Monday, March 31, 2014

Món ngon Bình Định

Huy Nguyễn

Photograph by Tho Le Duc, My Shot

Tôi có một ước mơ bình thường nhưng cháy bỏng là làm sao đi khắp mọi miền đất nước. Từ tuổi đôi mươi, khi nào có điều kiện là tôi  đi đến những vùng đất dù lạ hay quen của đất nước để quan sát, tìm hiểu. Đến nay, ở tuổi sáu mươi, đã về hưu nghỉ, tôi tận dụng thời gian, sức lực để được đi, khi có điều kiện vật chất (chủ yếu là tiền bạc). Tôi cũng đã đi được nhiều. Vài lần tới Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh...những tỉnh địa đầu phía Bắc.
Nhiều lần đến Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp...những tỉnh vùng biên phía Nam. Nhưng cũng chỉ là kiểu cỡi ngựa xem hoa, vì thường đi theo những đoàn tham quan, nhiều nơi đi qua, có khi nửa đêm mới tới, ngủ ở khách sạn, rồi sớm mai đi tiếp. Đi thế thì không biết được nhiều, nhưng có còn hơn không! Và trong phần đời còn lại, tôi sẽ cố gắng đi nữa. Điện Biên, Hà Giang chưa biết; Khe sanh, Hà Tiên chưa từng..., phải đi để mà biết, để thấy đất nước mình đâu cũng đẹp và đáng yêu!

Tôi cũng có một ước muốn nhỏ hơn, tâm nguyện phải thực hiện cho bằng được. Là người Bình Định, tôi muốn đi đến mọi nơi của từng xã, từng huyện trong tỉnh mình. Điều đó tưởng đơn giản, nhưng cũng không dễ dàng  thực hiện. Tâm lý bình thường của mỗi chúng ta là thấy những vùng đất của quê hương, từ tên gọi đến con người và cảnh vật đều rất quen thuộc, tưởng chừng biết cả rồi, nhàm chán quá, có gì mà phải đến nhìn ngắm, tìm hiểu. Không phải vậy đâu! Với chiếc xe máy, tôi muốn đi khắp các ngả đường trong tỉnh, tới các địa phương vừa quen, vừa lạ của quê hương mình để nhìn ngắm, nói dăm ba câu với những người dân ở đó, uống một chút rượu ngon, ăn một ít đặc sản (dù rất quê mùa, dân dã) của vùng đó...Được trải lòng với quê hương thì sung sướng biết bao!

Về thành phố Quy Nhơn, ta có điều kiện thưởng thức các món ăn đặc sản biển và núi rừng. Ở đây các nhà hàng sang trọng và cả các quán nhậu bình dân sẵn sàng phục vụ thực khách đủ loại món ăn tuỳ theo sở thích. Đến Tuy Phước, ta có thể ăn bánh hỏi Diêu Trì, bánh xèo Mỹ Cang, thưởng thức nem Chợ Huyện với ly rượu Bầu Đá, chả cuốn Gò Bồi.

Mỗi lần có dịp đi Phú Phong (Tây Sơn), tôi không quên tìm đến món gié bò, tiếp đến là chim mía nướng hoặc quay. Đây là những loại đặc sản nổi tiếng trên đất võ Tây Sơn. Món cá lúi sông Côn kho nghệ hoặc chiên dòn dân dã nhưng rất ngon . Trên đường đi Hầm Hô, có thể ghé  Phú Mỹ ăn món trứng kiến vàng. Người dân ở đây vẫn dùng trứng kiến làm món nộm, kho với dưa cải hoặc nấu canh.

Thị trấn Bình Định bây giờ đã lên thị xã, phố xá đông vui, các món ăn sang hèn có đủ, nhưng ít thứ mang tính đặc trưng. Đất An Nhơn nổi tiếng với rượu Bầu Đá, rượu Tân Dân, nhưng có những thứ đặc sản gì nhỉ? Tôi chỉ biết món gỏi cá diếc ở Đập Đá. Hôm nào đi Phù cát, tôi phải đến Thạch Bàu (Cát Hiệp) ăn thử món gỏi đa đa, mắm cà Soi Duyên (Cát Hiệp), nếm thử rượu nếp của Hội Sơn (Cát Sơn). Vùng cửa biển Đề Gi nổi tiếng với cá chua nấu lá giang, món chả cá thu thuần chất và mắm cá thu thơm ngon.

Về các huyện vùng cao như An Lão, Hoài Ân, các bạn nhớ tìm ăn món cá niên nướng chấm với muối tiêu chanh, xem thử nó ngon thế nào? Cá niên còn được gọi là cá đại gia, thường xuất hiện vào mùa hè, sống trong dòng nước chảy xiết. Câu khó, giá cao (trên dưới 200.000$/kg), người dân ở đây ít dám ăn mà thường dồn bán cho thương lái đem về các nhà hàng đặc sản.

Theo quốc lộ 1A đi về hướng bắc đến Bình Dương ăn bún tôm, đến  đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ), thuộc huyện Phù Mỹ sẽ được thích thú, no nê với món gỏi chình. Gỏi chình bông được giới sành ăn ưa thích vì thịt ngon ngọt hơn. Ngoài ra còn có món chình (phải là chình mun) nấu ám. Nấu ám là nấu ninh chình với các gia vị, rất ngon, hấp dẫn. Tôi đã xuống vùng biển Mỹ An để  ăn thứ mắm nhum hiếm có. Xuống Mỹ Thắng để thưởng thức  món gỏi cá Phường Mét. Gỏi cá thường dùng cá cơm, cá thu, cá rựa... xắt nhỏ lạng bỏ xương (trừ cá cơm) ướp với nước mắm ngon và gia vị, nhúng vào lẩu nước dấm, nước dừa đun sôi rồi vớt ra bát ăn với rau mùi, bánh tráng. Đến những vùng này, nhớ tìm món ốc vú nàng luộc chấm muối tiêu có nặn chút chanh. Ngồi ở đất biển, ăn đặc sản của biển, uống chút rượu quê hương (Trung Thứ, Mỹ Chánh), còn gì thú vị hơn!

Về Hoài Nhơn, bạn có thể đến Hoài Châu thưởng thức món gỏi cá diếc, ăn thấy ghê ghê (vì cá còn sống nguyên), nhưng cứ nhai kỹ, nuốt vào cùng ly rượu ngon thì cũng là tuyệt vời đấy! Vùng này còn có món bún dây dân dã nhưng ăn cũng thấy mê. Đến Tam Quan xứ dừa, uống nước dừa mát rượi. Mắm thu Tam Quan nổi tiếng khắp Đông Dương từ hàng trăm năm qua. Ngoài mắm thu danh bất hư truyền, Tam Quan còn có bánh tráng nước dừa độc đáo. Bánh được tráng bằng nước dừa và xác cơm dừa với bột gạo hoặc mì, có thêm mè hạt và hành, tiêu, nướng ăn chín, có mùi vị béo ngậy, mặn mà, thơm ngon....

Ở trên, tôi xin mạn phép điểm qua các món ngon Bình Định theo bước chân đi qua các vùng miền. Làm sao nói hết được trong bài viết ngắn này. Trong chiều hướng đó, tôi thường đọc, tìm hiểu về cảnh vật và đặc sản của Bình Định. Tôi cũng đã có những bài viết trên báo, giới thiệu về đặc sản BĐ như Nem Chợ Huyện, Bánh tráng Trung Thành, Gỏi hàu.... Tất cả xuất phát từ tấm lòng yêu quý quê hương!

HN (
Blog Nguyễn Huy)

________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment