Sunday, December 15, 2013

Những Giọt Trăng

Tùy bút Vũ Hoàng Thư



Nơi tôi trọ, căn gác quay mặt về hướng tây. Khung cửa sổ mở ra những chân đồi chạy thẳng vào phía núi ở xa. Một vài hàng thông đây đó sừng sững trong những sáng sương mù. Như là Đà Lạt của tôi, mộng mị trí nhớ xa xưa của một thuở thiếu thời đến thăm cao nguyên. Buổi chiều mặt trời lặn sau núi, ráng đỏ ối, Trường Sơn lại hiện về, cao tắp và tím thẫm cho đến khi làn ranh giữa đỉnh núi và trời là một màu xanh tím huyền hoặc. Đôi khi vài gợn mây đỏ vắt ngang nhắc nhở ánh dương đang đà thoi thóp. Ngày qua và hoàng hôn nhớ nhà... 


Cũng từ khung cửa sổ đó, vài khi có tiếng rung đánh thức tôi dậy giữa đêm hay nửa đêm về sáng. Lại cũng có khi tôi chợt thức không lý do. Tôi chỉ biết trong chớp mắt, một vầng trăng thật sáng và tròn đang đứng chếch bên cửa sổ nhìn tôi. Giác lai bán sàn nguyệt, tỉnh giấc đã thấy nửa giường trăng, tôi thấy hiên thu của Bạch Cư Dị đang phủ bằng những chiếc lá rừng của Phạm Duy khi nửa đêm trăng đến đứng chờ ngoài hiên. Chờ ai nhỉ ? Trăng chờ người? Người chờ trăng? Hay trăng chỉ là một cái cớ cho người chờ người ? Tôi không biết trăng đang cười hay nghiêm nét mặt vì lắm khi tôi chỉ thấy một chiếc lưỡi liềm e thẹn khiêm nhường bên những chòm sao.

Đêm sâu thẳm, vành trăng khuyết lơ lửng phía trên cây bơ già đã chết sau vườn, nhớ Tô Đông Pha và sự tương phản trong câu thơ của ông, Khuyết nguyệt quải sơ đồng. Vành trăng non vắt vẻo trên cành ngô đồng đã rụng lá. Chỉ tiếc tôi thiếu một cây ngô. Khuyết nguyệt là vành trăng mới lớn, tràn đầy hứa hẹn của cô gái xuân thì. Sơ đồng là lão già trơ trọi cuối mùa, hắn chỉ còn những cành trơ. Một bên là khởi đầu cho một chu kỳ mới, bên kia là tàn rụi của một kiếp đời. Ghép cô gái với lão già thì thật là oái oăm! Nhưng có thật vậy chăng ? Khuyết nguyệt quải sơ đồng mở ra một mùa thu đang chớm. Trăng non đang sắp sửa đến độ tròn, tròn trịa như rằm Trung Thu. Ngô đồng đang thay lá chờ mùa xuân trước mặt. Tháng tháng, trăng tròn rồi lại khuyết, hàng năm cây cối đổi lá đâm chồi. Trong dòng đời lai láng ấy, tôi thấy có người trẻ, kẻ già mà thật sự là hai cô gái mặc hai sắc áo đang đứng với nhau, thấy vậy mà không phải vậy. Nào có gì là oái oăm, có chăng cái “thấy” của tôi oái oăm?  

Cũng có đêm thức giấc, tôi ngước mắt tìm, mảnh trăng không ở bên triền cửa sổ. Tôi vùng dậy, đến sát cửa đảo mắt quanh. Không có trăng, chỉ có bầu trời đêm lóng lánh ngân hà. Tôi sực nhớ, có lẽ cuối tháng âm lịch, trăng vắt vẻo trên kia khi tôi còn bận rộn với chuyện cơm áo trong dòng ngày thác lũ nơi cao ốc, của máy điện toán bù đầu, của xa lộ kẹt xe, vân vân và vân vân. Mảnh trăng vẫn ở đó, trên cao, tôi nào có thấy. Hay đúng hơn, mảnh trăng thực tại vẫn có đó nhưng lại biến mất dưới mắt của tôi, thậm chí liệu tôi có chút thì giờ để tự hỏi bây giờ trăng đang ở đâu?

 Đó là trăng có thành không. 

Có hay không, nói đúng hơn, thấy hay không thấy, trăng luôn luôn là người bạn thiết đưa đường cho tình nhân. Họ tìm đến nhau khi trăng lên và giã từ khi trăng tàn. Trăng ngã về tây, Thôi Oanh Oanh phải tống biệt chàng Trương ở mái hiên tây, Roméo vội vã leo tường bỏ lại Juliette còn rạo rực bên gối nồng. Trăng lặn, tình xa hay tình tạm ngưng cho đến đêm mai, cứ thế hẹn nhau cho hết những mùa trăng... 

Trăng treo lơ lửng mà ta không thấy, trăng thành không. Thế rồi, bối rối của biệt ly làm phân tâm, khi tình trăm mối ngổn ngang, một con trăng có thể biến ra làm hai, hay làm ba làm bốn không chừng. Khi Kiều chia tay với Thúc Sinh ở Lâm Chuy, một trăng biến thành hai : 

Vầng trăng ai xẻ làm đôi 
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường 

Trăng bây giờ của Kiều có chia cách, có nhớ nhung. Trăng không còn là một vệ tinh quay đều quanh trái địa cầu như là một thực tại khách quan nữa. Trăng bị “xẻ” trong giây phút này để thành “trăng của  thiếp” và “trăng của chàng”. Cùng một lúc trăng có mặt ở hai không gian, vừa soi nỗi cô đơn trên mặt gối vừa dõi theo bóng ai trên đường lộ xa xăm. Mảnh trăng trên mép bờ tâm lý trở thành không thực, biên giới của không gian và thời gian lộn nhập, một thành hai, mà trong thực tại, vẫn đó, chỉ một vầng trăng tương tư.  

