Wednesday, November 23, 2011

NỐI TIẾP ( 1 )

Lời cám ơn
Nhà văn Nguyễn Thị Yêu Thương là cây bút nữ , được độc giả biết đến  trên các báo Việt ngữ tại Úc trong nhiều năm qua .  Đây là bài viết thứ 4 của chị đến với QN 11 .   Thay mặt độc giả: rất cám  ơn chị .
QN11______________________________________________________________





                                          Nối tiếp (#1 )

AuthorNguyễn thị Yêu Thương .

Thả bước ung dung về băng ghế đá dưới rặng liễu Duy không thấy bóng nàng chiều nay, lòng hơi thất vọng vì anh có nhiều chuyện muốn nói cho Thu nghe. Nếu để thêm một ngày nữa có lẽ anh sẽ ấm ức trong lòng và dám sẽ trằn trọc tối nay không ngủ được. Không hiểu sao nàng lại trễ hẹn như vầy vì suốt cả nửa năm nay hai đưá gặp nhau mỗi chiều gần như không bao giờ thay đổi. Thu hay mặc áo màu kem, tay ngắn rộng rộng phủ khỏi eo và cái củng dài tha thướt màu than đen, charcoal, bằng lụa ẻo lã xuống tận mắt cá, chân mang đôi giầy mỏng có quai màu tím đưa mấy ngón chân móng trần không sơn ra ngoài. Có lần Duy thắc mắc hỏi sao Thu chỉ có mặc duy nhất một trang phục không thay đổi thì nàng chỉ cười khúc khích như là câu hỏi của Duy khôi hài lắm vậy rồi cũng không trả lời. Và mãi đến nay Duy cũng không biết vì sao nhưng ngại hỏi nữa nên thôi, nghĩ rằng đó là trang phục Thu dành cho những buổi chiều đi dạo. 

Lần đâu tiên Duy gặp Thu cũng ngay tại dưới gốc liễu này, buổi chiều đầu mùa Xuân, lá non chưa đủ nhiều và trên cây vẫn còn trơ trụi những nhánh khô chưa đủ sức đâm chồi nẩy mộc sau mấy tháng mùa Ðông lạnh lẽo. Màu xanh của lá, của cỏ vẫn chưa tươi thắm vì còn đượm chất xám nhưng trong không khí đã có sắc thái của sự sống. Và cũng có gió bay nhè nhẹ trong nắng ấm. Cơn gió đủ làm cho tóc nàng bay loà xoà theo chiều, đủ để Thu khoan thai đưa tay vuốt tóc qua khỏi khuôn mặt nhỏ nhắn làm lộ hẳn cái nhìn buồn buồn trong ánh mắt khi Duy chợt bắt gặp lúc bước tới gần hơn. Hình dáng của Thu trên băng ghế đá đã khiến Duy ngạc nhiên thích thú và đã thấy thật hài lòng khi quyết định bỏ mặc một số thùng giấy chưa mở để bước ra ngoài. Anh mới dọn về đây hơn một tuần và đến hôm đó mới có cơ hội thả bộ dọc theo con đường dành cho bộ hành và người đạp xe dẫn tới khu rừng reserve của thành phố để tìm thư giãn. Căn nhà anh mới mướn lại sát ranh với khu rừng, nằm chót hết trong dãy nhà nho nhỏ không lầu, không cầu kỳ như những căn nhà chỉ để dành cho mướn mà thôi. 

