MỘT PHẬN ĐỜI
![]() |
Trương Hữu - Hiền Yuken |
Trên chuyến xe lửa đưa gia đình về vùng quê Varykino để tránh cơn lốc cách mạng đang thổi qua tàn phá Moscow. Một Moscow bỗng dưng chới với vắng lặng con người lẫn tình người. Con tàu dừng lại giữa một miền hoang vu tuyết trắng, nhà thơ kiêm bác sĩ Zhivago bước xuống đi dạo vào cánh rừng, và ông bất ngờ bị Hồng quân Nga bắt giữ, người ta tình nghi ông là gián điệp Bạch vệ.
Zhivago gặp lại Pasha (chồng nhân vật nữ chính Lara), chàng sinh viên với lý tưởng cách mạng mà ông đã từng gặp trong một bữa tiệc Giáng sinh, nhưng nay Pasha đã trở thành chính ủy Strelnikov, cán bộ cấp cao của Hồng quân. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi giữa hai người đã mở ra một đối thoại đầy căng thẳng nhưng sâu sắc:
– Pasha: Tôi từng rất ngưỡng mộ thơ của anh.
– Zhivago: Cảm ơn anh.
– Pasha: Nhưng bây giờ, có lẽ tôi không nên nữa. Thơ của anh giờ chỉ là những cảm xúc cá nhân, thậm chí, tôi thấy nó thật lố bịch. Anh có đồng ý không? Cảm xúc, sự thấu hiểu, tình cảm… tất cả đều trở nên tầm thường trong thời đại này. Anh không đồng ý à? Thế thì anh sai. Đời sống cá nhân đã chết ở nước Nga. Lịch sử đã giết chết nó. Và tôi hiểu vì sao anh có thể căm ghét tôi.
– Zhivago: Tôi ghét mọi điều anh vừa nói, nhưng điều đó không đủ để khiến tôi giết anh.
Câu trả lời của Zhivago là một cú phản kháng âm thầm nhưng đầy khí phách. Đó không chỉ là lời đáp lại Pasha, mà còn là một tuyên ngôn ngầm về quyền tồn tại của cảm xúc, của cái tôi con người, kể cả khi lịch sử cố tình chối bỏ nó. “Tôi ghét mọi điều anh nói, nhưng không đủ để giết anh vì điều đó.”
Sự tương phản trong quan niệm về giá trị cá nhân giữa Zhivago và Pasha chính là bi kịch lớn nhất của lịch sử dưới chế độ cộng sản: con người cá nhân bị xóa nhòa, nhường chỗ cho một lý tưởng trừu tượng mang tên “cách mạng vô sản”. Từ Cách mạng Tháng Mười ở Liên Xô, đến cách mạng Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, rồi Cuba, và cả Việt Nam, biết bao số phận đã bị nghiền nát dưới bánh xe lịch sử. Một cá nhân, dù vô tình hay hữu ý, nếu lỡ đứng lệch khỏi quỹ đạo thời cuộc, đều có thể bị loại trừ không thương tiếc.
Nhìn về lịch sử Việt Nam. Từ khi Đảng Cộng sản ra đời, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, và đặc biệt sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi mô hình ấy mở rộng vào miền Nam, đã có biết bao nhiêu số phận bị cuốn trôi trong cơn lốc thời đại. Và những bi kịch ấy vẫn còn tiếp diễn, âm thầm nhưng dai dẳng.
Giữa muôn vàn bi kịch thầm lặng của những con người nhỏ bé giữa dòng thác lịch sử, tôi muốn kể lại một câu chuyện – chuyện về người hàng xóm cũ của tôi…
Anh tên là Tồn, Lê Văn Tồn, một cái tên nghe qua đã gợi lên cảm giác chắc nịch, vững vàng, như một sự hiện hữu không thể phai mờ trong ký ức người gặp chỉ sau vài lần đối diện. Mà quả thật vậy, tuổi trẻ anh như tôi biết có tất cả những phẩm chất ấy. Anh thông minh, cương nghị, nghệ sĩ tính. Vậy đó, mà chỉ hơn mười năm gặp lại, anh đã thay đổi hoàn toàn khiến tôi không thể tin vào mắt mình.
