Sunday, January 1, 2012

ĐẦU NĂM KHAI BÚT: KỂ CHUYỆN CHÓ





Năm 2012 vừa đến, nhưng năm con Rồng thì chưa tới, và năm con Mèo thì vẫn còn. Tôi không định viết về Rồng hay Mèo nhưng lại viết về Chó. 

Lý do tôi viết về Chó không phải vì đầu năm nói chuyện chó để lấy hên, mà bởi vì, con chó nhà tôi cứ lanh quanh, lẩn quân bên chân, có lúc thì lại chạy trốn ở một góc khuất, vẻ mặt đượm nét sợ hãi, đuôi thì cụp xuống.. do tiếng pháo bông đón giao thừa đang vọng lại từ xa. 
Nó có tên là Pantalaimon, cái tên được chọn bởi cô con gái của tôi, cho nên tôi không biết cái tên nầy có nghĩa gì, hay chỉ là cái tên để gọi vậy thôi!? 
Pantalaimon, giống đực, nhưng đã bị “tước quyền làm trai”, như hầu hết các chú cẩu nam nhi khác. Pantalaimon có lông màu đen bóng toàn thân, không có một chút pha trộn màu sắc nào khác. 

Tôi thì luôn tin tưởng, mọi thứ xảy ra trong cuộc sống nầy đều là do cơ duyên mang lại, chuyện chúng tôi có được Pantalaimon cũng bởi những ngẫu duyên. 
Trước đây mấy năm, chúng tôi có con Lucky, lông nó cũng màu đen nhưng lại có điểm vài đốm trắng. Lucky đã trải qua những chuỗi ngày già, bệnh và đã qua đời, bởi chứng ung thư đường ruột, ở tuổi 13. 
Ngày nó chết, chết trong vòng tay của con gái tôi, con gái tôi khóc đến mấy hôm liền, thương quá cho nên xin phép để được chôn nó, trong một khoảnh đất nhỏ, dành để trồng hoa sau vườn, chứ không đem hỏa táng như những trường hợp thông thường khác. 
Cái chết của con Lucky đã cho phép tôi rảnh rỗi một thời gian. Nhưng vài tháng sau, cô con gái của chúng tôi lại quyết định tìm nuôi một con chó khác. Không vui, nhưng vì chìu lòng đứa con gái, vì chúng tôi đi làm thường xuyên cho nên cháu cần có chó để làm bạn lúc ở nhà một mình, chúng tôi đành chấp nhận cái quyết định đó! 

Trước khi gặp Pantalaimon, con gái tôi đã tìm được một chú cẩu khác trên mạng, với bộ lông xù màu vàng kim trông rất đẹp, chừng vài năm tuổi, đã trải qua 2 khóa huấn luyện cơ bản, được “tước bỏ quyền làm trai” cũng như chích ngừa và đã gắn chip chứa đựng “lý lịch trích ngang” đầy đủ. 
Chúng tôi xem qua hình và những tin tức như vậy thì bằng lòng ngay, cô con gái tôi liên lạc với chủ nhân, mọi thỏa thuận đã đạt. Người chủ hứa sẽ mang cậu ta đến tận nhà của chúng tôi vào ngày hôm sau, vì họ ở một nơi rất xa. 
Ngày hôm sau, trời nổi cơn giông bão cho nên  người chủ đã gọi điện thoại lại và báo cho biết, không thể giao chó được. Mấy ngày tiếp đó, người ta lại gởi điện thư xin lỗi, vì nơi họ ở, nước còn ngập nặng, cho nên xin hủy hợp đồng. Mặc dầu chúng tôi tỏ ý chịu chờ,  nhưng người chủ cũng không hứa chắc!?

Cô con gái chúng tôi tiếp tục lướt mạng, tìm vài chỗ khác, tất cả đều không có kết quả, vì lý do nầy hay là lý do kia. Cuối cùng thì gặp được Pantalaimon, Pantalaimon đến với chúng tôi như một cơ duyên, vì thật bất ngờ! 
Pantalaimon có 5 anh chị em, chúng có nhiều màu lông khác nhau, nhưng cô con gái chúng tôi lại chọn cái cậu màu đen này. Mà quả thật, chúng tôi cũng thích màu đen, người ta thường gọi là chó mực, rất tốt, được nghe truyền miệng như thế từ người xưa!?
Pantalaimon không thuần chủng mà là kết hợp của 2 dòng máu, một dòng là Labrador (chó dẫn đường cho người khiếm thị) và dòng kia là Kelby (chó chăn trừu).


Nhờ dòng Labrador nên hiền lành và thông minh, Pantalaimon  ngủ trong  nhà suốt đêm  hay có những hôm cho nó ở trong nhà suốt ngày, một mình, mà không bao giờ  nó đụng tới một món gì cả. Khác với con Lucky ngày trước, thấy thứ gì cắn thứ đó, quần áo phơi trên cao mà nó cũng nhảy chồm lên, lôi xuống.  Có lẽ Lucky mang dòng máu của Kelby trội hơn Pantalaimon đấy chăng?
Pantalaimon cũng năng động nhưng không phá phách  nhiều, nó có tài bắt banh rất chính xác và thích duy nhất có mỗi môn nầy mà thôi!
 

