Wednesday, April 17, 2013

AUTUMN IN MY HEART

                     Đinh Tấn Khương 

 



Autumn in My Heart cũng còn được biết là Autumn Fairy Tale là một bộ phim truyền hình lãng mạn Hàn Quốc 2000, các  diễn viên chính là Song Seung-heon, Song Hye-kyoWon Bin, được phát sóng trên hệ thống phát thanh truyền hình Hàn Quốc (KBS) từ ngày 18  tháng 9 đến ngày 07 tháng 11 năm 2000 vào mỗi tối thứ Hai và thứ Ba gồm 16 tập phim. Bộ phim đã rất thành công ở Hàn Quốc, đạt được một lượng người xem cao nhất 46,1%.

Câu chuyện bắt đầu với
đứa bé trai tên là Yoon Joon-suh , cùng ông bố vào bệnh viện thăm mẹ và đứa em gái vừa mới sinh. Trong lúc ông bố chạy đi lấy camera thì cậu bé đã đẩy cửa lẻn vào “phòng em bé” của bệnh viện và làm rơi hai tấm bảng ghi tên được máng trên nôi của hai em bé. Lúc ấy một cô y tá bước vào, nhặt hai bảng tên ở dưới đất lên và đặt chúng trở lại nhưng không chính xác. Hậu quả dẫn tới một sự tráo đổi gia đình giữa hai đứa bé, trong đó có đứa em của Yoon joon-suh.
Tiếp nối câu chuyện là mối liên hệ tình cảm ở độ tuổi vị thành niên của hai nhân vật chính: Yoon Eun-suh (Moon Geun-young) và Yoon Joon-suh (Choi Woo-hyuk). Họ đối xử, dành tình cảm cho nhau như  anh em ruột, ngay cả cha mẹ của họ cũng tin như vậy mãi cho đến khi Eun-suh bị một chiếc xe tải gây thương tích và cần được truyền máu thì mới vỡ lẽ.
 
Ở trường, Eun-suh là một học sinh được nhiều người biết đến và đối thủ chính của cô là Choi Shin-ae (Lee Ae-jung) , Shin-ae là một cô bé thông minh, nhiều tham vọng  nhưng không được tín nhiệm bởi các học sinh khác.
Shin-ae mới đúng thật là em ruột của Youn Joon-suh, nhưng do sự tráo đổi vô tình trước kia, Shin-ae được bà Choi, một người đàn bà đã trải qua những tháng ngày khốn đốn vì căn bệnh bất trị dẫn đến cái chết của người chồng, Thêm vào biến cố nầy là đứa con trai lớn của bà trở thành du đảng đã đẩy bà Choi tới một hoàn cảnh không lối thoát về vật chất cũng như tinh thần!
Bởi hoàn cảnh nghèo khổ của  gia đình, với tính tình bất thường của người mẹ, sự hiếp đáp của người anh trai cũng như những thua thiệt ở nhà trường đã biến Shin-ae trở thành một đứa bé mang đức tính “ganh tỵ” & “vô cảm”!?

Tình huống của họ được đảo ngược khi sự chuyển đổi được phát hiện. Cuối cùng, hai cô con gái đã phải quay trở về với cha mẹ ruột của họ. Shin-ae được chuyển về với gia đình Yoon, Eun-suh trở về sống với bà Choi, chủ một cái quán nhỏ tại một xóm chài nghèo.

Để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống về mặt tinh thần, nhất là đối với bà Yoon, ông Yoon đã quyết định  di chuyển gia đình đến Hoa Kỳ, từ đó Eun-suh  đã mất liên lạc với họ.

Câu chuyện tiếp nối là những chuỗi ngày sóng gió bắt đầu sau lần Joon-suh từ Mỹ quay về, bởi mối tình lẫn lộn và éo le của Joon-suh (Song Seung-heon)  dành cho Eun-suh (Song Hye-kyo), cũng như  trách nhiệm, bổn phận (của người chồng tương lai) dành choYumi, bên cạnh đó là tình yêu vô vọng của Han Tae-seok (Won Bin), đối với Eun-suh.
Câu chuyện đã làm rơi lệ cho rất nhiều khán giả hâm mộ bộ phim mà kết thúc không được coi là một “happy ending”!