Năm 1995, tôi gặp lại anh trong lần về Đà Nẵng chịu tang Mẹ. Thật tình, nếu không có Tiếp, bạn thân tôi và cũng là em ruột anh nhắc khéo, chắc tôi không thể nào nhận ra được. Người đàn ông đang đứng trước mặt tôi khi ấy, làm sao có thể là anh Tồn, người hàng xóm mà tôi từng ngưỡng mộ. Ngày trước, anh là một thanh niên tuy vóc chỉ tầm thước, nhưng dáng dấp cứng cáp, khuôn mặt góc cạnh điển trai, ánh mắt sáng thể hiện sự cương nghị. Nổi tiếng học giỏi, anh là niềm tự hào của gia đình mình, và là một thần tượng thật sự đối với tôi thời ấy.
Vậy mà giờ đây, anh hiện ra trước tôi với dáng vẻ tiều tụy, tóc bạc gần hết, khuôn mặt nhăn nheo, sạm đen vì nám. Anh trông tội nghiệp, nhớp nháp, lảo đảo như kẻ chưa tỉnh hẳn sau một cơn say. Anh chẳng nói gì, chỉ đứng ngơ ngác nhìn tôi, rồi bất ngờ ôm chầm lấy, hôn lên má tôi. Có lẽ đó là cách anh biểu lộ tình cảm thay cho lời nói, của một người quen đời sống cô độc với thằng em hàng xóm ngày xưa, sau bao năm mới gặp lại.
Tiếp bạn tôi kể rằng anh thay đổi nhiều lắm. Giờ anh nghiện rượu nặng, ngày nào cũng vậy, vừa thức dậy đã tìm rượu uống cho say, rồi cứ thế mà khật khừ, nửa tỉnh nửa mê suốt ngày. May mà cha mẹ còn để lại căn nhà trên đường Ông Ích Khiêm, nên anh còn có nơi trú ngụ, chưa đến nỗi lang thang đầu đường xó chợ. Mấy người em thương tình, lâu lâu kiếm cho anh vài việc lặt vặt để lấy cớ giúp anh chút tiền tiêu vặt. Mà thật ra cũng chỉ đủ mua rượu. Anh gần như chẳng thiết gì ăn uống. Nghe Tiếp kể chuyện về anh Tồn, rồi biết rõ nguyên do khiến anh ra nông nỗi này, tôi không khỏi xót xa.
Nhà anh ở sát bên nhà tôi. Anh có một chị gái và những người em, trong đó có Tiếp bạn thân, bằng tuổi tôi. Anh lớn hơn tôi bốn tuổi, nên trước năm 1975, tôi chỉ thân với Tiếp, còn anh thì chỉ xem như một ông anh nghiêm nghị. Mỗi khi tôi sang nhà chơi, anh chỉ hỏi chuyện vài câu cho có lệ. Lúc ấy, khoảng cách bốn tuổi sao mà thấy xa xôi, anh thì chững chạc quá, còn tôi vẫn chỉ là cậu bé con.
Anh từng là học sinh trường Kỹ Thuật Đà Nẵng, một ngôi trường danh tiếng, chuyên về các môn kỹ thuật và toán, phải thi tuyển gắt gao từ lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ). Hằng ngày tôi thấy anh mặc đồng phục xanh dương đi học, lòng thầm ngưỡng mộ. Tôi còn nhớ khoảng năm 1973, anh thi đậu Tú tài phần hai với thứ hạng cao, rồi tiếp tục đậu vào ban Toán Đại học Sư phạm Huế, một ngành thời đó rất khó vào. Cả xóm ai cũng nể phục. Những dịp cuối tuần, khi về nghỉ ở Đà Nẵng, anh và tôi bây giờ gần gũi hơn, thỉnh thoảng anh hỏi thăm chuyện học hành của tôi.
