Saturday, August 16, 2014

Chén Nước Mắm và Bao Vải Bột Mì

Trần Mộng Tú



Sang Mỹ cả gần bốn mươi năm rồi, thế mà mỗi lần dọn cơm lên bàn cho chồng con tôi vẫn lúng túng với chén nước mắm. Hôm nay có cần không? Bao giờ nhìn bữa ăn dọn ra, cũng chần chừ giữa có và không một phút. Cuối cùng thế nào cũng phải rót một chút nước mắm vào cái chén nhỏ, đặt giữa bàn. Có khi suốt bữa ăn không ai chấm vào, nhưng không có nó, hình như bữa ăn chưa gọi được là hoàn tất. Dù sau này các con đã ra riêng, chỉ có hai vợ chồng, đã bỏ thói quen ăn mặn, thế mà chén nước mắm vẫn luôn luôn hiện diện trong bữa ăn.

Thập niên đầu, khi các con còn nhỏ chưa dùng nước mắm chấm trong bữa ăn thì tôi còn cha mẹ. Cha mẹ ăn cơm bao giờ cũng có chén nước mắm, chanh, ớt để bên cạnh như một thói quen, một điều ắt có như cái bát, đôi đũa vậy. Dù bất cứ hôm đó ăn món gì, có cần đến nước mắm chấm hay không?

Rót chút nước mắm ra cái chén nhỏ, mùi thơm mằn mặn bốc lên, như ngửi thấy cả quê nhà, sao mà nó gợi tình, gợi cảnh thế, nó Việt Nam quá đỗi. Không có chén nước mắm, bữa ăn không gọi là đầy đủ được và lại càng không phải bữa ăn của một gia đình Việt Nam. Đĩa thịt, đĩa cá, bát canh, đĩa xào, bầy đầy bàn. Nhìn đi, nhìn lại, vẫn như thiêu thiếu một cái gì? À, thì ra thiếu chén nước mắm. Thế là chưa ngồi xuống ghế được.

Ai đó cất tiếng:

- Chưa có nước mắm.

- Hôm nay, có món nào cần chấm đâu.

- Sao lại không, cứ mang nước mắm ra đây, thế nào cũng cần đến.

Thế là người đi tìm chén rót nước mắm, người đi kiếm chanh ớt đem ra. Chưa có chén nước mắm, bữa ăn chưa bắt đầu. Chén nước mắm sao mà quan trọng thế!

Trong những truyện viết về quê nhà nghèo khổ, bao giờ mâm cơm nhà nghèo, không có thịt cá gì, cũng được tả bằng chén nước mắm để cạnh đĩa rau cho cả nhà cùng chấm vào ăn với cơm hẩm. Chén nước mắm là phần bổ dưỡng nhất cho cả nhà vì nó có chất đạm từ cá. Nó giúp cho miếng rau trở nên đậm đà để miếng cơm hẩm dễ ăn hơn.

Chén nước mắm đó nhiều khi được chắt ra từ một cái tĩnh nước mắm đặt ở trong bếp, hay ngoài mái hiên nhà. Tĩnh nước mắm mẹ làm bằng những con cá cha đánh lưới đem về. Những con cá nhỏ sót lại sau khi đã lựa những con cá lớn mang ra chợ bán để mua gạo, mua vải may quần áo, mua thuốc đề phòng ốm đau.

Đôi khi chén nước mắm đó là chén cuối cùng làm ra từ những con cá cha đem về. Vì lần đi biển vừa qua cha đã không trở lại bờ nữa. Cả nhà chấm chung chén nước mắm đó thì làm sao mà quên được. Nếu một người nào đó trong gia đình, thoát được cảnh cơ hàn, có đời sống khá giả hơn, ăn những món ngon hơn, chắc đôi khi hồi tưởng lại, khó lòng mà quên được cái chén nước mắm ngày xa xưa đó. Những giọt nước mắm thơm và mặn như những giọt lệ.

