Saturday, May 17, 2025

PHAN HỒNG DUY - NHỮNG CHUYẾN ĐI 2025

PHAN HỒNG DUY

Bài Số 9 -  Việt Nam 2025

PHDuy
Như mùa hè của những năm trước, thời tiết Saigon nóng đổ lửa cháy da, chạy phía trước sức nóng đuổi theo trên lưng như thiêu như đốt. 

Chuẩn bị từ giã Saigon sau hơn 4 tháng tung tăng từ Bắc chí Nam, từ Việt Nam sang các quốc gia láng giềng. 

Mỗi chuyến đi thường niên đều gặt hái nhiều kỷ niệm, buồn vui lẫn lộn, cùng lúc giúp cho “huệ nhãn” của mình mở rộng tầm nhìn,  cảm nhận sâu sắc về thế giới ngoài kia và nhân sinh quan của từng cá nhân mà mình vô tình hay hữu duyên đã tao ngộ trên vạn nẻo đường. 

4-5 tháng chẳng là bao so với cả 1 đời người, tuy nhiên nếu mình cố gắng trải nghiệm thật nhiều trong chừng ấy thời gian thì dư âm còn đọng lại khá lâu và thú vị. 

Trời Chicago vừa rơi vài trận tuyết đầu Đông thì mình vội vã mang hành lý bay qua Đài Bắc-Đài Loan. Không hiểu sao mình vẫn dành cảm tình đặc biệt với Đài Loan và Hong Kong. Có thể vì Đài Loan để lại cho khách du lịch 1 hình ảnh khác lạ, tuy là người Hoa nhưng không có những tranh dành chen lấn, la hét và khạc nhổ. Thay vào đó du khách cảm nhận những thành phố sạch sẽ, ngăn nắp và người dân rất lịch sự. Cũng tại Đài Loan,  8 năm trước mình gieo 1 quẻ xăm để biết rằng 1 năm sau vợ chồng ly biệt. 

Hong Kong lại là 1 trải nghiệm khác, ở đó mình đã sống những ngày tháng đầu tiên của người tha hương biệt xứ, làm lại từ đầu với 2 bàn tay trắng. Tại nơi đó đã có những ngày thiếu ăn, thiếu mặc, ở tận cùng sự tuyệt vọng chỉ biết nhìn người khác để ao ước. Do vậy mỗi lần trở về lại Hong Kong trong mình có muôn vạn tâm tư trộn lẫn vào nhau. 

Chuyến này dự định ghé Đài Loan chơi 4 ngày trước khi bay về Việt Nam, vẽ ra đầy đủ chương trình ăn chơi. Ngờ đâu, lại ngờ đâu 4 ngày ấy mình trở thành y tá chăm sóc cho bạn đồng hành. Máy bay vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đưa thằng vô phòng cấp cứu của bệnh viện Đại Học Y Dược, trễ 1 ngày là ô hô, ô tai theo ông bà. Sau 10 ngày điều trị đặc biệt mới tạm qua cơn nguy kịch. Nhờ vậy mới biết rằng tuy y tế Việt Nam vẫn còn cảnh chờ đợi, thiếu phòng ốc các thứ, nhưng đội ngủ y bác sỹ rất giỏi. Mình nói đùa: chẳng may bạn ấy không qua khỏi, chắc mình nhảy lầu chết theo chứ làm sao trả lời câu hỏi của người nhà bạn ấy “Chú dẫn con tôi đi mà sao chú sống còn nó lại chết?”

Hú vía. 

Phần đông Việt Kiều về Việt Nam vào dịp Tết đều háo hức mong muốn trải nghiệm ăn 1 cái Tết đoàn viên với gia đình. Mình thì không có được cái trải nghiệm ấy vì là người sống sốt cuối cùng của các anh chị em. Trước Tết mấy tuần thì anh Diệm trả hết nợ trần gian tại Chicago ở tuổi 75. Trong bài ai điếu mình có viết: ta làm tổn thương người và người làm tổn thương ta là lẽ thường tình của kiếp nhân sinh. Những điều đó đã trở thành vô nghĩa vào ngày ông Phao Lô Phan Hồng Diệm nương theo ánh hào quang của Thiên Chúa để về cõi an lạc trường sinh…

Trong ngôi nhà rộng thênh thang mình vẫn trưng bày đầy đủ tạo ra 1 không khí rất Tết dù chỉ 1 mình “tôi nhìn tôi trên vách”. 

Mình thuê 1 bạn nhiếp ảnh chụp nguyên 1 album hình Tết với 3 màu áo dài truyền thống để không biết lưu lại cho ai. 