 Bỗng dưng trở lại cái nếp sống độc thân sau một thời gian dài chật vật với cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, Duy đã ngỡ ngàng với những lỉnh kỉnh của mớ hành trang còn lại trong cuộc đời. Không ngờ rằng ở giai đoạn này mà anh vẫn còn lang thang chưa có gì cố định cả, không nhà không vợ không con! Những thằng bạn cùng lứa đã có đưá gả con làm xui gia vậy mà anh vẫn chưa có đứa nào, vẫn độc thân. Thôi, có lẽ anh không có cơ hội để nối tiếp cuộc đời mình bằng một thế hệ sau, đành vậy. Chưa chắc đó là điều rủi vì nhìn quanh anh vẫn nghe tụi nó than vãn những cực nhọc của sự dạy dỗ và nuôi nấng con cái như một gánh nặng trên vai. Có lẽ Ơn Trên nhìn thấy khả năng làm cha của anh có vẻ thô sơ thiếu thốn quá nên tha cho anh thoát được một trách nhiệm năng nề. Nhưng có lẽ đó cũng là lý do chính đem đến sự đổ vỡ của vợ chồng Duy. Hình như người đàn bà nào cũng than vãn sanh con là đau đớn, thai nghén là cực nhọc nhưng nếu chưa trải qua những giai đoạn thai nghén và sanh đẻ đó thì họ vẫn còn khắc khoải băn khoăn không thoát được. Người đàn bà nào cũng cho đó là lẽ sống của họ, cũng đam mê một ước vọng làm mẹ. Nên khi không đạt được họ lại trở nên thay đổi khác thường, hoặc ít ra đó là trường hợp của Liên. Nàng đã mang bệnh trầm cảm và đã trở nên lạnh lùng thờ ơ trong tất cả những sinh hoạt hàng ngày sau khi biết là hai người không thể có con mặc dù đã cố gắng nhiều năm. Nàng đã bỏ mặc Duy ra vô trong nhà như cái bóng mờ không chút gì liên hệ với nàng nữa. Liên chỉ còn chú tâm chăm sóc cho đám cây cỏ ngoài vườn, những chậu bonsai tỉ mỉ tỉa từng cành, chiết từ nhánh, nhặt từ chiếc lá cỏn con. Còn lại tất cả những thứ khác nàng đều không ngó ngàng gì tới. Lạnh nhạt trong tất cả và thờ ơ với tất cả.

Ban đầu Duy còn tìm đủ mọi cách để cố gắng níu kéo Liên trở về với cuộc sống hiện tại bằng với những sinh hoạt với anh và bạn bè chung quanh. Nhưng Liên hoàn toàn không màng vào sự cố gắng đó và thờ ơ tiếp tục như cho rằng chính Duy là người có lỗi gây ra hoàn cảnh này nên càng ngày Duy càng nản lòng. Mặc dù anh đã quán xuyến việc trong nhà như một người đàn bà thay cho Liên, những việc như cơm nước giặt giũ dọn dẹp quanh nhà. Và kiêm luôn những việc khác của đàn ông như cắt cỏ rửa xe hút bụi nhưng vẫn không tài nào kéo vợ ra khỏi vùng u tối thăm thẳm của buồn chán. Có lúc Duy muốn nắm hai vai Liên lay thật mạnh để thức tỉnh nàng. Ngay đến vấn đề chăn gối vợ chồng cũng không làm sao cho Liên trở về hăng say với anh như dạo trước. Liên đã cho anh cái cảm giác thật xấu hổ khi nàng tỏ vẻ dửng dưng khi hai người làm tình với nhau, khi Duy nồng cháy đạt được đến đích nằm gục thở dốc và bẽn lẽn ngỡ ngàng với hình ảnh thật miễn cưỡng của vợ lặng yên dưới thân mình như một lần trả nợ cho xong! Bao nhiêu cảm xúc đạt được bỗng mất hết hoàn toàn, tan biến mau chóng. Và anh đã thấy mình thật trơ trẽn khi Liên lẳng lặng đứng lên khoác áo vào nhà tắm, sắc mặt vẫn không mảy may thay đổi, vẫn im lặng lạnh lùng. Ðôi khi Duy có cảm tưởng như Liên đang trả thù anh bằng thái độ lãnh cảm ấy, nàng như muốn cho anh thấy sự bất lực của chồng khi không tài nào đem vợ mình đạt đến vùng tuyệt đỉnh của yêu đương! Nếu như ý Liên là vậy thì có lẽ nàng đã thành công với mỗi lần nằm yên chịu đựng không chút bày tỏ niềm cảm hứng nào trong việc ái ân, mặc cho Duy cố gắng đơn độc cuộc hành trình. Vì có lẽ đó cũng là niềm tự hào mất đi của một người đàn ông, của một người tình không thể nào trao cho một người tình niềm cảm thông tuyệt vời ngây ngất để xoá bỏ mọi ngăn cách và mọi yêu thương, chan chứa của những cuộc ái ân sẽ trở nên nhạt nhẽo vô vị. Nó đã mất ý nghĩa khi anh chỉ là người đạt được niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh, vì sự tuyệt đỉnh của yêu đương ân ái chỉ có thể ngọt ngào hương vị, chan chứa mặn nồng bằng kết quả của cả hai. Từ nỗi cô đơn trong chăn gối vợ chồng, Duy đã cảm thấy cô đơn trong cuộc sống từ đó. Duy đã giận Liên, thấy vợ quả thật là mâu thuẩn! Vì nếu không có chăn gối vợ chồng thì làm gì có cơ hội thai nghén con cái! Anh đã tức mình có lúc thét lên: Ðàn bà gì quái đản vậy! Chỉ mê sanh mê đẻ mà chồng thì không ngó ngàng tới, thật vô lý hết sức!