Sống đời văn minh, phú quý nên sinh lễ nghĩa. Bây giờ trong gia đình ăn cơm chung với nhau, rất nhiều nhà không còn chấm chung một chén nước mắm nữa. Không biết từ bao giờ, người ta nhiễm thói quen, chén nước mắm của ai người đó chấm, chấm chung không lịch sự, không vệ sinh dù là giữa những người trong một gia đình.

Từ chỗ riêng tư này chén nước mắm thành ra lạc lõng, nó không được đặt ở giữa bữa ăn nữa, nó mất hẳn cái đia vị quan trọng cho bữa ăn của cả gia đình. Chấm chung một chén nước mắm mới thấy cái ấm cúng, cái tình chia sẻ trong bữa ăn. Chỉ có mâm cơm của người Việt mới có chén nước mắm. Nói không ngoa, chén nước mắm nhất định góp phần làm nên văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Từ chuyện ăn sang đến chuyện ngủ. Tôi nhớ ở quê nhà, anh, chị, em, trai gái, lên bốn, lên năm thường được ngủ chung với nhau, có khi đến bảy, tám tuổi vẫn ngủ chung giường. Gia đình khá giả một chút thì có phòng riêng cho con trai, con gái, nhưng vẫn không có chuyện mỗi người một giường.Với gia đình nghèo, khi còn bé, anh chị em đều nằm chung giường không phân biệt trai gái. Nghèo hơn nữa thì cả cha mẹ và con cái nằm chen chúc ngủ với nhau trên một cái giường trong gian nhà một phòng. Mùa hè quạt cho nhau, mùa đông ủ hơi ấm cho nhau. Chuyện ngủ như thế thì chuyện ăn, chấm chung môt chén nước mắm là lẽ đương nhiên.

Những cô cậu của thời chấm chung chén nước mắm, anh chị em nằm chung một giường này, khi đi xa họ có bao nhiêu điều để nhớ. Nhớ lúc ăn thì phải nhường từ miếng cơm, phải nhịn từ giọt nước chấm. Lúc ngủ chị co người lại nhường chỗ cho em nằm, anh chịu lạnh nhường chăn cho em đắp. Kỷ niệm mặn và ngọt ùa vào đời sống, theo họ mỗi ngày, nhắc họ bổn phận phải bù ngang, đắp dọc, sống sao cho đời sống có ý nghĩa hơn.

Chuyển sang đời sống Âu Mỹ hiện tại, mỗi người phải có một phòng riêng. Nhất là trẻ em, trai và gái, chúng không phải chung phòng. Ngay cả những người xin hưởng trợ cấp nhà cửa, nhà nước cũng xếp cho một căn nhà có đủ phòng cho các em khác phái tính. Các em được học từ nhỏ: Cái này là của tôi, không phải chia với ai cả. Sự riêng tư phải được tôn trọng.

Căn buồng nhỏ của cậu bé hay cô bé là chỗ riêng tư, không ai có quyền được bước vào. Muốn vào, phải gõ cửa, phải xin phép mới được vào. Vào rồi, cũng không được nhìn với cặp mắt kiểm soát. Ngay cả bố mẹ chỉ làm việc này khi con không có mặt ở đó. Khi ăn thì miếng ăn nào đã chạm tay vào là phải cầm lên, không được đặt xuống, miếng nào đã bỏ vào đĩa mình không gắp sang đĩa người khác dù thân đến đâu.

Ăn riêng, ngủ riêng, mỗi con người trưởng thành có một ốc đảo cho riêng mình. Có buồn không nhỉ? Có người cho rằng, như thế là dậy đứa trẻ đời sống văn minh, kỷ luật và tự lập. Nhưng đôi khi, sự ích kỷ cũng đi theo nó. Chẳng biết ở những vùng thôn quê Âu Mỹ, người ta sống thế nào nhỉ. Có cái gì chung đụng mỗi ngày để làm hành trang nhét vào túi trên đường tha hương không? Khi trưởng thành nơi xa lạ, có gì để nhớ?

