi không cho. Cha tôi nói ông bà mình không theo đạo Phật nên không đặt Phật lên trên được. Vì vậy má tôi làm cái trang thờ Phật ở bên cạnh thôi.

Nói về việc cúng giỗ thì hồi còn sống, ngoài cúng giỗ cha mẹ, ông bà nội ngoại; cha má tôi còn cúng giỗ một vài người thân mà cha má tôi yêu mến nhưng chết sớm không có con cái. Ví dụ như cô Bảy tôi là em ruột của cha mất lúc khoảng 17, 18 tuổi khi chưa có chồng; hoặc ông Ấm là chú ruột cha, tuy đã có vợ nhưng chưa kịp có con đã mất, chắc là vợ của ông cũng có làm giỗ nhưng cha tôi thương chú nên cúng riêng. Vì vậy mà nhà tôi hầu như tháng nào cũng có giỗ, chỉ mệt cho má tôi phải nấu nướng. Nhưng má tôi giỏi, nấu nướng rất nhanh.

Má tôi có quan niệm cúng giỗ là cúng cho người mất, nên má tôi làm các món ăn cúng là theo í thích của người được cúng khi còn sống. Ví dụ giỗ bà nội của má thì thế nào cũng cúng bánh xèo vì bà thích bánh xèo; hoặc giỗ bà ngoại thì cúng tôm cá hải sản vì bà ngoại sinh thời cữ ăn thịt con có lông, … Còn tôi thì quan niệm cúng thức ăn chỉ là hình thức kính nhớ, chứ chết rồi thì còn ăn gì nữa. Vì vậy mình nên cúng thứ mà mình thích ăn vì rõ ràng là mình sẽ phải ăn chứ đâu có bỏ.
Tôi là người theo khoa học, không thích chuyện tâm linh. Nhưng đôi khi cũng thấy có những trùng hợp thú vị. Tôi xin kể như sau:

Theo gia phả dòng họ ghi thì ông tổ họ nhà tôi gốc ở Hà Thanh, Nghệ An. Nhưng sau thì vùng này chuyển sang địa phận Hà Tĩnh. Trong gia phả không nói về thời gian, nhưng suy từ các đời đã kê ra thì ông tổ họ nhà tôi vào Bình Định lập nghiệp khoảng thời Chúa Hiền cuối thế kỉ 17, tức khoảng hai trăm năm sau khi vua Lê Thánh Tôn lấy thành Đồ Bàn của Chiêm Thành và lập phủ Hoài Nhơn (năm 1471).

Có lần tôi đi công tác. Một buổi chiều chúng tôi đi xe từ Hà Tĩnh ra Vinh. Khi xe chạy đến gần thị xã Hồng Lĩnh thì tôi đã thấy núi Hồng Lĩnh trước mặt. Tôi bỗng nhớ đến đoạn cuối của gia phả có nhắc đến ngọn núi này (Tổ tiên ta ở chân núi Hồng Lĩnh …). Tôi bồi hồi với tâm trạng của một người hồi hương. Bỗng thình lình xe bị nổ bánh phải dừng lại. Mọi người xuống xe để tài xế thay bánh xơ cua. Tôi bước xuống xe mà thấy trong lòng thổn thức, tự nghĩ sao xe lại nổ bánh ngay đây. Tôi nhìn xung quanh, hít thở không khí và cảm nhận một điều gì đó thật linh thiêng. Tôi tưởng tượng giống trong phim “Hồn ma” đoạt giải Oscar năm nào; thấy như là tổ tiên đang vây quanh mình, nhìn ngắm đứa hậu duệ ở phương xa lần đầu đặt chân lên đất tổ. Mọi người lúc đó tranh thủ đi vệ sinh nhưng tôi thì làm vậy sao được. Rồi nước mắt tôi lăn dài, khiến cho bạn đồng nghiệp tôi hỏi tôi làm sao vậy. Tôi chỉ lắc đầu nói không có gì, chứ tôi mà giải thích thì cũng chẳng ai đồng cảm.

Tuyết Vân chuyển tiếp

________________________________

No comments:

Post a Comment