Cùng bạn vừa thoát khỏi cửa tử, 2 đứa bay ra Quy Nhơn.  Với sự đóng góp tài chính của các cháu tại Chicago, bọn mình đi với vợ chồng anh Châu và Kim Đức đến thăm 40 bệnh nhân tại “xóm chạy thận” trên đường Đô Đốc Bảo cho các bạn ấy 1 ít quà (khoảng 1 triệu vnd=$40 usd/người). Đến để chia xẻ tình thương, để các bạn ấy biết có những tấm lòng; và riêng mình để đau đớn nhận biết rằng có những mảnh đời sống cảnh địa ngục trần gian. Tháng tiếp theo, cháu Khanh cũng nhờ mẹ cháu tới phát quà như vậy. Rồi đầu tháng 5/2025 các cháu Bi-Linh-Hà ở Chicago nhờ mình bay ra tặng tiếp. Tính ra trong vòng 3 tháng bọn mình giúp khoảng 5 ngàn USD, 1 số tiền khá lớn trong cùng 1 gia đình, và chắc các bạn bệnh nhân đó cũng khó có dịp được cá nhân nào giúp đỡ nhiều như vậy. Ngạc nhiên làm sao, mỗi lần phát quà xong là có vài người tới than là muốn nhận thêm vì quá khó khăn, muốn xin thêm. Từ sự việc ấy bọn mình suy nghĩ phải chăng vì giúp đỡ thường xuyên nên các bạn ấy thấy quá bình thường và không trân trọng hay vì đời sống quá khốn khó nên họ quên mất điều không nên làm. 

Mỗi lần đến phát quà đều có anh Châu đi theo chụp hình quay phim. Cuối tháng 4/2025 bệnh tim tái phát, anhChâu ra đi vĩnh viễn. Ngày 6 tháng 5, 2025 khi mình trở lại “xóm chạy thân”, cô Kim Đức thế vai anh Châu. Người đàn bà bắt đầu tuổi “lão niên” chưa vơi nỗi đau mất con vài năm trước thì phải thọ tang chồng với gương mặt thẫn thờ chưa tin đó    là sự thật. Ôi kiếp nhân sinh quá vô thường. 

Đến thăm Nhật Bản khi thời tiết còn khá lạnh phải cần áo khoác và khăn quàng. Cùng đi với 4 anh chị bạn hợp tính hợp tình, cười đùa thoải mái. Gặp nhau ở tuổi xế chiều xem như là duyên, đi với nhau bao xa và bao lâu thì gọi là phận. 

Chặng đầu tiên ghé lại là hoàng cung. Những tưởng rằng được viếng thăm bên trong cung điện để chiêm ngưỡng sự nguy nga của hậu duệ Thái Dương Thần Nữ nhưng không như mong đợi. 

Khi biết mình độc thân lang thang 1 mình, có bà kia chạy tới nói: anh độc thân, tui cũng độc thân, vậy mình chụp hình qua lại cho nhau.

Nghe sướng ghê. Miễn cưỡng nhận cái phone từ tay bả, mình vừa chuẩn bị bấm thì cô nàng la to: anh cầm vậy là không được, đưa lên cao, hạ thấp xuống, anh đừng gần quá, xa ra chút.

Biết gặp phải thứ dữ, minh bấm cho vài cái. Đến cảnh thứ 2, bả đưa phone thì mình nói: chị nhờ người khác chụp, đôi mắt tôi có vấn đề nên chụp xiêng xéo hết, mắt chị lé luôn. 

Khi lên xe cô hướng dẫn viên tuyên bố: các anh chị độc thân sẽ ngồi chung 1 bàn ăn, được không anh Duy?

Mình trả lời 1 tiếng thiệt to cộc lốc khiến cả xe kinh ngạc: KHÔNG!!!

Suốt chuyến đi mình được nhìn với cặp mắt hình viên đạn. 

Bao lâu ao ước được tận mắt thấy lâu đài Osaka, chuyến này làm mình mãn nguyện. 

Sau Nhật Bản mình trở lại Nha Trang như 1 du khách. Không hiểu sao mình không có 1 sự kết nối đặc biệt với thành phố biển này. Thành phố đẹp, người dân hiền hoà, các dịch vụ rất tốt, khách sạn và resort thì khỏi chê. Cầm tay nhau đi dạo, ôm nhau nhìn hoàng hôn và chào đón bình minh, cùng xử dụng các dịch vụ xa xỉ… nhưng mình luôn có cảm tưởng mình đến Nha Trang như 1 khách lạ. Hôm nay hồi tưởng lại mình không nhớ đã ăn gì, gặp ai tại Nha Trang, nhạt tới vậy đó. 

Có hôm đang cà phê sáng với nhóm bạn đồng song tại 1 quán sân vườn, bỗng nhiên nhìn qua thấy chị Nghĩa bạn học của Mùi. Chị Nghĩa chạy qua chào hỏi và nói: tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi mời anh tới nhà tôi chung vui với các bạn. Anh nhớ tới nghe.

Hôm sau có tin nhắn đổi địa điểm qua cà phê dinh Độc Lập. Cũng chừng ấy gương mặt, những bạn thời thanh xuân của Mùi, đặc biệt có thêm chị Tuyết và vợ chồng chị Thuận từ Mỹ về. Bao nhiêu tiếng cười, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu tấm hình, mãi khi trời đứng bóng mới chia tay nhau ra về. Riêng mình chắc khó có dịp gặp lại như vậy. 