Hè năm 1974, anh về Đà Nẵng chơi khá lâu. Cuối mùa hè, anh bất ngờ báo tin đã trúng tuyển vào trường Võ bị Đà Lạt, và vài hôm nữa sẽ lên đường. Từ đó, là một khoảng thời gian khá lâu tôi mới gặp lại anh...
Mùa xuân năm 1975. Cuối tháng Ba, thành phố Đà Nẵng thất thủ. Chỉ một tháng sau, ngày 30 tháng Tư, Sài Gòn cũng buông súng đầu hàng. Miền Nam chính thức rơi vào tay quân đội Cộng sản miền Bắc. Cả nước bước sang một thời kỳ mới.
Một ngày đầu tháng Năm, anh Tồn trở về quê. Anh đi xe đò từ Sài Gòn, trông đen đúa vì nắng gió, mặc quần tây bạc màu và chiếc áo thun cũ sẫm mồ hôi. Thời gian ấy tôi thường qua nhà chơi với Tiếp, và cũng từ đó có dịp trò chuyện với anh nhiều hơn. Chính quyền mới bắt đầu tổ chức các đoàn thể ở từng khu phố để dễ bề kiểm soát dân chúng. Tôi và anh đều được xếp vào tổ thanh niên, nên có dịp sinh hoạt chung trong các buổi học tập chính trị, trực canh gác ban đêm, hay dọn vệ sinh quanh xóm.
Thỉnh thoảng, vào những ngày nhàn rỗi, hai anh em anh và tôi rủ nhau xuống phố uống cà phê. Khi ấy, cuộc sống vẫn còn tương đối dễ thở vì chính quyền chưa siết chặt chuyện tư nhân buôn bán. Trong những buổi cà phê như thế, anh Tồn hay tâm sự với tôi về quãng đời sinh viên ở Huế, và lý do vì sao anh rời bỏ giảng đường để thi vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Đó chỉ vì cái bồng bột của tuổi trẻ. Đó chỉ vì một mối tình dang dở với cô sinh viên Huế, một người con gái anh từng yêu say đắm. Anh và cô đã có những kỷ niệm đẹp, những lời hứa hẹn mai sau. Nhưng rồi tự ái trỗi dậy khi gia đình cô không xem trọng anh, một sinh viên nghèo, tương lai bấp bênh. Gia đình cô ấy muốn gả con cho một người có địa vị, có sẵn đường đi mai sau sáng lạng hơn. Đau lòng, thất vọng, anh quyết định rời bỏ Huế, rời bỏ đời sống thư sinh, chọn con đường binh nghiệp. Có lẽ trong thẳm sâu, anh cũng nuôi một giấc mơ được trở về trong bộ quân phục hào hùng, chứng minh giá trị của bản thân, như bao chàng trai mang trong lòng khí khái tuổi đôi mươi giữa thời ly loạn.
Sau hơn một tháng huấn luyện, anh chính thức trở thành sinh viên sĩ quan của trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, mở đầu cho một hành trình đầy hứa hẹn. Anh kể lại tuần lễ huấn nhục đầu tiên: những buổi dậy sớm, chạy băng rừng, lội suối, chịu đựng thử thách khắc nghiệt từ đàn anh để rèn luyện ý chí và tinh thần đồng đội.
Sau một tháng, buổi lễ gắn alpha diễn ra trang trọng dưới nắng sớm cao nguyên. Tấm bảng nhỏ hình tam giác đeo trên ngực là dấu mốc thiêng liêng, đánh dấu sự trưởng thành đầu tiên của một người chọn binh nghiệp làm lẽ sống.
Những cuối tuần nghỉ phép đầu tiên, anh cùng bạn bè xuống phố Đà Lạt uống cà phê, ăn bánh mì, lang thang quanh hồ Xuân Hương, tìm lại chút bình yên giữa một thời tuổi trẻ nhiều lý tưởng. Những kỷ niệm ấy, anh nói, vẫn luôn là một phần đẹp đẽ nhất của đời mình.
