Monday, March 19, 2018

Đời lãng quên ta hay ta lãng quên đời?

Quinhon11


Chiều qua, lúc đang ở nhà vợ chồng Dũng & Đoan ăn cơm thì có điện thoại của Mẹ tôi từ VN gọi thăm. Bà nói lâu lâu thấy nhớ nên gọi. Giọng bà có vẻ buồn và lạ, mẹ hỏi thăm như thường lệ, nhưng có một điều làm tôi suy nghĩ suốt đêm qua: với câu hỏi thằng cháu thứ hai của tôi là trai hay gái? Tôi trả lời xong thì vài giây sau mẹ tôi hỏi lại câu này, và cứ thế lập lại cũng 4-5 lần.


Bỏ phone xuống, trong lúc tôi đang có phần suy nghĩ thì bà gọi lại lần nữa, cũng lơ mơ quên trước nhớ sau. Hình như bà không nhớ là mới gọi tôi xong, nên gọi lần nữa?.

Thời gian vài năm gần đây, thì chị em trong nhà cũng mơ hồ là mẹ tôi bị lẫn nhiều. Nhưng sau cuộc nói chuyện hôm qua thì rõ ràng, căn bệnh lú lẫn của bà đã tiến triển nặng hơn trước nhiều lắm.

Ba mẹ tôi ở Mỹ được chừng 10 năm, thì nằng nặc đòi về VN sống. Cho là cuộc sống bên Mỹ buồn quá. 20 năm trước, hai ông bà sức khỏe còn tốt nên các con không ngăn cản, để ông bà làm theo ý mình. Mà có ngăn cản cũng đâu được, tính ba mẹ tôi muốn là làm.
Lúc đó, ông bà còn thỉnh thoảng đi đi, về về, giữa Mỹ và VN. Nhưng vài năm đổ lại đây, đã không còn sức cho việc này nữa. Ở lứa tuổi - Ông 90, bà hơn 80 - ông bà tuyên bố sẽ sống ở VN luôn và nghĩ rằng, ở VN bây giờ có nhiều nhà thương ngoại quốc tối tân, nên chắc đau ốm cũng không đến nỗi!

Nhưng sau nhiều lần đổ bệnh, đã biết nhà thương ở VN "tối tân hiện đại" như thế nào rồi, vậy mà cũng khó khăn lắm chị em chúng tôi mới thuyết phục và đưa được hai người qua Mỹ chữa bệnh.  Những tưởng qua mấy lần thập tử nhất sinh, ông bà sẽ ở lại Mỹ luôn để các con săn sóc. Vậy mà cứ khỏe lên một chút thì lại đòi về lại VN.

Nhiều lần như vậy, bà con, người quen không hiểu, cứ bảo sao: tụi bay để ổng bả về lại VN làm chi? giấu giấy tờ hết thì làm sao ổng bả đi được?. Không ít người lên tiếng chê trách chúng tôi bất hiếu, không lo cho Cha mẹ.

 Biết nói sao?. Lên tiếng phân bua không nhận lỗi về mình, chẳng hoá ra đổ lỗi cho Ba mẹ? Thế nên chúng tôi đành im lặng chịu đựng.

Có lẽ ít nhiều, mọi người cũng hiểu được sự trái chướng của người già. Nhưng sự trái chướng ở mỗi người có một mức độ khác nhau. Ba mẹ tôi tuy lớn tuổi nhưng trí óc tương đối còn sắc sảo. Nhớ có lần mấy đứa em cất giấy tờ không đưa ra, không cho về lại VN, mẹ tôi đã nổi loạn làm rầm, muốn bung nóc nhà. Chịu không được, các em tôi phải đưa lại giấy tờ, nhưng nháy nhau, nhất quyết không đứa nào chở đi mua vé máy bay. Không chịu thua, Ba tôi kiếm báo coi quảng cáo dịch vụ chuyên chở mướn, gọi họ tới nhà đưa đi mua vé máy bay, chuyến sớm nhất. 

Cầm lòng không đậu, không nỡ để Ba Mẹ về VN một mình, hai đứa em bỏ cả công việc để dẫn Mẹ về. Còn Ba tôi được năn nỉ ở lại thêm để chữa cái lưng đang đau không ngồi được. Các con hứa, chữa bịnh xong rồi sẽ dẫn về. Vậy mà bệnh chưa xong, Ba tôi lo mẹ tôi một mình, nên nóng ruột khăn khăn đòi về lại VN. Mấy đứa em chán quá, làm bộ lờ đi.. 