Các anh chị Anh-Ánh + Định-Liên ghé Quy Nhơn, mình ham vui cũng bay ra. Vừa tới khách sạn thì anh Định nhắn tin: anh ở đâu? Bọn em 10 phút nữa có mặt.   

Tưởng nói chơi, ai ngờ 10 phút mình xuống thì 4 ông bà đã ngồi uống nước dưới sảnh. Vậy là bắt đầu mấy ngày lang thang đi bộ khắp Quy Nhơn tìm lại chút kỷ niệm xưa. Đi ngang qua nhà anh chị Anh-Ánh và anh Định, kiến trúc không thay đổi mấy nhưng chủ mới đã vào từ mấy chục năm trước khi chủ xưa xuống thuyền ra biển Đông. Ghé lại trước sân nhà gia đình ở Phan Bội Châu, cửa đóng then cài, mình nhìn vô trong chỉ còn căn nhà trống. Lần đầu mình bước chân vào ngôi nhà này là tháng 1/1993 trong chuyến đầu tiên về thăm nhà sau ngày vượt biên 14 năm trước đó. Lần cuối cùng mình ngồi trong căn nhà này là tháng 9/2009 trong đám tang Phương Giang. Ôi định mệnh, sự khắc nghiệt của thời gian và nhân tình thế thái. 

Rảo bước thêm vài trăm thước mình dừng lại trước khách sạn Hoành Sơn xưa,  nay đã trở thành Trường đào tạo năng khiếu của tỉnh Bình Định. Nhớ lại ngày có lệnh tịch thu gia sản, cả nhà quây quần trong phòng số 12, thân mẫu mình thẩn thờ nhịp gõ mấy ngón tay lên mặt bàn dán formica lẩm bẩm: hết rồi, hết rồi, hết rồi. Và bật khóc. Các thế hệ sau sẽ không thể nào hiểu và thông cảm được 1 cách sâu sắc tâm tư của người trong cuộc vào những năm đó. 

Nhìn qua bên kia đường là tiệm cơm quen thuộc đã nhờ mình mà có nhưng mình sẽ chẳng bao giờ bước chân vào lại nơi ấy vì muốn tránh bị sát thương. 

Sau đó mình bay qua Lào. Hơn 50 năm trước, nhiều người sống trong miền Nam đã đọc truyện gián điệp nhiều tập có vai chính Văn Bình với biệt danh Z28. Thủ đô Vạn Tượng của Lào luôn là chiếc nôi qui tụ đủ mọi tài năng gián điệp, phản gián, gián điệp nhị trùng và tam trùng xoay quanh chàng đẹp trai Z28. Không ngờ hơn 50 năm sau mình đến Vạn Tượng và ngạc nhiên về sự phát triển khá chậm của nước bạn so sánh với mặt bằng chung của thế giới. Người bạn Lào nói: người Lào thà chịu nghèo miễn các chùa được xây dựng đẹp đẽ to lớn là niềm vui và hạnh phúc. 

Khi hỏi mức lương trung bình của 1 nhân viên văn phòng tại Lào là bao nhiêu thì bạn cho biết vào khoảng $100-$150 usd/tháng. 

Nói chung chuyến đi không để lại cho mình 1 ý định trở lại lần thứ 2. 

Sau chuyến đi Lào mình lại bay tiếp qua Trùng Khánh-Trung Quốc. Từ 1 nơi chậm phát triển đi đến 1 thành phố phát triển vào bậc nhất trên thế giới trong vòng 30 năm qua, giống như ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối. Có dịp mình sẽ viết riêng 1 chương về chuyến đi này. Nói 1 cách ngắn gọn: ai chưa từng viếng thăm các đô thị lớn của Trung Quốc thì nên đi 1 lần để thấy được Trung Quốc đã phát triển thế nào và tại sao nước Mỹ lo ngại và xem Trung Quốc là mối đe doạ cho an ninh và tương lai của nước Mỹ trong 1 ngày rất gần. 

Khi viết đến đây thì mình đang chuẩn bị ra sân bay về lại Chicago. Trả lại sự bình yên cho Saigon. Hơn 4 tháng, không đủ dài và chẳng phải ngắn, mình đã có những trải nghiệm thú vị. Đâu đó trong quá trình chạy theo các chuyến du lịch đơn độc, mình có thời gian để suy nghĩ về các mối tương quan giữa người và người của ngày hôm qua, hôm nay và tương lai. Ta trân trọng người, người trân trọng ta, cần phải được cân bằng. Nhiều khi mình cho đi nhiều quá mà quên mất rằng mình chẳng là gì trong con mắt của đối phương. Đến tuổi thất thập cổ lại hy, mình nên sống cho mình và không nên chú ý tới cảm xúc của tha nhân, mỗi người có 1 đời sống riêng không nên phụ thuộc vào nhau. Hoa đẹp như vậy mà còn sớm nở tối tàn, huống chi người và ta. Nên thôi… miễn mình vui là được. 

Saigon, đêm tạm biệt…

18 tháng 5, 2025
Phan Hồng Duy  (https://www.facebook.com/gva999)

__________________________

No comments:

Post a Comment