Nhưng rồi biến cố mùa Xuân năm 1975 xảy ra. Tháng Ba, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, tình hình mặt trận miền Trung bắt đầu sụp đổ nhanh chóng. Một ngày, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó. Lệnh di tản được ban hành khẩn cấp vào những ngày cuối cùng của tháng Ba. Các sinh viên sĩ quan được di tản về căn cứ Long Thành. Khóa đàn anh 28, 29 được làm lễ mãn khóa sớm để ra trường góp phần cho việc bảo vệ phần đất miền Nam còn lại. Anh thuộc khóa 31 thì ở lại để bảo vệ căn cứ. Thời gian sau thì tất cả các sinh viên sĩ quan được di chuyển về trường bộ binh Thủ Đức.
Khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên làn sóng phát thanh, anh Tồn biết đời binh nghiệp vừa bắt đầu thì cũng đã chấm dứt. Trường Võ bị tan hàng. Những sinh viên sĩ quan chưa ra trường như anh trở thành người lơ lửng, không quân ngũ, không dân sự, không giấy tờ rõ ràng. Trú tại nhà người bạn vài hôm, anh quá giang xe đò trở về Đà Nẵng.
Sau khi trở về quê anh Tồn sống lặng lẽ cùng cha mẹ, vẫn căn nhà sát gia đình tôi. Những ngày đầu, anh còn hy vọng sẽ có cơ hội tìm một việc làm trong khả năng của mình. Nhưng rồi, khi các cuộc “điểm danh”, “lập danh sách thanh niên từng phục vụ chế độ cũ” được phát động khắp các khu phố, thân phận cựu sinh viên sĩ quan của anh nhanh chóng bị phát hiện.
Dù chưa ra trường, dù chưa từng cầm súng ra trận, anh vẫn bị xếp vào thành phần “ngụy quân, ngụy quyền”. Anh không bị gọi đi cải tạo như các sĩ quan miền Nam khác, nhưng cũng không được phép làm đơn xin việc tại bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Chính quyền địa phương đưa anh vào danh sách “lao động bắt buộc”, một hình thức cải tạo trá hình cho những người như anh. Anh bị điều đi lao động tại các công trình thủy lợi, rồi đi khai hoang và tháo gỡ bom mìn sau chiến tranh. Mỗi ngày, anh cùng hàng chục thanh niên khác lội ruộng, đào mương, gánh đất, tháo gỡ những quả đạn pháo còn sót lại giữa cánh đồng chết. Công việc cực nhọc, nguy hiểm, nhưng không ai dám than vãn.
Mùa hè năm 1976, với chút hy vọng bám víu, anh có người cậu ruột đi tập kết từ 1954, nay trở về với chức vụ khá cao trong quân đội. Hy vọng với cái lý lịch gia đình có người tập kết sẽ vớt vát phần nào cho cái lý lịch cựu sĩ quan Võ bị Đà Lạt của anh. Anh bỏ thời gian ôn lại bài vỡ rồi nộp đơn thi lại Đại học sư phạm Huế. Anh hy vọng sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Kỳ thi trôi qua, anh làm bài suôn sẻ. Nhưng khi kết quả xét tuyển được công bố, tên anh không nằm trong danh sách trúng tuyển. Không có lý do chính thức nào được đưa ra, nhưng ai cũng biết rõ chỉ vì anh từng là sinh viên sĩ quan Võ Bị.
Từ đó, anh bắt đầu uống rượu thường xuyên hơn. Ban đầu là vài ly khi buồn, rồi thành thói quen mỗi chiều. Rồi cả ngày. Ai cũng nói anh đổ đốn, buông xuôi, nhưng tôi hiểu, đó là cách duy nhất anh có thể quên đi những điều đã mất. Mỗi ly rượu là một kỷ niệm bị đốt cháy. Mỗi cơn say là một lần trốn chạy khỏi thực tại.
Cuộc sống dần trôi qua trong lặng lẽ. Anh Tồn không còn mặn mà với bất kỳ điều gì. Những người cùng thời với anh kẻ đi học tập cải tạo, người lo chuyện vượt biên, số khác vùi thân vào cuộc mưu sinh mới. Riêng anh, vẫn sống trong căn nhà của cha mẹ, hằng ngày chỉ mặc một bộ áo quần bạc màu, một cuộc đời buồn bã không tên.
