Monday, September 5, 2011

PHỤ NỮ Á ĐÔNG THỜI NAY VỚI KHUYNG HƯỚNG ...

 Chậm lấy chồng , sợ có con ....


Bài viết “Asia's lonely hearts - women are rejecting marriage in Asia” nói về xu hướng mới thích đời sống độc thân , kết hôn trễ hoặc không thèm kết hôn hay sinh con của phụ nữ Á Châu , đăng trên tờ Economist đầu tuần qua , đã gây xôn xao dư luận .




Tờ Economist cho rằng khuynh hướng thích kéo dài đời sống độc thân hoặc chọn hẳn lối sống này , khước từ hôn nhân , sẽ tạo ra những ảnh hưởng xã hội trầm trọng cho các nước Á Châu , nơi mà chỉ cách đây vài chụcnăm , hạnh phúc của phụ nữ được xem là gắn liền với việc “lấy chồng , sinh con ,” ngoài ra tất cả những việckhác đều được xem là không quan trọng .

Khuynh hướng muộn lấy chồng được một số thống kê chứng minh .
Một tài liệu của trang mạng http://www.cia.gov/ cho thấy tuổi lập gia đình trung bình của toàn thế giới so với thập niên 70s đã cao lên hai tuổi (từ 21 lên 23) . Tại các quốc gia công nghiệp phát triển , sự khác biệt này cao hơn: từ 22 đến 26 tuổi . Tuy nhiên tại các nước Á Châu như Nhật Bản , Ðài Loan , Nam Hàn và Hồng Kông , xu hướng này nổi bật nhất : Từ 19 đến 30 tuổi .
Tài liệu trên cho thấy phụ nữ Á Châu ngày nay còn kết hôn trễ hơn cả nữ giới Châu Âu .

Tệ hơn thế nữa , những dữ liệu dưới đây cho thấy đàn bà Châu Á không chỉ kết hôn muộn , họ thậm chí chẳng muốn kết hôn nữa .
Những ai quen với tỉ số phụ nữ độc thân là 2% tại Á Châu cách đây hơn 30 năm chắc hẳn sẽ giật mình với xu hướng hiện giờ .

Tại Nhật Bản , hơn 30% phụ nữ trên 30 tuổi chưa lập gia đình , trong số này , có lẽ đến 50% có lẽ không bao giờ kết hôn .
 Tại Ðài Loan , hơn 20% phụ nữ tuổi từ 35 đến 40 chọn đời sống độc thân , hầu hết cho biết không có ý định lập gia đình .
Tại Bangkok , 20% phụ nữ ở tuổi từ 40 đến 44 nói sẽ không kết hôn , tại Tokyo , con số này là 21%, riêng ở Singapore , tỷ lệ này đứng cao nhất ở 27% .

Mặt khác, bản tường trình sinh sản thế giới (World Fertility Report) cũng của http://www.cia.gov/, cho thấy rõ khuynh hướng sợ sinh con của phụ nữ Châu Á ngày nay .
Tỉ số sinh con trung bình của mỗi phụ nữ Á Ðông hiện giờ thụt xuống trầm trọng từ con số 5.3 của thập niên 1960 , xuống còn khoảng 1.6 cho phụ nữ Á Ðông nói chung : Hồng Kông 0.9, Ðài Loan 1.15, Singapore 1.16 , Nam Hàn 1.21 , Nhật Bản 1.39 , Trung Quốc 1.54 , Việt Nam 1.91 , so với tỉ số trung bình thế giới là 2.6 .

Dĩ nhiên ai cũng thấy “lấy chồng , sinh con” là hai sự kiện gắn liền với nhau , và khi phụ nữ chọn đời sống độc thân thì phải sinh con ít đi . Nhưng tại sao việc chậm lấy chồng , sợ sinh con của phụ nữ lại là điều đáng quan tâm ?

Trước tiên , theo các nhà dân số học , thì để duy trì dân số và giữ sự trẻ trung cho một dân tộc , tỉ số sinh con trung bình của phụ nữ phải cao hơn 2 . Nói một cách khác , người ta tiên đoán rằng , nếu xu hướng này tiếp tục bành trướng thì dân số của mọi châu trên thế giới sẽ giảm thiểu nhiều trong vòng 50 năm tới .