 Rồi từ dạo đó Duy đã không còn dám đem sự hứng thú của yêu đương như một phương cách hàn gắn nữa nên cuộc sống hai người lại càng lạnh hơn. Ðôi khi cả ngày chẳng nói gì với nhau. Ngay nhìn mặt nhau còn không làm được nữa vì Duy không còn muốn mang cảm giác tê tái khi không thấy niềm thông cảm nào từ ánh mắt của Liên trao cho anh. Ðến một lúc Duy dời ra phòng trống ngủ riêng vì cảm thấy khó dằn được cảm xúc khi sự đòi hỏi sinh lý bắt anh phải nghĩ đến vấn đề chăn gối tình dục, một vấn đề đương nhiên phải có của sinh hoạt bình thường trong cuộc sống như ăn và ngủ. Nhưng anh lại không muốn mang cảm giác bẽ bàng kế bên một người vợ nhạt nhẽo thờ ơ. Anh cũng không muốn làm một kẻ cưỡng dâm, hiếp vợ ngoài ý muốn. Nó có vẻ thô lỗ tục tằn quá và cảm giác tê tái vẫn sẽ chiếm lấy niềm khoái cảm của dục vọng tích tắc sau đó khi vợ anh vẫn nguội lạnh không hứng thú, điều này còn tệ hại hơn đi chơi với gái trả tiền sòng phẳng hẳn hoi. Vì ít ra khi chơi với gái người đàn ông vẫn biết là đây chỉ là vấn đề mang đến khoái cảm của dục vọng và hoàn toàn vô tình cảm nên họ sẽ chẳng chờ đợi gì hơn . 

Cuộc sống cứ thế trôi qua trong buồn tẻ. Duy ở trong nhà thì Liên ra ngoài vườn, đến tối mỗi người vào một phòng riêng, tiếng tivi, tiếng nhạc là những tiếng động duy nhất trong nhà. Không khí thật khó thở ngột ngạt nên Duy đã bỏ ra ngoài đi chơi thường hơn trước. Tưởng rằng sẽ nối tiếp những ngày dài vô tận như vậy. Rồi bỗng một ngày Liên để lại một tờ giấy nhỏ vỏn vẹn hàng chữ: Em đi để anh yên, anh đừng đi kiếm em làm gì vô ích, anh nên bắt đầu cuộc sống khác bằng cách làm lại từ đầu vì em đã không thể nào tiếp tục cuộc sống này với anh. Nó hết ý nghĩa rồi. 

Hơn năm năm vợ chồng, hết hai năm ưu sầu chán nản nhưng Duy vẫn thấy hụt hẫng với tờ giấy trên tay. Giận điên người anh vẫn không tin là Liên lại cắt đứt liên hệ với anh một cách dễ dàng như vậy. Tự ái của người đàn ông trồi lên mạnh mẽ đã khiến cho Duy tức tối vò nát tờ giấy trên tay và cười khẩy khinh bỉ cho rằng Liên chỉ doạ dẵm gây nên sự lưu ý và nghĩ là có thể chỉ vì một phút bốc đồng nào đó Liên đã bỏ nhà đi rồi sẽ trở về mà thôi. Hai tuần trôi qua, từ giận dữ oán ghét đến lo âu Duy có lúc đã thật hối hận nhớ lại những lời nặng nề anh nói với Liên lúc nóng giận và cứ mong Liên sẽ quay lại. Nhưng thời gian đủ dài, đã đến lúc phải báo cảnh sát. Anh đi tìm tờ giấy nhầu nát đem theo làm tang chứng vậy mà vẫn bị hạch sách cặn kẽ vì tại sao anh lại để quá lâu mới cho họ hay! Ngồi trong phòng điều tra với những câu hỏi thật thường tình Duy mới ngạc nhiên thấy rằng mình chẳng biết gì về thói quen và nếp sống của Liên cả! Những câu như Theo anh thì cô ta thường đi đâu nhất? Thích làm gì để tiêu khiển? Có bạn gái nào thân nhất không? Hay thường ăn chỗ nào? Thích màu gì? Hoặc những câu hỏi có vẻ đụng chạm làm Duy nổi nóng chỉ muốn đứng dậy chửi thề rồi đi về như Giữa anh và cô ấy có sự xô xác nào xảy ra chưa? Anh có biết là cô ấy có bạn trai hay người tình nào không? Trong lúc anh đi làm thì cô ấy ở nhà làm gì? Anh có bao giờ doạ nạt và đuổi cô ấy ra khỏi nhà không? Tại sao anh lại đợi đến hai tuần mới đi báo cảnh sát? Những câu hỏi ám chỉ chính Duy là thủ phạm gây nên sự mất tích của Liên càng làm anh giận dữ bực mình và quẩn trí hơn nữa trong hoàn cảnh bối rối hiện tại. Rồi tuần này sang tuần nọ vẫn không tin tức, Duy đã hao mòn hy vọng và gần như chấp nhận sự ra đi của Liên là rõ rệt và không khỏi lo ngại cho sự an toàn của nàng cũng như vấn đề nghi ngờ của cành sát dành cho anh nếu có việc gì xảy ra cho Liên.