Hai năm sau biến cố miền Nam mất, anh quen một cô thợ may sống gần nhà. Đám cưới của anh, tôi có tham dự. Một đám cưới đơn sơ, chỉ có vài ba món ăn đơn giản, mời vài người bạn thân thiết cũng nghèo như anh.
Thời ấy, xã hội đang xáo trộn, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đã bắt đầu lâm vào cảnh đói kém, mà gia đình anh xưa nay vốn cũng không khá giả gì. Không có nghề nghiệp ổn định, anh và vợ con chỉ sống tạm bợ qua ngày bằng chiếc xe nước mía dựng trước cửa nhà.
Vợ chồng anh có với nhau hai đứa con kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc chẳng kéo dài bao lâu. Anh vẫn chứng nào tật nấy, nghiện rượu nặng, ngày nào cũng say xỉn. Những lúc tỉnh, anh lại trút mọi uất ức lên vợ con bằng những trận la mắng, giận dữ. Cuộc sống bế tắc dồn nén, khiến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề. Cuối cùng, vợ anh không chịu đựng nổi nữa. Chị bồng hai con về nương náu bên nhà ngoại. Từ đó, anh càng bê tha hơn…
Năm ngoái, chị tôi từ Sài Gòn trở về thăm Đà Nẵng, có ghé ngang xóm cũ. Chị bảo, anh Tồn vẫn còn đó, lẻ loi như một cái bóng cũ chưa chịu tan đi. Nay anh đã già yếu lắm rồi. Cuộc sống quanh quẩn giữa men rượu, anh say từ khi mặt trời còn chưa lên cao, rồi chìm vào giấc ngủ mịt mùng của quên lãng.
Nghĩ đến anh mà lòng chợt se thắt. Một người từng thông minh, từng có ánh sáng rực rỡ của tương lai trong mắt, mà chỉ vì một sơ suất bồng bột thời trẻ, đã bị đẩy vào ngõ cụt không lối ra. Nhưng vết trượt ấy đâu chỉ do riêng anh? Đó còn là hệ quả của một xã hội khắc nghiệt, của những định kiến lạnh lùng đến tàn nhẫn, nơi người ta không tin vào sự hối cải, không trao cơ hội để làm lại từ đầu.
Tôi nhớ đến câu nói của nhân vật Pasha trong Doctor Zhivago: “Đời sống cá nhân đã bị lịch sử kết liễu, nếu nó đi chệch khỏi con đường cách mạng.” Anh Tồn là một mảnh đời như thế, bị cuốn trôi trong cơn lũ của thời cuộc. Trong cái lý thuyết đấu tranh giai cấp được nhân danh là vì nhân dân, người ta vạch ra ranh giới địch – ta, vô sản – bóc lột, rồi nhẫn tâm xô đẩy những ai lỡ đứng sai chỗ về phía cần loại trừ. Và anh Tồn, bằng một lựa chọn chưa hẳn trưởng thành, bằng một lần dỗi hờn trong cơn tự ái bồng bột, vô tình đã đẩy anh về phía bên kia làm người thua cuộc. Anh bị đóng dấu như một cái gai phải nhổ bỏ. Trong một thời đại mà nhà cầm quyền quan niệm cảm xúc con người là thứ cần bị triệt tiêu, mọi biểu hiện chệch hướng, dù chỉ là vô tình, đều bị loại bỏ. Không ai cho anh có cơ hội để hàn gắn lại những mảnh vỡ của đời mình.
Mối tình với cô gái Huế năm xưa khởi đầu như một hạt mầm trong trẻo, tưởng chừng sẽ kết trái nở hoa tươi đẹp. Thế nhưng, cũng từ mối tình ấy đã đưa đẩy anh đến một kết thúc trong hệ lụy nghiệt ngã. Cuộc đời anh vỡ vụn.
Trương Hữu Hiền
https://www.facebook.com/share/p/1HhtuFbYvx/
_________________________
No comments:
Post a Comment