Lúc trước, Pantalaimon  ít khi nổi giận, kể cả những lúc, mấy chú chim mỏ vàng,  lao xuống sát lưng nó, kêu lên những tiếng, dường như là muốn chọc ghẹo hay tệ hơn nữa là cắn mổ trên lưng nó. Mỗi lần như thế, Pantalaimlon  chỉ đứng, hay chạy theo, vẫy đuôi mừng, ngước nhìn mấy chú chim đang đậu trên cành cây hay trên mái nhà, vẫn còn tiếp tục phát những tiếng kêu như trêu chọc, như  thách thức Pantalaimon vậy.   
Nhớ lại, lúc Lucky còn sống, nó rất ghét và rất bực mấy con chim mỏ vàng, trêu chọc nó như vậy. Nó giận lên, chạy đuổi mấy chú chim, xô ngã mấy chậu cây, chậu hoa cũng như  sủa lớn tiếng, làm láng giềng than phiền,  khiến cho chúng tôi phải  bực tức theo. Nhưng đáng thương nhất là mấy cô chú bồ câu, chim bồ câu thì hiền lành, chậm chạp cho  nên cứ bị Lucky cắn chết thường xuyên. 

Vợ chồng chúng tôi xem đây như là một bài học bổ ích trong cuộc sống, đó là, dẹp được “sân” thì sẽ có được niềm vui, cho mình và cho mọi người chung quanh. Và nghiệm ra rằng, “sân” chỉ gây hại cho những người hiền lành khác mà thôi!? 

Mấy lúc sau nầy, con gái tôi lại không chịu cho Pantalaimon ăn những đồ ăn đóng hộp và thức ăn bán sẵn, vì nghe nói là không tốt cho sức khỏe, nên đề nghị cho Pantalaimon ăn những thức ăn của mình nấu. Tuy nhiên, phải kiêng kỵ một vài thứ  như gia vị, xương nấu chin v.v...
Có khi chúng tôi ăn chay dài hạn cho nên Pantalaimon cũng thường xuyên được cho ăn chay theo. Thấy nó ăn ngon lành, vợ tôi bảo rằng, chắc là nó có “căn” tu, và tôi cũng nghĩ có thể là như vậy.

Thế mà, thời gian gần đây, Pantalaimon lại đổi tính, rất dễ nổi “sân”, với mấy chú chim, chẳng khác gì Lucky hồi trước. Nó đánh mất cái tâm “an lạc” từ hồi nào không biết nữa!? 
Chúng tôi lấy làm lạ, không thể lý giải được lý do tại sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy. Phải chăng, như người ta thường nói, tu nhiều thành ra “đổ nghiệp” như vậy hay không!?
Bây giờ, chúng tôi cũng lại bị “đổ nghiệp” theo với Pantalaimon nữa đấy!?
Có lẽ là do “cộng nghiệp” đây mà!?
 

Thêm một chuyện khác nữa, Pantalaimon luôn bực tức mỗi khi nghe tiếng máy cắt cỏ, tiếng máy thổi lá cây. Nó bực tức đến độ, sủa thật lớn tiếng và cứ nhảy nhảy chồm tới, như muốn dập tắt ngay những tiếng nổ nầy. Thế mà, tiếng pháo bông văng vẳng từ xa, thì nó lại sợ đến nỗi cụp đuôi, mặt mày lấm la lấm lét, dớn dát tìm chỗ khuất mà trốn . 
Thật tình, không thể nào lý giải cho được câu chuyện lắc léo nầy. Tiếng nổ trong nhà thì nó lại không sợ mà còn hùng hổ muốn dập tắt, trong khi đó, tiếng pháo từ xa tít đâu đó thì nó lại sợ sệt đến độ thật tội nghiệp!?
Lắm người nói với chúng tôi rằng, mấy con chó nhà họ cũng giống y như vậy, và họ đưa ra nhận xét là:
-         Thính giác của chó rất tốt, có tài ngửi được nhiều mùi, nó ngửi được mùi pháo bông, dù thật xa, thành ra nó đâm ra sợ hãi đến độ như thế!
-         Mùi gì mà lạ vậy!?
-         Không rõ là mùi gì, chỉ có chó mới ngửi được cái mùi đó mà thôi!
-         Lý do gì mà họ tạo ra cái mùi như vậy?
-         Lúc đốt pháo mà lại nghe tiếng chó sủa thì làm hỏng mất cái không khí trang nghiêm đi, cho nên họ mới tạo ra một hợp chất có mùi cho riêng chó, khiến nó phải sợ mà câm mồm, cụp đuôi chạy trốn. Người Trung Quốc quả thật rất thông minh!? 
Chúng tôi chẳng biết, có phải sự thật đúng là như vậy hay không!?


Ngày đầu năm 2012 

Đinh tấn Khương
__________________________________________________

2 comments:

  1. Đầu năm khai bút một bài thật ý nghĩa . Cám ơn tác giả . tôi cũng có nuôi 2 con chó nhỏ .... quả đúng vậy , giống chó rất sợ tiếng pháo nổ .. Nghe là cụp đưôi cuống cuồng chạy trốn .. ??

    Đời nay , nói chuyện Chó ngẫm chuyện người , rất nhiều người dù hung dữ , cấu xé đồng loại không nương tay , nhưng lại sợ tiếng nổ vô cùng , nên mới có chuyện cuối gầm mặt , chịu đựng mọi điều tưởng như vô cùng phi lý ...

    Hy vọng năm mới 2012 , sẽ có những thay đổi mới mẽ hơn . bớt đi những "SÂN" cho thú vật và đời nhiều người bớt khổ .

    ReplyDelete
  2. Cám ơn A/?C đã đọc bài viết và cho nhận xét. Xin được ghi nhận bằng một tấm lòng!
    Thân kính
    đtk

    ReplyDelete