Có chứ, chồng tôi lớn lên ở nông trại Mỹ, thuộc vùng Dillon bang Montana (1949-1957) Anh kể cho tôi nghe về chuyện đi học. Từ lớp một đến lớp năm học trong một phòng học (One-room school). Mấy nông trại liền nhau chỉ có một cô giáo. Học trò nào may mắn ở trong nông trại có lớp đó tọa lạc thì không phải đi xa, còn những trò ở nông trại khác cũng phải dậy từ sáng tinh mơ để đến trường, học mấy tiếng và khi về thì trời cũng sắp sang chiều. Khi các con lớn lên, nhiều gia đình gửi con ra tỉnh học, hoặc bán trại đi như trường hợp gia đình chồng tôi, vì họ biết là họ sẽ có việc làm ở tỉnh (Mẹ chồng tôi là Trung Úy Y Tá thời Đệ Nhị Thế Chiến).

Những thầy hay cô dạy ở “Một phòng học cho cả trường” đó chắc chắn sẽ được học trò của mình nhớ đến khi họ đi xa, họ đã trưởng thành. Có khác gì lắm đâu với những lớp học của Thầy Đồ ngày trước ở quê nhà Việt Nam.

Thời Suy Thoái Kinh Tế Thế Giới (Great Depression 1929-1939) những bà mẹ Mỹ ở nông trại đã biết truyền tay nhau những công thức nấu ăn không có muối, làm bánh rất ít đường. Biết mỗi chủ nhật, mọi người mang thức ăn đến nhà thờ ăn chung với nhau để người có nhiều hơn chén đường, muỗng muối chia sẻ cho người không có chút muối, đường nào (Do đó có chữ pot luck).

Những bà mẹ Hoa Kỳ khôn ngoan còn biết dùng bao bột mì, bao thực phẩm gia súc may quần áo cho con mặc đi học. Họ nói người chồng nông phu của mình đòi hỏi nơi bán bột mì, bán thực phẩm cho gia súc phải in hoa vào bao thì họ mới mua. (Nên những xưởng bán thực phẩm đã cho in hoa vào những bao vải). Tiền bạc vào thời kỳ khủng hoảng đó rất khó khăn nên công thương, nông nghiệp phải nhượng bộ với nhau.

Trong cái trường chỉ có một phòng học đó có nhiều em thấy mình mặc quần áo giống bạn (dù không phải là đồng phục) nên các em hiểu thế nào là cùng chung sự thiếu thốn.

Hóa ra ở đâu những nông gia, những người nghèo cũng có những nét đáng yêu trong đời sống khổ cực. Đôi lúc làm vườn, nhớ đến quê nhà tôi hay nghêu nghao câu hát:

Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còm tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày
Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
(Quê nghèo - Phạm Duy)

Đôi lúc tôi nghe chồng tôi kể chuyện nông trại ở quê nhà, ngày còn trẻ, tôi cũng nhớ đến câu hát của anh học trò nghèo:

When I was just a youngster and hardly in my teens
I went to school on many a day with my faded old blue jeans
The patches they were many the seat was all thread bare
But a poor girl didn’t notice and a poor boy didn’t care
(Life of a poor boy - E.C McCarty)

Từ chén nước mắm trong mâm cơm Việt Nam đến những chiếc áo may bằng bao bột mì trong nông trại Mỹ là một chặng đường thật xa nhưng cho tôi nhìn thấy cái đẹp của sự chung đụng chia sẻ ở nơi nào cũng giống nhau. Nhất là cái chung trong hoàn cảnh túng nghèo. Cái đẹp đó đi vào văn chương và âm nhạc rung động mình suốt cả một đời.

Trần Mộng Tú

(Tháng 5/2014)

No comments:

Post a Comment