******
Có lẽ, chúng ta cũng không  thể nào quên được chuyện tình éo le của Romeo & Juliet, câu chuyện xảy ra ở Verona  của nước Ý. Ngày nay, nếu du khách tới Ý theo chương trình du lịch thường  được giới thiệu về căn nhà mang số 23 Via Capello, căn nhà của Juliet. 


Căn nhà của Juliet  (Verona)

 Tại Việt Nam, Đồi thông hai mộ ở Đà Lạt cũng đã trở nên nổi tiếng, một phần bởi cánh rừng thông bạt ngàn cùng với câu chuyện tình bi ai, cảm động của một đôi nam nữ, anh Vũ Minh Tâm & chị Lê Thị Thảo. Câu chuyện tình của họ đã trở thành sự tích của cái tên “Đồi thông hai mộ”. 
Chẳng biết câu chuyện này có liên hệ gì đến tập truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của tác giả Tùng Giang hay không, mà tôi vẫn còn nhớ mấy câu mở đầu như sau:

“Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ
Anh của em yêu quí suốt đời
Anh đi mù mịt xa khơi
Phượng hoàng tung cánh phương trời mãi bay”

Có lẽ là không rồi, vì nhân vật trong truyện thơ là Đinh Lăng và Mỵ Dung chứ không phải là Vũ Minh Tâm và Lê Thị Thảo!?

  Ngôi mộ của Vũ Minh Tâm và người yêu Lê Thị Thảo

Du khách đến Ý thì thường được giới thiệu chương trình viếng thăm ngôi nhà của Juliet, tới Đà Lạt thì được mời đến thăm “Đồi thông hai mộ” và tới Hàn quốc thì sẽ có chương trình viếng thăm phim trường của bộ phim "Autumn in my heart" tại Abai-maeul.

Phim trường bao gồm cái quán của bà Choi nằm ở một xóm chài nghèo bên cạnh bờ sông, cái bờ sông ngăn cách hai cuộc sống khác biệt giữa nghèo & giàu rất rõ nét, du khách cũng nhìn thấy hai chiếc phà dùng để đưa người qua sông được sử dụng trong bộ phim nầy. Bước vào căn quán ọp ẹp, trên tường của căn phòng phía sau, có dán bức ảnh của nữ tài tử ,Song Hye-kyo
, hai bên tường và trần nhà của căn phòng chạy dài từ sau ra trước cũng thấy dày đặc những lưu bút hay là những chữ ký của khách viếng, điều nầy cho thấy được mức hâm mộ của khán giả đối với bộ phim Autumn in My Heart là như thế nào!?




Hàng quán  và cũng là nhà của mẹ con  bà Choi ở xóm chài


                           
Các bức tường phòng sau dày đặc lưu bút và chữ ký của du khách



Phòng phía trước, trên tường và trần nhà cũng dày đặc lưu bút và chữ ký của du khách


   ********


Trong ba câu chuyện tình vừa kể bên trên, theo nhận xét của riêng tôi thì câu chuyện trong bộ phim “Autumn in my heart” có giá trị giáo dục cao vì ngoài “câu chuyện tình éo le” và một “kết thúc buồn” giống nhau, nhưng bộ phim nầy còn tải đi một thông điệp về tính "nhân bản” cũng như yếu tố “hình thành nhân cách” của một con người.

Tính “nhân bản” được nêu bật trong bộ phim đó là, tình càm (tận đáy lòng) của hai người mẹ đối với hai đứa con (con đẻ và con nuôi).
Có lẽ nhiều người xem sẽ thắc mắc tại sao bà Yoon lại dành tình cảm cho Eun-suh nhiều hơn là cho Shin-ae dù đã biết được Shin-ae là con ruột của mình!

Nếu bà Yoon quay mặt với Eun-suh, chuyển tình yêu thương của một người mẹ sang Shin-ae thì đó chỉ là lẽ thường tình, như hầu hết những bậc phụ huynh khác mà thôi!?

Tình yêu thương mà bà Yoon dành cho Eun-suh là chuỗi kết nối của những tháng ngày chung cùng với nhau, ngần đó tình cảm được nuôi dưỡng và lớn dần. Bà Yoon đã không chỉ dành riêng tình yêu thương cho giọt máu của chính mình, bởi đã không nghĩ về những gì sở hữu riêng mình (cái của  tôi).

Còn bà Choi thì sao, mặc dù đã trải qua những tháng ngày khốn khó, cả về tinh thần lẫn vật chất, nhưng không vì thế mà bà lại chấp nhận giao đứa con ruột của mình (Eun-suh) cho người mẹ nuôi (bà Yoon) như được yêu  cầu với một món tiền trao đổi. Eun-suh cũng không vì muốn có một cuộc sống “nhung lụa” như trước đây mà lại quay mặt với người mẹ ruột (bà Choi) để tiếp tục sống trong gia đình bà Yoon như bà Yoon mong muốn. Và, Eun-suh lúc nào cũng luôn giữ tình cảm tốt đẹp đối với cha mẹ nuôi (ông bà Yoon).

Shin-ae là một hình ảnh tiêu biểu, đại diện cho lớp người có tài và nhiều tham vọng, Shin-ae đã dùng mọi thủ đoạn để mong đạt tới mục đích riêng tư. Khi trở về nhà cha mẹ ruột (ông bà Yoon), Shin-ae đã không hề dành chút tình cảm nào mà lại còn tỏ ra căm thù đối với người mẹ nuôi (bà Choi). Dĩ nhiên, sự căm thù đó cũng có cơ sở, bởi vì bà Choi đã đối xử với Shin-ae bằng bạo lực, nhưng dù sao thì đó là do hoàn cảnh đẩy đưa!? Đành rằng lúc còn tuổi thơ, Shin-ae chưa hiểu được, nhưng khi đã trưởng thành, đã đạt học vị cao như ước mơ..nhưng mà Shin-ae vẫn còn mang một mối hận đối với bà Choi, thật đáng trách!?

Câu chuyện cũng cho chúng ta thấy rằng, sự hình thành nhân cách của một con người không hoàn toàn quyết định bởi tính di truyền mà chính là môi trường sống chung quanh. Trong một môi trường (gia đình/xã hội) mà bạo lực được dùng để giáo dục, để răn đe..sẽ khiến cho người trong cuộc luôn nuôi dưỡng sự căm thù, trở thành ích kỷ và tàn nhẫn đối với người khác!?


Sydney, Autumn 2013
đinh tấn khương  ____________________________________

_______________________________________________________

3 comments:

  1. Đúng vậy, Môi trường sống rất ảnh hưởng tới nhân cách con người. Qua báo chí hằng này ở trong nước ta đọc được biết bao chuyện tình tiền, đoạt mạng, chém giết, thậm chí tạt acid để tàn phá dung nhan cho bỏ lòng ganh tức, ăn không được phá cho hôi, kể cả quay clip sex phổ biến, làm nhục nhau một cách tán tận lương tâm v.v. nói lên tính cách mù quán của tính chiếm hữu, lòng ích kỷ, tàn nhẫn của con người trong xã hội hiện tại.
    Ngày nay tìm đâu những tình yêu trong sáng, lãng mạn.?

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Thao Tran đã đọc bài viết và chia sẻ

    Trong cuộc sống "muôn màu", tham vọng quyền lực và chiếm hữu "cái của tôi" đã ảnh hưởng đến nhân cách sống của một con người, rất phổ biến!?

    Nhưng, thử xét qua cuộc sống của nhân vật Shin-ae, một cô gái thông minh, có tài và nhiều tham vọng..Thế mà, những gì Shin-ae đạt được trong cuộc sống, cuối cùng, cũng đã không hề mang lại hạnh phúc cho cô ta!?
    Với Shin-ae, tình yêu thương( gia đình hay xã hội)gần như nhạt mờ trước một nhân vật Eun-suh?

    ReplyDelete
  3. tôi cũng có xem qua phim "TRÁI TIM MÙA THU" này rồi, nhưng coi chưa hết phim thì cái hard drive bị hư mất. Nghe nói phim hay lắm vậy chắc tôi phải tìm xem lại phim này.
    Trong cuộc sống mình càng muốn chiếm hữu thì càng thất bại. Chúng ta nỗ lực, cố gắng nhưng phải chấp nhận chuyện được mất như một sự tự nhiên, số mệnh an bài, nhất là trong chuyện tình cãm, không ai thể chiếm hữu, đoạt lấy mà có hạnh phúc được.
    Xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thànhh nhân cách, sự suy nghĩ của mỗi người. Ở một xã hội mà phải tranh dành,chém giết đạp lên nhau để sống thì những chuyện "tôn trọng", "tư cách", "hy sinh"... hình như dần bị xoá sổ trong tự điển rồi./
    Mẫn.T

    ReplyDelete