Vài hôm sau, đi làm về không thấy ông ở nhà. Lo lắng, sinh nghi em chạy thẳng ra chỗ bán vé máy bay ông thường mua, thì thấy ông đang có mặt ở đó với người tài xế. Thấy em, Ông nói lẫy:
- ba sẽ đi xa, các con không cần biết Ba đi đâu
Thật khổ, 90 tuổi, yếu đến gió cũng thổi bay, đi không nổi mà như con nít, còn hăm dọa đòi đi "giang hồ". Cuối cùng các em cũng phải kiếm vé thương gia, bỏ công việc, nhà cửa, chồng con, để hộ tống ông về lại VN, theo ý ông muốn.

Chuyện Ba mẹ tôi còn dài lắm, (The NeverEnding Story) kể chắc mấy ngày cũng không hết. Tôi nghĩ đây cũng là câu chuyện chung của những người già thế hệ xưa. Thế hệ mà bất cứ ai, dù từng lừng lẫy một thời, hay chân chất quê mùa, vẫn có chung một mẫu số: muốn sống ở quê hương, chết được vùi thây vào nấm đất mình từng chôn nhau cắt rún, bên cạnh ông bà, cha mẹ. Cứ lo chết ở xứ người, hồn lưu lạc chẳng biết nơi về! Ba mẹ tôi cũng như thế.

Bây giờ, mẹ tôi không hề biết rằng mình đang từ từ lãng quên mọi thứ. Cũng có thể bà mơ hồ nhận biết, nhưng không thay đổi được gì. Lần em gái về thăm vừa rồi, bà hỏi: 

Nếu má bịnh nặng, con có về đây nuôi má được không?

- Em trả lời thẳng thắn: "Không", Má chọn sống ở đây thì con đành chịu. Về thăm thì con cố gắng, nhưng về nuôi má thì không được, con còn chồng, còn con, còn cuộc sống của con ở Mỹ nữa, con không thể nào làm chuyện này được.

Mẹ nói: ừ, Mẹ hỏi để cho Mẹ biết vậy thôi.

Thật đau lòng, kiếp con người là vậy. Sinh lão bệnh tử, không ai tránh khỏi. Nếu thấu đáo phận người buồn nhiều hơn vui, cũng như lẽ trời đất không thiên vị một ai, ráng tập buông bỏ thì may ra những ngày cuối đời tâm trạng sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng không phải ai cũng làm được.

Bên hiên bóng xế, thấy cuộc đời bạc như vôi. Cứ nhân danh thời gian, chúng vươn những vòi độc dược, tàn phá hệ thần kinh lẫn thể xác con người. Như Mẹ tôi, chỉ không lâu nữa bà sẽ mất trí nhớ, sẽ quên tất cả, khôngcòn  nhận ra bất cứ ai. Thậm chí còn không biết là mình đang thở, đang sống.

Đến lúc đó, đời lãng quên ta hay ta lãng quên đời. Có gì khác nhau không nhỉ?

Quinhon11


______________________________

2 comments:

  1. Đọc bài này mình cũng thấy buồn lây. Chình bản thân mình khi mẹ còn sống đau yếu mình muốn chăm sóc cũng không được nên mình hiểu tâm trạng của QN. Có lẽ mỗi người đều có số phần đã định mình có muốn thay đổi cũng khong được.

    Gà Ta

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn chị Gà đồng cảm.

      Mấy hôm nay muốn gọi chị, nói chuyện về chị H mà bận quá - sẽ gọi soon.
      QN hiện bận làm họa sĩ, thấy vườn nhà sau một mùa đông có tuyết, cây cỏ tàn phai, rủ áo ra đi gần hết, muiốn cứu vãn nên có tham vọng (hay ảo mộng) vực dậy sức sống, nên "tối ý" tô điễm màu sắc cho mãnh vườn bằng cách sơn những chậu cây:xanh xanh, đỏ đỏ trẻ nhỏ nó vui.
      Chắc bị hiệu ứng Hồi xuân như anh K viết.

      Thanks chị

      Delete