Thế nhưng viễn ảnh giảm thiểu dân số chưa cấp bách bằng một quan tâm khác . Ấy là mặt trái của hiện tượng đàn bà chậm lấy chồng , là cảnh đàn ông ế vợ ...
Ðây có lẽ mới chính là lý do tại sao chỉ mấy vài ngày ngắn ngủi sau khi bài viết “Asia's lonely hearts...” được đăng trên trang mạng tờ Economist , hàng trăm độc giả đã vào đọc và để lại nhiều lời... than thở .

Một độc giả ký tên Democrates76 ta thán :
“Số phận đàn ông Châu Á trong vài thập niên tới chắc chắc sẽ căng lắm đây !”

Còn độc giả ký tên GulianoSider thì phóng bút:
“Sở dĩ đàn bà thời nay không chịu lấy chồng là vì họ tự lập hơn , tự do , có nhiều lựa chọn hơn trước . Nhưng cũng có thể họ chưa gặp người thích hợp , hay là khái niệm hôn nhân của xã hội là không công bằng với họ ? Hiện tượng này chắc chắn không phải là một điều tốt ...”

Tại sao chậm lấy chồng?


Hiện tượng đáng chú ý này khiến các chuyên gia tâm lý và xã hội học đổ xô đi tìm thử câu trả lời .
Một trong những điều dễ thấy nhất , theo nhưng nhà phân tích thì đa số phụ nữ chọn đời sống độc thân là những người thành đạt hay ít ra là có công ăn việc làm và không cần kiếm một người chồng chỉ “để nuôi” mình .

Trước tiên , độc lập kinh tế mang đến cho phụ nữ nhiều tự do hơn trước , và họ bắt đầu tự hỏi tại sao lại phải lấy đại một ông nào đó để mất hết tự do . Còn nếu cảm thấy cô đơn thì cứ hẹn hò , cần gì phải lấy .
Với những phụ nữ thành đạt thì tự họ đã giỏi và đã quen chống chỏi , nên tiêu chuẩn chọn chồng vô hình trung trở nên rất khó .
Thêm vào đó , một trong những nguyên nhân chính để lập gia đình là sinh con . Nhưng khi phụ nữ ít muốn có con , thì lý do để lập gia đình không còn cấp bách nữa .
Thời gian hạn hẹp cũng là một yếu tố khiến nhiều phụ nữ chọn cuộc sống độc thân .

Cô Wendy Young , năm nay 39 tuổi , người sáng lập ra công ty phát triển thị trường tại Brooklyn , New York cho biết bà “rất say mê làm việc , và khó tưởng tượng có thể bỏ thời giờ để đầu tư cho một mối tình ” trong lúc này . Hôn nhân với bà thì lại càng là điều chưa nghĩ tới .
Ðời sống độc thân cũng đồng nghĩa với tự do .
Cô Xu Anne Lee , dân cư Singapore cho biết cô thích đời sống tự do vì muốn làm gì thì làm , đi đâu thì đi , chẳng cần bàn bạc với ai , cũng chẳng sợ làm ai phật lòng hay phải đối phó với đại gia đình phía bên chồng .
“Tại sao tôi lại phải chấp nhận sống trong cái khung gò bó của xã hội , và thu nhỏ thế giới của mình lại chỉ còn biết chồng với con thôi chứ !” Cô Lee đặt vấn đề .

Có giải pháp nào không?


Nhưng sống độc thân mãi thì cũng có lúc các phụ nữ thấy cô đơn chứ ? Không lẽ xu hướng độc thân cứ phát triển mãi thì xã hội sẽ đi về đâu ?
Ðộc giả GulianoSider của tờ Economist dự đoán rằng có lẽ dần dà tại Á châu quan điểm của xã hội về hôn nhân cần phải thay đổi , chẳng hạn không thể kỳ vọng phụ nữ có chồng , vừa đi làm kiếm tiền , vừa có sự nghiệp , vừa phải lo cho gia đình , con cái , rồi còn phải lo một lô một lốc những việc liên quan đến gia đình chồng .
 Xu hướng thích sống độc thân của phụ nữ Á Ðông quả là một hiện tượng xã hội cần được giải quyết .

Nhưng rất may không phải ai cũng bi quan .
Thôi cứ để cho những ai có trách nhiệm tìm ra giải pháp , độc giả ký tên Democrates76 của tờ Economist thì sau lời ta thán , đã tự tìm ra giải pháp cho mình , quay lại trang mạng công bố quyết định của mình :
“Không biết ai thì sao , tôi thì tôi sẽ học nấu ăn . Có thể quý vị phụ nữ bận rộn sẽ thích có ông chồng biết nấu ăn không biết chừng .”

 Hà Giang/NV

No comments:

Post a Comment