Mãi đến năm tháng sau, trong lúc làm việc anh nhận được cú phôn của cánh sát báo tin là đã tìm được Liên an toàn không việc gì nhưng cô không muốn về nhà và họ cho anh địa chỉ của Liên để liên lạc, bổn phận của họ kể như chu toàn. Tuy giọng nói của tên cảnh sát trẻ này khi báo tin có chút ngập ngừng như thông cảm cho Duy một điều gì đó thật tế nhị. Bỏ việc nửa buổi anh chạy xe đến cái địa chỉ cầm trên tay, thật ra Liên không ở xa đâu cả chỉ cách một khu phố mà thôi nhưng nếu muốn tránh mặt thì dễ dàng như thường. Trên đường đi Duy không hiểu tâm trạng của mình ra sao, an tâm vì biết là Liên an toàn không hề hấn gì cả nhưng vui thì anh không thấy được, vì hình như tình cảm của anh đã bị va chạm bởi sự vô tình của vợ. Giận dữ và hờn ghen đã tan biến qua một thời gian dài vì tình cảm đã hao mòn từ lâu nhưng anh không hiểu tại sao Liên lại có thể dằn vặt anh bằng cách này? Tại sao Liên lại coi thường sự lo âu quan tâm của anh dành cho nàng bằng cách ra đi đột ngột và không một liên lạc như vầy? Nhất là cái địa chỉ lại quá gần gũi bên nhau!

Căn nhà có lầu, ga ra đôi, mái ngói màu than đen, phía trước có ban công nho nhỏ, cửa chính bằng gỗ maple với khoảng sân nhỏ phía trước hơi bề bộn cây cỏ làm Duy ngạc nhiên vì nhớ là Liên thích làm vườn chăm sóc cây cỏ lắm mà. Tiếng xe anh đậu trước nhà có lẽ đã cho Liên biết vì dĩ nhiên sau khi có sự viếng thăm của cành sát Liên phải đoán là thế nào Duy cũng tới. Cửa mở, Duy đứng lặng yên trong chốc lát để quan sát vợ và suy nghĩ không biết nên làm gì. Như để tự tìm cho mình một điểm tựa anh vừa đưa hai tay ra dự định ôm Liên vào lòng thì như một phản xạ tự nhiên Liên thụt lùi ra sau nhưng trên khuôn mặt đã mất đi nét lạnh lùng lãnh đạm lúc trước mà thay vào bằng cái nhìn hơi bẽn lẽn mắc cỡ. Nàng nói nhanh, hơi thở đứt quảng như sợ rằng nếu không nói hết có lẽ nàng sẽ không có cơ hội nữa: Em xin lỗi anh, em ra đi vì em không thấy lối thoát nào khác hơn. Cuộc sống của hai đứa đã không tài nào cứu vãn được và em nghĩ là anh đã hết thương em cũng như em đã không còn tình cảm nào dành cho anh được nữa. Anh tha thứ cho em và nên bắt đầu cuộc sống mới đi. Em đã có bầu ba tháng rồi... Em không biết nói làm sao nữa, anh tha lỗi cho em... Không để Duy có cơ hội hành động nào cả Liên vội vàng đóng cửa lại sau khi dứt câu. Duy sững sờ đứng đó ngạc nhiên ở sự thật phũ phàng như một cú đấm vào mặt, anh hoàn hồn chốc lát mới đưa tay dộng cửa thật mạnh: Liên, em không thể nào có hành động vô lý như vậy được, em nói láo... mở cửa cho anh, anh không tin em là một con người vô tình vô tâm như vậy... Cơn giận càng lúc càng tăng Duy đánh mất sự bình tĩnh ban đầu và bắt đầu có những câu thô lỗ tục tằn ...mày là một con đàn bà khốn nạn, tao không ngờ mày vô liêm sĩ hèn hạ còn hơn một con đĩ, một con điếm lăng loàn... Tiếng dộng cửa và tiếng la của Duy đã khiến con chó nhỏ nhà hàng xóm bật sủa um lên như để tăng thêm sự náo loạn sẵn có. Nhưng nhờ vậy mà Duy như sực tỉnh, bàng hoàng đứng yên trở lại thật lâu như để lòng thấm dần những câu chửi rủa của mình và lời nói của Liên. Lòng nguội lạnh anh quay lưng bước ra xe về. Đem theo sự chua chát của một cuộc tình vợ chồng thay đổi bất ngờ nhưng anh cũng cảm thấy lời Liên không sai. Anh đã hết yêu nàng từ lâu thì tại sao anh lại không nghĩ đến vấn đề ngược lại là nàng cũng hết thương anh tự bao giờ rồi. Sao anh lại chủ quan nghĩ rằng chỉ có phần mình mà thôi, oán trách nhau làm gì! Muốn chửi thề văng tục đến cỡ nào cũng chẳng biết nên chửi cái gì và chửi ai đây!