Lúc đầu, trăng có mà thành không, bây giờ trăng một bỗng hóa hai : có, không trong nhau sinh thành diệu hữu. Này nhé, một đêm kia từ vườn khuya có một lão thi sĩ ngồi ngắm trăng. Trời vào thu, cây lá bắt đầu tàn, giàn mướp mới hôm hè vàng ươm ả, nay cũng không qua được lẽ vô thường, có thân giả hợp nào mà không đến hồi tan rã. Vườn khuya, hoa lụi tàn, hết còn cơ duyên đẩy đưa, ong bướm đi ngủ, vườn khuya thành vườn không. Không hoa, không bướm, không người. Lão thi sĩ quên lắng chuyện đời, ngồi xếp sách ở thư phòng. Bất chợt một giọt sương rơi ngoài song. Trong nhấp nháy của một sát na, trăng chiếu qua giọt sương, lão thi sĩ “nắm bắt” được một “giọt” trăng tà từ hạt sương long lanh. Ông ghi lại như thế này, 

Thu lạnh mướp tàn hoa 
Vườn không ong bướm qua 
Song khuya ngồi xếp sách 
Sương lóng giọt trăng tà 
(Khuya Vắng – Quách Tấn) 

Sương lóng giọt trăng tà ? Chữ lóng nói đến một điều bất chợt và đang là, cái đang xảy ra trong chớp mắt trước mặt. Trong hạt sương hiển lộ một vầng trăng ? Có thể nào ? Trăng sáng lênh láng như bất tận ngoài kia – trăng bao la. Trong hạt sương lóng lánh, trăng thu gọn vào một giọt – trăng trở thành nhỏ bé. Làm thế nào trăng vừa bao la vừa nhỏ bé ? Phải chăng Quách thi sĩ mang cặp mắt của một thiền sư, mượn trăng mà nói bóng gió về cái MỘT và cái TẤT CẢ, cái ta và vũ trụ, cái tiểu thiên và cái đại thiên thế giới. Tưởng trăng chỉ sáng soi núi đồi cảnh giới ngoài kia, ngờ đâu trăng vẫn có mặt trong một hạt sương. Trong hạt sương nhỏ nhoi không thiếu ánh trăng đang rạng rỡ bên ngoài và trăng đang rạng rỡ bên ngoài long lanh trong một hạt sương. Thanh khiết bất ngờ hạt sương nở thành đóa Hoa Nghiêm. 

Sương lóng giọt trăng tà. Ngay bây giờ, không trước, không sau. Khái niệm thời gian là khái niệm đo lường “trước”, “sau” về thế giới hiện tượng mà thế giới hiện tượng là một sự liên tục của những sát na sinh diệt liên lĩ. Như vậy hiện tượng không phải là một thực hữu riêng biệt có tự tính để có thể tồn tại biệt lập đối với các sự vật khác. Tất cả hệ thuộc và gắn bó với nhau như một bó nùi vô tận của lý duyên sinh.Thời gian chỉ là giả danh vì nó dùng để đo lường những cái mà những cái ấy lại phụ thuộc vào những cái khác trong một vòng móc xích vô tận, không thể nhận ra được đâu là móc đầu, đâu là móc cuối. Cho nên những phân biệt trước/sau, hôm qua/ngày mai, đi/đến, quá khứ/tương lai làm ta quên mất đi thực tại, đó là có một vầng trăng thật sáng ngay bây giờ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong, thấy hoa bây giờ nhớ hoa năm trước. Thấy trăng liền xẻ trăng làm hai. Loay hoay không chừng ta trở thành hai với chính mình. Ta tự đánh mất chính ta, còn có gì buồn hơn ?

Khi thời gian thôi là trước sau, khi không gian hết còn xa gần, không là một, cũng không là khác, thì trăng tối nay là trăng đêm trước, hoa năm mới nào có khác hoa năm xưa, Tuệ Trung Thượng Sĩ thấy như vậy, 

Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt 
Tân niên hoa phát cố niên hoa 
(Đốn Tỉnh - Tuệ Trung) 

Trăng rọi tối nay : trăng tối trước 
Hoa cười năm mới: hoa năm qua 
(Huệ Chi dịch) 

Như thế hàng đêm trong mùa trăng, từ khung cửa sổ trăng ghé qua với tôi. Nhiều đêm tôi không hề thức dậy, lẳng lặng trăng tà. Một đôi khi nằm mộng thấy trăng, tôi bừng tỉnh mở mắt, sương từ mái nhỏ giọt, những giọt trăng thoáng qua, tiếng rơi rất nhẹ. Rồi tôi thiếp đi trong tiếng sương. Buổi sáng thức dậy, không còn nhớ là trăng có thật hay trăng trong mộng tối qua. Chỉ một điều tôi biết chắc chắn là có những giọt trăng thoáng rơi trong đêm, đôi khi rất thực, lại có khi như mộng. Nhưng thế nào là thực và mộng, cuộc đời há không phải là một cơn mộng lớn đó hay sao?

Santa Barbara Tháng 10, 2003 
Vũ Hoàng Thư

_______________________________________________________

No comments:

Post a Comment