Tất cả những tâm sự này anh đã kể lại từ từ cho Thu nghe mỗi chiều khi ra băng ghế gặp nàng. Từ ngày đầu tiên gặp Thu ở bên bờ lạch phía bên kia của con đường tráng xi măng cho bộ hành và xe đạp, Duy đã tạo thành một thông lệ cho mình bằng cách đi dạo mỗi chiều và mong chờ gặp Thu. Anh đã lượn qua lượn lại vòng quanh con lạch một vài ngày mới có cơ hội ngồi xuống băng ghế khi giả vờ đem quyển sách ra đọc. Buổi chiều hoàng hôn, ánh sáng mau tan nên Duy chỉ giả vờ chốc lát là đã phải xếp sách lại. Thu bật cười khúc khích, giọng cười thủy tinh vang lên dòn tan trong khung cảnh im vắng tạo nên một âm thanh thật vui tai: Làm sao anh có thể đọc sách giờ này được chứ, trễ mất rồi! Duy mừng rỡ, ngẩng đầu sang chăm chú nhìn Thu cho rõ hơn, vì mặc dù đi qua đi lại bao nhiêu lần anh vẫn không có cơ hội quan sát thật kỹ. Thu hay ngồi im, mắt nhìn xa xa, đăm chiêu, buồn buồn như người mang tâm sự nên ít khi nào Duy dám gợi chuyện. Không ngờ cô lại có giọng cười tinh khiết và vui tươi như vậy trái hẳn với cái nhìn buồn buồn trong ánh mắt. Anh cười theo, Biết là trễ nhưng nhờ vậy mới dám ngồi xuống đây với cô, tôi tên Duy, còn cô? Qua những thông lệ thăm hỏi thường tình, hai người đã trao đổi cho nhau để biết rằng Thu cũng sống ở gần đây, nàng đã có chồng, nhưng chưa có con nên còn thì giờ rảnh rổi mỗi chiều ngồi trên băng ghế đợi hoàng hôn. Duy hơi thất vọng vì lòng vẫn mong cơ hội quen biết với một người đàn bà đẹp độc thân. Nhưng nỗi thất vọng ban đầu từ từ thay đổi bằng một niềm cảm thông mới mẻ, trong sáng của hai tâm hồn cô đơn cần người tâm sự. Dĩ nhiên trong thâm tâm Duy vẫn có những mơ ước của một người đàn ông khi gần gũi với một người đàn bà đẹp, duyên dáng nhưng anh cũng đã vui nhiều với những tâm sự hai người chia sẻ cho nhau. Trong tình thân mới chớm của cả hai, Thu và Duy đều giữ một ngăn cách cần thiết không cho nó đi quá xa hơn tình bạn mặc dù giữa đàn ông và đàn bà thì khoảng cách này thật khó định nghĩa.

(Còn tiếp ) 

NTYT 21062011
 

No comments:

Post a Comment